Nhạc sỹ Nguyễn Đình San: Không nên để danh hiệu "Ưu tú", "Nhân dân" mất thiêng

Đề xuất việc phong danh hiệu Ưu tú, Nhân dân cần mở rộng thêm cho một số ngành nghề khác như nhà văn, kiến trúc sư, phát thanh viên…đang gây bàn luận sôi nổi trong dư luận. PV Arttimes.vn có cuộc phỏng vấn nhạc sỹ, nhà văn Nguyễn Đình San về vấn đề này.

Nhạc sỹ Nguyễn Đình San: Không nên để danh hiệu "Ưu tú", "Nhân dân" mất thiêng - 1

Tại Quốc hội, Đại biểu Trần Thị Thu Đông (Bạc Liêu) đề nghị đưa vào trong Luật danh hiệu Nhân dân,Ưu tú cho kiến trúc sư, nhà văn, nhiếp ảnh gia... 

Không nên mở rộng đối tượng 

PV: Thưa nhạc sỹ, nhà văn Nguyễn Đình San, xin ông cho biết quan điểm về đề xuất việc mở rộng phong các danh hiệu Ưu tú và Nhân dân thêm cho một số nghề nghiệp khác như nhà văn, kiến trúc sư, phát thanh viên… ?

NĐS: Trước hết, là một văn nghệ sỹ, tôi rất cảm ơn những vị ĐBQH đã quan tâm, trân trọng công việc của những người lao động sáng tạo như nhà văn, kiến trúc sư, phát thanh viên… Nhưng có lẽ vị nào đó đưa ra đề xuất mở rộng đối tượng để được nhận các danh hiệu Nhân dân và Ưu tú đã không biết rõ là Chính phủ đã tôn vinh và trọng thưởng giới nhà văn bằng các giải thưởng Nhà nước hoặc Hồ Chí Minh rồi. Giải thưởng mang tên vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc cao hơn giải thưởng Nhà nước (tức là tiêu chuẩn để được thưởng cao hơn).

Nay nếu lại phong thêm các danh hiệu Nhân dân hoặc Ưu tú nữa thì rõ ràng là thừa. Những danh hiệu này giành cho những người hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật (các diễn viên và đạo diễn hát, múa, xiếc, sân khấu, điện ảnh, nhạc công, chỉ huy dàn nhạc…). Còn trong lĩnh vực sáng tác thì như đã nói, sẽ được tặng các giải thưởng Nhà nước hoặc Hồ Chí Minh.

PV: Thế còn một số đối tượng khác như phát thanh viên, kiến trúc sư thì sao, thưa nhạc sỹ?

NĐS: Ngay từ khi Nhà nước phong các danh hiệu nghệ sỹ đợt đầu tiên vào năm 1984, thấy có đối tượng là các phát thanh viên (PTV), tôi đã thấy bất ổn. Bởi tuy công việc này cũng đòi hỏi năng lực, giọng nói hay, thêm hình thức (nếu là PTV truyền hình) nhưng không phải là nghệ thuật. 100 người thì có thể tuyển được dăm, bảy người làm được nghề phát thanh nhưng chưa chắc đã tìm được một người có thể hát, múa, đóng kịch, đóng phim. Không là nghệ thuật thì người làm nghề không thể gọi là nghệ sỹ. Riêng nghề này có thể phong PTV ưu tú, PTV nhân dân để thay cho từ “nghệ sỹ”.

Theo tôi, không nên mở rộng thêm các nghề để phong danh hiệu. Như vậy sẽ…loạn và mấy danh hiệu “Ưu tú”, “Nhân dân” cũng sẽ mất thiêng. Hiện nay, các danh hiệu này đã được phong cho giới nghệ sỹ biểu diễn, giới thầy thuốc, nhà giáo. Ta hãy tưởng tượng phong thêm cho cả các kỹ sư, vận động viên, bình luận viên thể thao, các nhà quản lý, nông dân, công nhân, doanh nhân…thì sẽ sao đây?

PV: Vậy ý ông là hãy dừng lại như hiện tại, không nên mở rộng thêm như ý kiến đề xuất của một vài ĐBQH?

NĐS: Đúng vậy.

PV: Ông có nắm được quan điểm của giới văn nghệ sỹ về việc này?

NĐS: Tôi có nghe ngóng dư luận thì thấy có hai luồng ý kiến trái chiều: Đồng tình và không đồng tình. Nhưng số không đồng tình nhiều hơn. Rộng ra ngoài xã hội thì nhân dân cũng tỏ ra không ủng hộ. Thậm chí, nhiều người còn so sánh với việc tặng quá nhiều giấy khen cho học sinh ở phổ thông, trở thành “loạn”, không có giá trị gì. Số ít em thực giỏi, xuất xắc cũng được giấy khen như mọi em bình thường, thậm chí yếu kém.

Nhạc sỹ Nguyễn Đình San: Không nên để danh hiệu "Ưu tú", "Nhân dân" mất thiêng - 2

Nhạc sĩ Nguyễn Đình San (Ảnh NVCC)

PV: Nhưng thưa nhạc sỹ, trong giáo dục thì đó là bệnh thành tích. Còn ở các ngành nghề khác thì đó đâu phải là bắt nguồn từ căn bệnh này?

NĐS: Nếu chủ trương mở rộng các danh hiệu Nhân dân và Ưu tú chúng ta đang trao đổi được Quốc hội thông qua thì có thể xuất phát điểm không phải là từ sự thôi thúc của thành tích, nhưng khi bình xét những trường hợp cụ thể ở các cơ sở thì sẽ mắc ngay: Cơ quan chúng ta vừa rồi có bao nhiêu người được phong Nhân dân, bao nhiêu người được phong Ưu tú. Và rất có thể người ta sẽ lấy đó để định giá những thứ khác khi bình xét thi đua (chẳng hạn).

Phần thưởng cao quý nhất: Được công chúng mến mộ

PV: Dường như cứ gắn đến danh hiệu, giải thưởng là sẽ xảy ra tranh luận trong giới văn nghệ sĩ, có phải thế không, thưa ông?

NĐS: Vì người có danh hiệu thấp lại tài, giỏi, nổi tiếng hơn người được phong, tặng danh hiệu cao hơn và ngược lại, thậm chí người không được gì lại được công chúng biết đến và hâm mộ hơn.

Tôi biết rõ có những ca sỹ hát rất dở, không ai ghi nhận, còn kém xa người hát nghiệp dư mà được phong NSND. Người này ngay cả NSƯT cũng còn không xứng đáng. Lại có nhạc sỹ được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT mà tên tuổi và tác phẩm quá lu mờ, ngay cả người trong giới nhạc cũng còn xa lạ chứ không nói gì công chúng rộng rãi.

Trong khi đó, có người rất nổi tiếng, tác phẩm được công chúng ngưỡng mộ thì lại không được trao tặng danh hiệu, giải thưởng gì. Bản thân tôi lúc đầu cũng nghĩ như nhiều người là nên bãi bỏ việc tặng thưởng các danh hiệu. Nhưng sau tôi thấy nghĩ như vậy là không ổn, chẳng khác gì trong việc quản trị, cứ cái gì không quản lý được là dẹp bỏ. Phải tìm mọi cách khắc phục yếu kém, sai sót  để đạt bằng được hiệu quả dù chưa thể là tuyệt đối.

Phong tặng các danh hiệu, giải thưởng cho giới văn nghệ sỹ là một chủ trương đúng đắn, thể hiện sự quan tâm, đề cao, trân trọng của Đảng và Nhà nước ta đối với một thứ lao động sáng tạo rất đặc thù. Không thể vì những sai sót trong khâu thực hiện ở đây đó, người nọ, người kia mà phủ nhận tính tích cực của chủ trương này.  

PV: Theo ông, những điều khiến dư luận chưa hài lòng như vừa nói chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”?

NĐS: Người ta vẫn nói như vậy để chỉ những hiện tượng tiêu cực không phổ biến, không phải là bản chất. Nhưng chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận là những “con sâu” tiêu cực. Tiêu cực nói ở đây có thể là một vài thành viên trong Hội đồng thẩm định, có thể là xuất phát từ những định kiến, yêu ghét rất cá nhân, cũng có thể là sự thiếu trách nhiệm và có khi là cung cách tổ chức.

Ví dụ như tại Hội đồng ở cấp Bộ và cấp Quốc gia, khi xét một trường hợp phong tặng giải thưởng cho một nhà sáng tác thuộc một lĩnh vực văn nghệ cụ thể thì thành viên nào không hoạt động trong lĩnh vực đó làm sao có thể biết tường tận thành tích, cống hiến của họ mà bỏ phiếu? Một nhà văn ngồi trong Hội đồng thì không thể bỏ phiếu chính xác cho một nhạc sỹ hay biên đạo múa (ví dụ).

Lại có trường hợp đương sự đã viết đơn gửi lên các cấp rất cao kiện việc Hội đồng bình xét cấp cơ sở đã không xem xét tác phẩm của họ mà lấy cảm tính của mình để gạt người ta ngay từ đầu. Họ có bằng chứng thuyết phục cho lời tố cáo này. Sự thật là cuộc bình chọn, xét duyệt đợt nào cũng có đơn thư khiếu kiện.

Đành rằng không thể bảo đảm sự chính xác, công bằng đến 100% nhưng để xảy ra khiếu kiện nhiều quá sẽ gây nên một bầu không khí không đẹp, không hay trong đội ngũ những người làm nghệ thuật mà công việc này luôn đòi hỏi sự thanh thản với những cảm xúc đẹp nhất của chủ thể sáng tạo.

PV: Vậy có thể khắc phục được những hạn chế để mọi đợt phong, tặng thưởng các danh hiệu cho văn nghệ sỹ được tâm phục khẩu phục hay không, thư nhạc sỹ?

NĐS: Được chứ, nếu tất cả đều quyết tâm, đều gạt bỏ cái tôi cá nhân để nhìn nhận, đánh giá mọi trường hợp. Thêm nữa, lại phải có “con mắt tinh đời” trong việc thẩm định các tác phẩm, các cá nhân nghệ sỹ.

PV: Ông có thể nói rõ hơn?

NĐS: Đảng và Nhà nước đã có chủ trương rất hay, rất đúng đắn, cần thiết rồi. Việc triển khai thực thi đương nhiên thuộc về những cá nhân cụ thể. Những người này mà sáng suốt, có trí tuệ, có trình độ cao, có “con mắt tinh đời” như tôi đã nói và đặc biệt là có cái tâm sáng thì anh em văn nghệ sỹ được nhờ.

Vậy nên điều trước tiên là phải lựa chọn được những người thật xứng đáng để làm công việc cầm cân nảy mực này. Việc nữa là phải có động thái tham khảo ý kiến của rộng rãi công chúng. Không có lý do gì mà NSND lại không được nhân dân biết đến và yêu thích như tình trạng của nhiều người đang có danh hiệu này hiện nay. Và cũng sẽ là vô duyên nếu NSUT mà chẳng có gì là ưu tú, tài năng rất bình thường.

Cũng như vậy, được tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh – một thứ bậc cao nhất, rất danh giá, vẻ vang mà tác phẩm lại không được rộng rãi công chúng biết đến chứ chưa nói có hâm mộ hay không.

PV: Nhạc sỹ nghĩ sao về một số văn nghệ sỹ đã làm đơn khiếu kiện khi mình bị trượt các danh hiệu hoặc được nhưng không đúng ý?

NĐS: Đó là quyền của mỗi công dân được pháp luật bảo vệ. Tôi thấy bên cạnh một số người thực sự “oan” cũng có không ít người không biết mình là ai. Họ tự đánh giá mình luôn cao hơn sự thực đang có.

PV: Nhạc sỹ có ý kiến gì về việc một số diễn viên, nghệ sỹ có các danh hiệu ưu tú, nhân dân tham gia quảng cáo trên các báo, đài cho các hãng bán thuốc hoặc thực phẩm chức năng mà dư luận xã hội rất bất bình.

NĐS: Dự luận bất bình bởi những nghệ sỹ có danh hiệu, có người rất nổi tiếng mà  chỉ vì tiền đã sẵn sàng tiếp tay cho sự lừa đảo của những hãng bán hàng không đúng như lời quảng cáo gây thiệt hại cho người ta. Đây là một hành vi không thể chấp nhận được, cần bị lên án, thậm chí xử lý.

Tôi biết đã có chủ trương cấm giới nghệ sỹ làm việc này. Nhưng vẫn chưa thấy thực hiện. Hàng ngày, một số khuôn mặt quen thuộc vẫn tiếp tục quảng cáo như trước. Tôi thấy cần tước bỏ những danh hiệu mà họ đã được phong.

Một lần, tôi gọi điện cho một diễn viên khá nổi tiếng, là NSUT khi thấy anh ta quảng cáo một thứ thuốc trị căn bệnh mà tôi đang mắc. Anh ta nói trên ti-vi đại ý là mình bị bệnh từ lâu, chữa đủ loại thuốc mà không khỏi, nhưng từ khi dùng loại này thì chấm dứt hoàn toàn.

Tôi hỏi thì anh ta nói nguyên văn: “Họ nhờ quảng cáo thì em nhận lời thôi chứ có uống bao giờ đâu mà biết. Anh cứ thử một lần xem sao”. Quả là không còn gì để nói! Ở nhiều nước trên thế giới, người ta cấm quảng cáo thuốc chữa bệnh trên các phương tiện truyền thông. Nên chăng, nước ta cũng áp dụng?

PV: Cảm ơn nhạc sỹ về cuộc phỏng vấn này. Chúc nhạc sỹ khoẻ và hạnh phúc, tiếp tục sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị!

Phạm Hằng (T/H)

Tin liên quan

Tin mới nhất

Ban Tuyên giáo Trung ương gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật  khu vực trung du miền núi Bắc Bộ

Ban Tuyên giáo Trung ương gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực trung du miền núi Bắc Bộ

Ngày 15/4/2024, tại Hội trường Quân khu 2 (tỉnh Phú Thọ), Ban tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam  và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức cuộc gặp mặt của Ban Tuyên giáo Trung ương với các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực trung du miền núi Bắc Bộ.