Xử lý các quan hệ lớn trong hoạt động xuất bản hiện nay

Theo quy luật phổ quát của nó, hoạt động xuất bản luôn là một chu trình, một quá trình gồm nhiều thành tố có quan hệ chặt chẽ và tác động lẫn nhau. Có thể chỉ ra các thành tố cơ bản tạo thành chu trình đó. Đó là tác giả → nhà xuất bản → in → xuất bản phẩm → phát hành (cả lưu giữ) → người đọc. Sáu thành tố đó được vận hành một cách khoa học, linh hoạt sẽ dẫn tới kết quả cuối cùng của hoạt động xuất bản: cái giá trị gì của sách đọng lại, “làm tổ” trong thế giới trí tuệ, nhận thức, tinh thần... của người đọc, người tiếp nhận?

Lâu nay, khi đánh giá kết quả xuất bản, phần lớn, người ta chỉ chú trọng đến thành tố thứ tư: xuất bản phẩm, mà chủ yếu là sách. Điều đó đúng, nhưng chưa đủ. Cái cần đánh giá nhất, gắn chặt nhất với xuất bản phẩm, là hiệu quả tổng hợp của nó đối với người đọc, nó đem lại cái gì cho người tiếp nhận và rộng hơn, đem lại cái gì cho sự phát triển xã hội. Tôi ít thấy có những cuộc điều tra xã hội học, phân tích và đánh giá kết quả cuối cùng đó. Từ cách đặt vấn đề trên, tham luận không nhìn nhận xuất bản theo chu trình sáu thành tố trên, và cố gắng phân tích - cái được và chưa được trong hoạt động xuất bản ở nước ta những năm gần đây theo một mô thức khác, đó là việc xử lý các quan hệ lớn, quan hệ nội tại của xuất bản nhằm nỗ lực đạt tới kết quả cuối cùng cần có của nó, như đã nêu ở trên.

Xử lý các quan hệ lớn trong hoạt động xuất bản hiện nay - 1

Triển lãm chuyên đề Xuất bản Việt Nam 70 năm xây dựng và phát triển (ảnh minh họa).

Có nhiều quan hệ trong hoạt động xuất bản, song ở bản tham luận ngắn này, xin dừng lại bốn mối quan hệ lớn đang đặt ra trong thực tiễn xuất bản Việt Nam những năm qua, hiện nay và chắc chắn trong nhiều năm tới.

1. Quan hệ thứ nhất: Sự nghiệp xuất bản là lĩnh vực hoạt động tư tưởng - văn hóa sắc bén của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; đồng thời phải thực hiện tốt nhiệm vụ kinh doanh, xây dựng ngành xuất bản thành một ngành kinh tế - công nghệ phát triển toàn diện, vững chắc. Đây là chức năng kép tạo nên đặc trưng hay tính đặc thù của xuất bản Việt Nam.

Xử lý các quan hệ lớn trong hoạt động xuất bản hiện nay - 2

Hội thảo khoa học với chủ đề “Xuất bản Việt Nam - 70 năm xây dựng và phát triển”

Trong những năm chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và khoảng 10 năm sau chiến tranh, thời kỳ tập trung quan liêu, bao cấp (1975 - 1986), xuất bản Việt Nam hoàn toàn do Nhà nước bao cấp, hoạt động xuất bản lấy nhiệm vụ phục vụ chính trị, phục vụ cho cuộc đấu tranh giải phóng và xây dựng đất nước là mục tiêu cao nhất và duy nhất. Những xuất bản phẩm trong thời kỳ này đã trực tiếp góp phần cho thắng lợi của cuộc kháng chiến và vì được bao cấp toàn diện nên nó không có ý nghĩa như là “hàng hóa”, dù là đặc biệt.

Những năm đầu của công cuộc đổi mới, khi kinh tế thị trường bắt đầu được vận hành ở nước ta, đã xuất hiện một khuynh hướng tư tưởng coi xuất bản chỉ là một ngành kinh tế sản xuất hàng hóa, coi nhẹ chức năng tư tưởng - văn hóa của xuất bản. Trong khi đó, do nhiều khó khăn về kinh tế và lúng túng trong quản lý xuất bản, ngành xuất bản bị “thả nổi”, “tự bơi” trong cơ chế kinh tế thị trường.

Từ năm 1987 đến năm 1991, ngành xuất bản nước ta rơi vào khủng hoảng. Hầu hết các nhà xuất bản đều gặp khó khăn chồng chất, tưởng chừng không thể đứng được trước “cơn bão” kinh tế thị trường (năm 1988, tiền vốn trong két của Nhà xuất bản Thanh niên chỉ còn 200.000 đồng; từ năm 1989 đến năm 1991, Nhà xuất bản Sân khấu mỗi năm chỉ xuất bản được 3-5 đầu sách,...). Những loại sách rẻ tiền xuất hiện tràn lan.

Đầu năm 1992, trong Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 31/3/1992 của Ban Bí thư đã nghiêm khắc chỉ ra những khuyết điểm nghiêm trọng và kéo dài như: “Xuất bản sách vẫn còn lộn xộn... Một số ít sách có nội dung độc hại đã và đang được lưu hành,... sách giải trí có chất lượng thấp hoặc kích thích những thị hiếu không lành mạnh. Không ít sách báo thường xuyên khai thác những chuyện tình dục, moi móc đời tư, đăng quá nhiều vụ án, miêu tả tỉ mỉ những hành động dâm ô, bạo lực...”.

Những năm đầu thời kỳ đổi mới, dấu hiệu chệch hướng, lúng túng của xuất bản đã thể hiện rõ rệt. Nhận thấy nguy cơ đó, Đảng đã từng bước nghiên cứu, đánh giá thực tiễn và đúc kết lý luận để ngăn chặn sự chệch hướng, xác định hướng mới. Mất khoảng 10 năm, định hướng mới đó đã được xác định trong Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, trong đó khẳng định hai nội dung có quan hệ chặt chẽ không tách rời nhau: Nhận rõ sự nghiệp xuất bản là một lĩnh vực hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc...; và hoạt động xuất bản đồng thời phải thực hiện tốt nhiệm vụ kinh doanh, xây dựng ngành xuất bản thành một ngành kinh tế - công nghệ phát triển toàn diện, vững chắc.

Gần 4 tháng sau, ngày 03/12/2004, Luật Xuất bản được Quốc hội thông qua cũng đã khẳng định quan hệ trên trong Điều 3 và Điều 6 của Luật.

Luận điểm trên là một bước tiến lớn qua tổng kết thực tiễn và đúc kết lý luận của Đảng, Nhà nước ta về lĩnh vực xuất bản. Luận điểm đó đã có tác dụng chỉ đạo sâu sắc và tác động tích cực trong suốt 18 năm qua của hoạt động xuất bản. Nó đã vượt qua quan điểm thời kỳ quan liêu, bao cấp, đồng thời nó chỉ ra quan hệ biện chứng của xuất bản và kiên quyết phủ định khuynh hướng coi xuất bản đơn thuần là lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật, sản xuất hàng hóa. Việc xử lý đúng, nhuần nhuyễn, sáng tạo quan hệ trên sẽ tạo nên một bước phát triển về chất lượng của hoạt động xuất bản. Gần 20 năm qua, toàn ngành xuất bản Việt Nam đều đang nỗ lực tìm tòi, sáng tạo để thực hiện định hướng và quan hệ lớn trên. Những kết quả đã hiện rõ và rất đáng mừng, đồng thời những hạn chế và thách thức mới cũng đã xuất hiện đối với toàn ngành và đối với từng nhà xuất bản.

Tìm hiểu các văn bản chỉ đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, chúng ta thấy rõ sự quán triệt định hướng trên, thường xuyên nhấn mạnh “hoạt động xuất bản phải coi trọng việc phục vụ nhiệm vụ chính trị, tư tưởng đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân” - tất nhiên, phục vụ phải bằng và qua tính đặc thù, đặc trưng của xuất bản phẩm; đồng thời, “Nhà nước có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện xây dựng ngành xuất bản trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật phát triển toàn diện”. Chính từ sự quán triệt trong chỉ đạo và quản lý đó, cùng với sự nỗ lực của các nhà xuất bản mà xuất bản Việt Nam đã đứng vững và có bước phát triển, đồng thời thường xuyên tự điều chỉnh hoạt động của mình, kịp thời ngăn chặn những dấu hiệu chệch hướng về chính trị, tư tưởng và sự chi phối của mặt trái cơ chế thị trường tạo ra những xuất bản phẩm rẻ tiền, vô bổ bất cứ lúc nào cũng có thể xuất hiện vì chạy theo lợi nhuận đơn thuần hay đáp ứng nhu cầu giải trí tầm thường của một bộ phận người đọc.

Những năm qua, một số nhà xuất bản đã tìm được lời giải trong xử lý quan hệ lớn trên, bảo đảm hiệu quả phục vụ chính trị một cách nhuần nhuyễn, thuyết phục, sinh động, đồng thời tự chủ trong hoạt động kinh doanh, từng bước tạo nên bản sắc riêng và uy tín xã hội - văn hóa của mình. Tôi nghĩ đến các nhà xuất bản như Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật,... Tôi nghĩ đến sự nỗ lực vươn lên của nhiều nhà xuất bản khác vừa giữ vững truyền thống của loại hình xuất bản đặc thù, vừa tự đổi mới chính mình để tiếp tục đứng vững trong thời kỳ nhiều thách thức như Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Nhà xuất bản Công an nhân dân, Nhà xuất bản Y học, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông...

Tuy vậy, thời gian qua, vẫn không tránh khỏi sự lúng túng trong xử lý quan hệ đặc biệt quan trọng trên. Đó là không đủ sức tìm kiếm, tổ chức các bản thảo có chất lượng cao phục vụ hiệu quả và kịp thời các nhiệm vụ chính trị quan trọng của đất nước, chưa kể khuynh hướng né tránh “nhẹ nhàng” bằng việc xuất bản những tác phẩm dễ chấp nhận hoặc vô thưởng, vô phạt miễn là phát hành được. Sự hạn hẹp trong tầm nhìn hay do khó khăn về kinh phí của các cơ quan tham mưu, chỉ đạo, quản lý cũng đã bỏ lỡ thời cơ cho những dự án lớn về xuất bản như thực hiện nhiệm vụ được xác định trong Chỉ thị số 42 “Xây dựng chương trình quốc gia xuất bản các loại sách thiết yếu về chính trị, xã hội và văn hóa”... (Dự án này nhằm thực hiện ở tầm vĩ mô xử lý có hiệu quả quan hệ lớn trên của xuất bản Việt Nam. Theo tôi được biết, dự án này đã được lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông thông qua).

2. Quan hệ thứ hai: Định hướngđáp ứng nhu cầu, hay là sách và thị trường sách. Trong một thời gian dài, đặc biệt trong những năm kháng chiến, sách có một chức năng bao quát: định hướng tư tưởng, tinh thần, tình cảm cho người đọc. Định hướng từ trên xuống. Tôi còn nhớ rõ các phong trào đọc sách được triển khai sôi nổi thời kỳ đó: “đọc và làm theo sách”, “đọc sách có hướng dẫn”, “đọc và làm theo sách người tốt việc tốt”,...

Đó là một sự chỉ đạo đúng trong một thời kỳ đặc biệt của lịch sử dân tộc. Định hướng đó vẫn có giá trị đến hôm nay; song qua tổng kết thực tiễn, nắm bắt đặc điểm mới của nhu cầu xã hội, Đảng ta đã bổ sung một từ cho tư tưởng trên: Định hướng và đáp ứng các nhu cầu thực tiễn đang hình thành và phát triển, có nghĩa là hai nhân tố “định hướng và đáp ứng” xuyên thấm vào nhau: chỉ có thể định hướng tốt trên cơ sở nắm bắt nhu cầu của người đọc và từ đáp ứng nhu cầu của người đọc mà định hướng cho nhu cầu đó phát triển lành mạnh, phong phú, đa dạng...

Lâu nay, trong thực tiễn, có biểu hiện chỉ chú trọng một trong hai nhân tố trên. Có những cuốn sách rất dày tưởng là định hướng nhưng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”. Ngược lại, có những cuốn sách đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người đọc nhưng rơi vào thỏa mãn thị hiếu tầm thường, đôi khi làm méo mó nhân cách vì không có khả năng định hướng đúng (Tôi đã phải đọc những cuốn sách có tính chất “câu khách” như vậy).

Hướng phát triển của xuất bản phải là bảo đảm tính tư tưởng, tính khoa học, chất lượng giáo dục, văn hóa và sự đa dạng, hấp dẫn của ấn phẩm xuất bản, bảo đảm đủ các loại sách và tài liệu đáp ứng nhu cầu của các đối tượng người đọc khác nhau (Chỉ thị số 42). Đó là yêu cầu và giải pháp xử lý đúng quan hệ giữa định hướng và đáp ứng nhu cầu của xuất bản. Thật vui mừng khi nhận thấy, ở tầm vĩ mô, xuất bản đang nỗ lực thực hiện tốt yêu cầu trên. Nhiều loại sách đáp ứng nhu cầu mới của người đọc đã xuất hiện và được tiếp nhận rộng rãi như sách công cụ ngoại ngữ, sách kỹ năng sống, sách kinh nghiệm kinh doanh, sách nữ công gia chánh, sách tìm hiểu và khám phá thế giới, các loại sách tuổi teen và cả những cuốn sách chuyên sâu trong một lĩnh vực khoa học mới,...

Thị trường xuất bản phẩm đã hình thành và phát triển ở nước ta. Điều đáng tiếc là không nhiều nhà xuất bản ở nước ta quan tâm và nắm bắt, phân tích được thị trường này, vì thế ít có khả năng xử lý tốt quan hệ giữa định hướng và đáp ứng khi tổ chức bản thảo phát hành sách (dường như, công việc này, thế mạnh thuộc về các nhà sách tư nhân nên số các nhà xuất bản liên kết, hay nói thẳng một chút “bán giấy phép” xuất bản ngày càng nhiều, có nhà xuất bản “sống được” nhờ công việc này).

Cần lý giải theo hướng mới giữa xuất bản và phát hành. Phát hành phải nắm được nhu cầu của thị trường, vì vậy nó không là khâu cuối cùng của quá trình xuất bản, mà phải trở thành khâu đầu tiên của một chu trình mới. Phát hành → nắm bắt nhu cầu → gợi ích tổ chức bản thảo → xuất bản.

Đối với các nhà xuất bản, việc phân tích, khảo sát, đánh giá thị trường sách trở thành một nhiệm vụ lớn của mình, từ đó phân khúc thị trường và xác định thị trường mục tiêu của chính nhà xuất bản. Tôi có cảm nhận, các nhà xuất bản như Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đang làm có hiệu quả công việc này. Còn không ít nhà xuất bản khoán việc này cho các nhà sách có liên kết hoặc cho tác giả.

Trong mối quan hệ giữa định hướng và đáp ứng nhu cầu, cần tổ chức xuất bản đồng thời hai loại sách: sách phổ cập cho quảng đại quần chúng để nâng cao mặt bằng dân trí, xây dựng xã hội học tập và sách chất lượng cao, chuyên sâu phục vụ cho sự phát triển của khoa học, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao. Đến nay, xuất bản của chúng ta chưa có quy hoạch, kế hoạch khoa học, dài hạn thực hiện hai loại sách này với những yêu cầu, đặc trưng và cách diễn đạt rất khác nhau.

Nếu nhìn từ quan hệ giữa định hướng và đáp ứng nhu cầu, giữa xuất bản và thị trường sách ở mức độ vĩ mô, sẽ đặt ra một vấn đề lớn: hệ thống và mô hình tổ chức các nhà xuất bản, công tác phát hành và cả công tác quản lý nhà nước về xuất bản. Phải chăng, hệ thống, mô hình tổ chức các nhà xuất bản của nước ta, đến nay, đã có dấu hiệu lạc hậu?. Song, đó lại thuộc một vấn đề ở tầm vĩ mô, không thuộc phạm vi tham luận này.

3. Quan hệ thứ ba: Xuất bản và văn hóa đọc

Có lẽ, ta đi từ vi mô đến vĩ mô trong quan hệ này. Gần đây nhất, kết quả điều tra xã hội học ở ba làng đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ của huyện Hoài Đức, Thủ đô Hà Nội, với câu hỏi “đọc sách, xem báo, tạp chí”, có tới 15% người được hỏi đã trả lời “không bao giờ”, 14% trả lời “hằng tháng”, 31% trả lời “hằng tuần”. Có nghĩa là, đến 60% rất ít đọc sách, báo (Câu hỏi gộp cả sách, báo, tạp chí, nếu tách ra thì chắc rằng, người được hỏi chỉ quan tâm đến báo!).

Xử lý các quan hệ lớn trong hoạt động xuất bản hiện nay - 3

Ảnh minh họa

Về vĩ mô, đến nay nếu tính cả sách giáo khoa (một khối lượng rất lớn) thì bình quân khoảng trên 4,2 bản trên đầu người ở nước ta, còn nếu trừ số lượng sách giáo khoa bắt buộc chỉ đối với học sinh thì bình quân chỉ còn trên 1,7 bản trên đầu người (trong Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/8/2004, sau khi thảo luận và lấy ý kiến của ngành xuất bản, Ban Bí thư đã xác định mục tiêu: Đến năm 2010, phấn đấu đưa sách về đến cấp huyện và đưa sách đến phần lớn các xã để đạt chỉ tiêu 6 bản sách/người/năm. 12 năm đã qua, đến năm 2022, chúng ta chỉ đạt trên 2/3 chỉ tiêu đó!).

Tìm nguyên nhân của thực trạng đọc sách nói chung và cao hơn là văn hóa đọc của người Việt Nam không khó lắm. Chúng ta không có truyền thống và nếp quen đọc sách; chúng ta còn nghèo phải lo trước hết là no và đủ về đời sống vật chất; lãnh đạo chưa có một sự quan tâm đúng mực, chưa có một quyết sách dài hạn và có tính đột phá... Song, “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” như ông cha ta vẫn thường căn dặn, trước tiên, ngành xuất bản phải tự xem lại mình.

Đọc sách và văn hóa đọc ở nước ta đang có sự biến đổi mạnh mẽ và phát triển theo các hướng rất khác trước. Tôi đã có một tham luận riêng về vấn đề này, cố gắng nhận diện sự biến đổi đó theo ba khuynh hướng lớn sau: phân nhóm, phân hóa và cá thể hóa, từ đó xuất hiện và phát triển năm xu hướng đọc: đọc phục vụ cho nghề nghiệp của từng nhóm người, đọc trên mạng, đọc theo nhu cầu cá thể, sự say mê và ý thích riêng, đọc giải trí và cuối cùng là lười đọc. Phải chăng, nhiều nhà xuất bản, khi tiến hành các khâu lựa chọn bản thảo, biên tập, phát hành chưa chú ý đến sự biến đổi trên, vì vậy ít nắm được sách của mình đến với ai và ai là độc giả chính, đôi khi chỉ cấp, ký giấy phép xuất bản, còn khoán cho nhà sách liên kết.

Mặt khác, trước sự biến đổi sâu sắc của việc đọc sách đó, hệ thống và mô hình tổ chức các nhà xuất bản tồn tại khoảng 40-50 năm nay đã lộ rõ sự bất cập của nó. Có nhà xuất bản không xác định rõ đối tượng, khách hàng mục tiêu của mình, không nắm được thị trường sách nên sách trôi nổi hay xếp kho là khó tránh khỏi. Việc xác định tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ của các nhà xuất bản vừa rộng, vừa trùng lặp và không gắn với “khách hàng” ngày càng đa dạng của hoạt động xuất bản.

Thời gian qua, các đơn vị phát hành không phát triển, có hiện tượng bỏ trống trận địa của mình. Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/8/2004 nhấn rất mạnh khâu này của xuất bản, coi là lực lượng chính nâng cao việc đọc và văn hóa đọc của nhân dân: “Chăm lo phát triển nhu cầu văn hóa đọc của các tầng lớp nhân dân, tổ chức và phát triển các lực lượng, mạng lưới phát hành xuất bản phẩm bảo đảm đáp ứng đầy đủ, đúng đối tượng và địa bàn, đặc biệt quan tâm vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và miền núi...

Phấn đấu đưa sách về đến cấp huyện và đưa sách đến phần lớn các xã”. Có lẽ, cần khảo sát xem các loại sách gì nằm trong các giá sách, kho sách của hệ thống thư viện các cấp để không để lọt loại sách tầm thường vào đây do những lý do về thị trường mà ai cũng đã nhận ra. Đồng thời, khảo sát việc phát huy các giá trị sách thực sự đến với người đọc như thế nào. Nhiệm vụ đặt ra thật là lớn vì chỉ có như vậy mới tạo được hiệu quả thực sự của sách trong quảng đại quần chúng, đừng để sách thành vật trang trí trên giá sách của một số người không có nếp quen và thời gian đọc sách.

Cần xây dựng một cách có hệ thống với mục tiêu nhất quán và lâu dài những bộ sách phổ cập với những kiến thức cơ bản, cốt lõi trên các lĩnh vực chủ yếu, toàn diện của sự phát triển đất nước được diễn đạt một cách dễ hiểu, sinh động với một giá tiền vừa túi tiền của đa số người dân. Không chỉ có giá trị với những kiến thức vừa cốt lõi, vừa phổ cập mà còn cần một số lượng trang vừa phải, khổ sách nhỏ phù hợp của mỗi cuốn sách. Phải chăng đó là một trong những giải pháp phù hợp nhất để xuất bản trực tiếp phát triển văn hóa đọc và nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập trong tình hình nước ta hiện nay - thời kỳ quá độ từ giã sự lạc hậu, nghèo nàn để vươn tới trở thành “một dân tộc có văn hóa cao và thông thái” như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thời gian qua, chúng ta đã phát động được một phong trào đọc sách với khí thế mới và xuất hiện những tấm gương sáng tự nguyện xây dựng, tổ chức phong trào đọc sách. Đó là điều đáng mừng, song có lẽ, chức năng của xuất bản cần sâu hơn, đó là biến phong trào thành một nếp quen thường xuyên, nhu cầu tự thân của quần chúng, thành tình yêu sách.

4. Quan hệ thứ tư: xuất bản truyền thống (giấy) và xuất bản điện tử (trên mạng và mạng): Trong khoảng 10 năm trở lại đây, một đặc điểm mới của xuất bản nước ta là đồng thời cùng tồn tại các phương thức xuất bản khác nhau: xuất bản truyền thống (giấy), xuất bản trên mạng, xuất bản mạng và xuất bản nói. Một số ý kiến nhận xét rằng, có sự cạnh tranh giữa các phương thức đó và từ đó, theo sự phát triển của công nghệ truyền thông hiện đại, xuất bản truyền thống sẽ bị lấn át và có thể bị “thất thế”, thậm chí không thể tồn tại như trước. Tôi mạo muội nghĩ rằng, các phương thức trên có thể cạnh tranh nhau, nhưng có lẽ không có cái nào yếu đi, mà sẽ lại mạnh hơn, nếu biết khai thác ưu thế của mỗi phương thức để tạo thế phát triển của mình.

Xử lý các quan hệ lớn trong hoạt động xuất bản hiện nay - 4

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, một đặc điểm mới của xuất bản nước ta là đồng thời cùng tồn tại các phương thức xuất bản khác nhau: xuất bản truyền thống (giấy), xuất bản trên mạng, xuất bản mạng và xuất bản nói.

Xuất bản truyền thống (giấy) đang nỗ lực chuyển sản phẩm của mình sang xuất bản trên mạng để tạo sức lan tỏa rộng và nhanh hơn. Xuất bản mạng, khi thấy sản phẩm của mình có sự hưởng ứng, tương tác lớn đã tìm cách “định hình uy tín” của mình, của tác giả bằng xuất bản truyền thống (đôi khi còn ghi số lượng in với con số hàng chục nghìn bản là thật hay là ảo?). Như vậy, không đủ lý do để lo cho “số phận” của xuất bản truyền thống - một phương thức lưu giữ, tích lũy, truyền bá tri thức và các giá trị tinh thần rất độc đáo, sáng tạo của loài người (Có lẽ, dù xuất bản điện tử có phát triển như thế nào cũng khó thay thế hoàn toàn sáng tạo này).

Song, vấn đề còn lại là sự tiếp tục đổi mới mạnh, sâu và toàn diện hơn nữa cả cách thức chuyển tải nội dung và chu trình xuất bản truyền thống, tận dụng triệt để thế mạnh của xuất bản điện tử để đa dạng hóa phương thức chuyển tải nội dung đến với người đọc, trong đó có “cư dân mạng”. Vấn đề còn là kiên trì phát hiện xây dựng đội ngũ tác giả tài năng và đáp ứng với yêu cầu xuất bản hiện đại, đồng thời có thể rút gọn nội dung mà không làm mờ nhạt giá trị chính của tác phẩm để có sự “tương thích” với nhu cầu của người đọc hiện đại... Và quan trọng hơn cả là hiện đại hóa chu trình xuất bản, “xây dựng các mô hình và cơ cấu mới phù hợp với sự phát triển của công nghiệp xuất bản hiện đại”, điều mà cách đây gần 20 năm, Chỉ thị số 42-CT/TW đã đề cập đến. Sự ra đời và phát triển của công nghiệp xuất bản, một thành tố của công nghiệp văn hóa là một đòi hỏi tất yếu, khách quan của xuất bản Việt Nam đương đại.

GS.TS. Đinh Xuân Dũng

Tin liên quan

Tin mới nhất