Chênh chao nhà hát - Bài 2: Kéo khán giả trở lại

Dù đóng vai trò là gương mặt văn hóa của một đất nước, thế nhưng nhiều nhà hát lại vắng vẻ, hoạt động cầm chừng, chưa hết công suất hay bị bỏ không trong thời gian dài gây lãng phí. Cấp thiết phải đưa ra giải pháp nhằm giải quyết tổng thể vấn đề này, để nâng cao hiệu quả sử dụng công trình và kéo khán giả trở lại với nhà hát.

Chênh chao nhà hát - Bài 1: Rộng dài những âu lo

Xây dựng phải phù hợp với nhu cầu

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà hát là một thiết chế hết sức quan trọng trong đời sống văn hoá của đô thị. Ngay tại Thủ đô của chúng ta, có một công trình được người Pháp xây dựng từ thời thuộc địa và trở thành điểm nhấn kiến trúc đặc trưng cho thành phố, đó là Nhà hát lớn Hà Nội. Bên cạnh các nhà hát, còn nhiều loại hình nữa như rạp chiếu bóng cũng là một loại hình công cộng phục vụ cho văn hoá.

Chênh chao nhà hát - Bài 2: Kéo khán giả trở lại - 1

Nhà sử học Dương Trung Quốc. (Ảnh: Huyền Thương)

Nhưng đời sống văn hoá luôn có sự thay đổi theo thời gian, đặc biệt là thời kỳ công nghệ phát triển như hiện nay. Công chúng không còn nhất thiết phải đến một địa điểm văn hóa công cộng như nhà hát, rạp chiếu bóng,… để xem ca nhạc hay một vở kịch nữa, mà người ta có thể xem trên rất nhiều phương tiện khác. Đó là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc nhiều nhà hát đã và đang đứng trước chuỗi ngày ảm đạm, hoạt động cầm chừng.

“Việc duy trì chương trình biểu diễn cần thiết, phù hợp với không gian nhà hát là một thách thức rất lớn, tuy nhiên vai trò của nhà hát vẫn hết sức quan trọng vì đây là một thiết chế không thể thiếu của các đô thị”, nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Chênh chao nhà hát - Bài 2: Kéo khán giả trở lại - 2

Nhà hát là thiết chế không thể thiếu của các đô thị.

Theo ông, các nhà quy hoạch khi xây dựng, cải tạo đô thị phải tính toán xem với dân số như vậy, với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của đô thị đó thì nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ của người dân ra sao, sẽ cần bao nhiêu công trình với quy mô và vị trí như thế nào là tốt nhất để công trình đó được phát huy một cách có hiệu quả.

Ông cũng đề xuất phương án để kéo khán giả quay trở lại với nhà hát. Đó là vừa phải xây dựng nên những chương trình phù hợp với nhu cầu khán giả, với bối cảnh hiện nay vừa phải giáo dục thị hiếu, nâng cao khả năng thưởng thức nghệ thuật của người dân để họ thấy được tầm quan trọng, những giá trị thật sự của các đêm diễn công phu.

Có cái gì để diễn ở các nhà hát?

Cũng quan tâm đến vấn đề đầu tư chất lượng cho các đêm diễn tại các công trình văn hóa nghệ thuật công cộng, NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đặt ra câu hỏi “Có cái gì để diễn ở các nhà hát mới là quan trọng?”.

NSND Vương Duy Biên cho biết, đa phần chúng ta cho công chúng xem những gì mà chúng ta đang có chứ không nghĩ đến việc công chúng cần gì. Các chương trình nghệ thuật ở nhà hát lâu nay vẫn bị xem là đi theo lối mòn, chưa tìm ra được những đột phá nghệ thuật mới, nên không hấp dẫn người xem, lại càng không thể đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng.

Chênh chao nhà hát - Bài 2: Kéo khán giả trở lại - 3

Hoạ sĩ, NSND Vương Duy Biên.

Hiện nay các cơ quan quản lý, các hội chuyên nghành có tổ chức hàng loạt các cuộc thi nhằm tìm kiếm tài năng, tài năng được tìm thấy thì rất nhiều nhưng những tài năng ấy sẽ làm được gì cho công chúng? Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, vun đắp tài năng là rất cần thiết nhưng song song với đó là việc phải có được những sản phẩm nghệ thuật hay, có ý nghĩa để đáp ứng được nhu cầu của khán giả mới là điều quan trọng.

Trong thời kỳ mở cửa, hội nhập và giao lưu quốc tế, công chúng dễ dàng tiếp cận với những loại hình nghệ thuật mới, các giá trị thẩm mỹ mới, các trào lưu mới thì khi đó, họ khó có thể trở lại với các loại hình nghệ thuật truyền thống nếu các nghệ thuật đó không chuyển mình để phù hợp với xu thế của thời đại.

Nhiều khi chúng ta lầm tưởng rằng chúng ta phần nào vẫn đang đáp ứng được nhu cầu của công chúng mà không nhận ra rằng, trong nhịp sống hiện đại, khi đã được tiếp xúc với nhiều loại hình nghệ thuật mới mẻ, đa dạng thì nhu cầu của công chúng cũng cao hơn, người ta có nhiều cái để so sánh với tất cả các nghệ thuật hiện đại, chưa kể trên thế giới có một số nước đang phát triển rất mạnh về công nghiệp văn hoá. Đó là một thách thức lớn, một bài toán cần giải quyết khi nghệ thuật truyền thống muốn theo kịp thời đại.

"Nhà hát vẫn hoạt động theo guồng cũ, với tư duy quản lý còn chưa được thay đổi nhiều thì lúng túng là chuyện đương nhiên", NSND Vương Duy Biên khẳng định.

Làm tất cả những gì có thể

Các loại hình nghệ thuật được biểu diễn ở trong các nhà hát, rạp hát muốn kéo khán giả trở lại, muốn nhận được sự ưu ái của công chúng thì theo NSND Vương Duy Biên hãy “làm tất cả những gì có thể” để tiếng nói của văn hoá, tín hiệu về văn hoá được lan toả một cách rộng rãi nhất".

Chênh chao nhà hát - Bài 2: Kéo khán giả trở lại - 4

Làm sao để kéo khán giả trở lại với nhà hát? (Ảnh minh họa)

Ông nhận định, văn học nghệ thuật Việt Nam nếu muốn có chỗ đứng trong xã hội, chưa nói lan toả thế giới thì phải nghiên cứu lại cách làm truyền thông. Bên cạnh việc đầu tư một nội dung hay, tốt thì đầu tư cho truyền thông cũng quan trọng không kém, bởi trong thời buổi nhà hát phải cạnh tranh với các phương tiện truyền thông, mạng xã hội thì có thể nên tận dụng các phương tiện này để lan tỏa những giá trị của mình tới đông đảo công chúng.

Các nghệ thuật, các nhà hát phải chuyển mình, phải năng động, phải mang hơi thở của thời đại nhưng theo NSND Vương Duy Biên cần có sự cân nhắc, tính toán thế nào cho đỡ lãng phí, cần biết lúc này cần đầu tư vào cái gì. Điều quan trọng nhất là đầu tư vào nội dung của vở diễn.

Gắn với sự đầu tư này, NSND Vương Duy Biên cho rằng cần đầu tư cả lòng tin vào văn nghệ sĩ, đồng thời văn nghệ sĩ cũng phải trở nên xứng đáng để nhân dân đặt lòng tin.

Chênh chao nhà hát - Bài 2: Kéo khán giả trở lại - 5

"Điều quan trọng nhất là đầu tư vào nội dung của vở diễn" (Ảnh minh hoạ) Nguồn ảnh: Nhà hát Tuổi trẻ.

Văn nghệ sĩ là những người sáng tạo nên các tác phẩm nghệ thuật, cũng là gạch nối quan trọng giữa tác phẩm và công chúng. Người nghệ sĩ tạo ra những tác phẩm được xây dựng bằng lòng tin của công chúng thì đó sẽ là những tác phẩm vừa phản ánh được nhu cầu của công chúng, vừa mang theo dáng dấp của thời đại.

Bên cạnh đó, công chúng cũng cần đón nhận những tác phẩm nghệ thuật một cách nhiệt thành, chấp nhận những cá tính tự do trong nghệ thuật, bởi theo ông, một xã hội chấp nhận sự đa dạng, sự khác biệt về về sáng tạo nghệ thuật mới có sự phong phú và vươn lên.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất