Chênh chao nhà hát - Bài 1: Rộng dài những âu lo
Có những tiếng thở dài hắt ra sau những ánh đèn lay lắt của các nhà hát, không ai không cảm thấy tiếc nuối một thời hoàng kim đã xa…
Hà Nội hiện có khoảng 20 nhà hát, trong đó nhiều nhà hát có bề dày lịch sử, gắn liền với quá trình phát triển của nghệ thuật sân khấu cách mạng Việt Nam, đồng thời nắm giữ nhiều nhiệm vụ quan trọng như biểu diễn, bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật. Hoạt động của các nhà hát này lẽ ra phải sôi nổi, liên tục nhưng ngay tại Thủ đô, khó có thể tìm thấy một nhà hát thường xuyên đỏ đèn hay một rạp hát được khai thác hiệu quả.
Một số nhà hát tại Hà Nội. (Ảnh: Huyền Thương)
Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi tại sao những cây cầu nối giữa nghệ thuật và công chúng, những gương mặt đại diện của đô thị lại hoạt động không mấy hiệu quả như vậy, phóng viên Thời báo Văn học nghệ thuật đã có cuộc trò chuyện với nhà văn, nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến.
Nhà văn, nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến.
Nhà hát “khát” những đêm diễn
Nhà hát đóng vai trò quan trọng trong thiết kế tổng thể của một đô thị. Từ việc nhà hát hoạt động như thế nào, người ta ít nhiều có thể hình dung ra tình hình hoạt động nghệ thuật ở đô thị ấy.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho biết, từ rất nhiều năm nay, các nhà hát, rạp hát gần như trong trạng thái thường xuyên tắt đèn, từ sân khấu, ca, múa, kịch, cho đến các nghệ thuật biểu diễn đã xa thời hoàng kim như tuồng, chèo, cải lương,... Phần đông các rạp hát, nhà hát đều rơi vào tình trạng đìu hiu, vắng vẻ, không thể làm tốt vai trò chính của mình - là những không gian trình diễn nghệ thuật.
Nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống đang dần không nhận được sự quan tâm của khán giả.
Trước hết, theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, tự thân các hình thái nghệ thuật đã không còn đáp ứng được các yêu cầu của thị hiếu đương đại, không có bước chuyển mình để theo kịp nhịp sống mới.
Các chương trình nghệ thuật không có sự đổi mới, về ngôn ngữ nghệ thuật, hình thức, nội dung của các tác phẩm đa phần vẫn đi theo lối mòn, không tìm ra giá trị thẩm mỹ mới. Nhiều chương trình được xây dựng theo mô típ quen thuộc, đơn điệu, bối cảnh sân khấu xưa cũ, âm nhạc không có gì mới mẻ với tiết tấu chậm và kén người nghe.
Bên cạnh đó, nhà hát cũng “khát” những đêm diễn vì công chúng ngày nay đã giảm bớt sự ưu tiên cho nó, bản thân nó phải chịu sự cạnh tranh với các phương tiện truyền thông hiện đại, đặc biệt là truyền hình, mạng xã hội và những chương trình nghệ thuật của nước ngoài hấp dẫn, khích thích được sự tò mò của người xem.
Khi nhà hát không đỏ đèn
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến nhấn mạnh: “Bản thân nhà hát là một công trình kiến trúc, nó không hề quyết định môi trường thực hành văn hoá nghệ thuật, không liên quan đến chuyện đỏ đèn, đỏ đèn hay không là do đơn vị nghệ thuật, hoạt động nghệ thuật ở cái đô thị ấy”.
Nhà hát sáng đèn hay không là do đơn vị nghệ thuật (Ảnh minh họa) Nguồn ảnh: Nhà hát Kịch Hà Nội.
Bên cạnh chức năng phục vụ biểu diễn nghệ thuật, nhà hát còn mang ý nghĩa là một công trình kiến trúc công cộng, nơi mà người dân, khách du lịch đến đó để thăm quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của kiến trúc.
Nhà hát Opera Sydney trong quá trình xây dựng đã từng gây ra rất nhiều tranh cãi nhưng sau này với kiến trúc độc đáo hình con sò đã giúp nó trở thành địa điểm thu hút khách du lịch, là biểu tượng của đất nước Australia hiện đại và được công nhận là di sản thế giới. Người ta đến đó nhiều khi không nhất thiết vào bên trong xem biểu diễn nghệ thuật, mà họ còn đến để chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc.
Nhà hát opera Sydney - một biểu tượng của đất nước Australia.
Hay như nhà hát Palais Garnier - công trình kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng xếp vào hàng bậc nhất thế giới cũng vậy, cũng không phải lúc nào cũng sáng đèn, nhưng kiến trúc và phong cách của nó vẫn là một trong những biểu tượng lộng lẫy, xa hoa nhất tại “Kinh đô ánh sáng”, khiến nó trở thành địa điểm người ta nhất định phải ghé thăm khi tới Pháp.
Các bức họa trên trần nhà hát Palais Garnier. (Nguồn: Thanh niên)
Như vậy, theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, không có một nhà hát nào có thể đỏ đèn suốt 365 ngày trong một năm, đừng nên đặt mục tiêu là tối nào các nhà hát cũng phải có chương trình biểu diễn. Nếu nhà hát là một công trình kiến trúc có giá trị, trở thành biểu tượng của đô thị, của quốc gia thì nó sẽ là một địa điểm hút khách đến tham quan, người ta yêu mến nó, lưu giữ những kỷ niệm khi ở đó thì đã là một sự thành công.
Trước đây, nhà hát là “thánh đường nghệ thuật” nhưng hiện nay, những công trình này còn được nhìn nhận trong một tổng thể đa chức năng. Bên cạnh vai trò là nơi để biểu diễn nghệ thuật, nhiều nhà hát còn được xây dựng thành nơi tổ chức các sự kiện quan trọng, phục vụ cho du lịch và lúc này, nhà hát phát huy vai trò như là một sản phẩm của công nghiệp văn hóa.
Bộ mặt của văn hóa nghệ thuật
Cái làm nên biểu tượng của một đô thị không phải là các ngôi nhà cao tầng mà phải là các công trình kiến trúc công cộng. Cùng với bảo tàng, thư viện, đài tưởng niệm... nhà hát được xây dựng với mục đích phục vụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng, là một công trình kiến trúc nghệ thuật quan trọng, một công trình không thể thiếu của một đô thị phát triển.
Trên phương diện nghệ thuật, nhà hát đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của con người, là nơi chấp cánh cho nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, nơi trình diễn các tác phẩm, các vở diễn nghệ thuật đặc sắc như opera, kịch, múa bale,… là đại diện cho những giá trị tinh hoa về văn hóa, nghệ thuật.
Nhà hát là nơi chấp cánh cho nghệ thuật đến gần hơn với công chúng. (Ảnh: Huyền Thương)
Tại Việt Nam hiện nay, Nhà hát lớn Hà Nội là một trong các công trình nhà hát nổi tiếng nhất, tuy nhiên công trình này cũng đã hơn trăm tuổi, trong khi đó biểu tượng của một công trình kiến trúc nghệ thuật mang hơi thở hiện đại thì vẫn chưa xuất hiện.
Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: “Ngày hôm nay nếu không đầu tư một công trình kiến trúc nghệ thuật thực sự có giá trị thì thế hệ sau sẽ giống như chúng ta ở hiện tại, vẫn thừa hưởng lại những cái gì cũ kỹ từ xa xưa. Ngoài chuyện làm đẹp đô thị, là điểm nhấn cho thành phố, phục vụ cho hiện tại thì những công trình đó sẽ là di sản cho thế hệ tương lai”.
Nhà hát Lớn Hà Nội có tuổi đời hơn 100 năm. (Ảnh: Huyền Thương)
Trong điều kiện kinh tế phát triển hơn những thời kỳ trước, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng được nâng cao thì các nhà quản lý văn hoá cũng đề xuất, triển khai xây dựng những công trình nghệ thuật mang dáng dấp của thời đại. Tuy nhiên, phải xây dựng như thế nào để có một công trình thật sự có giá trị về mặt nghệ thuật và được sự đồng thuận của đa số người dân là điều đáng được quan tâm.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng, nếu đã đầu tư thì phải đầu tư một công trình đàng hoàng, có giá trị về mặt kiến trúc, tránh cách làm nửa vời dẫn đến kết quả không như mong muốn, để nhà hát đó phải trở thành một điểm nhấn cho đô thị, trở thành một công trình nghệ thuật công cộng có ý nghĩa. Đồng thời, phải chấp nhận cái mới, cái độc đáo, cái sáng tạo của người kiến trúc sư. Quan trọng hơn cả là sự minh bạch trong quá trình xây dựng có được niềm tin, sự đồng thuận từ nhân dân.
Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, nhà hát và rạp hát là hai khái niệm cần phải phân biệt, bởi có rất nhiều người nhầm lẫn hoặc đánh đồng hai khái niệm này. Rạp là nơi để người xem đến để thưởng thức một vở diễn, ví dụ như xem một chương trình ca nhạc, tạp kỹ, xem xiếc,... Còn nhà hát là một công trình kiến trúc có tính độc lập, có không gian, bên trong nội thất đảm bảo các yếu tố về kỹ thuật, về âm thanh. Trước nhà hát bao giờ cũng có một quảng trường dù lớn hay nhỏ nó là không gian, là một điểm hoạt động công cộng. |

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng: "Những vật tư của cây cầu bị xuống cấp thì ta thay thế chứ đừng bao giờ có ý...
Bình luận