KAZIK - Người rừng Mỹ Sơn
Năm 1982, trong khuôn khổ hợp tác văn hóa Việt Nam - Ba Lan, kiến trúc sư Kazimierz Kwiatkowski sang công tác tại Việt Nam với tư cách là chuyên gia giúp đỡ Việt Nam bảo tồn, tu bổ các di tích tháp Chàm, đặc biệt khu di tích Tháp Chàm Mỹ Sơn và gia cố khu địa đạo Củ Chi.
Vừa đặt chân lên đất Việt Nam ông bắt tay ngay vào việc nghiên cứu, khảo sát di tích để đưa ra các phương án tu bổ. Lúc bấy giờ chiến tranh vừa kết thúc chưa được bao lâu, thung lũng Mỹ Sơn ở huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam còn đầy rẫy bom mìn chưa được rà phá. Nhóm khảo sát di tích do ông dẫn đầu đã đụng phải bom mìn, cướp đi sáu sinh mạng và nhiều người bị thương.
Kiến trúc sư Kazimierz Kwiatkowski
Tuy nhiên khó khăn và nguy hiểm không làm ông nản lòng. Ông dựng lều giữa chốn hoang vu phế tích tháp Chàm, khí hậu khắc nghiệt, thiếu thốn mọi bề và ăn ở ngay tại đó. Người đàn ông to lớn, nặng trên một tạ, da đỏ như tôm hấp, râu xòm, được mệnh danh là “người khổng lồ”, “người rừng Mỹ Sơn”. Đầu không mũ nón, cởi trần và chân đất, ông lầm lì làm việc quần quật suốt ngày, bất kể nắng mưa. Bữa ăn của ông bình dị, người Việt ăn gì ông ăn nấy: cơm, nước mắm, ớt, thậm chí cả mắm tôm... dân Quảng Nam - Đà Nẵng gọi ông bằng cái tên đầy thân thương - Kazik.
Tôi đã có mấy lần đi cùng ông đến khu di tích Mỹ Sơn. Hồi đó Mỹ Sơn còn rất hoang vu. Để đến đó chứng tôi phải lội qua một con suối và đi bộ chừng năm cây số đường núi. Có đến Mỹ Sơn vào những ngày nắng gắt thì mới thấy điều kiện sống và làm việc ở nơi này thật lắm gian truân. Có thấy ông làm việc tận tụy, mồ hôi nhễ nhại, thì mới biết ông say sưa với khu di tích này biết nhường nào. Ông vẫn thường nói: "Tôi là người Mỹ Sơn, khi tôi chết hãy chôn tôi ở Mỹ Sơn”.
Nguyên tắc và phương pháp bảo tồn, tu bổ các di tích tháp Chàm của ông là: Giữ gìn nguyên vẹn di tích gốc và thành phần gốc còn giữ được, kiên quyết không làm sai lệch và làm giả di tích, chủ yếu sử dụng biện pháp gia cố kĩ thuật để duy trì hiện trạng, chỉ phục chế từng phần nếu có cơ sở khoa học, không phục nguyên, không làm lẫn cái gốc với cái mới đưa vào để gia cường. Lúc đầu có không ít người phản đối phương pháp nói trên. Tuy nhiên, đến bây giờ thì các chuyên gia trùng tu di tích trong và ngoài nước đã thấy rõ giá trị của trường phái trùng tu khảo cổ học mà Kazik tuân thủ rất nghiêm ngặt đối với các di tích đền và tháp cổ ở Mỹ Sơn.
Kazik đã làm việc tại Việt Nam tổng cộng trên 17 năm.
Năm 1981, Kazik đến thăm thị xã Hội An. Với con mắt của một chuyên gia tài ba và một kiến trúc sư từng trải, giầu kinh nghiệm trong lĩnh vực trùng tu phục chế các di tích và đô thị cổ, ông đã phát hiện và nhận ra những giá trị của thị xã đang an phận ngủ say này. Theo ông, đây là “Một kho vàng trong kiến trúc nghệ thuật cổ gần như còn nguyên vẹn”. Ông xin gặp lãnh đạo thị xã, đề xuất ý kiến, theo đó phải gấp rút bảo vệ và trùng tu đô thị cổ này.
Đồng thời, ông viết báo cáo gửi UNESCO và các tổ chức quốc tế bảo tồn các đô thị cổ, đăng nhiều bài báo chuyên ngành giới thiệu giá trị và vẻ đẹp của Hội An với thế giới. Suốt nhiều năm sau đó, Kazik cùng các đồng nghiệp Việt Nam đã say sưa nghiên cứu, khảo sát và đạc họa khu nhà cổ. Phát hiện cũng như những hoạt động quảng bá cho đô thị cổ Hội An của Kazik có một ý nghĩa cực kỳ to lớn, tạo tiền đề cho Hội An được UNESCO chính thức công nhận là di sản thế giới.
Kazik đã làm việc tại Việt Nam tổng cộng trên 17 năm. Người Ba Lan được gọi là hiền nhân này tính tình thật dễ thương, khiêm nhường, nói ít làm nhiều và thủy chung hết mực với công việc, với bạn bè...
Chiều ngày 17 tháng 3 năm 1997 ông đã bất ngờ gục xuống bàn vẽ ở Thế Miếu, Tả Vu, khi đang tham gia trùng tu Đại nội Huế. Ông qua đời ở tuổi 53. Thi hài của Kazik được đưa về thành phố Lublin quê hương ông và mai táng tại nghĩa trang tọa lạc trên một ngọn đồi của thành phố này. Mộ ông nằm bên gốc một cây đại thụ sừng sững như dáng ông và rêu phong như nhà phố cổ.
Đại diện cho Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan, tôi đã tham dự lễ tang ông, kính cẩn đặt vòng hoa lên mộ ông, vĩnh biệt người bạn chung tình của nhân dân Việt nam và chia buồn cùng gia quyến. Hàng năm, vào dịp Ngày lễ Vong nhân – 1 tháng 11, đại diện Đại sứ quán nước ta và đại diện cộng đồng người Việt tại Ba Lan vẫn đến viếng mộ ông, thăm gia đình ông ở thành phố Lublin.
Kiến trúc sư Kazimierz Kwiatkowski đã được nhà nước ta trao tặng Huân chương Lao động Hạng II.
Tượng kiến trúc sư Kazimierz Kwiatkowski tại Hội An.
Tượng kiến trúc sư Kazimierz Kwiatkowski (Kazik) đã được dựng tại 138 Trần Phú, trung tâm phố cổ Hội An. Bức tượng bằng đá xanh Thanh Hóa (cao 2,4m, ngang 1,85m) tạc ảnh bán thân vị kiến trúc sư tài hoa có nhiều đóng góp đặc biệt cho văn hóa Quảng Nam, đặc biệt là khu đền tháp Mỹ Sơn và đô thị cổ Hội An. Ngắm hình ảnh ông tôi mường tượng trong đầu, đây cũng là tượng đài của tình hữu nghị và sự hợp tác có hiệu quả giữa Việt Nam và Ba Lan.

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Lê Vượng sinh ngày 18/04/1918. Mất ngày 21/10/2021 tại Hà Nội. Ông tham gia cách mạng từ năm 1945, cũng là...
Bình luận