Những công trình mới định hình kiến trúc thế giới năm 2023
Năm 2022 đánh dấu những dấu mốc quan trọng trong ngành kiến trúc, từ tòa nhà chọc trời “tái chế” đầu tiên trên thế giới đoạt giải Công trình thế giới của năm, cho đến Francis Kéré trở thành kiến trúc sư châu Phi đầu tiên giành giải Pritzker danh giá... Theo CNN, năm 2023 tiếp tục hứa hẹn sẽ là năm đáng nhớ với những dự án kiến trúc đầy sáng tạo dần hoàn thành và được cho là sẽ góp phần định hình tương lai kiến trúc thế giới trong năm tới.
Thư viện Quốc gia Israel
Trong bối cảnh ngày càng phát triển, Thư viện Quốc gia Israel đang chuyển đến tòa nhà hoàn toàn mới bên cạnh Quốc hội Knesset.
Thư viện Quốc gia Israel. Ảnh: Herzog & de Meuron.
Phần trên của tòa nhà được thiết kế tương tự như khối đá chạm khắc khổng lồ, với đá vôi địa phương trộn cùng xi măng. Bên trong, các cơ sở vật chất bao gồm khán phòng, trung tâm thanh thiếu niên và nhiều không gian triển lãm khác nhau, được bố trí xung quanh phòng đọc rộng hơn 4691 m2.
Thiết kế bởi công ty kiến trúc Herzog & de Meuron của Thụy Sĩ, tòa nhà phản ánh các giá trị cởi mở và khả năng tiếp cận tri thức dễ dàng, từ giếng trời hình tròn cao vút đến những giá kệ trưng bày trên mặt đất, giúp người đến thư viện có thể quan sát mọi thứ.
Nordø
Copenhagen đã được Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay chính thức công nhận là Thủ đô Kiến trúc Thế giới vào năm 2023 theo đề xuất của Đại hội đồng Liên minh Kiến trúc sư quốc tế (UIA). Theo CNN, thủ đô của Đan Mạch tràn ngập những ví dụ về thiết kế bền vững.
Nổi bật trong số đó là quá trình tái phát triển Nordhavn, nơi từng là khu công nghiệp, thành quận “thông minh” thân thiện với người đi bộ, sử dụng nguồn cung cấp năng lượng xanh và có “siêu làn đường dành cho xe đạp” liên kết đến trung tâm thành phố.
Nordø. Ảnh: Rasmus Hjortshøj.
Mới đây, công ty kiến trúc Đan Mạch Henning Larsen đã tô điểm thêm cho nơi đây khu phố Nordø - biểu tượng của sự chuyển đổi.
Với mặt tiền bằng gạch đỏ cùng những khu vườn rộng lớn và sân thượng, khu vực 115 căn nhà, hứa hẹn mang đến cho cư dân một “ốc đảo” có thể dễ dàng đến các nhà hàng và không gian công cộng đang ngày càng phát triển của quận.
Trung tâm văn hóa Lola Mora
Cố kiến trúc sư người Argentina César Pelli thường được biết đến với những tòa nhà chọc trời mang tính bước ngoặt như Tháp đôi Petronas ở Kuala Lumpur hay Trung tâm Tài chính Thế giới của New York. Nhưng dự án mới của công ty ông ở Nam Mỹ kể từ năm 2018 là mục tiêu khiêm tốn hơn.
Ẩn mình trong khu rừng nhìn ra thành phố San Salvador de Jujuy, phía tây bắc Argentina, Trung tâm văn hóa Lola Mora được thiết kế dành riêng cho nhà điêu khắc cùng tên.
Trung tâm văn hóa Lola Mora. Ảnh: Pelli Clarke & Partners.
Ngoài tuyển tập các tác phẩm của bà - một trong những nữ nghệ sĩ tiên phong đầu thế kỷ 20 - tổ chức cùng có thêm trung tâm phiên dịch, nhà hàng, thư viện và xưởng vẽ cho các nghệ sĩ khác đến thăm.
Tòa nhà được lấy cảm hứng từ chiếc đục của nhà điêu khắc Mora, đồng thời được kiến trúc sư Pelli Clarke & Partners mô tả là hoàn toàn tự cấp năng lượng, không phát thải carbon.
Thậm chí, với sự trợ giúp của tuabin gió tại chỗ và năng lượng mặt trời, trung tâm dự kiến tạo ra nhiều hơn 20% năng lượng so với mức tiêu thụ.
Ngôi nhà Gia đình Abraham
Gần 80% dân số của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất là những tín đồ theo đạo Hồi, nhưng tại khu phức hợp liên tôn giáo mới của Abu Dhabi, ba tôn giáo khởi nguồn từ Abraham (Hồi giáo, Cơ đốc giáo và Do Thái giáo) có tầm vóc ngang nhau.
Được xây dựng theo ba hình khối có kích thước giống hệt nhau, thánh đường Hồi giáo, hội đường Do Thái giáo và nhà thờ Cơ đốc giáo nằm trong sự hài hòa về mặt thẩm mỹ.
Ngôi nhà Gia đình Abraham. Ảnh: Adjaye Associates.
Công ty Adjaye Associates của kiến trúc sư người Anh gốc Ghana David Adjaye cho biết họ đã tìm đến những điểm chung của các tín ngưỡng trong thiết kế của mình.
Bên cạnh là nơi thờ cúng, khu phức hợp còn nhằm khuyến khích đối thoại và trao đổi văn hóa. Cuối cùng, một không gian thứ 4 - trung tâm giáo dục - sẽ là nơi “dành cho tất cả người có thiện chí đến với nhau như một”, các kiến trúc sư cho biết.
Merdeka 118
Cao hơn 678 m so với thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, Merdeka 118 hiện là tòa nhà cao thứ hai thế giới sau Burj Khalifa của Dubai. Nó cũng là một trong 4 tòa nhà chọc trời được gọi là “siêu cao” - thuật ngữ dùng để mô tả các tòa tháp cao hơn 600m.
Tòa tháp tọa lạc tại khu vực trung tâm thủ đô Kuala Lumpur và sẽ định hình lại đường chân trời của thành phố vốn được thống trị bởi tòa tháp Petronas và tháp Kuala Lumpur.
Tại buổi lễ khánh thành, thủ tướng Malaysia khi đó là ông Ismail Sabri Yaakob đã khẳng định Merdeka 118 là “tòa tháp mang tính biểu tượng của tương lai”.
Merdeka 118. Ảnh: PNB Merdeka Ventures.
Tầm nhìn của tòa tháp Merdeka hướng thẳng ra sân vận động Merdeka, nơi cựu lãnh đạo Tunku Abdul Rahman của Malaysia tuyên bố độc lập vào năm 1957. Theo cựu Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob, kiến trúc của Merdeka 118 tượng trưng cho hình ảnh của vị cựu lãnh đạo Rahman giơ tay hét “merdeka!”, có nghĩa là độc lập.
Thiết kế kiến trúc của tòa tháp được thực hiện bởi các chuyên gia đến từ công ty Fender Katsalidis của Australia. Bao quanh tòa tháp là mặt kính hình tam giác, được lấy cảm hứng từ chi tiết hoa văn thường thấy trong nghệ thuật thủ công của Malaysia.
Dự kiến hoàn thành vào nửa cuối năm 2023, một nửa diện tích của nó dự kiến được sử dụng làm văn phòng và diện tích còn lại sẽ dành cho các trung tâm thương mại, nhà thờ Hồi giáo, khách sạn và đài quan sát cao nhất Đông Nam Á.
Tòa nhà Đầu tiên AMRF
Theo NSW Government, Tây Sydney sẽ là trung tâm sản xuất công nghệ cao của Australia, với khoản đầu tư 260 triệu USD vào cơ sở nghiên cứu sử dụng chung đầu tiên trên toàn quốc, được xây dựng ngay trước cửa sân bay quốc tế mới Western Sydney.
Tòa nhà Đầu tiên của Cơ sở Nghiên cứu Sản xuất Tiên tiến (AMRF), dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023, vừa đóng vai trò là trung tâm thông tin hỗ trợ du khách, vừa là cơ sở cho sự phát triển rộng lớn hơn.
Mặt tiền trước tòa nhà đầu tiên của Cơ sở Nghiên cứu sản xuất tiên tiến (AMRF). Ảnh: CNN
Tòa nhà được lấy cảm hứng từ chuyển động của nước, với thiết kế tràn ngập ánh sáng được giám sát bởi công ty kiến trúc Hassell phối hợp với Cơ quan quản lý thành phố Western Parkland và nhà thiết kế bản địa Danièle Hromek.
Điểm đến Crenshaw
Sáng kiến trị giá 100 triệu USD, điểm đến Crenshaw, hy vọng sẽ làm được điều đúng như tên gọi của nó: Biến quận Crenshaw thành một điểm đến theo đúng nghĩa đen, không chỉ là con đường lớn.
Khu Crenshaw ở thành phố Los Angeles, bang California. Ảnh: CNN
Hành lang văn hóa dài gần 2,1 km sẽ có lối đi dành cho người đi bộ. Trong đó, 10 công viên công cộng mới, cùng hơn 100 tác phẩm sẽ làm nổi bật nghệ thuật và văn hóa của người da đen.
Sân bay quốc tế Kempegowda
Thành phố đông dân thứ ba của Ấn Độ, Bengaluru, chuẩn bị chào đón việc mở rộng sân bay quốc tế Kempegowda, đồng thời Nhà ga số 2 rộng hơn 2,5 triệu m2 cũng sẽ đi vào hoạt động đầu năm tới.
Mặt tiền sân bay quốc tế Kempegowda. Ảnh: DNA INDIA
Công ty kiến trúc Skidmore, Owings & Merrill đã lấy cảm hứng từ thiên nhiên để thiết kế “nhà ga trong vườn” - với một loạt tòa nhà được kết nối với nhau bằng cảnh quan tự nhiên, có nhiều cây cối, và gian hàng bằng tre, thác nước trong nhà cùng đồ đạc đan bằng cây mây.
Bảo tàng Grand Egypt
Với chi phí hơn một tỷ USD và chứa một số đồ vật quý giá nhất trong lịch sử loài người, Bảo tàng Grand Egypt được chờ đợi từ lâu nhưng đã bị trì hoãn nhiều năm kể từ khi cuộc thi thiết kế được công bố vào năm 2002.
Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập không trả lời yêu cầu xác nhận của CNN rằng bảo tàng có mở cửa vào năm 2023 không, mặc dù có rất nhiều dấu hiệu đầy hứa hẹn.
Bảo tàng Grand Egypt
Được thiết kế bởi công ty kiến trúc Heneghan Peng Architects, bảo tàng rộng hơn 483.000 m2 này có không gian triển lãm, trung tâm bảo tồn và giếng trời đủ cao để đặt bức tượng khổng lồ của pharaoh Ramses II.
Những họa tiết hình tam giác cũng xuất hiện trên mặt tiền bằng kính và xuyên suốt tòa nhà, gợi nhớ đến các kim tự tháp Giza.
Bình luận