Loại cây trước lấy củ ăn chống đói, giờ hái lá làm món này bán được cả triệu đồng

Mọi người thường biết đến củ của loại cây này, ít ai biết rằng, ngọn và lá non làm dưa lại được xem là đặc sản của một vùng, được nhiều người lùng mua.

Cây sắn là một loại cây lương thực quen thuộc của người Việt trồng chủ yếu để lấy củ. Vào thời kỳ khó khăn, củ sắn được dùng để chế biến các món ăn chống đói như bánh sắn, sắn luộc…

Ngoài ra, một số địa phương đã tận dụng ngọn sắn, búp sắn non làm rau xanh ăn hàng ngày hoặc mang muối chua như dưa cải, nấu với tôm hoặc cá làm thức ăn.

Ngày nay, kinh tế ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, giữa muôn ngàn của ngon vật lạ, món dưa sắn “nhà nghèo” ngày xưa bỗng trở thành đặc sản được nhiều người lùng mua.

Loại cây trước lấy củ ăn chống đói, giờ hái lá làm món này bán được cả triệu đồng - 1

Rau sắn muối chua thành đặc sản nhiều người lùng mua. (Ảnh: Tươi Phú Thọ)

Mở tủ lạnh, chỉ vào chiếc lọ nhựa để trong ngăn mát, chị Trần Thu Phương, trú tại Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, đây là ít dưa sắn muối chua được chị mua với giá 100 nghìn đồng cách đây hơn 1 tuần.

“Dưa sắn quê tôi bán theo bát, mỗi bát 10 nghìn đồng. Xuống Hà Nội muốn ăn cũng khó. Có đợt thèm quá, tôi phải mua với giá 50 nghìn đồng một cân, hút chân không rồi ăn dần đấy. Đợt nghỉ lễ vừa rồi, tôi mua luôn 1 lọ 10 lít, để ngăn mát ăn dần cho đỡ thèm”, chị Phương nói.

Theo chị Phương, quê chị ở Vĩnh Phúc. Ngày xưa, đói kém, củ sắn được bào thành sợi hoặc thái lát thành miếng, phơi khô rồi bảo quản cả năm. Sắn bào thì có thể mang nấu độn cơm. Sắn miếng mang luộc ăn hoặc giã nhỏ, nặn thành bánh sắn. Cũng có thể mang nghiền thành bột làm bánh rán hoặc nặn thành những chiếc bánh nhỏ để hấp cơm ăn.

Loại cây trước lấy củ ăn chống đói, giờ hái lá làm món này bán được cả triệu đồng - 2

Ngọn non của cây sắn có thể làm rau hoặc dưa chua ăn hàng ngày.

“Hết vụ sắn, cây được dựng quanh vườn hoặc giâm quanh vườn để lấy ngọn ăn. Ngọn sắn vò nát rồi luộc, nấu canh, cũng có thể làm dưa chua để ăn dần. Mùa hè, đi làm đồng về, được con cá hoặc con cua, mang vào nấu bát canh chua bằng dưa sắn thì thổi bay nồi cơm đấy. Bây giờ, nhiều khi thịt cá đầy mâm không thèm bằng bát canh dưa sắn”, chị Phương kể lại.

Sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi phía Tây Bắc của tỉnh Phú Thọ, chị Hoàng Thị Tươi (Tươi Phú Thọ), trú tại khu Đồng Cạn, xã Yên Dưỡng cho biết, mỗi ngày chị bán được khoảng 50kg dưa sắn muối chua.Loại cây trước lấy củ ăn chống đói, giờ hái lá làm món này bán được cả triệu đồng - 3

Mỗi ngày chị Tươi bán được khoảng 50kg dưa sắn muối chua.

“Tôi thấy nhiều nơi cũng trồng sắn nhưng vùng đất trung du Phú Thọ có điều gì rất đặc biệt khiến rau sắn mềm và ngọt, dưa sắn cũng rất ngon. Được ăn dưa sắn từ bé đến giờ, nhiều người hỏi mua nên tôi bắt đầu làm dưa sắn và bán từ năm 2022 đến giờ”, chị Tươi nói.

Theo chị Tươi, cách làm dưa sắn muối chua rất đơn giản. Ngọn rau sắn với 2 tôm 1 lá sẽ được hái mang về vò kỹ rồi rửa sạch với nước cho bớt nhựa. Tiếp đến, rau được để cho ráo nước rồi cho vào chum, vại nén chặt, đổ đầy nước và đậy lại. Sau từ 2-3 ngày có thể mang rau ra nấu ăn.

Loại cây trước lấy củ ăn chống đói, giờ hái lá làm món này bán được cả triệu đồng - 4

Dưa sắn có thể nấu được nhiều món ăn ngon và bổ dưỡng.

“Dưa sắn nấu chua rất đơn giản. Mình phi thơm hành tỏi với mỡ lợn hoặc dầu ăn rồi cho dưa sắn vào đảo đều. Nêm nếm gia vị và xào rau từ 5-10 phút cho ngấm. Sau đó, cho thêm nước dưa chua và nước lọc vào, đun sôi rồi cho thực phẩm vào nấu cùng như xương, cá, thịt, tôm, cua, tép… tuỳ sở thích của mỗi người. Sau đó, đun thêm khoảng 40 phút cho rau nhừ là có thể ăn được”, chị Tươi hướng dẫn.

Rau sắn bắt đầu vào vụ từ tháng 4 và kết thúc vụ vào tháng 10 hàng năm. Vào vụ dưa sắn, chị Tươi bán với giá 35 nghìn đồng/kg. Mỗi ngày, chị bán được khoảng 50kg dưa sắn.

Hồng Cảnh

Tin liên quan

Tin mới nhất