Giá vàng liên tục lập đỉnh mới, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến thế nào?
Trong khi giá vàng trong nước liên tục thiết lập đỉnh giá mới, thị trường chứng khoán Việt Nam khiến không ít nhà đầu tư thất vọng bởi những cú giảm mạnh thời gian gần đây.
Giá vàng trong nước liên tục lập đỉnh mới
Cùng với đà tăng mạnh của giá vàng thế giới từ đầu năm đến nay, giá vàng trong nước cũng liên tục thiết lập đỉnh giá mới.
Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố, tính đến ngày 28/3/2025, giá vàng thế giới bình quân ở mức 3.000,08 USD/ounce, tăng 10,31% so với tháng 2/2025.
Trong tháng 3/2025, giá vàng thế giới tăng mạnh và liên tục lập đỉnh mới do tác động tổng hợp từ nhiều yếu tố kinh tế và địa chính trị. Căng thẳng toàn cầu gia tăng, đặc biệt là kế hoạch áp thuế mới của Hoa Kỳ, đã làm gia tăng sự bất ổn trên thị trường.
Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 3/2025 tăng 4,68% so với tháng trước; tăng 32,68% so với cùng kỳ năm trước; tăng 10,75% so với tháng 12/2024; bình quân quý I/2025, chỉ số giá vàng tăng 31,45%.
Chưa dừng lại ở đó, giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục tăng mạnh trong tháng 4. Đến ngày 22/4, vàng miếng SJC thiết lập đỉnh lịch sử 122 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 124 triệu đồng/lượng chiều bán ra.
Sau khi điều chỉnh giảm mạnh từ 3,5 triệu đồng đến 5,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) trong phiên giao dịch ngày 23/4, giá vàng trong nước đã quay đầu tăng trở lại trong phiên giao dịch ngày 24/4.
Người dân xếp hàng chờ giao dịch vàng trong những ngày giá biến động mạnh. Ảnh: Hồng Cảnh
So với giá kết phiên giao dịch ngày cuối cùng của năm 2024, đến nay giá vàng SJC ghi nhận mức tăng 44,2% ở chiều mua vào và 43,79% ở chiều bán ra.
Trong khi đó, vàng PNJ tăng 37,57% ở chiều mua vào và 38,2% ở chiều bán ra. Vàng BTMC ghi nhận mức tăng 41,8% ở chiều mua vào và hơn 42% ở chiều bán ra.
Vàng Doji cũng ghi nhận mức tăng hơn 44,2% ở chiều mua vào và hơn 43,7% ở chiều bán ra.
Thị trường chứng khoán diễn biến trái chiều giá vàng
Trái ngược với đà tăng mạnh của giá vàng trong nước kể từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán giảm mạnh khiến nhiều nhà đầu tư choáng váng.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết đến ngày 31/3/2025, chỉ số VNIndex đạt 1.306,86 điểm, tăng 0,1% so với cuối tháng trước và tăng 3,2% so với cuối năm 2024; mức vốn hóa thị trường ước đạt gần 7.253,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1%.
Trong tháng 3, giá trị giao dịch bình quân đạt 22.741 tỷ đồng/phiên, tăng 27,3% so với bình quân tháng trước. Tuy nhiên, tính chung quý I/2025, giá trị giao dịch bình quân đạt 18.152 tỷ đồng/phiên, giảm 13,6% so với bình quân năm 2024.
Tính đến cuối tháng 3/2025, thị trường cổ phiếu có 724 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết; 886 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM với tổng giá trị niêm yết và đăng ký giao dịch đạt 2.376 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% so với cuối năm 2024.
Nhiều mã cổ phiếu biến động mạnh trong 4 tháng đầu năm. Ảnh chụp màn hình
Theo thông tin từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), trong tháng 3 số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân trong nước đã tăng thêm hơn 157.000 tài khoản. Tính chung quý I, số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đã có thêm 387.610 tài khoản, thấp hơn 3,5% so với quý I/2024.
Tính đến cuối tháng 3/2025, tổng số tài khoản chứng khoán đạt 9.686.077 tài khoản. Trong đó, tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước là 9.619.790 tài khoản.
Tuy nhiên, biến động mạnh trong những ngày đầu tháng 4 đã “thổi bay” mức tăng của thị trường chứng khoán trong 3 tháng đầu năm.
Theo đó, từ ngày 2-9/4, VN-Index đã có 4 phiên giảm mạnh liên tiếp với mức giảm tổng cộng 223,53 điểm. Trong đó phiên giảm sâu nhất tới 87,99 điểm và 1 phiên giảm 77,88 điểm. Tương tự, HNX-Index cũng ghi nhận mức giảm 45,55 điểm trong giai đoạn này.
Dù thị trường chứng khoán Việt Nam đã phục hồi trở lại trong những phiên giao dịch gần đây, tuy nhiên kết thúc phiên giao dịch ngày 24/4, chỉ số VN-Index vẫn đang ghi nhận giảm 43,43 điểm so với cuối năm 2024, tương đương mức giảm hơn 3,4%; chỉ số HNX-Index ghi nhận giảm 16,36 điểm, tương đương giảm gần 7,2% và Upcom-Index cũng giảm 3,23 điểm, tương đương giảm gần 3,4%.
Theo báo cáo chiến lược của chứng khoán SSI, VN-Index hiện đang giao dịch ở mức P/E hỗn hợp (trung bình của P/E 4 quý gần nhất và P/E ước tính 1 năm) là 11,6 lần, thấp hơn 25% so với mức trung bình từ năm 2016 đến nay là 15,5 lần.
Định giá TTCK Việt Nam hiện nay thấp hơn so với giai đoạn chiến tranh thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 2018-2019. Câu chuyện tăng trưởng nội địa của Việt Nam vẫn mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi các yếu tố cụ thể, bao gồm nâng hạng TTCK và kết quả từ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và phát triển kinh tế tư nhân.
Bình luận