Hình tượng Linh Thú qua góc nhìn xưa và nay

Chiều ngày 10/8, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra triển lãm gốm nghệ thuật "Linh Thú thời nay", triển lãm trưng bày các tác phẩm điêu khắc gốm về đề tài linh thú của Nghệ nhân ưu tú Trần Nam Tước.

Hình tượng Linh Thú qua góc nhìn xưa và nay - 1

Khai mạc triển lãm nghệ thuật gốm "Linh thú thời nay".

Kể từ thủa khai sơn lập quốc, người Việt đã luôn có lòng tự tôn dân tộc, để rồi phong tục tập quán, tín ngưỡng đã được khai triển ra các linh thú từ đây.

Các tác phẩm linh thú của Trần Nam Tước được trưng bày tại triển lãm đã thể hiện sự kết hợp hài hoà giữa những yếu tố tạo hình của hội họa, ngôn ngữ của điêu khắc trong sáng tạo kiểu dáng, sự kế thừa tinh hoa gốm Bát Tràng truyền thống với những tìm tòi, sáng tạo mới trong màu men, hình khối của tác giả.

Thông qua đó, các tác phẩm chuyển tải thông điệp ý nghĩa về truyền thống văn hóa, lịch sử Việt Nam qua hình tượng các linh thú. Với các tác phẩm tiêu biểu như: “Ngựa chầu”, “Cá rồng”, “Ngược dòng”, “Lân sư - đồng bản”, “Long ngư - đồng bản”…

Hình tượng Linh Thú qua góc nhìn xưa và nay - 2

Nghệ nhân ưu tú Trần Nam Tước (bìa trái) tại triển lãm.

Nghệ nhân Trần Nam Tước tên thật là Trần Xuân Triều, sinh năm 1974 tại Thái Bình. Khi mới về Bát Tràng, năm 1996, Trần Nam Tước chỉ là một thợ giúp việc trong các lò gốm. Ông được xem là “đứa con lạc loài” của làng gốm Bát Tràng khi là người duy nhất được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu Tú Bát Tràng nhưng không sinh ra ở làng nghề gốm sứ.

Điều đó không làm ông buồn và cảm thấy thiệt thòi mà ông còn xem đó là một niềm hãnh diện và tự hào mãnh liệt để ông sáng tạo và cháy hết mình với gốm sứ. Nghệ nhân ưu tú Trần Nam Tước cho biết, ông đến với nghệ thuật gốm bằng sự thấm dần theo thời gian. Hơn 30 năm điền dã, tích lũy, nghiên cứu văn hóa, đặc biệt là các hình tượng linh thú, ông mạnh dạn ra mắt bộ các tác phẩm linh thú thời nay.

“Tôi sinh ra từ làng, lớn lên nhờ nước ao gạo ruộng. Nương vào những lề xưa thói cũ, để tạo tác nghiệp nghề. Đến với Gốm tôi là kẻ ngoại đạo. Đến với nghệ thuật truyền thống, bằng sự thấm dần theo thời gian. Chuyện về linh thú thì thật dài, mà cứ mãi kể... Nay! Sau hơn 30 năm điền dã, với tích lũy bản thân. Tôi mạnh dạn trình làng bộ Linh thú Thời nay của mình”, nghệ nhân Trần Nam Tước chia sẻ.

Hình tượng Linh Thú qua góc nhìn xưa và nay - 3

Tác phẩm "Long ngư - đồng bản" của Trần Nam Tước.

Mặc dù là người đi sau kế thừa học hỏi tinh hoa, song những sản phẩm của ông để lại dấu ấn cá nhân, tái hiện lại sự tinh hoa làng nghề. Trong quá trình làm ở Bát Tràng, ông đã không ngừng nghiên cứu, thể nghiệm và nhận thấy những giá trị của men gốm Bát Tràng.

Với tư duy làm gốm riêng có của mình, ông đã nhìn thấy những dòng men tưởng như rất đơn giản mà lại vô cùng xuất sắc. Ông sử dụng chất liệu sản xuất đầu vào không cầu kỳ, chú trọng men với quan điểm làm gốm “đơn giản đầu vào, thận trọng đầu ra, tránh xa sao chép”. Chính vì vậy, mỗi tác phẩm của Trần Nam Tước luôn được các chuyên gia đầu ngành đánh giá cao.

Hình tượng Linh Thú qua góc nhìn xưa và nay - 4

Tác phẩm của Trần Nam Tước luôn được các chuyên gia đầu ngành đánh giá cao.

Thông qua buổi triển lãm, nghệ nhân ưu tú Trần Nam Tước mong muốn mang đến cho cộng đồng những góc nhìn xưa và nay về những linh thú - biểu tượng văn hóa của các dân tộc. Với những tác phẩm đã được cộng đồng quốc tế đón nhận, nghệ nhân Trần Nam Tước hy vọng sẽ lan tỏa được những giá trị văn hóa đặc trưng của Việt Nam đến gần hơn nữa với người yêu nghệ thuật Việt Nam và trên toàn thế giới.

Triển lãm mở của đến hết ngày 20/8/2023 tại tầng 1, nhà B, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

Một số hình ảnh phóng viên ghi nhận tại triển lãm:

Hình tượng Linh Thú qua góc nhìn xưa và nay - 5

Triển lãm thu hút đông đảo công chúng yêu nghệ thuật đến tham dự.

Hình tượng Linh Thú qua góc nhìn xưa và nay - 6

Công chúng tham quan triển lãm.

Hình tượng Linh Thú qua góc nhìn xưa và nay - 7

Tác phẩm "Chở" - qua sống Hằng nhớ công Cha.

Hình tượng Linh Thú qua góc nhìn xưa và nay - 8

Tác phẩm "Níu" - Níu lại hồn xưa

Hình tượng Linh Thú qua góc nhìn xưa và nay - 9

Tác phẩm "Kỳ lân"

Hình tượng Linh Thú qua góc nhìn xưa và nay - 10

Những tác phẩm trưng bày trong Triển lãm gốm nghệ thuật “Linh thú thời nay” nhằm chuyển tải thông điệp ý nghĩa về truyền thống văn hóa, lịch sử Việt Nam.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Những vần thơ sống mãi của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Những vần thơ sống mãi của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh (1890-1969) không chỉ là một lãnh tụ vĩ đại của phong trào cách mạng Việt Nam mà còn là một nhà thơ, nhà văn kiệt xuất trong nền văn học nước nhà. Người xác định, văn chương là vũ khí sắc bén để đấu tranh cách mạng và cũng là phương tiện rất hữu hiệu để động viên chiến sĩ, đồng bào.