Kỹ năng cho nghệ sĩ khi ra khơi

Trong khuôn khổ chuỗi hoạt động của cuộc thi Painting of the Year 2024, ngày 7/6, tại Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm với chủ đề “Kỹ năng cho nghệ sĩ khi ra khơi” với mục tiêu kết nối, truyền cảm hứng đến các nghệ sĩ và những người đam mê hội họa.

Với sự tham gia của họa sĩ Đặng Xuân Hòa, họa sĩ Trịnh Tuân, Giám đốc Hanoi Grapevine Trương Uyên Ly, giám tuyển Ace Lê, buổi tọa đàm là cuộc trò chuyện chia sẻ trải nghiệm cá nhân trên hành trình vươn ra thế giới, những thách thức và cơ hội trong việc định vị phong cách bản thân, từ đó giúp các họa sĩ trẻ khai mở tư duy nghệ thuật, sẵn sàng ghi dấu ấn trong bản đồ nghệ thuật khu vực.

Kỹ năng cho nghệ sĩ khi ra khơi - 1

Các diễn giả tại tọa đàm “Kỹ năng cho nghệ sĩ khi ra khơi”. Ảnh: Huyền Thương

Họa sĩ Đặng Xuân Hòa quan niệm, để đến với mỹ thuật, cần phải có một tâm hồn, một trái tim, một tình yêu mãnh liệt với nó: “Đối với nghệ thuật, chúng ta luôn là những đứa trẻ đến với nó bằng trái tim và tâm hồn của người nghệ sĩ. Những trải nghiệm trong cuộc sống, những quan sát xã hội và cảm nhận từ thiên nhiên là những người thầy vĩ đại nhất cho những người làm sáng tác nghệ thuật nói chung và cho mỹ thuật nói riêng”.

Xuất phát từ những kinh nghiệm của bản thân, họa sĩ Đặng Xuân Hòa chia sẻ, thế hệ các họa sĩ thời kỳ trước việc vẽ chỉ bắt đầu từ cây bút chì, mẩu than,... những thiếu thốn khiến cho điều kiện sáng tác bị bó hẹp.

Các họa sĩ trẻ hiện nay có điều kiện sáng tác tốt hơn rất nhiều, họ được sống trong bối cảnh xã hội ổn định hơn, nền kinh tế có nhiều thành tựu, quan điểm nghệ thuật cởi mở hơn, cộng với những thuận lợi từ sự hỗ trợ của nhiều bên giúp cho việc sáng tác, việc lan tỏa tác phẩm nghệ thuật ra thế giới dễ dàng hơn.

Kỹ năng cho nghệ sĩ khi ra khơi - 2

Tọa đàm có sự tham dự của đông đảo bạn trẻ quan tâm đến mỹ thuật. Ảnh: Huyền Thương

Đứng ở góc độ của người giám tuyển, với góc nhìn bao quát qua những nghiên cứu về nền văn hóa nghệ thuật của Đông Nam Á cũng như của Việt Nam, giám tuyển Ace Lê cho rằng các họa sĩ hiện đại đang có nhiều thuận lợi.

“Nghệ thuật Việt Nam đang có chỗ đứng rất độc đáo và vững chãi, các họa sĩ hiện đại đang đứng trên đôi vai của những tượng đài Mỹ thuật Đông Dương. Họa sĩ đương đại khi sáng tác có thể nhìn vào những thành tựu mỹ thuật và nhìn xuống chiều sâu của văn hóa lịch sử để kế thừa những tinh hoa giá trị của nó”, giám tuyển Ace Lê nhấn mạnh.

Đối với những họa sĩ trẻ, để bắt đầu bước chân ra khu vực và thế giới cần chuẩn bị cho mình một hành trang vững chắc. Theo họa sĩ Đặng Xuân Hòa, các họa sĩ trẻ nên quan sát, nhận ra và tự trang bị cho mình những kiến thức tối thiểu, đại cương, căn bản về mỹ thuật, cũng như tiếp cận được với những cái nhìn hiện đại về đời sống xã hội, về toàn cầu hóa.

Họa sĩ cũng bày tỏ quan điểm rằng nếu đã chấp nhận mình là một người nghệ sĩ, người theo đuổi nghệ thuật thì phải tự nhận biết được bản thân mình. Và muốn nhận biết được phải nhìn đời sống xung quanh, nhìn xã hội, nhìn cái cũ và nhìn cái mới, sau đó, chúng ta sẽ dần định hình ra chúng ta là ai, chúng ta sẽ làm gì, sẽ đi đâu và lựa chọn được loại hình nghệ thuật phù hợp với khả năng. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, việc phát hiện ra mình thường khó hơn việc nhận xét người khác.

“Họa sĩ trẻ muốn vững vàng trong nghề trước tiên cần chuẩn bị kiến thức và nhận thức được chính mình, còn đi đến đâu và làm được gì trong nghệ thuật nó rất mông lung, nó thách thức chúng ta rất nhiều. Khi làm nghệ thuật, chúng ta phải chấp nhận, nhiều khi phải trả giá, nghệ thuật trông nó xa vời thế thôi nhưng nó lại vô cùng thực tế”, họa sĩ Đặng Xuân Hòa cho hay.

Kỹ năng cho nghệ sĩ khi ra khơi - 3

Buổi trò chuyện góp phần tiếp sức cho các nghệ sĩ trẻ Việt Nam sẵn sàng ghi dấu ấn trong bản đồ nghệ thuật khu vực. Ảnh: Huyền Thương

Chia sẻ về kỹ năng cho họa sĩ trẻ khi bước ra sân chơi khu vực, họa sĩ Trịnh Tuân cho rằng: “Để có thể bước ra được nơi mà ta đã quá quen thuộc và an toàn, cần phải có kiến thức về nơi định đến, định đi và phải biết những nơi đó có những yêu cầu gì cho chúng ta. Theo tôi, để bước ra khu vực, họa sĩ cần phải có kiến thức về ngôn ngữ khác với ngôn ngữ mình đang dùng. Và ngoại ngữ là vũ khí cần thiết để ra khơi”.

Cuộc thi UOB Painting of the Year lần đầu tiên mở rộng sang Việt Nam vào năm 2023, mang đến cho các nghệ sĩ Việt Nam cơ hội thể hiện tài năng của mình cùng với các nghệ sĩ từ các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia. Cho đến nay, cuộc thi đã giúp phát hiện hơn 1.000 tài năng nghệ thuật trên toàn khu vực.

Cuộc thi UOB Painting of the Year năm thứ hai tại Việt Nam dành cho tất cả các đối tượng là công dân và thường trú nhân Việt Nam. Thời gian mở cổng nhận bài đến hết ngày 1/8/2024.

Hội đồng giám khảo gồm họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam – cố vấn nghệ thuật; họa sĩ Đặng Xuân Hòa – Trưởng ban giám khảo; họa sĩ Trịnh Tuân – thành viên giám khảo và nghệ sĩ Nguyễn Thị Châu Giang – thành viên giám khảo. Hội đồng giám khảo sẽ lựa chọn các tác phẩm thắng giải dựa trên các tiêu chí: thông điệp, tính sáng tạo, bố cục và kỹ thuật.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất