Nhà sưu tầm Trần Hậu Tuấn: Tạo dựng một địa chỉ văn hóa
Bắt đầu với vài bức tranh nhỏ được họa sĩ Bùi Xuân Phái tặng khi chia tay Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh công tác, 40 năm qua, nhà sưu tầm Trần Hậu Tuấn đã tạo dựng cho mình một con đường, hình thành nên bảo tàng đặc biệt - nơi quy tụ những tác phẩm đẹp và quý của mỹ thuật Việt Nam.
Cần mẫn thực hành công việc đòi hỏi tình yêu, lòng đam mê, tri thức văn hóa, sự tinh tường lịch duyệt và khả năng tài chính dồi dào, Trần Hậu Tuấn đã tạo hình một căn cốt: giữ lại những tác phẩm tinh hoa của hội họa Việt Nam ở lại Việt Nam, cho người Việt Nam.
Nằm trên con đường Nguyễn Trọng Tuyển (TP Hồ Chí Minh) giao thương tiện lợi, tư gia của nhà sưu tầm Trần Hậu Tuấn vẫn được người yêu hội họa coi như bảo tàng nghệ thuật để lui tới. Sẽ rất khó chế ngự cảm giác choáng ngợp, rưng rưng khi lần đầu tiên chiêm ngưỡng, nhìn tận mắt những tác phẩm vốn chỉ nghe nói hoặc xem trong sách. Từ những huyền thoại khóa đầu tiên Trường cao đẳng mỹ thuật Đông Dương như Nguyễn Phan Chánh, Mai Trung Thứ, Lê Phổ… đến tên tuổi trong các bộ tứ vẫn được truyền tụng: Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn…hay Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái…; từ những họa sĩ bí ẩn như Trần Trung Tín đến những gương mặt ưu tú đương thời như Đặng Xuân Hòa, từ đại diện khóa mỹ thuật kháng chiến Trần Lưu Hậu đến đương đại và ưu tư Nguyễn Minh Thành… đúng nghĩa muốn xem tranh Việt đẹp thì đến Trần Hậu Tuấn. Số lượng tranh và trị giá các bức tranh Trần Hậu Tuấn đang có, không dễ quy đổi ra tiền cả vì giá trị nghệ thuật lẫn lịch sử. Với anh sở hữu một bức tranh là gia tăng vào đó những câu chuyện, những thời đoạn của cuộc sống gắn với mỗi cá nhân.
Đất nước tháng ngày bộn bề thiếu thốn, danh họa như Bùi Xuân Phái chỉ được vẽ trên những toan vải khổ nhỏ, thậm chí bìa giấy còn bé hơn, có đủ họa phẩm sáng tác cũng là ước muốn trong giấc mơ chưa bao giờ tròn đầy của giới nghệ sĩ. Là bạn học của con trai Bùi Xuân Phái, Trần Hậu Tuấn có cơ hội gặp gỡ và từ những tiếp xúc gần với "công dân Hà Nội đặc biệt" đó, một thế giới khác đã nhen nhóm, len lỏi, sâu rễ bền gốc… làm thành một phần sự nghiệp và hơn nữa là một phần cuộc đời nhà sưu tầm danh tiếng: "Mỗi bức tranh tôi có được đều là ký ức của những tháng ngày khó khăn với vô vàn kỷ niệm không thể nào quên của tôi cũng như của các họa sĩ và các nhà sưu tầm. Tình yêu thương mà họa sĩ Bùi Xuân Phái dành cho chúng tôi, những đứa trẻ có may mắn được gần ông lúc sinh thời.
Những bức tranh trên tường nhà ông, những cuốn sách ông cho mượn... đều là những bài học mỹ thuật quý giá". Qua Bùi Xuân Phái, Trần Hậu Tuấn làm quen thêm nhiều họa sĩ đỉnh cao. Những chuyến từ TP Hồ Chí Minh trở về Hà Nội vào giai đoạn tàu hỏa chạy nhanh nhất cũng ba ngày ba đêm máy bay phải đủ thứ giấy tờ xác nhận mực đen dấu đỏ mới đặt nổi vé, Trần Hậu Tuấn vẫn lặn lội đi về nghe chuyện, xem tranh, mua tranh dù thời khắc ấy tranh chưa hẳn là tài sản dễ dàng thanh khoản. Quan hệ cá nhân và con mắt tinh tường, sự mẫn cảm tự nhiên với cái đẹp khiến Trần Hậu Tuấn luôn được chọn hoặc chọn được những tác phẩm đẹp hàng đầu của nhiều tác giả lừng lẫy. Chính danh họa Nguyễn Gia Trí đã nhắn Trần Hậu Tuấn tìm một tác phẩm của ông đang lưu lạc ở nước ngoài. Sau những kỳ công tốn kém, có duyên ắt gặp, Trần Hậu Tuấn đã đem được bức sơn mài đặc biệt của Nguyễn Gia Trí - bức tranh từng gắn với biến động thời cuộc miền nam trước đây trở về Tổ quốc.
Là dân Hà Nội, sống qua "một thời đạn bom", vào TP Hồ Chí Minh làm huấn luyện viên bóng đá sau khi tốt nghiệp Đại học Thể dục thể thao, 40 năm lập nghiệp ở đô thị sôi động bao dung bậc nhất, tên tuổi Trần Hậu Tuấn giờ đã gắn liền với tranh và võ. Vẫn tự bạch lấy tiền dạy võ để mua tranh, lò võ của võ sư Vịnh xuân Trần Hậu Tuấn đang được mở ở nhiều nước trên thế giới, thu hút học viên đủ các quốc tịch, mầu da. Cái cười mỉm đầy ưu ái của số phận giúp Trần Hậu Tuấn thành tri kỷ với Bùi Xuân Phái ở hội họa, và được làm học trò trực tiếp của đại võ sư Ngô Sĩ Quý - người có công lao to lớn với võ thuật cổ truyền Việt Nam.
Ở gần những tinh hoa đích thực, võ sư - nhà sưu tầm Trần Hậu Tuấn đã hấp thụ hình thành cho mình bầu khí quyển riêng - đắm đuối xoay trở trong thế giới ấy. Thân thuộc với Bùi Xuân Phái không ai bằng đã đành, Trần Hậu Tuấn còn hiểu và cảm giác rõ ràng về Nguyễn Sáng, dù gặp gỡ không nhiều. Ông thú nhận rằng ngay lần đầu nhìn thấy bức tự họa khổ nhỏ của Nguyễn Sáng ở căn phòng bé xíu tại Hà Nội, đã bị ám ảnh về nó, và phải sau nhiều, rất nhiều thời gian cùng duyên phận, mới có thể trưng chân dung danh họa trong vị trí đặc biệt ở nhà mình.
Năm 2019, Trần Hậu Tuấn xuất bản cuốn sách Sưu tập Trần Hậu Tuấn, khoe ra một phần trong gia tài vô giá của mình, gia tài được gầy dựng bằng sự kết tủa đời sống nghệ thuật hơn 40 năm của một người tự giác ngộ ra một sứ mạng văn hóa của cá nhân nhìn - thấy - yêu - hiểu hội họa nước nhà. Sưu tập này đã trở thành một địa chỉ văn hóa. Với quy mô hàng trăm tác phẩm, hàng chục tác giả trải suốt trăm năm phát triển của hội họa Việt Nam, với diện tích trưng bày và lưu trữ, lượng ấn phẩm và triển lãm khá đồ sộ, nó thuộc loại lớn nhất đã đành, quan trọng hơn là chất lượng các tác phẩm và tính hệ thống của bộ sưu tập bao gồm đủ các giai đoạn... Tập hợp tác phẩm của một số tác giả từng thời kỳ thuộc hàng đầy đủ và tiêu biểu nhất khiến các bảo tàng về mỹ thuật Việt Nam phải "ganh tị" và giới sử học, phê bình phải quan tâm nghiên cứu.
Sưu tập Trần Hậu Tuấn có vẻ đi theo mô hình cổ điển của một Tretyakov gallery ở Nga và theo tấm gương chưa trọn vẹn của một Đức Minh - Bùi Đình Thản ở Việt Nam" như nhận định của họa sĩ - nhà phê bình Nguyễn Quân. Trần Hậu Tuấn đã mua, sưu tầm, bằng mọi giá lưu giữ các tác phẩm mỹ thuật quý giá ở lại Việt Nam cho hôm nay và mai sau. Nhiều họa sĩ Nga xưa đồng hành cùng Tretyakov bằng cách luôn chọn bán tác phẩm đẹp nhất, giá rẻ nhất cho bảo tàng với ý thức đấy là dành cho người dân Nga.
Đã đạt được thành tựu hiếm có, Trần Hậu Tuấn vẫn chưa dừng lại, ông vẫn miệt mài dạy võ để lấy tiền mua tranh, vẫn săn lùng tìm kiếm tác phẩm đẹp. Dự định hay ước muốn hiện thời của ông là một bảo tàng đương đại, một không gian đủ rộng, đủ tầm đủ khoáng đạt để các nghệ sĩ thỏa mãn năng lượng sáng tạo cá nhân. Trần Hậu Tuấn không nhìn bộ sưu tập khổng lồ của mình theo trị giá tài sản, mà hơn thế "những tác phẩm quý giá trong bộ sưu tập đều là những lời nhắn gửi từ khát khao thẩm mỹ, những ước muốn đời thường của nhiều thế hệ nghệ sĩ và cũng là của ba gửi lại cho con và các thế hệ tiếp theo rằng: Cái đẹp là vĩnh hằng, và cuộc đời dẫu vô vàn khổ nạn, vẫn luôn đẹp đẽ và tràn đầy hy vọng"… như lời lẽ trong bức thư ông viết cho con gái mình…
Bình luận