Những tác phẩm có yếu tố sắp đặt đạt giải trong triển lãm điêu khắc toàn quốc

Triển lãm điêu khắc năm 1963 - 1973 được xem là triển lãm đầu tiên đánh dấu phong cách điêu khắc giai đoạn hiện đại trước năm 1945. Bắt đầu từ dấu mốc này mà các kỳ triển lãm sau được duy trì thực hiện cứ sau mốc 10 năm lại được tổ chức. Các tác phẩm trưng bày trong triển lãm cho thấy sự đa dạng, phong phú về ngôn ngữ tạo hình, về chủ đề và phong cách sáng tác. Việc trưng bày những tác phẩm có yếu tố sắp đặt và đưa một số tác phẩm đạt giải như một công bố mang tính định hướng cho nghệ thuật điêu khắc phát triển không ngừng, cập nhật với sự phát triển của xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa ở Việt Nam hiện nay.

Các tác phẩm có yếu tố sắp đặt được chấm giải

Các triển lãm điêu khắc toàn quốc (ĐKTQ) (5 lần triển lãm) được kéo dài trong khoảng thời gian 5 thập kỷ đã phác thảo nên một diện mạo nghệ thuật điêu khắc, những biểu hiện chuyển biến trong tạo hình các tác phẩm đạt giải... Đội ngũ tác giả đã cùng nhau xây dựng con đường sáng tác với sự phát triển ngày càng hùng mạnh, đưa nền điêu khắc lên tầm cao mới với nhiều hứa hẹn.

Thông qua mỗi lần triển lãm là những dấu mốc quan trọng, những tác phẩm đạt giải được xem như những điểm nhấn được Hội đồng nghệ thuật tuyển chọn. Nghệ thuật sắp đặt và nghệ thuật điêu khắc có mối quan hệ hoặc cùng mang những điểm chung để phản ánh nội dung tác phẩm. Chính vì vậy trong các triển lãm điêu khắc toàn quốc nói chung, những tác phẩm đạt giải nói riêng đã xuất hiện những tác phẩm điêu khắc có yếu tố sắp đặt, điều này đồng nghĩa với việc Hội đồng chấm giải đã chấp nhận nghệ thuật sắp đặt để mang tính toàn cầu hóa.

Nếu coi tác phẩm Dòng sông Mê Kông của Tạ Quang Bạo (giải Nhất) mang phong cách khá mới mẻ cũng như tín hiệu cho sự tìm tòi mới để hướng tới sắp đặt trong điêu khắc thì tác phẩm Lời của biển (Sắp đặt) của Phạm Ngọc Lâm, đạt giải thưởng Quỹ Thụy Điển - Việt Nam phát triển văn hóa và tác phẩm Đất và nước (Sắp đặt) của Vương Văn Thạo đạt giải thưởng Quỹ Thụy Điển - Việt Nam phát triển văn hóa là những tư duy mới về hình thức thể hiện ngôn ngữ hình thức và không gian trưng bày.

Những tác phẩm có yếu tố sắp đặt đạt giải trong triển lãm điêu khắc toàn quốc - 1

Nguyễn Ngọc Lâm, Cây cầu vồng, Gỗ, Sắt, Giải Khuyến khích Triển lãm điêu khắc toàn quốc lần 5 (2003 - 2013)

Các tác phẩm có yếu tố sắp đặt này nhằm chỉ đến một tổ hợp của nhiều thành phần tạo hình khác nhau về chất liệu… để tạo nên một tác phẩm điêu khắc có yếu tố của sự xếp vị trí nhằm tạo nên hệ thống, sơ đồ, nhịp, tuyến... trong không gian thực. Lúc này, không gian thực hoặc những tương tác của con người trở thành một thành phần của tác phẩm.

Trong tác phẩm điêu khắc có yếu tố sắp đặt, ngôn ngữ này được sử dụng nhằm chỉ đến sự kết hợp giữa khối điêu khắc với các vật dụng ở nhiều dạng chất liệu có sẵn kết hợp với các phương tiện và kỹ thuật khác nhau được nghệ sĩ lắp đặt, thiết kế ghép theo tư duy, ý tưởng riêng kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng, thậm chí cả mùi hương (không nghìn thấy) trở thành một yếu tố của tác phẩm. Tuy nhiên, nghệ thuật điêu khắc vốn là nghệ thuật ba chiều gắn với môi trường không gian, những tác phẩm điêu khắc thường được các nhà điêu khắc mô tả bằng ngôn ngữ tạo hình đường nét, mảng khối, không gian, ánh sáng…

Đánh dấu sự xuất hiện của nghệ thuật đương đại chuyển từ nghệ thuật sắp đặt sang điêu khắc sắp đặt mang đến tính mới và mở rộng biên độ sáng tác cho lĩnh vực điêu khắc. Các tác phẩm mang tiếng nói của nghệ thuật sắp đặt như: Chuyện quê (gỗ sơn) của Kù Kao Khải đạt giải Nhì, Tuổi thơ (gỗ) của Hà Mạnh Chiến đạt giải Ba, Bình yên (Tổng hợp) của Trần Việt Hà đạt giải Khuyến khích, Cây cầu vồng (gỗ, sắt) của Nguyễn Ngọc Lâm đạt giải Khuyến khích, Những con chim (tre, gỗ, nhôm, đúc) của Thái Nhật Minh đạt giải Khuyến khích, Ngóng (Tổng hợp) của Trần Văn Thức đạt giải Khuyến khích…

Đó là những tác phẩm sắp đặt mang tính tương tác với công chúng/người xem và phản ánh quá trình ảnh hưởng của nghệ thuật sắp đặt với các tổ hợp hình thể đã được các nghệ sĩ sắp xếp và xây dựng ý tưởng: Nghệ thuật sắp đặt có ngôn ngữ tạo hình gần với điêu khắc hơn hội họa… các tác phẩm Đất và nước của Vương Văn Thạo và Lời của biển của Phạm Ngọc Lâm. Ba bộ xương cá đung đưa trong khung gỗ. Cá được cấu tạo bởi thìa, dĩa, dao ăn, dụng cụ làm bếp và là đồ dùng để ăn cá… dưới “đáy biển” là những mảnh gốm cổ, vỏ sò, vỏ hến. Tác giả muốn khuyên mọi người hay bảo vệ môi trường biển không làm cạn kiệt những tài nguyên của biển.

Có thể nhận thấy nghệ thuật sắp đặt một mặt đã gửi được khá nhiều thông điệp vào tác phẩm để làm cho ngôn ngữ của nghệ thuật điêu khắc mở rộng đường biên dưới nhiều góc nhìn có thể khám phá và sáng tạo. Mặt khác, nội dung của mỗi tác phẩm là một ý tưởng được khai thác từ cái nhìn thực tế cuộc sống.

Với tác phẩm sắp đặt Đất và nước của Vương Văn Thạo cũng được công chúng đón nhận khi trưng bày trong triển lãm. Việc công nhận giải cho tác phẩm có yếu tố sắp đặt cũng báo hiệu sự nhìn nhận cập nhật mang tính mở và hướng tới xã hội toàn cầu của Hội đồng tuyển chọn.

Đối với triển lãm điêu khắc toàn quốc năm 2013 lại khẳng định cho những điều nêu trên đó cũng chính là sự xuất hiện của nhiều tác phẩm sắp đặt hoặc những tác phẩm mang yếu tố sắp đặt. Tuổi thơ (gỗ) của Hà Mạnh Chiến, Những con chim (tre, gỗ, nhôm, đúc) của Thái Nhật Minh, Ngóng (Tổng hợp) của Trần Văn Thức… cùng nhiều tác phẩm được trưng bày trong triển lãm để có cái nhìn tổng quát hơn trong việc xem tác phẩm sắp đặt như là điểm nhấn trong không gian trưng bày các tác phẩm điêu khắc định kỳ sau mỗi 10 năm.

Nếu coi nghệ thuật sắp đặt là nét mới và mở trong không gian và nghệ thuật điêu khắc, thì ở đó những tác phẩm sắp đặt lại mang nét đặc thù. Đó là cần đến sự tương tác của người xem cũng như tự thân nó rất cần đến không gian trưng bày mang tính ước lệ cao. Khi người xem đến gần với mỗi tác phẩm sắp đặt việc thu hút của tác phẩm đối với người xem như một sự đồng cảm và “mời chào” cần đến sự tương tác làm tăng tính nghệ thuật của tác phẩm.

Sự mở rộng cách nhìn về nghệ thuật sắp đặt trong triển lãm điêu khắc toàn quốc

Thực tế nền điêu khắc hiện đại Việt Nam đã xây dựng và duy trì được những thành quả đáng ghi nhận. Việc đổi mới tư duy đã làm cho xã hội phát triển, đồng thời khích lệ sự tiến bộ của mỹ thuật, trong đó có điêu khắc và nghệ thuật sắp đặt. Ngày càng có nhiều nghệ sĩ làm điêu khắc, đội ngũ sáng tác dần lớn mạnh, sự phát triển về nội dung và hình thức cũng rõ rệt hơn.

Với tư tưởng dân chủ được mở rộng nên xuất hiện nhiều tác phẩm điêu khắc mới, đề tài sáng tác ngày càng được mở rộng, phong cách sáng tác cũng đa dạng và phong phú hơn. Những tác phẩm sắp đặt cũng góp phần xây dựng xã hội hiện đại ngày một phát triển và văn minh hơn. Vì thế ngôn ngữ, xu hướng điêu khắc phong phú, biểu cảm bằng các xu hướng từ hiện thực đến những xu hướng hiện thực dân gian nhưng có tính hiện đại gần với siêu thực, trừu tượng, sắp đặt.

Xu hướng hiện thực vốn phổ biến ở những triển lãm giai đoạn 1990 đến nay vẫn duy trì khai thác bên cạnh nghệ thuật sắp đặt đến gần với nghệ thuật điêu khắc làm cho ngôn ngữ và xu hướng đa dạng, tạo điều kiện cho các nhà điêu khắc, đặc biệt là điêu khắc trẻ có cơ hội thể nghiệm các công nghệ hiện đại. Hầu hết các tác phẩm trừu tượng có hình đã chứa đựng trong mỗi tác phẩm có thể mang tính tự sự nhưng cũng có thể mở ra nhiều chiều.

Những tác phẩm có yếu tố sắp đặt đạt giải trong triển lãm điêu khắc toàn quốc - 2

Kù Kao Khải, Chuyện quê, Gỗ sơn, Giải Nhì Triển lãm điêu khắc toàn quốc lần 5 (2003 - 2013)

Phát triển và mở rộng nhiều xu hướng sáng tác, từ đó các tác giả có cơ hội tìm hiểu, nghiên cứu kết hợp ngôn ngữ truyền thống và ngôn ngữ hiện đại để đem đến cho người xem bằng những cảm thụ thẩm mỹ đẹp. Vì vậy các tác phẩm điêu khắc hiện đại hướng tới tương lai một cách mãnh liệt, có nhiều tác phẩm đạt giải phá cách là những khuynh hướng mới hướng tới nghệ thuật đương đại như trừu tượng, sắp đặt... bên cạnh nhiều tác phẩm vẫn duy trì sáng tác ở khuynh hướng biểu hiện và cách điệu.

Từ các tác phẩm đoạt giải ở cả 5 kỳ triển lãm cũng cho thấy thể loại tượng tròn, phù điêu không chỉ bó hẹp trong không gian ba chiều đơn thuần mà được sáng tác ở nhiều chiều, nhiều hướng nhìn, thể hiện ở nhiều chất liệu khác lạ tạo cho người xem cách tiếp cận phong phú. Tượng đài xây dựng nhiều, ồ ạt, chất liệu bền vững nhưng vẫn để lại những hạn chế nhất định, ít nhiều cũng tạo ra những quan niệm trao đổi của người thưởng thức, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến sự phát triển, hoàn thiện cho mỗi tác phẩm điêu khắc.

Tác phẩm Đất và nước của Vương Văn Thạo đánh dấu bước ngoặt sự đổi mới trong thể loại điêu khắc. Đến triển lãm ĐKTQ lần thứ năm đã xuất hiện thể loại này nhiều hơn dưới sự diễn giải bằng ngôn ngữ điêu khắc đa nghĩa, nhiều không gian, góc nhìn cũng phong phú hơn. Điều này cho thấy điêu khắc không chỉ còn ở tượng tròn, phù điêu mà nhiều loại hình mới được thấy trong các tác phẩm trưng bày trong triển lãm. Ranh giới các thể loại đã được thay đổi quan niệm thông qua các tác phẩm điêu khắc mà các nhà điêu khắc đã thực hiện.

Kết luận

Các tác phẩm điêu khắc có yếu tố sắp đặt nói chung và những tác phẩm điêu khắc có yếu tố sắp đặt đã đạt giải thưởng nói riêng được cho là đại diện cho sự thành công về tính mới mẻ của ngôn ngữ điêu khắc gắn với nghệ thuật sắp đặt. Bước ngoặt này đã góp phần tạo nên diện mạo đương đại cho lĩnh vực điêu khắc Việt Nam. Ở đó, những tác phẩm sắp đặt cũng đòi hỏi cần có những đặc tính khi chúng được trưng bày, đó là sự kết nối không gian và quá trình tương tác với công chúng.

Từ đó, các tác phẩm có yếu tố sắp đặt đã chuyển hóa những hiệu quả nghệ thuật bằng những thay đổi, sắp xếp đến linh hoạt mà những tác phẩm điêu khắc tĩnh ít có khả năng biểu hiện như vậy. Những tác phẩm điêu khắc có yếu tố sắp đặt ở những triển lãm ĐKTQ còn cho thấy quá trình phản ánh xu hướng phát triển của nghệ thuật đương đại Việt Nam đã biết cập nhật những xu hướng nghệ thuật mới mà ở đó, ranh giới giữa các loại hình, thể loại nghệ thuật không còn. Thay vào đó là tính cởi mở để thiết lập nền nghệ thuật điêu khắc đương đại phong phú, đa nghĩa, bởi một vấn đề sẽ được soi chiếu từ nhiều chiều, nhiều góc nhìn khác nhau.

Phạm Thái Bình

Tin liên quan

Tin mới nhất