"Trái tim già nua không cho phép bác hát nữa"

...Không thể ngờ được nữ ca sĩ nổi tiếng một thời lại sống giản dị đến như vậy. Khi ở Hà nội căn nhà rộng 24m2 của bà nằm trong ngõ nhỏ yên tĩnh gần phố Lý Thường Kiệt, chỉ những thứ đồ đạc khiêm tốn và cũng không thể ngờ được bà vẫn còn đẹp đến như vậy. Ở tuổi 65, trông bà chỉ hơn 50 chút ít: dáng dấp thanh mảnh, nụ cười vẫn rạng rỡ. Lại càng không thể ngờ được con người có vẻ ngoài thật kiêu sa ấy lại rất chân thành và dễ gần...

Tôi cậy chút ít vốn liếng làm báo cũng không đến nỗi nào của mình để hướng bà theo dàn bài mà tôi đã nghĩ sẵn ở nhà:

- Cho đến tận bây giờ chắc chẳng có ai vượt được bài “Xa khơi” do Bác trình bày 35 năm trước. Những ca sĩ này có thể được đào tạo kỹ thuật thanh nhạc tốt hơn, nhưng làm sao họ có thể hiểu được tận cùng những tình cảm của thời kỳ ấy...

Bà im lặng lắng nghe, ánh mắt thân thiện lắm. Rồi bà mỉm cười khẽ khàng nói:

- Nói như cháu cũng chưa hẳn chính xác đâu. Bác được đào tạo thanh nhạc rất đầy đủ: Tu nghiệp ở Nhạc viện Sofia (Bungari), dự nhiều khóa học nâng cao do các chuyên gia nước ngoài giảng dạy. Nhưng đúng là bác còn có những nguyên nhân khác để có thể hát “Xa khơi” có thể hay hơn một số người.

"Trái tim già nua không cho phép bác hát nữa" - 1

Ca sĩ Tân Nhân

Quê bà chính ở vùng Gio Linh (Quảng Trị). 15 tuổi bà tham gia hoạt động cách mạng và xa quê từ đó đến nay. Năm 1962 cầm bản nhạc “Xa khơi” của Nguyễn Tài Tuệ, người bạn cùng trường Đồng khánh, bà như nhìn thấy rõ mồn một vùng biển quê mình. Bà đã từng đứng ở đó, trong thứ ánh sáng lan tỏa ấy và bà từng mơ ước những cánh buồm xa hệt như thế. Nỗi nhớ của người con xa quê đã giúp bà định hình tròn trịa nhất linh hồn của bài hát. Bà tiết lộ: Thật ra "Câu hò bên bến Hiền Lương" của Hoàng Hiệp mới là bài tủ của bác.

Hầu hết tất cả các nước bà đã đặt chân đến bà đã hát bài này. Lần trình diễn ấn tượng nhất là tại Đại hội liên hoan Thanh niên, Sinh viên thế giới tổ chúc ở Helsinki (Phần Lan). Hai đoàn thanh niên Việt Nam và Mỹ gặp nhau ở đó. Linda một bạn gái người Mỹ nắm tay Tân Nhân, rồi bỗng thốt lên: “Mình nhớ Mẹ mình quá".

Tân Nhân bảo: "Linda xa Mẹ mới có 10 ngày mà đã thấy nhớ, mình xa Mẹ mình tới 14 năm rồi, không biết nỗi nhớ lớn thế nào".

Và Tân Nhân cất tiếng hát "Bên kia bờ Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về, đôi mắt đượm tình quê, đôi mắt đượm tình quê...". Khi Tân Nhân hát xong, tất cả người Việt Nam và Mỹ ở đó đều khóc. Chắc chắn tiếng hát cao vút của Tân Nhân ở Helsinki đã trở thành hành trang cho một số người Mỹ tiến bộ trong cuộc đấu tranh phản chiến của họ sau này...

...Về hưu, thời gian đầu bà còn đi dạy thanh nhạc ở nhạc viện. Nay thì bà đã ngừng hát hoàn toàn."Trái tim già nua của bác không cho phép bác hát nữa"- Bà thổ lộ. Bà đưa cho tôi cuốn băng cassette những bài hát cũ của bà, do đích thân bà nhờ thu từ kho tư liệu của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Tiếng hát vút lên với một mãnh lực sóng dữ dội và tha thiết "Câu hò bên bến Hiền Lương" của Hoàng Hiệp, “Nhớ” của Lê Yên, “Giữ trọn tình quê” của Văn Cận và đặc biệt là “Ru con” (dân ca Nam bộ), bài này đơn ca trên nền nhạc của dàn hợp xướng lên tới gần 100 người. Bà bảo thế là may mắn lắm. Ngày nay ca sĩ có giọng đẹp đến mấy cũng không có được điều kiện được hát với một dàn hợp xướng lớn và được tập luyện công phu như thế.

"Thực ra quy mô và gọn nhẹ nên đi song song với nhau. Khi biểu diễn âm nhạc thời này đúng là có hiệu quả. Những khán thính giả lại phải chịu thiệt thòi, vì chỉ được thưởng thức một kiểu", ca sĩ Tân Nhân nhận định.

Tôi hỏi bà trong số những ca sĩ trẻ bà thích ai nhất. Bà ngập ngừng như để kiểm duyệt trong óc, rồi dừng lại một cái tên: Mỹ Linh.

Bà có lần đã tình cờ đi xem Mỹ Linh hát. Giọng cô bé thật đáng khâm phục. Nhưng Bà cũng lấy làm ái ngại: “Dốc sức ra hát như thế thật đáng ái ngại, vì nghệ thuật là con đường dài..."

Bà nhẹ nhàng nhận xét. Rồi vẫn nhẹ nhàng với làn âm điệu Quảng Trị du dương ấy, bà kể về những năm tháng đã qua, những tháng ngày luyện thanh miệt mài dưới sự chỉ dẫn của những chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên...

Bà kể lại: "Những lúc đấy chỉ thèm một cốc nước đường, một miếng tóp mỡ mà cũng không có. Thế mà chúng tôi vẫn hát được, vẫn ngân tận nốt si. Bây giờ nghĩ lại vẫn ngạc nhiên không hiểu sao mình vẫn vượt qua được những khó khăn ấy".

Bà bảo thỉnh thoảng bà lại thấy thảng thốt khi nhìn vào mắt các con bà. Bà e các con giận vì đã có lúc bà để họ (lúc đó còn là những đứa trẻ bé tí) nheo nhóc trong nhà trẻ, đi biểu diễn biền biệt hàng tháng trời...

Tôi đưa mắt nhìn quanh căn phòng giản dị. Những thứ đồ đạc khiêm tốn được xếp gọn gàng. Như hiểu được ánh mắt ái ngại của tôi, bà nói: "Bác đã đi tu nghiệp ở nước ngoài, đi biểu diễn trên dưới 20 nước. Nhưng cái thời của bác nó như vậy. Cuộc sống của mình giản dị thật đấy, nhưng tâm hồn mình thanh thản. Thế là mừng rồi”.

Bà giỏi tiếng Pháp. Cách đây 20 năm, bà ôn lại thứ tiếng ấy, ngõ hầu đi Angolo giảng dạy âm nhạc. Thi cử xong xuôi thì đất nước họ lâm vào nội chiến. Bà cười hồn hậu: “Cũng may cháu ạ. Nhỡ bên đó mình lại bị ruồi vàng đốt cho thì khốn..."

...Ngõ nhỏ của bà (Ngõ Lý Thường Kiệt, Hà Nội ) đầy nắng, ngồi tiếp chuyện tôi, nhưng cứ khoảng 10 phút, bà lại ngửng lên đáp lại những lời chào của những người đi qua. Những người về hưu gọi bà đi dự một buổi sinh hoạt cuối phố. Một cô gái dắt xe máy ra phố đi qua cũng nói với vào: “Bác Nhân hôm nay đẹp quá". Hai cậu bé líu diu ngoài cửa: "Bà ơi bà có cái gậy nào dài dài cho cháu mượn để chọc quả cầu lông mắc ở trên kia".

Thấy tôi sửa soạn ra về, bà bảo: "Bác có một yêu cầu nhỏ thôi, nhờ cháu chuyển lời cảm ơn của bác đến các nhạc sĩ, đặc biệt là Nguyễn Tài Tuệ, Văn Cẩn (đã quá cố), Hoàng Hiệp, Lê Yên.... Nếu không có những sáng tác của họ, chắc hẳn người ta không thể biết và nhớ Tân Nhân".

Tôi đã gặp bao nhiêu ca sĩ rồi nhỉ? Hình như có mấy ai đã ngỏ lời cảm ơn những người cung cấp “bột” cho họ “gột nên hồ” như thế. Chỉ có bà: Tân Nhân...

Hà Nội 1997

Vũ Mạnh Cường

Tin liên quan

Tin mới nhất