“Tiếng dương cầm trong căn nhà nhỏ”

Căn nhà nhỏ ấy ở đầu phố Đỗ Hành, những năm chiến tranh ác liệt nhất vẫn thường vang lên tiếng dương cầm của một tài năng âm nhạc lớn: Nhạc sỹ Chu Minh.

Ông và người vợ yêu quý của ông, nghệ sỹ Chung Khuê là những người bạn nghệ thuật vô cùng thân thiết của mẹ tôi khi cùng ở Đoàn ca múa nhân dân TW, mà có những năm tháng ông Chu Minh là đòan trưởng của đoàn. Rồi sau đó, khi hòa bình lập lại, ông được cử đi học Trung Quốc với nhiều cán bộ văn nghệ kháng chiến bấy giờ, là nhạc sỹ Huy Du, đạo diễn Đình Quang, biên đạo múa Thái Ly, nhạc sỹ Hoàng Vân, đạo diễn Trần Hoạt...

Khi về nước, nhạc sỹ Chu Minh được phân công về giảng dạy ở Trường âm nhạc VN, là những nhạc sỹ buổi đầu xây dựng nên khoa sáng tác chỉ huy của trường. Nhiều nhạc sỹ rất tên tuổi sau này đều là những học sinh của ông...

“Tiếng dương cầm trong căn nhà nhỏ” - 1

Nhạc sĩ Chu Minh

Tôi yêu quý ông từ tuổi thơ ấu ở với mẹ trong khu văn công Cầu giấy. Rồi sau này, khi lớn lên, tôi càng yêu quý ông hơn, nhận thấy tự ông toát lên không chỉ là một tài năng âm nhạc lớn, mà còn là một trái tim  người cha rất đôn hậu, giàu tình yêu thương. Chính vì lẽ đó, khi tôi đã là người chiến sỹ chiến đấu ở mặt trận Thượng Lào, mỗi bận về Hà Nội công tác hay đi trại viết văn quân đội, tôi vẫn thường về thăm ông ở căn nhà nhỏ 2 Đỗ Hành Hà nội.

Nhỏ thôi, nhưng có một cô Chung Khuê rất dịu dàng, tinh tế, nấu ăn rất ngon, có một con bé Tú Vân còn bé tý còn đang tung tăng chạy nhảy, có những người bạn văn nghệ sỹ rất thân thiết của nhạc sỹ Chu Minh từ thuở cùng nhau đi tàu liên vận sang Vũ Hán học tập thường đến hàn huyên, có những nhạc sỹ vừa cùng NS Chu Minh đi mặt trận trở về giữa những ngày chiến tranh ác liệt: Văn Dung, Tô Hải, Hồng Đăng, Tân Huyền... Họ nói cười, uống rượu, gõ bát hát vui vẻ, tếu táo và lạc quan vô cùng, ít ai hiểu rằng họ vừa đi qua cái chết.

Những ngày cuối tháng 12 năm 1972, ở mặt trận Lào, chiến sỹ chúng tôi cùng nhói đau khi nghe tin B52 của Mỹ đánh phá Hà Nội rất dã man: BV Bạch Mai, phố Khâm Thiên, khu ga Hàng Cỏ.... những địa chỉ gần sát với phố nhỏ Đỗ Hạnh của NS Chu Minh. Tôi lo âu cho cô chú và em Tú Vân vô cùng, không biết rồi bom đạn như thế, số phận của  cô chú và em thế nào....

Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, cũng ở giữa mặt trận, chúng tôi được nghe sáng tác mới của NS Chu Minh: “Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam”, đầy kiêu hãnh và thiết tha về Tổ quốc:

“Ta đứng đầu ngọn sóng

Giữa dòng thời đại thác lũ cuộc đời

Ta đứng đầu ngọn sóng

Những luồng mạch tâm tư lay động loài người

Thác lũ cuộc đời

Thuyền ta bé nhỏ nhưng vững tay chèo

Không chòng chành nhằm thẳng hướng mà đi

Ta đứng đầu ngọn sóng

Nơi đấu tranh bão táp diệu kì

Nơi hy vọng những vườn hoa nở

Nơi chân lý sáng ngời đầu sóng gió

Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam”

Thú thật giữa chiến hào, nghe bài hát ấy, tôi đã khóc. Khóc bởi biết rằng người nhạc sỹ mình và những người nghệ sỹ như mẹ vô cùng yêu quý là nhạc sỹ Chu Minh đã vượt qua bom đạn b52, vẫn còn bình yên, vẫn tiếp tục sáng tác những nhạc phẩm tuyệt vời  cho đất nước, cho nhân dân, cho cuộc chiến đấu dẫu nhiều hi sinh mất mát, nhưng sẽ đi tới một ngày mai chiến thắng.

Khóc, vì biết rằng những đêm B52 quân thù tàn phá Hà nội, nhưng nơi căn phòng nhỏ Đỗ Hạnh kia, dứt tiếng bom là tiếng dương cầm của nhạc sỹ Chu Minh lại vang lên, hệt như tiếng dương cầm của nhạc sỹ Shostakovich – một cây đại thụ của nền âm nhạc hiện đại. Mùa thu 1941, khi lửa rực cháy ngoài ngoại ô, xe tăng phát xít tiến gần tới Leningrad, Shostakovich đi giữa thành phố tan hoang với lòng đau thương căm giận, và đã viết nên bản giao hưởng số 7, để kính Tặng thành phố Leningrad.

Thật sự giữa chiến hào mặt trận, khi nghe “Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam”, tôi đã bỗng liên tưởng về nhạc sỹ Shostakovich và nhạc sỹ Chu Minh. Và chỉ một năm sau, khi được về Hà Nội tham gia trại viết của Hội văn nghệ Hà Nội, những xúc cảm ấy đã làm tôi sáng tác được kịch bản sân khấu “Một buổi sáng nhiều chim” viết về một người nhạc sỹ giảng viên trường nhạc đã bám trụ lại Hà Nợi những ngày chiến tranh, chấp nhận hy sinh và gian khổ, để viết nên bản giao hưởng lớn cúa đời mình.

Kịch bản sân khấu này tôi viết để tặng Nhạc sỹ Chu Minh yêu quý, khiến trại trưởng sáng tác khi ấy là nhà biên kịch Hòang Tích Linh nổi tiếng khó tính cũng vô cùng thích thú và khen ngợi. Kịch bản đó đã được trao tặng giải thưởng đặc biệt của Hà Nội trong cuộc thi sáng tác "Kỷ niệm 20 năm giải phóng Thủ Đô" (1954-1974)

***

Nhạc sỹ Chu Minh sinh năm 1931, đến nay là 91 tuổi. Vợ ông, cô Chung Khuê đã mất. Ông ở với người con gái đầu lòng Triệu Tú Vân. Em Triệu Tú My đã viết về cha trong những ngày cuối năm 2022 và đầu năm 2023 khi cha mình - nhạc sỹ Chu Minh bước sang tuổi 92:

“40 ngày vừa qua bố phải nói lời chia tay với 2 người thân:

- Đầu tiên là bác Trọng Bằng, người bạn thân thiết với bố phải ngót nghét trên dưới 70 năm, khi nghe tin bác ra đi bố tôi đứng ngồi không yên, ngày nào cũng hỏi đã có thời gian địa điểm về đám ma? Bố yêu cầu tôi gọi cho anh Nguyễn Trọng Bình con trai út của bác hỏi thăm về mọi việc lo cho bác thế nào và có cần gia đình bố con chúng tôi hỗ trợ gì không? Tôi cảm nhận được sự mất mát và cô đơn của bố, khi con người càng cao tuổi sự cô đơn càng lớn dần theo tuổi tác dù có được ở cạnh con cháu đầm ấm yên vui. 

- Người thứ 2 là bác ruột tôi, bác là anh trai của mẹ nhưng bố là em rể yêu quý anh trai vợ như anh em ruột thịt! Bố bảo tôi: Mẹ đã ra đi chỉ còn mỗi bác Hằng bây giờ bác cũng đi thì anh em bên mẹ chả còn ai các con phải cùng chị Nguyễn Hằng Nga và Nguyễn Hằng Tâm lo cho bác thật chu toàn!

Sau 2 nỗi buồn lớn tôi cảm nhận rõ về sự thay đổi của bố, vẻ bề ngoài xù xì từng trải mạnh mẽ bên trong. Bố tôi là con người khí phách hào sảng, nhưng là người đàn ông yếu đuối, cả nghĩ và đầy tình cảm! Sáng nay Bố bảo mơ thấy mẹ. Bố mẹ nói chuyện với nhau về các con, các cháu, nói đến đây bố khóc, tôi ngồi chết đờ như Từ Hải, tôi cũng muốn khóc nhưng lúc này tôi phải là chỗ dựa cho bố nên tôi cố kìm nén cảm xúc để bố cứ tiếp tục chia sẻ.

Bố nói chậm nhưng rất nhiều thông tin từ quá khứ cho đến tương lai, tôi ngồi nghe vừa vui vừa buồn! Vui vì được bố tâm sự, được hiểu bố nhưng buồn vì không biết sẽ có được nhiều buổi sáng thế này nữa không? Tôi cũng lại thấy mình may mắn là con của bố, tôi được chăm sóc mẹ, tôi được chăm sóc bố và chứng kiến tuổi già của bố - chính là tương lai tuổi già của chính tôi sau này (nhưng tôi có 2 thằng con trai chứ không phải 2 cô con gái như Bố Mẹ tôi)".

“Tiếng dương cầm trong căn nhà nhỏ” - 2

Nhạc sĩ Chu Minh

Tôi mong ngóng một ngày gần đây, sẽ được bay ra thăm ông, dù ông đã không còn ở ngôi nhà 2 Đỗ Hành năm xưa vô cùng ấm áp với tôi....

Châu La Việt

Tin liên quan

Tin mới nhất