Biến tấu của “xã hội ba đào ký”

(Đọc Dòng sông nổi giận, tập truyện ngắn của Vũ Đảm, Nxb Hội Nhà văn, 2022)

Biến tấu của “xã hội ba đào ký” - 1

Tập truyện ngắn "Dòng sông nổi giận" của Vũ Đảm

Vũ Đảm thủy chung với truyện ngắn

Không tính đến 7 tiểu thuyết đã in, Dòng sông nổi giận là tập truyện ngắn thứ 13 của nhà văn Vũ Đảm viết trong vòng 30 năm qua (tập truyện ngắn đầu tay Lão Phích, in 1992 - mới nhất Dòng sông nổi giận, xuất bản 2022). Con số hơn 200 truyện ngắn anh đã viết là “con số biết nói” (có thể kể tên một số nhà văn  thời nay đạt kỷ lục này có Ma Văn Kháng, Võ Thị Xuân Hà, Y Ban, Hồ Anh Thái...).

Nếu ai hỏi tôi vì sao Vũ Đảm lại “hạp” với truyện ngắn và viết được nhanh, nhiều như thế thì câu trả lời hết sức ngắn gọn: “Vũ Đảm hai trong một” (nhà văn - nhà báo). Thường khi một người viết văn, làm báo dễ có nguy cơ “báo báo hại văn”. Nhưng may mắn, Vũ Đảm không rơi vào cái bẫy đôi khi ngọt ngào và cay đắng này.

Sự quan sát và phản ứng nhanh nhạy của người làm báo đã giúp Vũ Đảm “bắt”, “chộp”, “trình” ra được mọi biểu hiện phong phú, đa dạng, phức tạp của đời sống xã hội và con người hiện đại trong thời buổi kỹ trị, kinh tế thị trường, thế giới phẳng. Vì thế có thể nói, Vũ Đảm viết văn với tinh thần bám sát, theo sau dấu vết nóng hổi của các sự kiện đời sống và nhân tâm thời đại.

Có thể quan niệm viết văn của Vũ Đảm không trùng với ai đó trong văn giới hiện nay nằng nặc rằng các sự kiện lớn chỉ ưu tiên, dành cho báo chí; rằng văn chương lại càng cần có độ lùi, phải có cơ hội thời gian để nghiền ngẫm, nhà văn phải sống chậm, suy nghiệm... Không có gì là không đúng. Nhưng chả nhẽ ý kiến của đại thi hào Đức thế kỷ XIX W.Goethe lại không buộc chúng ta phải suy nghĩ: “Thơ nào cũng là thơ thời sự”. Truyện ngắn là thể loại phù hợp với thời đại internet, của báo chí - văn chương mạng, vì nó “ngắn”, vì nó “tốc độ”, vì nó hợp với “quỹ thời gian” của con ngời hiện đại.

Sau này trên trang cá nhân, Vũ Đảm có “nickname” rất gợi - Lão Phích (xuất xứ từ tên một nhân vật trong một truyện ngắn được dùng đặt tên cho một tập truyện ngắn có tựa Lão Phích). Truyện ngắn phù hợp với tân văn (báo chí). Vũ Đảm, tôi nghĩ, đã biết phát huy sở trường, tiết chế sở đoản để ung dung hài hòa báo - văn khi viết.

Cứ đọc nhan đề các tập truyện ngắn của Vũ Đảm cũng đủ nhận ra tinh thần nhập cuộc của người viết (Lão Phích, Tiền ơi, Học làm trưởng giả, Xe người và xe trâu, Trở lại thường dân, Căn hộ uyên ương, Người tử tế, Dòng sông nổi giận, Mặt trời đêm, Hồi sinh, Làm thầy thiên hạ,...). Người ta ví truyện ngắn như là một “trinh sát viên” của văn chương cũng không quá  vì nó thường đi trước, phát hiện và khám phá.

Viết “xã hội ba đào ký” mới

Ngay từ năm 1930, nhà văn Nguyễn Công Hoan viết thường xuyên cho mục “Xã hội ba đào ký” của An Nam tạp chí (do nhà văn Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu thành lập năm 1926), hầu hết là những truyện ngắn rất ngắn giàu tính chất trào lộng, phê phán xã hội.

Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan, theo đánh giá của giới nghiên cứu văn học, ảnh hưởng rất rõ thi pháp văn học dân gian, đặc biệt truyện cười. Có thể nói, không ai khác, chính Nguyễn Công Hoan là nhà văn đầu tiên mang tiếng cười vang dội vào văn chương hiện đại Việt Nam.

Vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, một thời kỳ dài từ 1945 - 1975, tiếng cười trong văn chương có phần “rón rén”, nhường chỗ cho tiếng ca vang lên hào sảng. Gần đây lại mới thấy tiếng cười sảng khoái, thông tuệ cất lên trên trang văn của Vũ Bão, Nguyễn Quang Thân, Trần Nhương, Nguyễn Hiếu, Nguyễn Trọng Tân, Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái, Y Ban, Vũ Đảm,... Nhưng xem ra vẫn còn thưa thớt trong tâm thế đón đợi của độc giả.

Văn chương cần giàu tiếng cười vì “Tiếng cười là vũ khí của người mạnh”, “Tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ”, chưa kể cách duy danh định nghĩa sau rất gần với tinh thần của dân gian “Tiếng cười là một phép vệ sinh tinh thần hữu dụng”.

Mười tám truyện trong tập Dòng sông nổi giận của Vũ Đảm, về cơ bản, đều rổn rảng, lấp loáng tiếng cười. Ngay cả khi anh viết nghiêm ngắn (như truyện Bác sĩ nơi tâm dịch) thì tiếng cười vẫn bất chợt bật lên làm sảng khoái độc giả: “Đứa bé bỗng ngừng bú, nó nhìn bác sĩ Lê Hải, nhoẻn một nụ cười tươi tắn”.

Những “đòn cười” của Vũ Đảm trong tập truyện rất duyên này nhằm vào đâu? Phải nói ngay, tiếng cười cất lên trong mỗi truyện dù có lúc chát chúa, có lúc khiêu khích, có lúc mát mẻ, thậm chí bông phèng thì tựu trung cũng có tác dụng “thanh tẩy”. Thanh tẩy đối tượng nào vậy? Đa số là “tham sân si” của những kẻ do có tí chức, tí quyền.

Cái ác sở dĩ còn đất dung túng là do lòng tham vô độ của con người. Lòng tham dẫn đến những bi - hài kịch nhân gian. Chính vì thế cần nói rõ hơn, truyện của Vũ Đảm không chỉ lai láng chất “hài” mà còn đầm đìa chất “bi”. Nên đọc xong thấy thấm và đau. Nên đọc xong vừa buồn cười vừa muốn khóc cùng nhân tình thế thái của đồng loại.

Nếu cần chọn ra 5 truyện hay nhất trong tập Dòng sông nổi giận, để đưa vào những tuyển truyện giàu chất hài hước, trào lộng để tăng “gia vị” cho sự đọc văn hôm nay thì tôi sẽ đề xuất: Áo dài bay trong gió, Dòng sông nổi giận, Con đường đá cổ, Con ngựa Xích thố, Hàng xóm.

Riêng truyện Hàng xóm, tôi thấy sức chứa của nó lân sang tải trọng một truyện vừa. Nó có ngụ ý khá thâm thúy: sống cạnh một hàng xóm xấu xa, nham hiểm, nhẫn tâm còn bất an bất ổn, còn đau đớn khổ sở, còn tai bay vạ gió nhiều hơn đối mặt với một kẻ thù lộ mặt. Đôi khi như là một định mệnh. Ấy là tôi “suy bụng ta ra bụng người”, chắc gì đa số độc giả đã ngẫm ngợi như thế. Cấu tứ này tôi hình như đã bắt gặp trong tiểu thuyết Dòng sông chối từ của Bùi Việt Sỹ.

Truyện Hàng xóm, theo tôi, một lần nữa như lời cảnh báo, cảnh tỉnh, cảnh giới chúng ta trong hành xử với lân bang (nếu xảy ra) thì hãy “Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn/ Lấy chí nhân thay cường bạo”, thậm chí “Lấy ít địch nhiều/ Lấy yếu thắng mạnh”. Đó là thông minh xử trí, đó là “tồn tại hay không tồn tại”.

Sẽ có người căn vặn, tôi hình dung, nếu người phê bình coi Dòng sông nổi giận của Vũ Đảm là một cách viết “xã hội ba đào ký” mới thì hẳn là thuần những “đòn roi” quất thẳng vào những thói hư tật xấu của xã hội và con người thời đại. Tôi chưa từng viết như thế trên giấy trắng mực đen. Nếu đọc kỹ và ngẫm ngợi sẽ thấy nhà văn trong những trường hợp cụ thể vẫn dành tấm lòng chi chút cái tốt, cái đẹp, cái thiên lương.

Về phương diện này, Áo dài bay trong gió là một truyện hay, theo tôi, vừa gay cấn kịch tính, vừa trữ tình tâm lý sâu sắc. Chuyện tày đình khi một người đàn ông vì muốn tiến thân mà nảy ra tà ý tiến vợ cho bề trên. Truyện kịch tính cho đến phút chót khi cả ông chồng, cả ông bề trên (biến thái cả hai) bị người phụ nữ đoan chính vạch mặt chỉ tên “Anh là thằng chồng đê tiện” và “Ông là loại cán bộ khốn nạn”.

Màn kịch hạ ngay “Bị bất ngờ, ông Đa lảo đảo quỵ xuống, miệng méo xệch, thổ ra một đống máu. Thuần quỳ xuống ôm chặt lấy chân vợ khóc nức nở, van xin vợ hãy tha thứ cho mình nhưng Thắm vẫn quay gót, mở cửa bước ra, tà áo dài thướt tha bay bay trong cơn gió thoảng qua”.

Nếu quan sát và phân tích theo hướng này thì chúng ta sẽ thấy nhà văn khi viết không chia tỷ lệ tốt - xấu, cứ viết theo sự dẫn dắt của đời sống vốn luôn hợp lẽ tự nhiên. Viết như vậy là bằng chứng dồi dào bản lĩnh sống và bản lĩnh nghệ thuật của một cây bút đã qua “ngũ thập tri thiên mệnh”, trải trường văn trận bút.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp cái tốt, cái đẹp, cái thiên lương dẫu muôn đời nhà văn vẫn không đủ chữ để tụng ca, nhưng khi viết phải biến thành hình tượng văn học, không thể thành gương người tốt việc tốt, theo cách viết của tân văn. Đây cũng chính là trường hợp duy nhất trong tập Dòng sông nổi giận, tác giả bị “báo đè” (truyện Thợ mỏ là một ví dụ).

Lối văn của thời tốc độ

Rõ ràng nhà văn không câu thúc nhưng độc giả phải chuẩn bị tinh thần đọc nhanh để đi đến đoạn kết từng truyện một với những cú/thuật “hạ màn” khéo léo (khi thì hài kịch, khi thì bi - hài kịch, khi thì như giai thoại, khi thì như ngụ ngôn hiện đại). Lối viết biến ảo khôn lường này tạo cho câu văn có tốc độ nhanh, mạnh, đôi khi gay gắt từa tựa như khoảnh khắc tàu chuyển bánh buộc hành khách phải khẩn trương không thể trễ nãi, không thể chậm giờ.

Nhưng tôi phải “bào chữa” cho Vũ Đảm khi nói anh có lối văn tốc độ, tạo nên nhịp điệu văn xuôi vừa với “khẩu vị “ của độc giả hôm nay, nhưng không hề chiều nịnh, trái lại vẫn chuẩn chỉnh:

“Giả Ngọc cầm lấy sợi dây cương, miệng cảm ơn, mắt nhìn ông Quyền tình tứ. Rồi Giả Ngọc thì thầm vào tai ông, rằng đã bị chinh phục với số điểm tuyệt đối. Giả Ngọc muốn ông cưỡi con Xích thố đưa cô vào trong rừng kia để trở lại thời nguyên thủy. Ông Quyền bất ngờ quá, run rẩy quá bảo với Bảo Ngọc, ông đâu biết cưỡi ngựa. Giả Ngọc thì thào, ông cứ ngồi lên trước, cô ngồi sau điều kiển.

Ông Quyền được sự giúp đỡ của người chăn ngựa leo lên lưng con Xích thố, nào ngờ vừa leo được lên, cầm dây cương xong, ông vô ý giật dây cương, con Xích thố lập tức lao đi như tên bắn. Ông Quyền kinh hồn cúi rạp người ôm lấy con Xích thố, nó phi vun vút vào rừng cho đến bây giờ cả hai đều mãi mãi không trở lại.

Người thì bảo con Xích thố và ông Quyền bị hổ ăn thịt, kẻ lại nói bị rơi xuống vực sâu, mấy người đi tìm trầm thì quả quyết rằng nhìn thấy một người rừng trông giống như người bên một bờ suối trong rừng sâu” (Con ngựa Xích thố).

Viết truyện ngắn, tôi nghĩ, Vũ Đảm đã điều hòa được cả hai yếu tố “chuyện” và “văn”, tránh được tình trạng “nhất bên trọng nhất bên khinh”, như thường thấy trong sáng tác truyện hiện nay.

Nói lối văn thời tốc độ như là biệt sắc của Dòng sông nổi giận, theo tôi, còn nhờ vào cách Vũ Đảm khéo viết đối thoại. Một lần trò chuyện về nghề viết với nhà văn Lê Minh Khuê, chị chia sẻ về “bí kíp” tạo nên nhịp điệu văn xuôi nhanh mạnh là nhờ/nương vào đối thoại. Chị thích cách viết đối thoại của nhà văn Mỹ E. Hemingway (tiêu biểu trong truyện Dãy đồi tựa đàn voi trắng). Nhà văn Việt Nam viết đối thoại hay trong truyện ngắn, chị “mê” Nguyễn Huy Thiệp.

Đọc tập truyện mới của Vũ Đảm tôi cũng thích cách anh viết đối thoại linh hoạt (lúc mềm mỏng, lúc cương rắn, lúc vòng vo tam quốc, lúc bốp chát, lúc khơi gợi,...). Những đối thoại hay có thể đọc thấy trong hai phần ba số truyện của tập truyện Dòng sông nổi giận. Nếu độc giả muốn bồi đắp thêm sự tin tưởng vào nhận xét của tôi, tốt nhất xin đọc trực tiếp tập truyện ngắn mới xuất bản của Vũ Đảm.

“Văn chương cần giàu tiếng cười vì “Tiếng cười là vũ khí của người mạnh”, “Tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ”, chưa kể cách duy danh định nghĩa sau rất gần với tinh thần của dân gian “Tiếng cười là một phép vệ sinh tinh thần hữu dụng”.

Bùi Việt Thắng

Tin liên quan

Tin mới nhất