Mối duyên tơ giữa nghệ thuật ngôn từ và ca trù

Ca trù Việt Nam, vào năm 2009 đáng nhớ, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là “Di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” của thế giới. Ca trù (nghệ thuật hát nói) trong tâm thức chung của người Việt là một loại hình nghệ thuật tiêu biểu cho sự phối kết hợp nhuần nhuyễn và đạt tới đỉnh cao thi ca và âm nhạc.

Giới nhà văn Việt Nam từ các bậc tiền bối như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ đến thời hiện đại như Nguyễn Tuân đều là những “tao nhân mặc khách”, bên mình luôn sẵn “bầu rượu túi thơ” và chắc chắn họ rất mê ca trù. Nói như ngôn ngữ hiện đại họ là fan của ca trù. Vì họ đều là những tín đồ của cái đẹp. Nhà văn Nguyễn Tuân (1910 - 1987) được gọi là bậc thầy ngôn từ văn chương trên văn đàn Việt Nam hiện đại thế kỷ XX. Trong di sản văn chương của nhà văn, Chùa Đàn (1946) có một vị trí đặc biệt. Đặc biệt vì đây là tác phẩm ghi dấu sự chuyển biến của nhà văn từ con người của chân trời tự do đến con người công dân trong thời đại mới từ sau cuộc cách mạng tháng Tám (1945).

Càng đặc biệt vì nó tiêu biểu cho dòng truyện “yêu ngôn” mà nhà văn đã từng dốc tâm huyết viết từ trước 1945, tiêu biểu như Khoa thi cuối cùng, Trên đỉnh non Tản, Đới roi, Xác ngọc lam, Rượu bệnh, Lửa nến trong tranh, Loạn âm, Chùa Đàn - có thể nói là đỉnh cao của “yêu ngôn” trong tay một nghệ sĩ ngôn từ tài năng vào loại bậc nhất trong văn chương Việt Nam thời hiện đại. Nhưng đặc biệt hơn cả, Chùa Đàn là cuộc giao duyên, tương ngộ giữa văn chương - với tư cách là nghệ thuật ngôn từ - và ca trù (nghệ thuật hát nói). Trong lịch sử văn chương hiện đại Việt Nam chưa từng có một tao ngộ trùng phùng nào như thế giữa hai loại hình nghệ thuật rất thân quen với người Việt từ xưa tới nay.

Mối duyên tơ giữa nghệ thuật ngôn từ và ca trù - 1

"Chùa Đàn" là cuộc giao duyên, tương ngộ giữa văn chương - với tư cách là nghệ thuật ngôn từ - và ca trù (nghệ thuật hát nói). Ảnh Nhã Nam

Chùa Đàn là một truyện vừa (hoặc có thể gọi là một tiểu thuyết ngắn như cách quan niệm hiện nay), trong đó nhà văn kể một câu chuyện về một người đàn ông - một lãng tử - có tên là Lãnh Út. Vốn là chủ một trang trại rộng lớn, trù phú có cái tên mỹ miều Mê Thảo. Cả vợ, cả chồng đều là những “tao nhân mặc khách”, những nghệ sĩ trong nghĩa rộng của từ này. Họ sống êm đềm trong cảnh điền viên nơi thôn dã, hòa mình với thiên nhiên, làm bạn với rượu và thơ ca. Họ chan hòa với nông phu, không bóc lột tàn tệ đồng loại. Họ tương thân tương ái với người lao động. Rồi như cổ nhân nói “phúc bất trùng lai họa vô đơn chí”. Người vợ thân yêu của Lãnh Út chết bất đắc kỳ tử vì tai nạn tàu hỏa. Sau cái chết thương tâm của người vợ, Lãnh Út thay đổi tâm tính, biến thành con người lúc tàn bạo thú tính, lúc cô độc, phẫn chí chỉ biết lấy rượu làm bầu bạn, gửi gắm nỗi niềm, xóa tan u buồn sầu não. Rượu và nỗi buồn đã gặm nhấm và bào mòn cơ - thể Lãnh Út. Rất may trong hoạn nạn, bên cạnh Lãnh Út luôn có người tâm phúc là Bá Nhỡ. Ơn cứu mạng, thậm chí như là tái sinh màu nhiệm của ông bà Lãnh Út đã khiến cho Bá Nhỡ gắn bó cả đời mình với ấp Mê Thảo.

Khi ông chủ Lãnh Út cận kề tuyệt vọng và cái chết thì chính là lúc Bá Nhỡ có dịp đền đáp công ơn trời bể của người đã cứu sống, cưu mang mình. Đó là việc đi tìm Cô Tơ, một đào nương, một nghệ sĩ đàn đáy tài ba nức tiếng một thời nay mai danh ẩn tích đâu đó giữa thiên hạ và thiên nhiên. Ngày trước, Cô Tơ và chồng (ông Chánh Thú) đã từng sở hữu một gánh hát nức tiếng một vùng vì nhờ có cây đàn đáy đặc biệt. Đặc biệt vì tang gỗ của cây đàn đáy này được thửa ra từ một cỗ ván thiên chôn một cô gái đồng trinh. Vì thế âm thanh của nó có cái ma mị, huyền kỳ, dẫn dụ chết người. Nhờ cây đàn kỳ diệu này mà vợ chồng ông Chánh Thú sống khỏe. Khi ông Chánh Thú chết bất đắc kỳ tử, trong phút lâm chung có thể độc rằng sau khi ông khuất núi, kẻ nào động đến cây đàn đáy kẻ đó phải chết. Vì thế mà nó được đặt trên ban thờ ông Chánh Thú. Không một ai dám động vào cây đàn đáy, kể cả Cô Tơ. Nhưng bây giờ thì Lãnh Út muốn được nghe đàn. Nhưng bây giờ thì Cô Tơ không thể cầm đàn. Vậy chỉ còn Bá Nhỡ, người liều mình cứu chủ. Và tất nhiên phải có một người chết để một người khác sống.

Bá Nhỡ ý thức được bổn phận vinh quang cay đắng của mình. Bá Nhỡ đã đón thầy học đàn đáy chỉ trong vòng một tháng - đó là thời gian thăng hoa, thời gian tinh anh phát tiết. Rồi khi ngón đàn đáy đã tàm tạm (theo cách nói của Bá Nhỡ), anh ta quyết liệt tổ chức một cuộc đàn đáy có một không hai vì biết trước mình sẽ chết khi còn chưa kịp buông đàn dẫu cho bài hát của đào nương (là Cô Tơ) vừa kịp ngưng lại ở câu chữ cuối cùng. Cuộc đàn độc nhất vô nhị này được tổ chức trên cái sân gạch nhà Cô Tơ ở một chốn thôn dã u tịch, cô liêu. Đã góp mặt đủ ba người cho thành một cuộc đàn đáy (Bá Nhỡ đánh đàn, Cô Tơ xuống phách và hát, Lãnh Út trực trống chầu).

Mối duyên tơ giữa nghệ thuật ngôn từ và ca trù - 2

Thú thật dù đã đọc được khá nhiều những áng văn hay của văn chương Việt từ cổ chí kim, nhưng thực lòng tôi chưa thấy bao giờ lại bị một hấp lực như đọc Chùa Đàn, như khi đọc những trang văn có thể nói là tuyệt bút tả cuộc đàn đáy của Nguyễn Tuân. Dù đã đi xem/nghe ca trù hơn một lần nhưng vẫn chưa thẩm hết cái hay, cái tinh tế, cái đắm đuối, sự mê hoặc như khi đọc văn Nguyễn Tuân tả một cuộc đàn đáy: “Chưa bao giờ Cô Tơ thấy rõ cái đau khổ ngậm ngùi của tiếng đàn đáy buổi này. Tiếng đàn hậm hực, chừng như không thoát hết được vào không gian. Nó nghẹn ngào, liễm kết cái u uất vào tận bên trong lòng người thẩm âm. Nó là một cái tâm sự không tiết được ra. Nó là một nỗi ủ kín bực dọc bưng bít. Nó giống như cái trạng huống than thở của một cảnh ngộ vô tri âm. Nó là cái tấm tức sinh lý của một cuộc giao hoan lưng chừng. Nó là niềm vang dội quằn quại của những tiếng chung tình. Nó là cái dư ba của bể chiều đứt chân sóng. Nó là cơn gió chẳng lọt kẽ mành thưa. Nó là sự tái phát chứng tật phong thấp vào cũ cuối thu dầm dề mưa ẩm và nhức nhối xương tủy. Nó là cái lả lay nhào lìa của lá bỏ cành. Nó là cái lê thê của nấm vô danh hưu hưu so le. Nó là cái oan uổng nghìn đời của cuộc sống thanh âm. Nó là sự nan khốn đốn của chỉ tơ con phím. Nó là một chuyện vương vít nửa vời”.

“Yêu ngôn” của Nguyễn Tuân chính là như thế. Một thứ ngôn từ ma lực. Nói những chuyện ma mị. Thế giới nhuốm màu kỳ ảo. Tất cả phiêu diêu. Và đây là cái kết của cuộc đàn đáy “Thoáng một tiếng dây đàn đứt. Cô choàng tỉnh để nhận ra cái đầu tư ấy bắn vào mặt. Thái dương cô tê dại trong khoảnh khắc. Rồi vững lại tay phách, chỉnh lại hơi cổ hơi mũi, Cô Tơ bây giờ hát mới vượt qua những đỉnh nhọn của thế giới âm thanh. Tiếng hát mọc cánh, thăm thẳm trong trắng tinh khiết quả pha lê gọt. Cô đang gọi nước suối đá ngọt trào dâng lên. Tiếng phách trúc ríu ran như cô đúc lại được muôn điệu của muôn giống chim. Có những tiếng tre đanh thép, sắc bén đến cái mực cắt đứt được sợi tóc nào vô tình bay qua khoảng phách đang bốc cao vươn mình đứng dậy như vách thành. Đôi tai cậu Lãnh Út chỉ là hai cái phễu để Cô Tơ rót vào đấy cả một rừng chim và cả một suối thủy tinh”.

Thử xem người thứ ba - Lãnh Út - trong cuộc đàn đáy này đang say hay tỉnh: “Cô Tơ giờ mới để ý đến những tiếng trống điểm. Trống người chủ ấp trẻ ấy sát phạt thật. Thật là một thứ trống lợi hại. Trong tiếng trống, có tiếng đổ nhào của ngói gạch vụn rời. Hình như tất cả những lâu đài cung điện của cuộc đời nhỡn tiền đều tan rã theo một cái roi quất xuống mặt da loài thú. Hình như phải có được vô vàn vàng lụa lũy thế mà phí đi thì mới đổi được ra thành cái tiếng âm âm đục đục ấy. Chầu, điểm đến như thế thì khỏi nào mà tránh được chuyện oan trái cùng người gõ trúc”. Dĩ nhiên cuối cùng người phải chết là Bá Nhỡ, kẻ đã dám cả gan ôm cây đàn đáy gắn với lời thề độc của ông Chánh Thú. Người được phục sinh là Lãnh Út. Nói Bá Nhỡ là “hình nhân thế mạng” cho Lãnh Út cũng không sai.

Một năm sau cái chết của Bá Nhỡ, Lãnh Út bán ấp Mê Thảo. Trước lúc dấn thân vào cõi vô cùng vô biên, Lãnh Út làm hai việc hệ trọng: một, xây ngôi chùa, đặt tên là Chùa Đàn, thuyết phục Cô Tơ vào chùa hương khói, kinh kệ (sau này Cô Tơ lên đến chức sư thầy Tuệ Không). Lãnh Út sau này là một nhà cách mạng từng ra tù vào tội, từng đặt dấu chân trên muôn nẻo đường gió bụi. Kết thúc tác phẩm Chùa Đàn là bức thư của Lãnh Út (khi quăng thân vào gió bụi, vào tù có tên là Lịnh) gửi sư thầy Tuệ Không. Câu kết Chùa Đàn gắn với số phận của người nghệ sĩ: “Cho tới ngày nay, chưa có cuộc Cách Mệnh nào của Con Người mà bỏ được tiếng hát, Cô Tơ ạ”. Nếu so sánh cái mệnh đề bằng văn này với những sáng tác của Nguyễn Tuân từng “vang bóng một thời” trước 1945, sẽ thấy đó chính là một cuộc cách mạng trong nội tâm người nghệ sĩ.

Mối duyên tơ giữa nghệ thuật ngôn từ và ca trù - 3

Cảnh trong phim "Mê thảo - thời vang bóng"

Nói nhà văn Nguyễn Tuân tôn vinh nghệ thuật ca trù bằng ngôn từ văn chương, như với Chùa Đàn, chính là thế. Chùa Đàn đã bước thẳng từ nghệ thuật ngôn từ sang nghệ thuật biểu diễn và “nghệ thuật thứ bảy” (điện ảnh). Còn nhớ vào cuối thế kỷ trước, vở cải lương Tiếng đàn huyền diệu chuyển thể từ Chùa Đàn của Nguyễn Tuân đã kéo khán giả Thủ đô đến ánh đèn sân khấu. Có cả hiện tượng cháy vé xưa nay chưa từng thấy. Tiếp theo Chùa Đàn lên phim trong Mê thảo thời vang bóng. Ít có nhà văn, tác phẩm văn chương nào có được vinh dự và sức sống như thế ở thời hiện đại. Có thể nói, cả sân khấu, cả điện ảnh chưa chuyển tải hết thông điệp mà nhà văn gửi gắm, phát tín hiệu tới công chúng nghệ thuật. Nhưng đành lòng vậy cầm lòng vậy.

BÙI VIỆT THẮNG

Tin liên quan

Tin mới nhất