Cầu Đông và bài hát say lòng về người chị

Năm 1010, vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư, Ninh Bình ra Thăng Long, Hà Nội, nhiều địa danh của vùng cố đô đã được mang theo và đặt cho các công trình mới. Đó là thể hiện tình cảm, sự hoài niệm về nơi chốn cũ. Hà Nội ngày nay sau hơn ngàn năm vẫn giữ được nhiều cái tên như: Cầu Dền, Cầu Đông, Trường Yên… Đặc biệt tên gọi Cầu Đông gắn với nhiều bài ca dao và sau này là cảm hứng ra đời một tác phẩm âm nhạc rất hay của nhạc sĩ Trần Tiến, bài “Chị tôi”.

Chợ Cầu Đông, chùa Cầu Đông và cầu Cầu Đông ở Thăng Long là những cái tên được mang từ cố đô Hoa Lư ra. Chợ Cầu Đông rất sầm uất họp bên bờ sông Tô Lịch thuộc tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương. Chợ họp lan sang cửa chùa nên câu ca dao xưa còn nhắc: “Cầu Đông vang tiếng chợ chùa/ Trăng soi giá nến, gió lùa khói hương/ Mặt ngoài có phố Hàng Đường…”. Thời Pháp thuộc, chợ Cầu Đông vẫn họp nhưng không còn đông đúc như xưa, nó trở thành một phiên chợ xép bên hông chợ Đồng Xuân. Người ta cũng hay ngâm ngợi bài ca dao vui: “Bà già đi chợ Cầu Đông/ Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng/ Thầy bói gieo quẻ nói rằng/ Lợi thì có lợi, nhưng răng không còn”. Tuy nhiên bài ca dao này đến nay chưa xác định nó xuất hiện ở Cầu Đông Thăng Long hay Cầu Đông, Hoa Lư, Ninh Bình.

Cầu Đông và bài hát say lòng về người chị - 1

Phong cảnh phố Cầu Đông, núi Chợ ở Hoa Lư, Ninh Bình.

Di tích còn lại rõ ràng nhất về địa danh Cầu Đông là ngôi chùa Cầu Đông nằm ở số 38B phố Hàng Đường. Tên của chùa là Đông Môn Tự, phiên âm là chùa Cầu Đông.

Lần theo dấu vết xưa của sông Tô Lịch ở đoạn này thì nó chảy qua phố Nguyễn Siêu, Ngõ Gạch cắt ngang phố Hàng Đường rồi lên phố Hàng Lược, ra Bưởi. Đầu phố Hàng Đường ngày trước có cây cầu đá bắc ngang gọi là Cầu Đông. Trên cầu đặt một pho tượng đá Phật cười rất nổi tiếng. Trong ca dao cổ còn nhắc: “Phật đá Cầu Đông, tượng đồng Trấn Võ”. Khi người Pháp xây dựng Hà Nội, họ lấp đoạn sông Tô Lịch để xây phố. Cây cầu bắc qua sông lúc ấy cũng mang tên Cầu Đông bị dỡ bỏ.

Ở xã Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình vốn là trung tâm kinh thành của triều đại Đinh và tiền Lê và ít năm đầu nhà Lý. Nơi đây hiện còn địa danh Cầu Đông. Ở đó có chợ Cầu Đông, phố Cầu Đông và cầu Cầu Đông. Người dân Trường Yên, Hoa Lư cũng rất thuộc bài ca dao: “Bà già đi chợ Cầu Đông…” và cho rằng nó nói về chợ Cầu Đông ở quê họ đã từ lâu lắm rồi.

Đầu những năm 1980, nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác một bài hát rất hay nhan đề Chị tôi. Nội dung của bài hát nói về môt người con gái do hoàn cảnh bố mẹ mất sớm nên phải tần tảo chợ búa tại chợ Cầu Đông để nuôi các em. Khi các em khôn lớn thì người chị ấy cũng đã quá lứa, nhỡ thì và ở vậy suốt đời. Sau khi qua đời, mộ của người chị tảo tần ấy đặt bên cầu cũng chỉ là một nấm đất nhỏ sơ sài.

Bài Chị tôi của nhạc sĩ Trần Tiến có những câu: "Nhà tôi trên bến sông có chiếc cầu nhỏ cong cong/ Hàng cau dưới nắng trong lá trầu không/ Chị tôi trông dễ thương bán rau chợ Cầu Đông…/ Chị tôi chưa lấy chồng”. Rồi “Nhiều năm xa cách xa tôi trở về làng quê thăm/ Nhìn hàng cau xác xơ, lá trầu khô/ Mộ chị tôi bé xinh, đứng bên cầu thương nhớ mênh mông/ Chị ơi sao vẫn chưa lấy chồng”. 

Tuy không nói cụ thể địa danh Cầu Đông ấy ở đâu nhưng rõ ràng nó không thể là Cầu Đông ở Hà Nội mà phải là Cầu Đông ở Hoa Lư, Ninh Bình. Ở đấy mới có cánh đồng, mới có cây cầu cong cong và hàng cau, vườn trầu. Bài hát Chị tôi khiến người dân vùng Trường Yên rất yêu thích, tự hào. Có người còn quả quyết rằng bài thơ ấy là của người em trai viết về chị mình. Sau này nhạc sĩ dựa vào ý thơ đó để sáng tác bài hát.

Họ biết rõ người chị trong ca khúc ấy là người Cầu Đông, chị đã hy sinh tình cảm riêng để chăm lo cho các em ra sao. Bài hát đã trở thành biểu tượng của một địa danh có từ ngàn năm trước. Cầu Đông không lớn nhưng lại mang trong nó số phận đặc biệt khi được khá nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật nhắc tới cả xa xưa và hiện tại. Nó sống mãi với hai vùng đất là cố đô và kinh đô của mọi thời. 

Nguyễn Doãn

Nhớ giọng hát Thúy Lan
Nhớ giọng hát Thúy Lan

NSƯT Thuý Lan là một trong những giọng nữ chính, chủ chốt của Đài Tiếng nói Việt Nam. Chị sở hữu chất giọng giữa cao...

Tin liên quan

Tin mới nhất