Văn học Bình Định - Dấu ấn dòng chảy 10 năm

Bình Định là địa phương có truyền thống và bề dày lịch sử văn học dồi dào như. Những nhà văn người Bình Định sống và viết với tư thế của những cây bút chuyên nghiệp vẫn luôn vang danh.

Các nhà văn hiện đại từ hàng chục năm trước đó và trong mười năm trở lại đây (2011 – 2021) đã làm nên lực lượng sáng tác văn học hùng hậu với những tên tuổi đã được khẳng định như Lệ Thu, Bùi Thị Xuân Mai, Lê Văn Ngăn, Nguyễn Văn Chương, Nguyễn Thanh Mừng, Trần Thị Huyền Trang, Văn Trọng Hùng, Lê Hoài Lương, Mai Thìn, Nguyễn Mỹ Nữ, Trần Quang Lộc, Phạm Ánh, Triều La Vỹ...

Những tên tuổi ấy đã kế thừa một cách xứng đáng những nhà thơ, nhà văn Bình Định tiền bối nổi tiếng như Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan, Quách Tấn, Xuân Diệu, Nguyễn Diêu, Nguyễn Thành Long, Phạm Hổ,  Nguyễn Văn Bổng… Sự kế thừa đó cho thấy truyền thống văn học Bình Định luôn có những đóng góp tích cực, liên tục như một dòng chảy không ngừng nghỉ với những dấu ấn mạnh mẽ cho nền văn học đất nước.

Văn học Bình Định - Dấu ấn dòng chảy 10 năm - 1

Đoàn văn nghệ sĩ Bình Định đi thực tế sáng tác tại di tích An Khê Trường

(Nguồn: Báo Bình Định)

Độc giả Bình Định và cả nước trong những năm gần đây đã rất ngạc nhiên và thích thú khi chỉ trong vòng hơn ba năm, từ 2019 đến nửa đầu năm 2022 chứng kiến hàng loạt sự ra đời của những công trình xuất bản đồ sộ được thực hiện bởi Hội Văn học nghệ thuật Bình Định như: “10 năm  văn xuôi Bình Định” (2009 – 2019) NXB Hội nhà văn 2019; “Nghệ sĩ, nghệ nhân Bình Định” (2011 – 2020) NXB Văn hóa - Văn nghệ 2020; “Văn hóa dân gian Bình Định” (2010 – 2020) NXB Văn hóa – Văn nghệ 2020; “Tuyển tập thơ Bình Định” (2011 – 2021) NXB Hội nhà văn 2021, và mới đây nhất là cuốn “Nhà văn Việt Nam tỉnh Bình Định” (2011 – 2021) NXB Hội nhà văn 2022.

Những ấn phẩm dày dặn đó đủ để nói lên sự hoạt động tích cực của Hội Văn học nghệ thuật Bình Định cũng như sức sáng tạo không mệt mỏi của đội ngũ các nhà văn, nhà thơ Bình Định đương thời. Họ không chỉ sáng tác để tự khẳng định tài năng của mình mà còn để đóng góp vào kho tàng văn học hiện đại Bình Định, làm mạnh mẽ thêm dòng chảy của văn học địa phương qua đó góp phần vào sự phát triển chung của nền văn học nước nhà.

Những nữ sĩ của ba thế hệ

Trong tổng thể bức tranh văn học mười năm qua của Bình Định, nhìn vào đâu cũng có sự lấp lánh để tự hào. Hãy bắt đầu từ nữ thi sĩ Lệ Thu, người được xem là lá cờ đầu của thơ ca đương đại Bình Định. Với hơn 40 năm sáng tác, Lệ Thu đã cho ra đời 14 tập thơ. Tập thơ xuất bản gần đây nhất của chị là “Khói mỏng nhẹ bay” (NXB Hội nhà văn, 2020) mang đậm chất triết lí cuộc đời.

Thơ Lệ Thu toát lên sự an nhiên trước mọi biến thiên của cuộc sống dù thời son trẻ chị đã sống một cuộc đời sôi nổi:

Thế hệ tôi lớp lớp lại lên đường

Mang nặng nỗi đời thay "ba lô con cóc

Thôi đã hết một đời mơ-cười-khóc

Xin trở về thanh thản với ngàn mây!

(Với bạn bè tôi).

Đã ở vào tuổi 80, sâu thẳm trong tâm hồn Lệ Thu vẫn là một nữ sĩ, một người đàn bà làm thơ luôn dấn thân vì cuộc sống.

Một nữ nhà thơ khác của Bình Định nổi tiếng với những vần thơ đầy nữ tính, nhà thơ Bùi Thị Xuân Mai. Chị đã đứng tên cho bảy tập thơ, trong đó “Mùa đông thương nhớ” (NXB Hội Nhà văn, 2020) là tập thơ gần nhất của chị. Với lối viết dung dị, thơ Bùi Thị Xuân Mai đi vào lòng người một cách đằm thắm và gần gũi:

Ru cho hạt thóc nẩy mầm

Niềm vui về bến lặng thầm tin yêu

Ru từng ngọn khói liêu xiêu

Bay thơm mái rạ những chiều cơm lam

Lời ru tựa cửa thời gian

Quạt hồng bếp lửa nồng nàn đêm sâu”

(Lời ru bếp lửa)

Trần Thị Huyền Trang là một cây bút nữ khác của Bình Định được nhiều bạn đọc biết đến. Chị đã xuất bản ba tập thơ, hai tập truyện ngắn và nhiều sách biên khảo về đất nước và con người Bình Định. Thơ Trần Thị Huyền Trang thể hiện lối tư duy sắc sảo, cách nhìn đời như một sự chiêm nghiệm, mang tính chiêm nghiệm nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp của lòng nhân ái.

Hãy nghe chị nói với con ngày con thi vào đại học mang nỗi lòng của một người mẹ bao dung:

Dẫu có lúc mẹ mong con biết thích nghi

Giữa cuộc người quá nhiều mánh lới

Sự trung thực của con vẫn là thứ ánh sáng mẹ tôn thờ

Thứ ánh sáng để hoa nói bằng hương để hương bay bằng gió”...

(Ánh sáng tặng Lộc)

Lệ Thu, Bùi Thị Xuân Mai, Trần Thị Huyền Trang là ba nữ sĩ mà độ tuổi thuộc về ba thế hệ khác nhau và họ đã tạo nên một sự kế thừa cần thiết cho sự phát triển của thơ ca Bình Định. 

Những cây đa tỏa bóng văn chương

Nói đến văn học Bình Định, không thể không nhắc đến những tên tuổi như Lê Văn Ngăn, Nguyễn Thanh Mừng, Nguyễn Văn Chương, Văn Trọng Hùng, Lê Hoài Lương, Mai Thìn, Nguyễn Mỹ Nữ, Trần Quang Lộc, Phạm Ánh, Triều La Vỹ. Họ đều là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và trong phạm vi của giới văn học Bình Định, họ đã trở thành những cây đa cây đề có chỗ đứng vững chắc trong lòng bạn đọc.

Văn học Bình Định - Dấu ấn dòng chảy 10 năm - 2

Hãy đọc lại những câu thơ vang bóng của Nguyễn Thanh Mừng trong bài thơ “Đám cưới Huyền Trân” để thấy được sự phóng khoáng, tự hào của người Bình Định về truyền thống của một vùng đất thượng võ:

Nghe đồn vua xứ Chà Bàn

Dâng miền Ô Lý rước nàng vu quy

Tôi mang rượu đến biên thuỳ

Hắt lên mây trắng biệt ly cả cười.

Những câu thơ thật hào sảng và lãng mạn.

Văn học Bình Định mười năm qua đã phát triển như một khu vườn tươi xanh và nhiều sắc màu. Không chỉ thơ, văn mà cả phê bình văn học và kịch bản sân khấu cũng đạt được những thành tự đáng kể. Trong đó Lê Hoài Lương, người đã có sáu tác phẩm được xuất bản, một cây bút viết truyện ngắn và phê bình văn học sắc bén rất xứng đáng để nhắc đến.

Phê bình văn học của Lê Hoài Lương thấu đáo đến từng chân tơ kẽ tóc, không chỉ nói đúng mà còn nói trúng vấn đề khiến cho tác giả có tác phẩm được phê bình tâm phục khẩu phục.

Ở mảng kịch bản sân khấu, không thể không nhắc đến Văn Trọng Hùng, một kịch tác gia xuất sắc của sân khấu tuồng và dân ca kịch Bình Định. Trong bảy tác phẩm đã được xuất bản của Văn Trọng Hùng, dù có đến năm tập thơ nhưng đóng góp đáng kể của anh lại nằm ở hai tập kịch bản sân khấu “Đi tìm chân chúa” (NXB Sân khấu, 2004) và “Khúc ca bi tráng” (NXB sân khấu, 2017).

Ở Bình Định, Văn Trọng Hùng đã làm nên một khoảng trời của kịch bản sân khấu truyền thống. Những kịch bản sân khấu của anh đã góp phần làm nên những chương trình biểu diễn say đắm lòng người của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Bình Định.

Lực lượng kế tục hùng hậu

Nói đến sự phát triển của một vùng văn học là phải nói đến sự kế tục giữa các thế hệ nhà văn. Ngoài những tên tuổi đã kể trên, văn học Bình Định còn được nuôi dưỡng và hun đúc bởi một thế hệ cầm bút sung sức và tiềm tàng nhiều tài năng, khát vọng.

Trên các mặt báo, tạp chí văn nghệ và trên các ấn phẩm đã xuất bản, rất nhiều tên tuổi của giới văn chương Bình Định đã thành danh như: Nguyễn An Pha, Trần Quang Khanh, Trần Xuân Toàn, Lê Nhật Ký, Lê Từ Hiển, Trần Hà Nam, Mai Linh Giang, Trần Văn Bạn, Phạm Thành Trai, Đào Quý Thạnh, Đào Thị Quý Thanh, Trần Như Luận, Võ Ngọc Thọ, Khổng Vĩnh Nguyên, Trần Viết Dũng, Ninh Giang Thu Cúc, Phạm Văn Phương, Nguyễn Như Tuấn, Lê Đình Danh, Lê Bá Duy, Nguyễn Thanh Xuân, Đặng Quốc Khánh, Phan Văn Thuần, Quốc Thành, Trần Duy Đức, Nguyễn Thị Phụng, Đào Duy Anh, Phạm Hữu Hoàng, Ngô Văn Cư, Nguyễn Huy, Trần Hoa Khá, Trần Minh Nguyệt, Đào Viết Bửu, Hồ Thế Phất, Phạm Vân Hiền... Họ đã làm nên một dòng chảy không ngừng nghỉ của văn học Bình Định.

Một Hội văn học nghệ thuật tích cực và năng động

Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Định được thành lập từ năm 1978, ngay từ khi ra đời, BCH hội qua các thời kì đã tích cực hoạt động để khẳng định vai trò của tổ chức xã hội – nghề nghiệp này. Đến nay, nhiệm kỳ thứ V (2017 - 2022) của Hội VHNT Bình Định đã và đang có những bước tiến vượt bậc sau năm năm hoạt động. Đó là sự tập hợp lực lượng hàng trăm cây bút qua các thời kì với đủ các lứa tuổi cùng chung tay xây dựng Hội

Đặc biệt là Hội đã tổ chức, tạo điều kiện tốt nhất cho các văn nghệ sĩ sáng tạo nên tác phẩm mới và tập hợp, in ấn, xuất bản để kịp thời giới thiệu ra công chúng. Vì thế mà số lượng hội viên ngày càng tăng lên, tác phẩm xuất bản ngày càng nhiều và có chất lượng cao hơn trước.

Mười năm đã đi qua, chặng đường phía trước của văn học Bình Định đang được tiếp diễn với một nội lực mới. Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: “Phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Từ định hướng lớn lao ấy, đội ngũ các tác giả văn học Bình Định sẽ còn nhiều tìm tòi, sáng tạo để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh chân thật, sinh động đời sống và công cuộc đổi mới đất nước.

Một diện mạo mới của văn học Bình Định đã được tạo dựng và chắc chắn sẽ ngày càng phát triển. Bởi suy cho cùng, chức năng quan trọng nhất của nhà văn vẫn là sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật vì đất nước, vì nhân dân.

Hà Tùng Sơn

Tin liên quan

Tin mới nhất