NSND, Đạo diễn Giang Mạnh Hà: Người dựng hơn 200 vở diễn

Bất kì ai gặp NSND, Đạo diễn Giang Mạnh Hà cũng khó tưởng tượng được rằng người đàn ông đã vào tuổi 62 này là một nhân vật nổi tiếng trong làng sân khấu cả nước. Một người từng đảm nhận nhiều trọng trách trong chỉ đạo và quản lý nghệ thuật. Chiều sâu trí tuệ và kinh nghiệm cuộc sống của NSND Giang Mạnh Hà ẩn sâu sau sự an nhiên, dịu dàng với một giọng nói bình tĩnh, khúc triết hàm chứa nhiều kiến thức và sự kinh lịch trong cuộc đời.

NSND, Đạo diễn Giang Mạnh Hà quê ở Mỹ Lộc, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình. Sau khi tốt nghiệp Khoa kịch hát dân tộc ở trường Đại học Sân khấu Hà Nội, ông ra nhập Đoàn cải lương Thái Bình.

Từ khi còn trẻ, ông đã được phân hàng loạt vai chính và đạt được thành công trong hàng loạt vở diễn như: Vai Lục Vân Tiên trong vở “Kiều Nguyệt Nga”, kỹ sư Tân trong “Khoảnh khắc và tình yêu”, giáo sư Bửu trong “Tiếng hát cuộc đời”, vai Nông Văn Lâm trong “Suối mơ”, vai hoàng tử A li trong vở kịch hai phần “Hoàng hậu Ba Tư” - vở kịch đã diễn ròng rã bốn tháng ở thành phố Nam Định với mật độ hai xuất diễn một ngày.

Cuối thập niên 80 của thế kỉ trước, khi gia đình chuyển vào TP Hồ Chí Minh, ông cũng đi theo với mong muốn thay đổi không gian nghệ thuật khi được mời vào làm công tác giảng dạy tại trường Nghệ thuật sân khấu 2, nay là Đại học Sân khấu – Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh.

Công tác ở đơn vị mới chưa được bao lâu, ông được tỉnh Đồng Nai mời về làm Trưởng phòng giáo vụ, kiêm giảng viên đào tạo nghệ sĩ cho tỉnh. Một thời gian với chính sách chiêu hiền đãi sĩ của Đồng Nai ông được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm khoa Sân khấu của Trường Nghệ thuật Đồng Nai, rồi Trưởng đoàn nghệ thuật Đồng Nai.

NSND, Đạo diễn Giang Mạnh Hà: Người dựng hơn 200 vở diễn - 1

Một cảnh trong vở "Rừng gọi tên anh" (NSND Giang Mạnh Hà dàn dựng cho Nhà hát nghệ thuật truyền thống Ðồng Nai)

Trong thời gian này ngoài nhiệm vụ quản lý đoàn, ông còn tham gia giảng dạy và đào tạo tại chỗ hàng loạt nghệ sĩ sau này nổi tiếng trong làng biểu diễn các tỉnh phía nam như NSND Ngân Vương, NSƯT Quế Anh (hiện đang là giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai bao gồm cải lương, ca nhạc, múa rối nước, múa rối cạn…).

Cũng trong thời gian này, NSND Giang Mạnh Hà đã thực hiện vai trò của một đạo diễn. Chỉ trong vòng một thập niên từ 1990-1999 với tư cách là một đạo diễn trẻ tài năng khi ở độ tuổi 32 ông đã đạo diễn tới 68 vở diễn.

Sau thời gian trằn mình trong công việc, với ước muốn cần nạp thêm kiến thức và chuyên môn cho công việc nghệ thuật, Giang Mạnh Hà đi học chính khoá năm năm lớp đạo diễn. Ông được bầu làm lớp trưởng của lớp đạo diễn trong đó có không ít người tương lai là các nhân vật gạo cội trong làng sân khấu Việt Nam như cố NSND Anh Tú, NSND Quốc Trượng, NSND Quốc Chiêm, NSND Lan Hương….

Trong năm năm là sinh viên khoá Đạo diễn của trường Đại học Sân khấu  Điện ảnh Hà Nội ông vẫn được các đơn vị nghệ thuật mời đạo diễn các vở diễn trong kịch mục của mình. Năm năm ở trường học nghề, đạo diễn Giang Mạnh Hà đã thành công khi đạo diễn các vở “Bão giữa vùng tối sáng”, “Kẻ bạc tình”, “Hoàng hôn mong manh”, “Đỏ đen mịt mùng”…

Năm 2004, tốt nghiệp khoa Đạo diễn của Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội,  Giang Mạnh Hà lại trở lại guồng quay say mê và hết mình cho sự nghiệp quản lý, đào tạo và làm nghệ thuật.

Cùng với công tác giảng dạy ở Đại học Sân khấu – Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh, phụ trách các lớp đào tạo đạo diễn, ông được bổ nhiệm là Phó Giám đốc thường trực Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch tỉnh Đồng Nai kiêm Chủ tịch phụ trách nghệ thuật của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đồng Nai. Tiếp tục con đường nghệ thuật của mình, thời gian này ông trở thành một trong những đạo diễn ăn khách của sân khấu Việt Nam.

Tính đến hết tháng 5 năm 2022, NSND Giang Mạnh Hà đã đạo diễn hơn 200 vở diễn, gồm đủ các chủng loại kịch. Không những thế ông còn tham gia viết kịch bản và làm tổng đạo diễn lễ hội và sự kiện cho trung ương và các tỉnh, trong đó đáng kể nhất là Đại lễ 1000 năm Thăng Long ở Thủ đô Hà Nội năm 2010.

Kịch bản của ông đã được chọn, vượt lên hàng loạt kịch bản của nhiều ứng viên sáng giá khác. Sự kiện đáng kể nữa có sự tham gia của NSND Giang Mạnh Hà với tư cách là Tổng đạo diễn là chương trình “Tôn vinh Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Trong chương trình này ông đã thành công khi huy động được 1000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trong khắp cả nước từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Với những thành tựu và cống hiến trong nghệ thuật như vậy, năm 1995, Giang Mạnh Hà được Nhà nước tặng danh hiệu NSƯT và năm 2012 ông được tặng danh hiệu NSND.

NSND, Đạo diễn Giang Mạnh Hà: Người dựng hơn 200 vở diễn - 2

Chân dung NSND, Đạo diễn Giang Mạnh Hà

Tôi nghe danh NSND, Đạo diễn Giang Mạnh Hà khi tôi trở lại với niềm say mê đầu đời là sân khấu, sau hơn 30 năm say mê văn chương vào năm 2008. Đánh dấu cho sự trở lại này là việc Nhà hát Kịch Việt Nam dựng kịch bản “Linh hồn đông lạnh” của tôi.

Nhưng phải mãi đến đầu năm 2020, trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 – 2024 Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tôi mới gặp trực tiếp Giang Mạnh Hà. Trong Đại hội ông được bầu vào Ban Chấp hành và được bầu làm Phó Chủ tịch phụ trách nghệ thuật kiêm nhiệm Trưởng ban sáng tác.

Lần gặp thứ hai với NSND Giang Mạnh Hà là khi ông nhận lời mời của Đoàn cải lương Hải Phòng đạo diễn kịch bản “Tướng quân Phạm Ngũ Lão” của tôi. Qua theo dõi và bằng những lời góp ý của ông để chỉnh sửa, nâng cao kịch bản, tôi thêm một lần chứng kiến sự chuyện nghiệp, am hiểu nghệ thuật cải lương và sự rành rẽ thủ pháp để sân khấu đạt hiệu quả cao của đạo diễn Giang Mạnh Hà.

Lần gặp trực tiếp NSND Giang Mạnh Hà có ấn tượng sâu đậm nhất với tôi là dịp ông thay mặt Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trong vai trò là vị Phó Chủ tịch Hội phụ trách nghệ thuật và Trưởng ban sáng tác Hội lãnh đạo và quản lý trại sáng tác kịch bản sân khấu năm 2022 vào tháng 5/2022.

Trừ những lúc NSND Giang Mạnh Hà bận công việc chuyên môn, trong thời gian ở trại bằng sự chân tình, với sự am hiểu sâu sắc ông đã hoà hợp được mọi thành viên, tạo cho tất cả các tác giả một sự gần gũi, ấm cúng cùng làm việc, cùng trao đổi nghiệp vụ. Không chỉ trong sinh hoạt, trò chuyện tôi thực sự ấn tượng về chuyên môn của vị Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.

Trong thời gian 15 ngày ở trại qua các nhận xét thấu tình đạt lý sau khi nghe kịch bản của các tác giả. NSND Giang Mạnh Hà tóm tắt khá chuẩn xác các lời góp ý của các trại viên về kịch bản được đọc, đồng thời chỉ ra một cách tinh tường các ưu, khuyết của từng kịch bản. Riêng với tôi, những lời nhận xét đánh giá của đạo diễn Giang Mạnh Hà đã giúp tôi chỉnh sửa và tìm được cái kết phù hợp cho kịch bản dự trại của mình.

Trong lần tâm sự, khi nói về nhân tình thế thái Phó Chủ tịch Giang Mạnh Hà bộc bạch với tôi: “Em kinh qua nhiều vị trí quản lý nên em hiểu rằng muốn tập hợp được mọi người thì ngoài sự chặt chẽ theo những nguyên tắc thì việc tinh tế am hiểu con người, sự hoà đồng và chân thành với mọi người là điều quan trọng nhất”.

Với vị trí là một đạo diễn nổi tiếng, ăn khách khi bàn về lĩnh vực này, NSND Giang Mạnh Hà say mê khi kể về công việc của mình, bằng giọng nói trầm ấm, thuyết phục ông cho rằng: “Yếu tố đầu tiên để thành công trong công việc đạo diễn là phải có tố chất có thể gọi là bản năng của tư duy đạo diễn. Trong quá trình đạo diễn để có được kết quả tốt thì phải lựa chọn được kịch bản phù hợp trước khi lên sàn. Vì 50% vở diễn thành công bắt đầu từ kịch bản. Còn trong thủ pháp dàn dựng cần huy động, hoà phối tất cả yếu tố nghệ thuật gồm nhiều binh chủng hợp thành, tạo sự hài hoà, nhuần nhuyễn để đảm bảo tính toàn vẹn của tác phẩm. Tất cả những thủ pháp này để đi đến mục đích cuối cùng là ngoài tính hấp dẫn của tác phẩm phải tạo được sự xúc động, mang lại thông điệp của vở diễn tới khán giả”.

Đang nói vị đạo diễn lành nghề quê Thái Bình dừng lại, thoáng cười, ông tiếp tục: “Tất nhiên trong khi dựng kịch bản dù là kịch chủng nào cũng cần tính đến gu của nhà hát, trình độ của diễn viên, và cả sở thích của khán giả vùng đó. Nhưng dù tính toán đến đâu thì nguyên tắc cơ bản, đầu tiên vẫn phải đảm bảo chất lượng nghệ thuật của vở diễn, tránh mọi thoả hiệp để dẫn đến sự dễ dãi, tạo nên thứ phẩm nghệ thuật”.

Đôi mắt của người đạo diễn nổi tiếng nheo nheo, giọng ông bỗng trầm lại, lắng xuống: “Theo em, đạo diễn càng được mời dựng nhiều càng phải biết sợ, biết nhìn lại bản thân để đánh gía. Tối kị nhất trong nghề đạo diễn là thoả mãn với thành tựu đã qua, gặm nhắm quá khứ để từ đó mất đi ngọn lửa sáng tạo, đi vào sự mòn chán, sáo rỗng, quen tay”.

Nguyễn Hiếu

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm “Đường lên Điện Biên”, giới thiệu tới công chúng 70 tác phẩm hội họa, đồ hoạ, điêu khắc, ký hoạ, áp phích, sáng tác trong giai đoạn 1949 - 2009 của 34 tác giả, được lựa chọn trong bộ sưu tập của Bảo tàng.