Hồn nước phập phồng mỗi bước thơ đi

Đọc Giấc đại ngàn - tập thơ của Nguyễn Thị Lan Thanh, NXB Hội Nhà văn, 2022

Nhà thơ Nguyễn Thị Lan Thanh sắp kỷ niệm 10 năm là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Đó cũng là khoảng thời gian chị làm thơ chuyên nghiệp mặc dù đã viết thơ từ ngày còn học lớp 5 trường làng. Là bởi vì suốt thời thanh xuân chị còn bận rộn với học hành, dạy học, sinh dưỡng đàn con giữa thời bao cấp gian lao. Nay các con đã trưởng thành, lại hiếu thảo nên chị được đến nhiều danh lam thắng cảnh. Tập Giấc đại ngàn là tập thơ thứ 13 của chị đã ra đời sau những chuyến đi thỏa chí tang bồng ấy. Mỗi bài thơ đều ghi dấu bước chân của chị, đó là thế mạnh của thơ.

Hồn nước phập phồng mỗi bước thơ đi - 1

Nhà thơ Nguyễn Thị Lan Thanh

Không như cụ Nguyễn Tuân xưa, thấy cái việc được đến với bản làng xa vắng, với non xanh nước biếc nó trang trọng đặc biệt lắm, nhưng vì là dân văn xuôi, cụ đành mượn con dấu bưu cục đóng vào chiếc lá vàng nhặt ở rừng đại ngàn mà lưu giữ như một bằng cứ rằng mình đã hiện diện ở cái nơi rất dáng để hiện diện này. Có thể ví mỗi bài thơ ở Giấc đại ngàn là cái dấu bưu cục đóng lên tấm “Thông điệp hành trình khám phá cảnh và hồn đất nước” của nhà thơ.

André Theuriet (1833-1907) viết trong bài thơ Lời cầu nguyện của rừng, về sau người Pháp đã dân ca hóa:

Hồn Tổ quốc ngự trong rừng sâu thẳm

Rừng điêu tàn Tổ quốc sẽ suy vong

Leonid Leonov trong tiểu thuyết Rừng Nga cũng có cùng quan niệm, ông lên án cuộc phá rừng để phát triển công nghiệp ở ven đô Moscow đã gây nên những thảm họa về tâm lý. Người Việt mình cũng sống nhờ rừng, nhưng dường như vẫn coi đá mới là nơi tụ linh của hồn người, hồn nước. Ít nhất thì đá mới là biểu tượng của người Việt: Đắp ngọn giả sơn (đá) là việc đầu tiên người ta nghĩ đến khi cái ăn không phải bận tâm. Lòng tự hào về vịnh Hạ Long đá vươn lên từ biển, về đá non nước Ninh Bình, núi đá dựng chiến khu Lam Kinh - Thanh Hóa hay các hang đá từng là mái ấm của người tiền sử ở Hòa Bình, Quảng Bình và cao nguyên đá Đồng Văn hùng vĩ. Tôi chưa đến Đồng Văn, Phong Nha Kẻ Bàng, cái hồn nước ngự trên đá là tôi trực cảm từ thơ Lan Thanh; mặc dù thực ra thì chính chị đã nói ở bài Tình đá với người: “Đá dũng mãnh mang hồn dân tộc”. Nhưng, thực ra câu nói thẳng này ít chất thơ, ít hồn nước hơn cả. Đây mới là nơi phập phồng hồn nước:

Cao nguyên đá bừng bừng sức sống

Đá vô tư không chịu cúi mình

Ở đây nữa, nơi đá không còn vô tri vô giác:

Đá đứng, đá ngồi, đan nhau cuồn cuộn

Đá mẹ, đá con xếp thành núi cõng nhau lên làm bạn với trời…

Cũng trong bài Tình đá với người có một câu thật hay. Hay cả ở ý tứ lẫn nhịp điệu thơ đi như đá đuổi theo nhau. Để rồi lên tận nóc nhà Tổ quốc, đá nở ra ngọn cờ: “Đá tôn lên cột cờ Lũng Cú”.

Mã Pì Lèng là một bài hay. Tác giả đứng ở đệ nhất hùng quan mà chiêm nghiệm về đá, “đọc ra” nhiều triết lý nhân sinh giữa đá với người, giữa đá với nước. Thơ giàu suy tưởng, nhiều câu hay có thể tạc vào đá mà không thẹn:

Nho Quế mùa này tia sữa mỏng

Vắt từ đất Mẹ vào thơ

Nhìn từ đỉnh Đồng Văn mà thấy sông Nho Quế mảnh như tia sữa thì, với hồn thơ này, Đồng Văn không còn là đá nữa, Đồng Văn đã thành bầu vú mẹ vĩ đại. Nhưng tứ thơ lãng mạn này có nền tảng hiện thực sâu sắc, chẳng phải nước mưa từ trời vẫn chảy xối xả rồi chảy từng giọt từng giọt từ những mỏm - bầu - vú đá mà thành sông Nho Quế? Thế rồi, đến lượt mình tia sữa Nho Quế lại miệt mài chảy giữa đất, ngầm trong đất mà nuôi dưỡng cây cối con người?

Em gái H’Mông miệng cười duyên quá

Tóc xòe mây thơm tỏa hương rừng

Những gùi ngô vàng cõng hoàng hôn qua dốc

Đoạn thơ sau đây lại tả thật, thật đến trần trụi, cảm nhận đến nhức nhối nhưng lại đạt hiệu quả tuyệt vời lãng mạn; phận đá và người quấn quện phản ánh lẫn nhau, đá tạc kỳ tích người vào đá:

(….) Đường Hạnh Phúc nối Hà Giang, Đồng Văn, Mèo Vạc

Qua Mã Pì Lèng núi cõng mây thung thăng

Mười một tháng công nhân treo người lưng chừng dốc

Như đàn dơi

Đánh vật với đèo

Đèo thua sức người, đá thua chân đất!

Lưng núi kia ngả xuông làm đường.

Hồn nước phập phồng mỗi bước thơ đi - 2

Tập thơ "Giấc đại ngàn" của nhà thơ Nguyễn Thị Lan Thanh

Hình tượng thơ “lưng núi kia ngả xuống” khiến nhắc nhở, những bước đi đầu tiên của con người là đi từ lòng mẹ. Lòng mẹ, ấy là con đường đầu tiên cũng là con đường cuối chót của đời người. “Ta đi trọn kiếp con người/Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru” (Nguyễn Duy). “Đá dũng mãnh mang hồn dân tộc”, bởi chiến khu lập quốc của Đinh Bộ Lĩnh (Vua Đinh) Lê Lợi, Hồ Chí Minh đề ở trong lòng đá:

Cốc Bó sâu hút sâu

Vào hang còn bỡ ngỡ

Sàn Bác nằm còn đó

Rêu buồn, người đi đâu?

(Thành phố Cao Bằng)

Nói cho thật công bằng với lịch sử, mọi tộc người trên thế gian đều từ hang đá mà lập nhà, lập bộ tộc rồi lập nước. Nhưng trở lại những “mái nhà xưa” nhất của người Việt, chúng ta gặp tiên, bụt; gặp con gà con lợn, mâm xôi, quả ngọt hình thành từ nhũ đá. Cho đến cả cảnh quan thì lại những hòn Trống Mái, Hòn Phụ Tử, Hòn Chồng Hòn Vợ… như làm chứng rằng, đã một thời người Việt tư duy từ đá, bằng đá:

Động Nàng Tiên - kiệt tác của thiên nhiên

Như cung điện trong lòng núi đá

Một thế giới của các nàng tiên nữ

Mỹ lệ, thâm nghiêm, kỳ ảo lạ lùng (Động Nàng Tiên)

Ô kìa, Mây cứ băn khoăn

Vòng vèo quanh núi như khăn của trời!

Khoác lên đỉnh núi cao vời,

Gọi làn gió đến cho người thưởng hoa (Phan Xi Păng)

Một vùng đất mà hai kho tri thức

Sách chất chồng cao như núi non! (Hòn Sách, Chồng Sách)

Đứng trên chóp núi cao vời

Ngỡ như chỉ có mây trời… và ta

(Huyền ảo Sapa)

Bốn khổ thơ tôi dẫn trên đây có thể chưa có câu chữ nào thần diệu, nhưng hết thảy chúng lại hàm chứa tâm linh văn hóa Việt, cái nghìn xưa ấy lay động khiến lòng ta xao xuyến. Chúng, như tàu lá sen gói hồn Việt, tâm linh Việt mà gửi cho tâm hồn ta. Và làm ta rung động.

Nhưng đá không chỉ “dũng mạnh mang hồn dân tộc”. Dân tộc không chỉ dũng mãnh, dân tộc còn là tình yêu cái đẹp. Và biểu hiện của tình yêu cái đẹp và thiên hình vạn trạng. Chính cái câu hỏi xưa cụ Nguyễn Tuân đã lên Ô Quy Hồ bằng cách nào, khi ấy đường sá còn nguyên sơ trèo đèo lội suối, là một cách trả lời: đến với cái đẹp bằng được, bất chấp hiểm nguy! Ở trên, chúng ta đã chiêm ngưỡng những vẻ đẹp đá mang hồn dân tộc hoang sơ. Xin thưởng thức vẻ đẹp của đá dưới bàn tay chế tác của con người:

Vũ điệu Áp - sa - ra khiến thung lũng Mỹ Sơn nghiêng ngả

Những tháp Chàm màu lửa cũng rung lên (Thánh địa Mỹ Sơn)

Đây nữa, vẻ đẹp của người nhớ đá; người với đá tôn nhau lên đến những giây phút thần tiên:

Kìa ai lên núi thì lên

Ta ngồi… cho thác gội trên tóc mình!

(…) Leo núi, tắm suối nửa ngày

Đủ cho mắt đắm, tim say một đời (Nơi ta say đắm)

Đất nước mình đẹp và thơ

Sóng lòng ngân nga muốn hát (Ngân nga muốn hát)

Ngoài đặc sản đá là thi ảnh lớn của tập, đặc sản cả với nghĩa bao gồm nhiều câu thơ hay; phần còn lại là hành trình tâm linh của phận người. Cố nhiên, như bạn thấy, cả phần đặc sản đá cũng là những trải nghiệm tâm linh và như vậy, tâm linh là nét chủ đạo của Giấc đại ngàn, làm nền hồn cốt của tập. Vâng, hồn nước xét cho cùng là hồn đá với người.

Theo dấu chân nhà thơ, chúng ta đi từ Cột cờ Lũng Cú có Anh còn sống mãi, vắt qua Điện Biên, Tượng đài Điện Biên sang Thành phố Cao Bằng, rồi vào khúc ruột miền Trung có Ngã ba Đồng Lộc, Thăm chồng (ở  nghĩa trang Quốc tế Việt Lào) Thành cổ Quảng Trị cho đến tận Địa đạo Củ Chi… ở miền Nam yêu dấu, đó là tên những bài thơ còn tươi ròng lịch sử. Nhà thơ chiến sỹ Lê Bá Dương có câu thơ khắc vào tâm khảm mọi con dân nước Việt: “Thuyền lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm”. Bằng tập thơ Giấc đại ngàn, tôi lại thấy cần mở biên độ câu thơ trên rộng nữa, mỗi bước ta đi đều vấp phải lịch sử với máu xương đồng bào từ ngàn xưa cho đến hôm nay:

Sáu mươi năm, giờ mới trở lên lại thăm

Bao đồng đội còn nằm bên khe suối,

Bên gốc cây rừng, bên nương, trên núi…

Các anh thành chiến sỹ vô danh” (Tượng đài Điện Biên)

Đấy là xương cốt vô danh. Còn đây lại không có cả xương cốt:

“Người vinh danh chiến trường xa

Người ôm gối chiếc quê nhà đợi mong!

Thăm nơi an nghỉ của chồng

Ngàn ngàn mộ gió..

Gió không nói gì…

ơ

Gạt thầm giọt lệ mà đi

Người ơi? Nhắn nhủ điều gì… với em

(Thăm chồng)

Không thể không xót xa ngậm ngùi khi đọc bài Trăng chín. Một tứ thơ lạ, một “kết nối” giữa âm dương cách trở, day dứt. Hóa ra sống mới là sự nguy hiểm của một đời góa bụa. Vì góa bụa là cuộc trường chinh bước qua vực sầu:

Người xa đã tút hút xa

Mình ta ở lại bước qua vực sầu

Sương buông sợi cỏ rầu rầu

Bờ đê hoa gạo thả màu nhớ nhung

Tôi nó tứ thơ lạ là bởi vì “tay vịn” để khỏi sa xuống vực lại chính là sự kết nối mông lung như có như không:

(…) Tầm xuân nở phía ca dao

Hẹn ngày trăng chín … ngọt ngào sánh đôi!

Vì nỗi lòng mường tượng sánh đôi chỉ là “trăng chín”, là mơ hồ như “tầm xuân nở phía ca dao” nên những người vợ góa của chiến tranh mới khao khát tìm mọi cách đưa hài cốt chồng về lại quê nhà và đó là Ước muốn nhỏ nhoi của họ:

Dẫu còn chỉ nhúm xương tàn

Đem về mộ rông nghĩa trang quê nhà

Cho lòng em đỡ xót xa

Sớm thăm, tối viếng… gọi là có đôi…

Bốn câu thơ thật hay, thật mượt mà lục bát này rồi sẽ sống lâu trong lòng người đọc. Nó sẽ ngân lên, vang vọng mãi giữa hồn ta, để canh giữ nỗi buồn (Ý thơ của Nguyễn Quang Thiều) mà tôi xin kính cẩn nói đó là nỗi buồn làm người.

*

 Giấc đại ngàn có nhiều bài hay. Tôi thật tâm đắc với cảm xúc chủ đạo, hình tượng đá mang hồn nước cứ phập phồng mỗi bước thơ đi. Đi mãi rồi bất ngờ, tôi lại gặp đá, đúng hơn là tiếng ngân vọng của đá:

Chia tay… ánh mắt… ngập ngừng..

Điệu xoang, tiếng cồng vọng xa… hút vào vách đá… 

(Đắk Lắk tôi yêu)

Và như thế, tôi muốn nói Giấc đại ngàn đã góp phân không nhỏ vào việc làm giàu thêm hồn nước như một xứ mệnh của thi ca.

Giấc đại ngàn là một bước chuyển của thi pháp thơ Nguyễn Thị Lan Thanh. Bài Suối Tranh Phú Quốc là kiểu lục bát biến thể, do được ngắt nhịp dứt khoát, nhịp thơ đi như nước suối chảy khi mềm mại, khi nhanh, khi vấp đá như nhịp lục này:

Em địu nắng

Xuống suối tắm

Gió hây hây

Núi ấp mây… nhẹ nhàng…

Giấc đại ngàn có nhược điểm, có bài có những câu dễ dãi, do vội vàng tác giả vấp vào cái bẫy gọi vần của lục bát. Có bài bị lặp, điệp ý lại điệp cả tứ. Đấy là một điều tối kỵ.

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, đến nay, nhà thơ Nguyễn Thị Lan Thanh đã vinh dự nhận bốn giải thưởng 5 năm về Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ (từ 2000-2020); Giải Khuyến khích Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cho tập Buồm chiều trong nắng mai (2010); Giải Ba Cuộc thi sáng tác về biên giới, biển đảo Hội Nhà văn Việt Nam cho tập Những ngọn sóng vỗ từ tâm thức Việt (trường ca, 2020).

Văn Chinh

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm “Đường lên Điện Biên”, giới thiệu tới công chúng 70 tác phẩm hội họa, đồ hoạ, điêu khắc, ký hoạ, áp phích, sáng tác trong giai đoạn 1949 - 2009 của 34 tác giả, được lựa chọn trong bộ sưu tập của Bảo tàng.