“Lịch sử Cái Đẹp”: Chìa khoá mở ra mê cung mỹ học của Umberto Eco

Trong buổi trò chuyện giới thiệu cuốn sách “Lịch sử Cái Đẹp”, các diễn giả là Nhà nghiên cứu, PGS. TS. Đỗ Lai Thúy, Tiến sĩ văn học Nguyễn Quyên và Đạo diễn Đỗ Văn Hoàng đã mang đến những dữ liệu mỹ học đầy lôi cuốn và thú vị với các chủ đề đa dạng, thú vị xoay quanh nghệ thuật, phim ảnh, triết học và đặc biệt là công cuộc định nghĩa cái đẹp của học giả lừng lẫy Umberto Eco.

“Lịch sử Cái Đẹp”: Chìa khoá mở ra mê cung mỹ học của Umberto Eco - 1

Toàn cảnh buổi giới thiệu sách “Lịch sử Cái Đẹp” tại Casa Italia, 18 Lê Phụng Hiểu, Hà Nội. (Ảnh: Huyền Thương)

Công cuộc gian truân đi tìm định nghĩa của cái đẹp

Nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thuý phải thừa nhận rằng: Đọc “Lịch sử Cái Đẹp” khiến tôi cảm thấy giống như một mê cung. Theo ông, tác phẩm của Eco thực sự rất đồ sộ, phức tạp nhưng có hai từ khoá có thể giúp độc giả tìm được phương hướng trong mê cung ấy đó là “lịch sử” và “cái đẹp”. Đây chính là những “sợi chỉ đỏ” mà Eco dùng xuyên suốt trong tác phẩm của mình, cũng chính là những sợi chỉ tinh tế nhất mà độc giả có thể nắm lấy để từng bước khám phá thế giới mỹ học của Eco.

Sợi chỉ đỏ thứ nhất là “lịch sử”, nhưng cần chú ý rằng theo cách hiểu của học giả Umberto Eco thì đây là một lịch sử đặc biệt, nó chứa đựng sự phi tuyến tính, không cứng nhắc, không khép kín mà biến hoá linh động, đầy sức hút và thú vị.

Sợi chỉ đỏ thứ hai là “Cái Đẹp”. Eco định nghĩa cái đẹp chưa bao giờ cố định và khuôn mẫu mà biến đổi theo thời gian và có tính tương đối. Và có thể khẳng định rằng, hiếm có một cuốn sách nào có thể cắt nghĩa được phạm trù cái đẹp tỉ mỉ và cẩn trọng như vậy.

“Lịch sử Cái Đẹp”: Chìa khoá mở ra mê cung mỹ học của Umberto Eco - 2

Các diễn giả đã mang đến những dữ liệu mỹ học đầy lôi cuốn và thú vị với các chủ đề đa dạng, thú vị.

Cái Đẹp vốn nằm trong con mắt kẻ si tình, nhưng nó cũng phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức văn hoá tạo nên tiêu chuẩn đánh giá cho con mắt nhìn vào. Trong suốt các thời kỳ lịch sử, quan niệm về Cái Đẹp chưa bao giờ mang một giá trị tuyệt đối. Nó có thể phụ thuộc về thể xác hay tâm hồn, trần tục hay thần thánh; lúc thì tương ứng với sự hài hoà cân đối, lúc lại hướng tới những hình dạng khác thường, sống động đầy kiểu cách.

Tuy vậy, quan niệm về Cái Đẹp của con người ở mỗi nơi trên thế giới, qua mỗi thời kỳ, cũng phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức văn hóa tạo nên tiêu chuẩn đánh giá của xã hội đó. Tiêu chuẩn ấy được thể hiện nhiều nhất qua các nghệ sĩ, nhà thơ, tiểu thuyết gia, v.v. suốt nhiều thế kỷ qua, họ là những người nói cho chúng ta biết cái gì được họ gọi là đẹp, và họ cũng để lại dẫn chứng về chúng qua các tác phẩm nghệ thuật.

“Lịch sử Cái Đẹp”: Chìa khoá mở ra mê cung mỹ học của Umberto Eco - 3

Bìa cuốn sách “Lịch sử Cái Đẹp”

“Lịch sử Cái Đẹp” của Eco bắt đầu từ nguyên tắc: Cái Đẹp chưa bao giờ là tuyệt đối và bất biến, nó mang nhiều diện mạo khác nhau tùy thời kỳ lịch sử và nhiều quốc gia. Điều này được áp dụng không chỉ cho Cái Đẹp hình thể (của đàn ông, phụ nữ hay phong cảnh), mà cả Cái Đẹp tâm linh, ý niệm, Đấng cứu thế hay thần thánh.

Bên cạnh các quan niệm khác nhau về Cái Đẹp, Eco chứng minh rằng có thể cũng tồn tại vài quy luật chung thống nhất áp dụng cho hầu hết các dân tộc ở mọi thời kỳ. Và độc giả sẽ là người đi tìm cái thống nhất ẩn dưới những điểm khác biệt mà “Lịch sử Cái Đẹp” đã trình bày cặn kẽ.

Từ đó, tác giả đã cấu trúc “Lịch sử Cái Đẹp” bằng những bằng chứng nghệ thuật được người đương thời lưu giữ, phản ánh sinh động quan niệm cái đẹp của mỗi thời kỳ. Cấu trúc của cuốn sách dù đồ sộ nhưng tóm gọn lại bao gồm phần chính văn - lời dẫn giải của Eco, các hình ảnh minh hoạ tranh, tượng, ảnh kiến trúc và thứ ba là các văn bản mà Eco trích dẫn từ các tác giả khác.

Kho tư liệu khổng lồ về cái đẹp

“Lịch sử Cái Đẹp” vốn đã chứa đựng rất nhiều giá trị triết học, mỹ học, nghệ thuật lại được dẫn chứng bằng một kho tư liệu hình ảnh minh hoạ là các tác phẩm nghệ thuật, từ hội họa đến điêu khắc, thi ca, kịch… khiến cho sự đồ sộ của tác phẩm được tăng lên gấp đôi.

Có thể nói giá trị cuốn sách của Eco không chỉ nằm trong phần biện luận của các tác giả mà còn ở chính những dẫn chứng minh hoạ được lồng ghép tài tình và đầy uyên thâm, trích từ các tác phẩm văn - triết - mỹ học quan trọng nhất trong kho tàng tri thức phương Tây.

“Lịch sử Cái Đẹp”: Chìa khoá mở ra mê cung mỹ học của Umberto Eco - 4

Một trang của cuốn sách với đa dạng hình ảnh minh hoạ.

Đạo diễn Đỗ Văn Hoàng cho biết, khi cầm cuốn sách trên tay ngay từ đầu anh đã thấy choáng ngợp vì có quá nhiều văn bản liên quan đến văn học, triết học, nghệ thuật. Đạo diễn nhận định rằng: Umberto Eco đã dày công sử dụng sự thông tuệ của mình để lựa chọn và sắp đặt các ví dụ minh hoạ, gói trong đó là những bất ngờ thú vị cho độc giả của mình, khơi gợi trong tâm trí độc giả một quan điểm xuyên suốt: lịch sử không đông cứng, không cứng nhắc mà biến hoá vô cùng.

Tiến sĩ văn học Nguyễn Quyên cũng đồng tình rằng với cấu trúc hơn 250 hình tranh ảnh, tiểu hoạ, điêu khắc, kiến trúc sẽ kích thích độc giả có nhiều hứng thú để đi sâu tìm hiểu thêm những tác phẩm mà Eco đã giới thiệu trong “Lịch sử Cái Đẹp”.

“Lịch sử Cái Đẹp”: Chìa khoá mở ra mê cung mỹ học của Umberto Eco - 5

Buổi trò chuyện thu hút đông đảo độc giả ở nhiều lứa tuổi.

Ngoài những tư liệu từ thế giới nghệ thuật, cuốn sách còn đưa vào một số tư liệu hiện đại mang mục đích giải trí, quảng cáo, thỏa mãn người xem hơn là mục đích nghệ thuật, như các hình ảnh phim thương mại, truyền hình và quảng cáo… bởi dù có ít hay nhiều giá trị nghệ thuật thì tất cả các tư liệu trong cuốn sách này để có vai trò quan trọng như nhau trong viêc làm rõ quan niệm về Cái Đẹp.

Umberto Eco (1932 - 2016) là một trong những cái tên có tầm ảnh hưởng của thế kỷ 20. Trong cuộc đời và sự nghiệp lẫy lừng của mình, ông đã để lại không chỉ các tác phẩm văn học có giá trị, mà còn nhiều công trình nghiên cứu, báo chí, giáo trình giảng dạy…

“Lịch sử Cái Đẹp”: Chìa khoá mở ra mê cung mỹ học của Umberto Eco - 6

Umberto Eco

Tên tuổi của Eco gắn liền với cuốn tiểu thuyết đầu tay "Tên của đoá hồng". Cuốn sách đã trở nên nổi tiếng toàn cầu và được dịch sang 47 ngôn ngữ, bán được hơn năm mươi triệu bản.

Tại Việt Nam, bên cạnh "Tên của đoá hồng", các tiểu thuyết của Eco đã được dịch sang tiếng Việt bao gồm "Con lắc của Foucault", "Nghĩa địa Praha", "Số không" và nay là "Lịch sử Cái Đẹp".

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất