Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng: "Không “bỏ sót” tác phẩm có giá trị, không để văn nghệ sĩ xứng đáng chưa được vinh danh"

Sáng 19/5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chủ tịch nước, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan liên quan trang trọng tổ chức Lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật.

Lễ trao tặng được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.

Dự Lễ trao giải có: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; các Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành; Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, các Hội chuyên ngành Văn học nghệ thuật Trung ương…

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng: "Không “bỏ sót” tác phẩm có giá trị, không để văn nghệ sĩ xứng đáng chưa được vinh danh" - 1

Các đại biểu tham dự lễ trao tặng giải.

Vinh danh tài năng sáng tạo và sức lao động bền bỉ của văn nghệ sĩ

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu tại lễ trao giải, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng biểu dương, chúc mừng những thành tựu to lớn mà đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam đã đạt được trong những năm qua; nhiệt liệt chúc mừng các tác giả, thân nhân các tác giả có tác phẩm, cụm tác phẩm được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhắc lại câu nói của Bác Hồ: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Nhận thức sâu sắc vai trò của văn hóa nói chung, văn học nghệ thuật nói riêng, Đảng ta coi: “Văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, trân trọng, khuyến khích, biểu dương và tạo mọi điều kiện để văn nghệ sĩ sáng tác được nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật đáp ứng nhu cầu văn hóa - tinh thần của nhân dân, góp phần xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ, và khoa học.

Theo Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 ra đời với ba nguyên tắc Dân tộc hóa, Đại chúng hóa và Khoa học hóa đã trở thành ngọn cờ tập hợp các tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ theo tiếng gọi non sông, tham gia vào cuộc kháng chiến vĩ đại do Đảng lãnh đạo, phục vụ cách mạng, phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Trải qua các cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, lớp lớp văn nghệ sĩ đã dâng hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân, dành cả cuộc đời, trí tuệ và tài năng của mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, sáng tác những tác phẩm giá trị, góp phần to lớn làm nên những kỳ tích, khẳng định phẩm giá con người Việt Nam trước bom đạn kẻ thù. Nhiều người đã anh dũng hy sinh trong tư thế nghệ sĩ - chiến sĩ. Nhiều tác phẩm ra đời trong những năm tháng đó đã trở thành di sản quý báu của dân tộc.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng: "Không “bỏ sót” tác phẩm có giá trị, không để văn nghệ sĩ xứng đáng chưa được vinh danh" - 2

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi lễ 

Trong thời kỳ đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đội ngũ văn nghệ sĩ đã kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa, chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó sâu sắc với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, tiếp tục có những tác phẩm đa dạng về đề tài, phong phú về thể loại và phương thức thể hiện, sâu sắc về tư tưởng, phản ánh được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới, cùng những vấn đề mới, “nóng” của thời cuộc, của đất nước hôm nay.

“Trong buổi lễ trang trọng này, chúng ta cùng nhau dành tình cảm sâu sắc để tri ân các thế hệ văn nghệ sĩ đã anh dũng hy sinh trong sự nghiệp cách mạng. Và cùng nhau vinh danh những văn nghệ sĩ, bằng tài năng sáng tạo và sức lao động bền bỉ đã làm ra các tác phẩm, cụm tác phẩm có giá trị đặc biệt xuất sắc về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật; có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội, góp phần xây dựng con người mới, nâng cao trình độ thẩm mỹ và nhận thức của nhân dân, đóng góp vào sự nghiệp phát triển nền văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng cho rằng, thời gian qua, các cơ quan đã cố gắng trong việc đổi mới công tác xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật đáp ứng yêu cầu, mục đích của giải thưởng cao quý này để phù hợp với thực tiễn văn học nghệ thuật thời kỳ mới.

“Thời gian tới, với tinh thần tôn vinh những văn nghệ sĩ đã dâng hiến trọn đời cho Cách mạng, cho nền văn học nghệ thuật nước nhà, thấu hiểu sự sáng tạo đặc biệt, sự đóng góp vô giá và ảnh hưởng rộng lớn của các văn nghệ sĩ cho Cách mạng và cho dân tộc, để đúng với tấm lòng biết ơn chân thành và sâu sắc của chúng ta, không được “bỏ sót” các tác phẩm thực sự có giá trị, không để các văn nghệ sĩ xứng đáng nhưng chưa được vinh danh…”, Chủ tịch nước phát biểu.

Đất nước cần nhiều hơn nữa tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật

Chủ tịch nước khẳng định, đất nước ta đang từng bước vững vàng trong giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi phải phát huy mạnh mẽ sức mạnh con người Việt Nam, nền văn hóa Việt Nam - động lực và là nguồn lực nội sinh quan trọng cho phát triển bền vững.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Những nhà hoạt động và sáng tạo văn hóa, văn nghệ sĩ là những người thắp lên ngọn đuốc soi đường, giữ lửa và truyền lửa, đóng vai trò then chốt đối với việc gìn giữ và phát triển văn hóa, là lực lượng trí thức tiêu biểu, luôn mẫn cảm với thời cuộc, nhiều dự cảm về tương lai, bằng những sáng tạo nghệ thuật có khả năng định hướng về tư tưởng, thẩm mỹ và vun trồng các giá trị tiến bộ, nhân văn.

Trước những thách thức đang đặt ra hiện nay, trước sự đe dọa đối với phẩm giá con người, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, đất nước ta cần nhiều hơn nữa các tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Đó là những tác phẩm phản ánh được thực tiễn sinh động của đời sống xã hội, tầm vóc của công cuộc đổi mới ở mọi lĩnh vực, thúc đẩy một đời sống dân chủ lành mạnh, phản ánh vẻ đẹp tâm hồn con người Việt Nam và khát vọng lớn lao của toàn dân tộc.

Hơn lúc nào hết, Tổ quốc và nhân dân đang rất cần sự dấn thân và lòng dũng cảm của văn nghệ sĩ. Bằng tâm thế sáng tạo, trách nhiệm và tâm huyết với sự nghiệp chung, trước những biến động của thời đại, các văn nghệ sĩ cần có bản lĩnh vững vàng và sự tỉnh táo để vượt qua những thách thức bên ngoài và vượt lên chính mình. Khám phá và phản ánh những chiều kích đa dạng của đời sống xã hội, khẳng định những dòng chảy chủ lưu, tích cực. Đồng thời khám phá chiều sâu thế giới nội tâm của con người, giải mã các tầng nấc phong phú của cảm xúc, giải quyết xung đột về nhận thức của cuộc đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu, cái cao thượng và thấp hèn, giữa phụng sự nhân dân bằng tình yêu, trách nhiệm và những toan tính lợi ích cá nhân vị kỷ…

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng: "Không “bỏ sót” tác phẩm có giá trị, không để văn nghệ sĩ xứng đáng chưa được vinh danh" - 3

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chụp ảnh lưu niệm với 16 tác giả, đồng tác giả và thân nhân tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Ảnh: Trần Huấn

Khẳng định Đảng, Nhà nước và Nhân dân tiếp tục tin tưởng, chờ đợi những tác phẩm văn học nghệ thuật mới, ngang tầm với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta, Chủ tịch nước cho rằng, thông qua các hình thức văn học nghệ thuật đa dạng và phong phú, trực tiếp bồi đắp và nâng cao phẩm chất công dân, phẩm chất con người Việt Nam trong thời đại mới, lan tỏa, vun trồng các giá trị tốt đẹp, khơi dậy tinh thần lạc quan, niềm say mê lao động, trách nhiệm, kỷ luật, sáng tạo, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đại đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc…

Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan, tổ chức, bộ, ngành, địa phương, tiếp tục nhận thức sâu sắc về vai trò của văn hóa, văn học nghệ thuật và của văn nghệ sĩ trong phát triển văn học nghệ thuật và xây dựng nền văn hóa Việt Nam. Tiếp tục tập hợp, đoàn kết lực lượng văn nghệ sĩ người Việt Nam, kịp thời tôn vinh, biểu dương các văn nghệ sĩ có nhiều thành tựu, cống hiến cho đất nước. Chú trọng thiết lập môi trường dân chủ, tôn trọng đặc trưng sáng tạo nghệ thuật, mở rộng biên độ tự do trong sáng tác hơn nữa, phát huy tài năng văn học nghệ thuật. Chăm lo đời sống của văn nghệ sĩ, để văn nghệ sĩ có thể sống được với nghề, bằng tài năng và sự cống hiến.

Đặc biệt quan tâm, khuyến khích các văn nghệ sĩ trẻ dấn thân vào thực tiễn rộng lớn, sinh động của đời sống xã hội, khám phá những vẻ đẹp con người Việt Nam; đổi mới tư duy sáng tạo, tìm kiếm những thủ pháp nghệ thuật mới mẻ nhằm truyền tải một cách thuyết phục chiều sâu tư tưởng và nhân văn, phù hợp với giới trẻ, hấp dẫn được công chúng, đưa văn hóa truyền thống đi cùng với thời đại, lan tỏa tình yêu cuộc sống và những khát vọng đẹp đẽ.

Các cơ quan cần nghiên cứu, xây dựng những cơ chế hiệu quả để quảng bá, giới thiệu các tác phẩm hay, xuất sắc đến với công chúng trong và ngoài nước. Thông qua văn học nghệ thuật, nâng cao sức hấp dẫn của bản sắc văn hóa dân tộc; tiếp thu, tiếp biến có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại; góp phần phát huy sức mạnh văn hóa, con người Việt Nam; đưa hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam ra với thế giới đồng thời xây dựng Việt Nam trở thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế.

Đảm bảo vinh danh xứng đáng những tác phẩm văn học nghệ thuật giá trị

Báo cáo về công tác tổ chức và xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, cách đây 28 năm, ngày 4/6/1985, để động viên, khuyến khích những người nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, những người sáng tác văn học nghệ thuật cống hiến ngày càng nhiều cho sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, Hội đồng Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh số 16-LCT/HĐNN7 quy định Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, công tác xét tặng Giải thưởng có ý nghĩa hết sức quan trọng, được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao. Nhận thức sâu sắc được trách nhiệm của mình, trong thời gian qua, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch luôn thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Thi đua, khen thưởng, đồng thời phối hợp với các Ban, Bộ, ngành liên quan rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định về thi đua, khen thưởng theo hướng cải cách hành chính, bảo đảm điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ quan quản lý, nhà nước, các tác giả trong quá trình xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Theo đó, Công tác xét tặng Giải thưởng được thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục hồ sơ quy định tại Nghị định số 90/2014/NĐ-CP, Nghị định số 133/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Kế hoạch xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng: "Không “bỏ sót” tác phẩm có giá trị, không để văn nghệ sĩ xứng đáng chưa được vinh danh" - 4

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại buổi lễ 

Các hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật được thực hiện qua 3 cấp Hội đồng: Hội đồng cấp cơ sở; Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước và Hội đồng cấp Nhà nước. Có 27 tác phẩm, cụm tác phẩm đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 144 tác phẩm, cụm tác phẩm đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đạt từ 80% tổng số thành viên Hội đồng cấp Nhà nước có mặt tại cuộc họp xét tặng bỏ phiếu đồng ý, đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xét trình Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2021.

Trong số các hồ sơ trên, có 10 hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 31 hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật tuy thiếu giải thưởng theo quy định nhưng căn cứ giá trị đóng góp về thực tiễn vẫn được Hội đồng cấp Nhà nước xem xét, thảo luận và thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, do vướng mắc về các quy định của pháp luật hiện hành nên các hồ sơ này chưa đủ điều kiện để trình Chủ tịch nước.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Với tinh thần làm việc công tâm, khách quan, trách nhiệm cao của các cấp Hội đồng, công tác xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2021 đã hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu đề ra. Ngày 17/10/2022, Chủ tịch nước đã ký các Quyết định số 1162, 1163, 1164, 1165/QĐ-CTN tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước cho các tác giả, đồng tác giả. Có 16 tác giả, cố tác giả có có tác phẩm, cụm tác phẩm được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật; 112 tác giả, cố tác giả có tác phẩm, cụm tác phẩm được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Đối với những vấn đề còn tồn tại, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đang khẩn trương xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 90/2014/NĐ-CP, Nghị định số 133/2018/NĐ-CP về công tác xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho phù hợp hơn với thực tế, đáp ứng các quy định tại Luật Thi đua, Khen thưởng có hiệu lực thi hành từ năm 2023.

Báo cáo về công tác xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Thời gian qua, các cơ quan đã cố gắng trong việc đổi mới công tác xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật đáp ứng yêu cầu, mục đích của giải thưởng cao quý này để phù hợp với thực tiễn văn học, nghệ thuật thời kỳ mới. Công tác xét chọn giải thưởng lần này công tâm, khách quan, chặt chẽ; qua đó đảm bảo vinh danh xứng đáng những công trình, tác phẩm văn học nghệ thuật giá trị.

Trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho 16 tác giả, đồng tác giả (trong đó có 8 tác giả, đồng tác giả được truy tặng) gồm: Vũ Văn Ký (Văn Ký), Nguyễn Văn Chước (Bùi Trang Chước), Hoàng Châu Ký, Nguyễn Xuân Trình, Nguyễn Xuân Đức, Hoàng Trung Thông (Đặc Công, Bút Châm), Bùi Hiển, NSƯT Phan Thế Dõng (Trần Nhu, Nguyệt Hải), Chu Chí Thành, Võ Nguyên Nhân (Võ An Khánh), NSND Đặng Hùng (Đặng Phải, Bồng Sơn), NSND Vũ Việt Cường, NSND Lê Văn Khình (Lê Khình); PGS.TS, NSND Ứng Duy Thịnh, PGS.TS, NSND Nguyễn Thị Hiển, Phan Hồng Đăng (Hồng Đăng).

Trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho 112 tác giả, nhóm tác giả.

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất