Một năm Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Tài năng nghệ thuật - Từ sở hữu đến hưởng thụ

“Sự chăm sóc bồi dưỡng đối với tài năng văn học nghệ thuật còn thể hiện tập trung ở thái độ ứng xử với những đứa con tinh thần của họ. Cái mới không phải là con đẻ của kinh nghiệm mà là sản phẩm của sáng tạo. Cái mới là một kẻ lạ mặt, vì nó chưa từng có trong quá khứ”.

1. Brordsky, nhà thơ Mỹ gốc Nga, giải thưởng Nobel văn học năm 1987, nói rằng: “Nếu tiềm năng tiêu cực của nhân loại biểu hiện tồi tệ nhất trong việc giết người, thì tiềm năng tích cực của con người thể hiện rõ nhất trong nghệ thuật.”

Theo đó, nghệ sĩ là những người thuộc nhóm hoạt động tích cực nhất trong xã hội. Tuy vậy, từ “tiềm năng tích cực” đến hiệu quả xã hội lành mạnh là cả một chặng đường dài, bị chi phối rất nhiều yếu tố, trong đó có những quy luật bí mật của tài năng. Nhưng tài năng có thể rất kỳ vĩ nhưng cũng rất mong manh, nở hoa và thui chột cách nhau như hai mặt của một tờ giấy, ứng xử với tài năng cần một tài năng, ứng xử với một tấm lòng, cần một tấm lòng.

Vì vậy, Lê Nin đã chỉ rõ “Tài năng là một thứ hiếm hoi. Cần thận trọng nâng đỡ nó một cách có hệ thống”.

Một năm Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Tài năng nghệ thuật - Từ sở hữu đến hưởng thụ - 1

Ảnh minh họa

2. Quan điểm của Đảng ta về văn học nghệ thuật là một hệ thống nhất quán, tuỳ theo từng giai đoạn mà có những bổ sung và phát triển phù hợp. Bước vào đổi mới, ở giai đoạn đầu, Đảng xác định kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Khi nền kinh tế đã được vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì Nghị quyết 05 của Trung ương khóa VIII là một bước phát triển hết sức quan trọng của Đường lối Đổi mới, trong đó lần đầu tiên Đảng xác nhận “Văn hóa là nền tảng tính thần của xã hội; xây dựng phát triển văn hóa vừa là động ỉực vừa là mục tíêụ của xã hội.”

Cũng trong Nghị quyết rất quan trọng này, vị trí vai trò của đội ngũ trí thức đã được xác định một cách trân trọng: “Xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một sự nghiệp khó khăn, gian khổ, lâu dài, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng”.

Tiếp tục phát triển tư tưởng này, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X ghi rõ “Tài năng văn học nghệ thuật là vốn qúy của dân tộc. Chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp”.

Trong những năm qua, với những cố gắng và sự quan tâm của các cấp, các ngành, các Nghị quyết của Trung ương về văn hóa, văn học nghệ thuật đã được thể chế hóa từng bước, tạo ra những điều kiện thuận lợi mới về tinh thần và vật chất, đưa văn học nghệ thuật tiếp tục phát triển.

Trong lúc xu thế chung của thế giới tuyệt đối hóa sức mạnh của kinh tế, đặt văn hóa ra vùng ngoại diên, trong lúc các nước Đông Âu một thời văn hóa nghệ thuật phát triển rực rỡ, nay rơi vào thảm cảnh tan rã và tiều tụy, chúng ta càng trân trọng cách nhìn và sự quan tâm của Đảng và nhân dân ta đối với văn học nghệ thuật. Sự ổn định của văn nghệ đem đến sự ổn định chung của đất nước, một dòng chảy lành mạnh của văn nghệ góp vào tính tích cực của xã hội, đó là cống hiến rất quan trọng của giới văn học nghệ thuật nước nhà đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.

Một năm Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Tài năng nghệ thuật - Từ sở hữu đến hưởng thụ - 2

Ảnh minh họa

3. Nhìn nhận tài năng văn học nghệ thuật thực chất cũng là nhìn nhận vai trò của đội ngũ trí thức. Đó là cả một tổng thể bao gồm các công tác đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đánh giá, đãi ngộ và tôn vinh.Nói đến trí thức là nói đến vai vai trò của cá nhân. Xã hội phương Đông xưa thường hay dị ứng với vấn đề trí thức. Nói đến trí thức người ta hay kèm theo các tính từ tự kiêu, tự phụ, cô đơn, dao động, điên rồ, không đáng tin cậy nghĩa là tất cả những gì đáng ghét.

Một thái độ thiếu thận trọng, nếu không muốn nói là kỳ thị như vậy trên thực tế là sự kìm hãm tài năng, dẫn đến một thái độ sống tiêu cực: Thà làm một bóng mờ còn dễ sống hơn đảm nhận một Vai trò nào đó giữa đám đông.

Chính vì coi nhẹ vai trò của trí thức, của cá nhân cùng với thói coi nhẹ tư duy lý tính nên đêm trường lạc hậu và chậm phát triển của Phương Đông kéo dài hơn phương Tây. Rất tiếc, cho đến nay, đây đó vẫn còn rơi rớt những cách nhìn sai lệch đó đối với tài năng văn học nghệ thuật nói riêng và trí thức nói chung.

Người ta nói rằng sự kiện vĩ đại thứ hai của loài người sau khi phát minh ra lửa là phát minh ra bánh xe. Nhưng bánh xe không có sức kéo, không có lực đẩy cũng chỉ là một đống sắt gỉ. Tài năng chính là đầu tàu kéo cỗ xe xã hội tiến lên phía trước.

Tài năng nghệ thuật là sở hữu cá nhân của văn nghệ sĩ, nhưng hưởng thụ văn học nghệ thuật lại thuộc lợi ích của xã hội. Xã hội trọng tài thì người trồng và người hái quả nghệ thuật xích gần nhau. Thái độ khinh tài thì khoảng cách đó dãn ra. Xem xét sản phẩm văn học nghệ thuật là sản phẩm cá nhân, cần một cách ứng xử thích hợp.

Đó là tôn trọng sự suy nghĩ và sáng tạo độc lập với dấu ấn cá nhân không hề trộn lẫn. Thiếu cả tính sáng tạo có hai nguyên nhân, một là bất tài, hai là sợ hãi. Sợ hãi bộc lộ con người thật của mình, sợ hãi bộc lộ thái độ thật của mình trước những vấn đề của cuộc sống. Khi mà còn có sự sợ hãi như thế thì còn đâu là sự thành thực. Đánh mất sự thành thực là mất tất cả. Đó là một sự tha hóa trong nghệ thuật. Vậy cần chống căn bệnh hiểm nghèo này như thế nào?

Bồi dưỡng chăm sóc tài năng văn học, nghệ thuật. Vậy thì ai chăm sóc? Ai bồi dưỡng? Và nội hàm của chăm sóc, bồi dưỡng là gì? Sẽ thật đáng buồn nếu có người cho rằng toàn bộ vấn đề chỉ còn là chính sách và đãi ngộ. Thực ra vấn đề rộng lớn và nghiêm túc hơn nhiều. Chúng tôi đặc bịệt nhấn mạnh rằng, để tài năng phát triển, trước hết phải tạo ra không gian sáng tạo “rộng rãi”, “tin cậy”, “đầm ấm” cho mọi sáng kiến cá nhân.

Một năm Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Tài năng nghệ thuật - Từ sở hữu đến hưởng thụ - 3

Nhìn nhận tài năng văn học nghệ thuật thực chất cũng là nhìn nhận vai trò của đội ngũ trí thức. (ảnh minh họa)

Không có không gian sáng tạo rộng thoáng thì chẳng khác nào buộc mất đôi cánh của tưởng tượng, của tiên cảm, của hư cấu. Tự do sáng tạo là quyền được tạo ra những giá trị mới, duy nhất, chưa từng có và không lặp lại. Nhưng có không gian sáng tạo rộng thoáng, mà thiếu sự “tin cậy”, thiếu sự “đầm ấm” sẽ đặt tác giả luôn luôn ở tư thế đối phó, thấp thỏm, lúc nào cũng lo cái tai họa treo lơ lửng trên đầu, thì thực chất cũng là thiếu tự do sáng tác.

Sự chăm sóc bồi dưỡng đối với tài năng văn học nghệ thuật còn thể hiện tập trung ở thái độ ứng xử với những đứa con tinh thần của họ. Cái mới không phải là con đẻ của kinh nghiệm mà là sản phẩm của sáng tạo. Cái mới là một kẻ lạ mặt, vì nó chưa từng có trong quá khứ.

Chính vì thế, cái mới đích thực khi ra đời bao giờ cũng gây sự ngỡ ngàng, đường đột với công chúng. Nó mang đầy phẩm chất của sự dò tìm, thể nghiệm. Vì vậy vấp váp là rất dễ xảy ra. Đón nhận nó như thế nào chính là sự ứng xử. Một thái độ trân trọng, cổ vũ trước những thành công; khoan dung chia sẻ, cảm thông, chờ đợi trước những vấp váp, thậm chí còn giá trị hơn nhiều mọi sự đãi ngộ, hay có thể coi đó là sự đãi ngộ cao nhất.

Thời gian vừa qua, chúng ta đã có nhiều ví dụ tốt về sự ứng xử đối với tác phẩm còn có những ý kiến khác nhau. Đó là các trường hợp Bảo Ninh, Nguyễn Ngọc Tư, Hoàng Minh Tường, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Quang Thân và gần đây là Đàm Chu Văn, trong văn học. Đó là vấn để ảnh nuy, múa thể nghiệm, kịch ngắn thể nghiệm, nghệ thuật sắp đặt, phim truyện lịch sử...

Cách xử lý thận trọng, hiểu biết, biết chờ đợi như vậy vừa giúp tác giả tự điều chỉnh, vừa bảo vệ và tạo điều kiện cho tài năng phát triển. Ở đây có vai trò của phê bình văn nghệ, với tư cách là đại diện chọ sự tiếp nhận của công chúng. Thu hẹp khoảng cách giữa sáng tác với phê bình, giữa phê bình với sáng tác là một kinh nghiệm và cách làm tốt. Nếu nhà văn cần gắn với đời sống bao nhiêu, cần thiết phải hiểu đời sống bao nhiêu thì các nhà phê bình cũng cần gắn với sáng tác, hiểu sáng tác bấy nhiêu.

Một thái độ công tâm khoa học và tinh tế là phẩm chất quan trọng hàng đầu của các nhà phê bình. Tôi luôn luôn coi sự đồng điệu giữa sáng tác và phê bình là một giấc mơ. Nếu sáng tác là một hệ thống mở thì phê bình cũng phải là một hệ thống mở. Trong mọi thao tác, sự vội vã, sống sít, thiên kiến cực đoan là những cái hố tử thần trên đường tiếp cận chân lý.

Gautier Théophile nói rằng: "Âm nhạc là tiếng động đắt tiền nhất”. Tiếng động đắt tiền nhất? vì tiếng động ấy đã được luyện qua tài năng và tâm hồn nghệ sĩ để trở thành nghệ thuật. Giá trị của nó không thể đo bằng tiền, nhưng vào nhà hát phải mua vé là một hành động văn minh. Nhà nước thay mặt xã hội hỗ trợ, đầu tư cho văn nghệ là một vấn đề đạo lý vì lợi ích của chính Nhà nước.

Một nhà văn hóa Nga đã nói: "Tiết kiệm trong việc đầu tư cho văn hóa thì anh sẽ bị lãng phí rất nhiều trong việc xây thêm các nhà tù”. Bước vào đổi mới, chúng ta vội vã xóa bao cấp tràn lan đối với văn hóa. Hậu quả của việc này là tiêu cực xã hội có chiểu hướng ngày một gia tăng. Rất may Đảng đã sớm nhận ra điều này và đã có bước điểu chỉnh bằng Nghị quyết Trung ương 05 khóa VIII. Nhưng thời gian cần cho sự tái nhận thức và điều chỉnh cũng mất hơn mười năm.

Tôi nghĩ rằng, quan tâm, đầu tư cho văn hóa, cho văn học nghệ thuật cũng là một biện pháp hữu hiệu chống suy thoái - một trong những nhiệm vụ cấp bách hiện nay. “Sự hoàn thiện của con người cần và chỉ có thể thực hiện trong văn hóa, bằng văn hóa”. Sehiller đã nói như vậy.

Từ khi Con người trở thành Con người, nó đã phải đối mặt với hai sự bất công truyền kiếp. Đó là sự bất công về tài năng và sự bất cống về nhan sắc. Đến một ngày nào đó, mọi bất công xã hội sẽ bị xóa bỏ, thì sự bất công về tài năng và nhan sắc vẫn còn. Khi nào nó bị xóa thì hai từ “xuất chúng” và “hoa khôi” cũng sẽ biến mất và đó không phải là điều đáng vui.

Tôi thì mong cho nó không biến mất, vì xã hội luôn cần có những đầu tàu. Vì sự phát triển không đều của chính con người này mà đãi ngộ bình quân là phản tiến hóa. Cào bằng bình quân trong kinh tế được xem là một sự phá hoại. Trong công tác của các Hội sáng tạo nghệ thuật, chứng ta đã tử lâu kêu gọi chống đầu tư dàn trải, cào bằng, nhưng rất khó làm, vì cào bằng, mưa đều thấm khắp thì có vẻ yên ổn hơn. Cào bằng tưởng là công bằng nhưng thực chất là bất công. Kéo dài tình trạng này sẽ trở thành một lực cản. Dám làm, dũng cảm và biết làm để xóa bỏ sự cào bằng chính là chúng ta đạt tới sự công bằng cao hơn. Chiến lược của văn hóa là phải có những nhà văn hóa lớn. Chiến lược của nghệ thuật là phải có những con chim đầu đàn. Đó cũng là mục tiêu của công tác đào tạo nói chung.

Thời gian đã chứng tỏ sức sống của các Nghị quyết quan trọng của Đảng về văn hóa văn học nghệ thuật. Nhưng chúng ta còn nợ nhiều vấn đề quá. Bao nhiêu giải pháp rất hay, nhưng chưa được thể chế hóa. Bao nhiêu hạt giống trí tuệ quý báu nhưng chưa tỏa bóng mát trong hiện thực. Sự chậm chễ có nguyên nhân từ sự xử lý mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa. Kính tế và văn hóa, văn hóa và kinh tế, kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế đó là cả một vấn đề rộng lớn, cần được soi rọi bởi nhiều trí tuệ sáng suốt.

Riêng ở đây, chúng tôi chỉ muốn nói rằng, giá trị nghệ thuật không thể tính bằng tiền. Lợi nhuận của nghệ thuật là sự tăng trưởng về tâm hồn, đạo đức, lối sống, nhân cách, Nghĩa là vô giá. Với tinh thần đầy trách nhiệm, chúng tôi nghĩ nếu ta chưa làm được cái gì thêm, thì, tổ chức triển khai thể chế hóa ngay những giải pháp đã được ghi trong các Nghị quyết nói trên, cũng đủ tạo ra một bước đột phá.

Đội ngũ văn nghệ sĩ nước ta hiện nay bao gồm 5 thế hệ sáng tạo: Mỗi thế hệ có những mặt mạnh bổ sung cho nhau. Công tác chăm sóc, bồi dưỡng cũng phải căn cứ vào từng thế hệ cụ thể để có những ứng xử thích hợp. Có người cần đào tạo, bồi dưỡng về nghề; có người cần giúp đỡ để tiếp cận với thực tế; có người cần hỗ trợ để quảng bá tác phẩm. Thậm chí, có người cần giúp đỡ để qua một cơn đau ốm. Công tác bồi dưỡng phải giải đáp đúng cầu hỏi, đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng.

Tất cả đều cần sự có mặt của tổ chức Hội bên bàn làm việc của hội viên. Đội quân nghệ thuật hiện nay thật đông đảo.Nhưng nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta thấy chất lượng không tương xứng với số lượng.Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X báo động một nguy cơ có thật, đó là tình trạng nghiệp dư hóa. Khắc phục tình trạng nghiệp dư hóa là một giải pháp hữu hiệu nâng cao toàn diện của các hoạt động văn học nghệ thuật, tập trung ở hai khâu quan trọng nhất: Kết nạp hội viên và trao giải thưởng.

Xưa Nguyễn Du than “Chữ tài gần với chữ tai một vần”. Một câu thơ mà cho chúng ta thấy biết bao nhiêu rủi ro vây bủa quanh ông.Nhưng giả dụ cuộc sống có ưu đãi ông đến đâu thì cũng không thể thay thế ông viết nổi Truyện Kiều. Do đó, “gìn vàng giữ ngọc cho hay” phải là biện pháp tự đào tạo, tự bồi dưỡng hàng ngày của mỗi văn nghệ sĩ, trong đó trước nhất và quan trọng nhất là nuôi dưỡng lý tưởng, khát vọng sáng tạo là tăng cường vốn sống và sự hiểu biết. “Gìn vàng giữ ngọc cho hay” là không nên phung phí tài năng vào những việc tầm thường vớ vẩn, hạ thấp nhân tính.

Dùng tài năng để hạ sát tài năng phải xem là một tội ác. “Gìn vàng giữ ngọc” còn là “sự liên tài”, “trọng tài”, “quý tài giữa những người đồng nghiệp”, tạo nên một sự cộng hưởng đẹp đẽ của các tài năng, Trước lâu đài của nghệ thuật, mọi sự ghen ghét, đố kỵ là một sự han gỉ tinh thần cần được cạo bỏ một cách kiên quyết. Tài năng rực rỡ đến đâu cũng chóng tàn nếu bản lĩnh nhân cách kém cỏi.

Những vấn đề có tính muôn thuở vừa nêu trên đang chịu nhiều sức ép mới khiến cho câu chuyện bồi dưỡng, chăm sóc tài năng hôm nay trở thành một vấn đề thời sự. Áp lực đó là thị trường với bao hiểm họa luôn luôn biến văn học nghệ thuật thành một thứ hàng hóa trao tay.

Đó là xu hướng toàn cầu tiềm ẩn lâu dài nguy cơ đồng phục hóa văn hóa, do đó việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc chưa bao giờ gay gắt và bức thiết như bây giờ. Đó là trận chiến chống suy thoái, căn bệnh nan y có tính toàn cầu. Nhưng suy thoái kinh tế diễn ra theo các chu kỳ rồi người ta sẽ tìm ra các biện pháp hồi phục. Nhưng suy thoái về tinh thần, về văn hóa có thể đánh mất nhiều thế hệ, và để lại những hậu quả khôn lường.

Trước biết bao vấn đề mới mẻ, ngổn ngang của một chặng đường phát triển mới, chúng ta nêu vấn đề bồi dưỡng chăm sóc tài năng là câu chuyện thiết thân với mong muốn cộng hưởng được nhiều giải pháp tốt đưa văn học, nghệ thuật tiếp tục phát triển.

Những vấn đề vừa nói là chuyện muôn thuở.Tình hình mới là tình hình nào? Nó chi phối tài năng đến đâu?Và cần phải thích ứng với nó ra sao? Trong sự thiển cận của tôi, xin định danh nó như sau:

Trước hết là “cơ chế thị trường”. Nói thị trường là nói quy luật giá trị, quy luật của hàng hóa. Khi ta nói “thị trường văn học nghệ thuật”, tức là ta thừa nhận văn học nghệ thuật cũng là một loại hàng hóa, một loại hàng hóa đặc biệt. Hàng hóa đặc biệt vì nó được sản xuất bằng “công nghệ đặc biệt”.

Thế thì phải “trả công đặc biệt” cho nó. Vậy mà than ôi, với sự co lại của văn hóa đọc, nhuận bút chưa bao giờ bèo bọt như bây giờ. Giải pháp thế nào xin nhường lời cho các nhà quản lý, Nghệ thuật dứt khoát không thể làm tay sai cho thị trường. Phim Hàn Quốc làm tăng giá trị xuất khẩu của mỹ phẩm và hàng may mặc. Đối với ta, có phải là bài học tốt?

“Toàn cầu hóa và hội nhập” là một vận hội tốt cho sự phát triển. Nhưng WTO không phải là một thiên đường, càng không phải là thang thuốc chữa bách bệnh. Không phải không có lý khi nhiều người lên tiếng cảnh báo về nguy cơ đổng phục hóa văn hóa, xâm lăng văn hóa, lên tiếng bảo vệ và đề cao văn hóa dân tộc. Đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc là biến mình thành một kẻ tay không, thực chất cũng là đánh mất tài năng.

Thế giới đang coi văn hóa là “quyền lực mềm”. Một khái niệm có vẻ choáng lộn. Nguyễn Trãi đã vạch ra kế đánh vào lòng người từ lâu rồi. Đó là chủ nghĩa nhân văn, nay có người gọi đó cũng là một ý thức hệ. Quyền lực của văn hóa là quyền lực của lương tâm, của điều thiện. Chúng ta chấp nhận điều đó. Nhưng không thể là nhân danh quyền lực mềm để mở đường cho chính sách bá quyền và bành trướng.

“Chống suy thoái” nay đã trở thành vấn đề toàn cầu. Như trên đã nói, trong kinh tế, suy thoái có thể diễn ra theo một chu kỳ nào đó.

Rồi người ta sẽ tìm cách phục hồi. Suy thoái về văn hóa là đứng bên bờ vực thẳm. Mất rồi, lấy lại là công việc mò kim đáy bể. Tài năng văn học, nghệ thuật cẩn làm gì và có thể làm gì đểtham gia vào trận chiến chống suy thoái tinh thần, một trận chiến diễn ra từng ngày, từng giờ trong mỗi một con người, mỗi một gia đình, mỗi lứa đôi?

Công nghiệp hóa và hiện đại hóa là một bước nhảy vọt của sức sản xuất. Nó chỉ có thể vận hành và phát triển an toàn trên nền tảng của văn hóa. Nhận thức như vậy, chúng ta khỏi mếch lòng với lởi chỉ dẫn sau đây: “Một bước tiến về văn minh là một bước tụt lùi về đạo đức”. Một xã hội tiêu thụ, thực dụng, thuận hay không thuận cho sáng tác văn học nghệ thuật? Đó xứng đáng là một câu hỏi lớn cho tất cả chúng ta.

Vì tất cả những gì trộm nghĩ như vậy mong chúng ta cùng trao đổi để cho việc chăm sóc tài năng văn học nghệ thuật đáp ứng yêu cầu mới, tầm nhìn mới, mang tính cấp bách lâu dài.

Hữu Thỉnh

Tin liên quan

Tin mới nhất

8 thành phần dưỡng da cực tốt giúp nàng 'trẻ mãi không già'

8 thành phần dưỡng da cực tốt giúp nàng 'trẻ mãi không già'

Nhiều người có thể thắc mắc có những chất dinh dưỡng nào giúp nuôi dưỡng làn da. Và nếu chọn sử dụng sản phẩm dưỡng da thì phải chọn những loại chất dưỡng nào? Dưới đây là 8 loại vitamin giúp da khỏe đẹp từ bên trong mà bất cứ cô gái nào cũng nên biết.