Văn hóa - Động lực của sự phát triển đất nước

Văn hóa Việt Nam là thành quả của hàng ngàn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Văn hóa Việt Nam cũng là sự không ngừng hoàn thiện trên cơ sở sự giao lưu quốc tế, tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh trên thế giới. Nền văn hóa ấy, trong suốt chiều dài hàng ngàn năm lịch sử đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, góp phần viết nên trang sử vĩ đại của dân tộc.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn luôn quan tâm đến văn hoá, coi trọng nhiệm vụ xây dựng văn hoá mới. Ngay từ những ngày đầu cách mạng, Đảng ta xây dựng Đề cương văn hoá Việt Nam. Coi văn hoá là một bộ phận trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc 1948, Tổng Bí thư Trường Chinh trong báo cáo nổi tiếng Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hoá Việt Nam đã cơ bản xác định chiến lược của nền văn hoá mới. Các Đại hội Đảng qua các thời kỳ lịch sử của Đảng đều xác định cách mạng tư tưởng văn hóa là một trong 3 cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Từ sau đổi mới, phát triển đường lối đúng đắn của Đảng về văn hoá văn nghệ qua các thời kỳ trước, Nghị quyết Đại hội 6, Đại hội 7, Nghị quyết 5 của Bộ Chính trị khoá 6, Nghị quyết Trung ương 4 khoá 7, cùng một số chỉ thị của Ban Bí thư đã tạo điều kiện cho văn hoá văn nghệ có những chuyển biến tích cực, đạt nhiều thành tựu. Đặc biệt, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khoá 8 đã góp phần hoàn chỉnh đường lối văn hoá văn nghệ của Đảng, cụ thể hoá quan điểm văn hoá văn nghệ trong Nghị quyết Đại hội 8 của Đảng trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Các nghị quyết của Đảng trong thời kỳ đổi mới đều xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Trong quá trình tiến lên chủ nghĩa xã hội, cùng với việc xây dựng và phát triển kinh tế, đồng thời phải xây dựng và phát triển đất nước. Kinh tế là cơ sở của quan điểm rất mới về sự phát triển. Nhưng còn một cơ sở khác, không thể không tính đến, đó là toàn bộ những giá trị tinh thần của mỗi dân tộc trong quá trình đấu tranh để phát triển đã sáng tạo ra. Nhiều dân tộc xung quanh ta, nhiều con rồng, con hổ đã cất cánh nhờ biết quan tâm đến nền tảng tinh thần của dân tộc.

Có thể nói không quá đáng rằng: văn hóa là năng lực tinh thần, là tiềm năng hình thành nguồn lực con người, động lực cơ bản của sự phát triển đất nước. Thiếu nguồn năng lực tinh thần đó, không thể nói đến phát triển. Bởi vậy “Chăm lo cho văn hoá tức là chăm lo củng cố nền tảng tinh thần của xã hội. Thiếu nền tảng tinh thần tiến bộ và lành mạnh, không quan tâm giải quyết tốt các mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và tiến bộ công bằng xã hội thì không thể có sự phát triển kinh tế xã hội bền vững” (Nghị quyết Trung ương 8).

Văn hóa - Động lực của sự phát triển đất nước - 1

Ảnh minh họa 

Trong dòng chảy hàng ngàn năm của lịch sử dân tộc, văn hoá đóng góp to lớn vào sự trường tồn của dân tộc trước các kẻ thù xâm lược, giữ được bản sắc dân tộc, không bị đồng hoá nhờ nó vừa mang tính truyền thống vững chắc vừa có tính chất mở. Trong thời đại ngày nay, vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã tiếp thu những giá trị văn hoá mới. Nền văn hoá đó đã thực sự phát huy sức mạnh to lớn góp phần vào việc đánh thắng nhiều kẻ thù xâm lược, giành độc lập dân tộc, đứng vững trước những bước ngoặt khắc nghiệt của cách mạng, những khúc quanh của lịch sử.

Trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, nhờ biết phát huy sức mạnh văn hóa chúng ta đã vượt qua những khó khăn tưởng chừng không vượt qua nổi, đưa đất nước vượt qua khủng hoảng kinh tế - xã hội, hoà nhập vào dòng chảy chung của nhân loại. Khắc phục những quan niệm sai rằng coi văn hoá là lĩnh vực phi sản xuất, là lĩnh vực thứ yếu, nhân loại ngày nay ngày càng nhận thức đầy đủ hơn vai trò của văn hoá trong sự phát triển.

Hội nghị Liên Chính phủ về chính sách văn hoá vì sự phát triển do UNESCO tổ chức tại Thuỵ Điển đã khẳng định: “Sự sáng tạo văn hoá là động lực của sự tiến bộ của loài người, sự đa dạng của văn hoá là kho tàng quý báu nhất của nhân loại và là một yếu tố cần thiết của sự phát triển”. Và “phân tích đến cùng, sự phát triển xã hội chính là sự phát triển của văn hoá; và sự thăng hoa của văn hoá là đỉnh cao nhất của sự phát triển”.

Kinh tế là cơ sở, là nhân tố quyết định sự phồn vinh của mọi xã hội, do đó nó cũng là tiền đề vật chất để phát triển văn hoá. Đến lượt mình, văn hoá lại phát huy vai trò quyết định của nó đối với sự phát triển kinh tế. Bởi vì, nói đến văn hoá, suy cho cùng là nói đến nguồn lực con người, là chủ thể, linh hồn của sự sáng tạo. Nghị quyết Trung ương 5 đã xác định: “Văn hoá là kết quả của kinh tế đồng thời là động lực của sự phát triển kinh tế. Các nhân tố văn hoá phải gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, luật pháp, kỷ cương, biến thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất cuả sự phát triển”.

Tiếp thu những giá trị cốt lõi của Đề cương văn hoá, nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân ta vẫn là nâng cao dân trí, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực to lớn của con người Việt Nam và coi đó là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đưa đất nước vững bước tương lai. Đồng thời để phát huy cao độ nguồn lực này, không có con đường nào khác hơn là xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hoá, vì xã hội công bằng văn minh, con người phát triển toàn diện, vì hạnh phúc của nhân dân.

Văn hóa - Động lực của sự phát triển đất nước - 2

Ảnh minh họa 

Thời đại mới đòi hỏi có một chiến lược văn hoá mới: giữ vững bản sắc nhưng không đóng cửa, hoà nhập mà không hoà tan, đảm bảo sự phát triển hài hoà trong văn hoá có kinh tế, trong kinh tế có văn hoá. Bảo đảm cho văn hoá thành hoạt động chủ đạo trong toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, thấm vào từng cá nhân, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt của con người; tạo ra trên đất nước một đời sống tinh thần phong phú, trong sáng, lành mạnh, trình độ dân trí cao, khoa học kỹ thuật phát triển. Chỉ có làm được như vậy chúng ta mới thực hiện được đòi hỏi mà cuộc sống đã đặt ra: tận dụng mọi thời cơ, phát huy mọi tiềm lực, tiếp thu mọi năng lực ngoại sinh, biến chúng thành năng lực nội sinh, xây dựng thành công xã hội xã hội chủ nghĩa.

Dương Trọng Dật

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhiều điểm mới trong Lễ hội Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng 2024

Nhiều điểm mới trong Lễ hội Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng 2024

Lễ hội Hoa Phượng Đỏ của Hải Phòng 2024 được tổ chức với quy mô cấp thành phố gắn với Kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng (13/5/1955-13/5/2024) và đón nhận danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà của Uỷ ban Di sản thế giới UNESCO.

Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024: “Thăng Long – Hà Nội, Thủ đô quyến rũ”

Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024: “Thăng Long – Hà Nội, Thủ đô quyến rũ”

Lễ Hội Du Lịch Hà Nội năm 2024 hứa hẹn sẽ mang tới cho du khách và nhân dân địa phương những trải nghiệm đầy màu sắc cùng nội dung phong phú, đa dạng. Với nhiều lần tổ chức thành công, Lễ hội tập trung vào khai thác những giá trị độc đáo, đặc sắc của di tích, làng nghề, ẩm thực Hà Nội và các địa phương.