Suy nghĩ về phương châm “dân tộc hóa” dưới ánh sáng của Bản “đề cương về văn hóa Việt Nam” 1943

Bản “Đề cương về văn hóa Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo được Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương thông qua tháng 2/1943, đăng toàn văn trên Tạp chí Tiên Phong (Cơ quan vận động Văn hóa Mới thuộc Văn hóa Cứu quốc Việt Nam xuất bản), ra ngày 10/11/1945. Tên gọi “Đề cương” nhưng thực tiễn đã chứng minh đó là “cương lĩnh”, “chiến lược” mang tính chất “chính cương” về văn hóa thời đại cách mạng - thời đại Hồ Chí Minh.

“Dân tộc hóa” như là nội dung/phương châm cốt lõi của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943

Bản “Đề cương về văn hóa Việt Nam” 1943 rất ngắn gọn (chỉ 1500 chữ), gồm 5 phần (đánh số từ I đến V), trong đó từ phần III tập trung vào “Nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp”, Phần IV “Vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam”, Phần V “Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Mác xít Đông Dương và nhất là của những nhà văn hóa Mác xít Việt Nam”.

Suy nghĩ về phương châm “dân tộc hóa” dưới ánh sáng của Bản “đề cương về văn hóa Việt Nam” 1943 - 1

“Đề cương về Văn hóa Việt Nam” năm 1943. (Ảnh tư liệu)

Trong ba phương châm của bản “Đề cương về văn hóa Việt Nam” 1943, thì “Dân tộc hóa” được đề cao lên hàng đầu. Nó được hiểu như là “chính cương”, “cương lĩnh”, “chiến lượclươc” văn hóa trong thời đại cách mạng và chiến tranh giải phóng. Bởi vì khái niệm “văn hóa mới” đồng nghĩa với “văn hóa cứu quốc”, “văn hóa yêu nước”.

Nhà văn Đặng Thai Mai trong bài “Kháng chiến và văn hóa” (1947) đã dẫn lời nhận xét một nhà báo Mỹ viết khách quan và công bằng: “Cuộc chiến đấu giữa Việt Nam và Pháp hiện giờ không phải là cuộc phiến loạn của một dân tộc nhược tiểu muốn chống lại với chính quốc. Mà là một cuộc chiến tranh thực sự giữa hai quốc gia, hai dân tộc đường hoàng đối địch” (dẫn theo sách Cách mạng kháng chiến và đời sống văn học 1945-1954, hồi ức - kỷ niệm, Nxb Khoa học xã hội, 1995, tr. 35). Hành động sáng tạo của các văn nghệ sĩsỹ Việt Nam ngày hôm nay cũng luôn luôn hướng tới “Đồng hành cùng Nhân dân, Đất nước”.

Phương châm/ nguyên tắc “Dân tộc hóa” phù hợp với truyền thống yêu nước quý báu của dân tộc Việt Nam: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” (Hồ Chí Minh).

Nên không có gì lạ khi Cách mạng tháng Tám (1945) nổ ra, các nhà văn trước đó từ những lập trường khác nhau thuộc các trào lưu/ khuynh hướng lãng mạn hay hiện thực, siêu thực hay tượng trưng đều tự giác đứng vào hàng ngũ kháng chiến thực hành phương châm “Kháng chiến hóa văn hóa. Văn hóa hóa kháng chiến”, đều tự giác sáng tác theo nguyên tắc: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩsỹ trên mặt trận ấy” (Hồ chí Minh).

Suy nghĩ về phương châm “dân tộc hóa” dưới ánh sáng của Bản “đề cương về văn hóa Việt Nam” 1943 - 2

Các văn nghệ sĩ cách mạng tiêu biểu trong kháng chiến chống Pháp. Từ phải qua trái: Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Hoàng Trung Thông, Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Sanh, Học Phi, Nguyễn Đỗ Cung (hàng trên); Nam Cao, Nguyên Hồng, Kim Lân, Nguyễn Đình Thi (hàng dưới).Ảnh tư liệu

“Dân tộc hóa” trở thành tư tưởng chỉ đạo của hoạt động văn hóa thời kìkỷ 1946-1954 “Kháng chiến hóa văn hóa. Văn hóa hóa kháng chiến”. Nguyễn Đình Thi trong bút ký Nhận đường (1947) đã viết: “Bên kia mặt trận, kẻ thù trở lại chính sách cũ, những điệu hát dìm người xuống buồn nản, những văn chương chán đời, chạy trốn, bắt đầu lại tỏa ra một màn tối trên những vùng bị chiếm đóng. Chúng ta càng lo lắng. Nhưng không, chúng ta chưa mở rộng mạch máu chúng ta cho thông suốt với sự sống đang lên đó thôi. (...). Nhưng có chỗ sự sống ấy mãnh liệt, có chỗ nó còn che lấp dưới những mảng thành trì của vua chúa hay đế quốc xây đắp ngày trước. Chúng ta phải biết tìm đến những hàng đầu trong trận đánh của dân tộc, nơi cuộc kháng chiến cháy rõ nhất, nơi sự sống mới thổi lên gió bão, cuốn tung mọi chướng ngại. (...). Chúng ta bước đi rất nhanh, chân nhẹ bổng, tựa chắc trên một quá khứ vững chãi mà không nặng vướng những đồ vàng giả của một đời già lụ khụ. Một chương Kiều của Nguyễn Du, một bài thơ Hồ Xuân Hương, một câu ca dao đồng ruộng đủ cho ta tin ở văn nghệ dân tộc. Bao nhiêu sáng tác giữa lòng nhân dân trong kháng chiến, tuy còn chập chững đã mở ra những khoảng sáng rộng” (theo sách Cách mạng kháng chiến và đời sống văn học, 1945-1954, hồi ức – kỷ niệm, Nxb Khoa học xã hội, 19945, tr. 71-72).

Rõ ràng, “Dân tộc hóa” là phương châm hàng đầu, là chân tủy của bản “Đề cương về văn hóa Việt Nam” 1943. Hơn hai năm sau (chính xác là 2 năm 6 tháng), Đảng Cộng sản Đông Dương đã lãnh đạo nhân dân Tổng khởi nghĩa tháng Tám (1945) thành công. Vào thời điểm đó, lực lượng của Đảng chỉ có 5000 đảng viên trung kiên, tuyệt đối trung thành với lợi ích dân tộc, đã kề vai sát cánhcành với nhânNhân dân làm nên trang lịch sử mới.

Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước Dân chủ nhân dân đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Trước quốc dân đồng bào cả nước, Người tuyên bố: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay. Dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập. (...). Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Suy nghĩ về phương châm “dân tộc hóa” dưới ánh sáng của Bản “đề cương về văn hóa Việt Nam” 1943 - 3

Bản “Tuyên ngôn Độc lập” không chỉ là một văn kiện lịch sử vô giá mà còn là một áng văn chính luận mẫu mực trong gia tài văn chương Hồ Chí Minh.

Bản “Tuyên ngôn Độc lập” không chỉ là một văn kiện lịch sử vô giá mà còn là một áng văn chính luận mẫu mực trong gia tài văn chương Hồ Chí Minh. Vì thế Hồ Chí Minh được UNESCO công nhận “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam” (1990). Ngày 14/7/1969, Người đã tiếp và trả  lời phỏng vấn nữ đồng chí Mácta Rohát, phóng viên báo Grama (Cuba).

Trong bài trả lời “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”, bài tường thuật được in bằng tiếng Tây Ban Nha trên báo Grama (Cuba), số ra ngày 29/7/1969 và bằng tiếng Pháp trên báo Grama (xuất bản hằng tuần), số ra ngày 3/8/1969, dưới đầu đề “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”. Báo Nhân Dân dịch và in lại (theo sách Hà Minh Đức - Báo chí Hồ Chi Minh, chuyên luận và tuyển chọn, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2017, tr.311).

Dân tộc văn hóa và nhân loại văn hóa

Cách nói “Trái đất là ngôi nhà chung của thế giới” mang âm hưởng hoà bình và hữu ái nhân loại, cũng có thể nói nó có nhiều khả năng tượng hình cho văn hóa nhân loại tương lai. Có hàng trăm định nghĩa về văn hóa, song cách hiểu văn hóa giản dị nhất chính là “cách sống cùng nhau”. Từ thế kỷ XIX đại thi hào Đức J. Goethe (Gớt) đã tiên cảm về một “nền văn học thế giới”.

Suy nghĩ về phương châm “dân tộc hóa” dưới ánh sáng của Bản “đề cương về văn hóa Việt Nam” 1943 - 4

Ảnh minh hoạ

Trong phạm trù/ khái niệm văn hóa không có sự phân biệt ranh giới “cao thấp”, “thượng đẳng hay hạ đẳng” (vì cuồng tín điều này mà A. Hit-Le đã ra tay tàn sát hàng triệu người Do Thái chỉ vì sự duy nhất tồn tại của dân tộc Đức, trong Chiến tranh thế giới lần thứ II, 1939-1945). Văn hóa, trong bản chất của nó, chấp nhận và dung nạp sự khác biệt  - hay là bản sắc - một trong ba thành tố văn hóa (giá trị - bản sắc - ứng xử). Thế giới đang ở trong khuôn khổ toàn cầu hóa, internet kiến trúc nên không gian mạng, đang tạo nên thế giới mở, số hóa. Vì thế tiếp biến văn hóa là quy luật tồn vong của văn hóa.

Chúng ta đang cố gắng thực hiện phương châm văn hóa “hòa nhập nhưng không hòa tan”. Đó là xét từ cấp độ lý tưởng. Muốn hòa nhập nhân loại văn hóa thì chúng ta phải còn nỗ lực cao và dài lâu để “Đi hết dân tộc ta sẽ gặp nhân loại” (Di cảo Nguyễn Minh Châu). Giấc mơ Nobel văn chương là một ví dụ sinh động và điển hình về sự phấn khích của các nhà văn Việt Nam hiện nay khao khát tiến ra biển lớn - thế giới, mong muốn có vị trí trên bản đồ văn chương thế giới, đánh tan sự mặc cảm về “tiếng Việt cô đơn” như có nhà văn đã viết. Muốn thế, chúng ta phải thông minh sáng tạo đểđề nhập được vào “mẫu số chung thế giới” (hoà bình - ổn định - phát triển và tự do - bình đẳng - bác ái).

Đang khá phổ biến một quan điểm “thoát Trung” về văn hóa trong nghiên cứu và thực hành văn hóa (là bởi cả một thời gian nhiều thế kỷ Việt Nam cũng như Nhật Bản, Triều Tiên nằm trong khu vực “đồng văn” - cùng văn hóa Hán, văn tự Hán). Cách nay chưa lâu trong giới chuyên môn hẹp nảy ra cuộc tranh luận về vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, trình hiện một quan điểm cho rằng sở dĩ chúng ta không giữ được (hay là đánh mất) bản sắc Việt là do chỗ đã từ bỏ chữ tượng hình, thay bằng sử dụng quốc ngữ Latinh do các cố đạo phương Tây cải tiến chữ Việt cổ. Xem ra quan điểm này không thuyết phục số đông, vì suy cho cùng “chữ” cũng chỉ là “phương tiện”.

Lãnh tụ Hồ Chí Minh sáng tác văn chương cả bằng tiếng Pháp (truyện ký những năm 20 của thế kỷ XX, ở Pháp), bằng tiếng Trung Quốc (Nhật ký trong tù, 1942-1943). Khi được dịch ra tiếng Việt những áng văn chương mẫu mực đó vẫn chứa chan, thấm đượm cốt cách, tâm hồn Việt, xứng bậc “đại nhân -– đại trí -– đại dũng”. “Hồ Chí Minh tên Người là cả một niềm thơ” là nhan đề một thi phẩm nổi tiếng của nhà thơ Cuba Phê -– lích  Rô - đri  - ghết viết ca ngợi Người anh hùng giải phóng dân tộc của một đất nước “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu” (Nguyễn Trãi -– Bình Ngô đại cáo).

Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Quốc Vượng có một nhận định ngắn gọn nhưng sâu sắc và thuyết phục: “Văn hóa Việt Nam, văn minh sông Hồng và văn hóa Trung Quốc, văn minh Hoàng Hà, khác nhau từ căn bản, từ cội nguồn” (Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, Nxb Văn học, 2003, tr. 27).

Tám tỷ người trên thế giới có thể cùng thích ăn bánh mỳ, nhưng “phở”,  là đặc sản văn hóa ẩm thực Việt, nói quá đi là quốc hồn quốc túy, tính Việt Nam, cũng được. Nhưng rồi sẽ đến một ngày, chữ “phở” khi phát âm lên là nhân loại nhận ra ta./.

Bùi Tùng Ảnh

Tin liên quan

Tin mới nhất

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - 2024

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - 2024

Tối 17/4, tại Khu Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND Thành phố Hà Nội cùng các bộ ngành, địa phương tổ chức Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3-2024 với nhiều hoạt động, sự kiện phong phú, đa dạng.