Tuyển in thơ sách giáo khoa tiểu học - Trường hợp thơ Trần Đăng Khoa

Lời mở Những năm gần đây, hoạt động văn hóa - giáo dục của nước ta nói chung và chất lượng sách giáo khoa (SGK) nói riêng được xã hội rất quan tâm. Chất lượng SGK có thể nói đã và đang là vấn đề luôn luôn nóng, thu hút sự chú ý, bàn bạc sôi nổi của nhiều người, bởi hầu như gia đình (mở rộng) nào cũng thường xuyên có con hoặc cháu là học sinh, sinh viên. Do đặc thù tâm lý lứa tuổi, học sinh tiểu học và trung học cơ sở là những bộ phận độc giả nhạy cảm nhất và tạo nên lan truyền nhiều cảm xúc đến các thế hệ thầy, cô giáo cùng các bậc phụ huynh. Tác giả có bài góp vào SGK cùng nhà xuất bản với biên tập viên được hưởng lời đồng tình và cũng phải chịu trách nhiệm về lời chê trách. Cần nói rõ rằng không phải văn bản nào được vào SGK tiểu học cũng toàn bích, thậm chí đôi ba văn bản có thể đuối về mặt sáng tạo nghệ thuật. Theo đó, không phải tất cả tác phẩm nào rất hay về ý nghĩa đời sống cũng dễ dàng vào SGK. Chỉ vì một lẽ giản đơn là những tác phẩm ấy không phù hợp với tâm lý lứa tuổi của các em, lại non yếu về nghệ thuật sáng tạo thơ văn. Hiện nay đã có nhiều bộ sách, nhưng không phải vì thế mà chúng ta không nhìn lại quá khứ để hạn chế nhược điểm, phát huy ưu điểm về tuyển in tác phẩm văn chương vào SGK. Đây chỉ là ý kiến của một độc giả, cũng là người có bài in SGK, không phải người tham gia làm sách.

1. Tuyển in sách giáo khoa

Tuyển in SGK là một việc khó khăn, phức tạp hơn các loại tuyển in khác bởi các lý do: một là cần đáp ứng được tâm lý lứa tuổi đặc thù (theo từng lớp học từ nhỏ đến lớn), đồng thời lại đạt yêu cầu về chương trình học theo định hướng của cơ quan chủ quản và của xã hội; hai là chọn văn bản vừa hay về mặt nghệ thuật vừa chuẩn về giáo dục đạo đức, bồi dưỡng nhân cách - tâm hồn cho học sinh nhỏ tuổi; ba là không thể tuyển in quá nhiều bài (tuy đều có chất lượng cao) của cùng một tác giả, nếu không phải là trường hợp đặc biệt; bốn là phải xử lý tốt trường hợp tác giả cần có bài cho sách mà văn bản lại yếu hoặc tác phẩm thì hay mà tác giả lại có “vấn đề”; cuối cùng là xử lý văn bản làm sao để cả hai phía nhà xuất bản và tác giả có tiếng nói chung - nói khác đi là cần có sự thống nhất về quan niệm.

Tuyển in thơ sách giáo khoa tiểu học - Trường hợp thơ Trần Đăng Khoa - 1

Nhà thơ Trần Đăng Khoa

Về nội dung chương trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định việc lựa chọn ngữ liệu phải dựa trên các nguyên tắc nhất định. Có 4 nguyên tắc quan thiết nhất là: 

a- Phục vụ trực tiếp cho việc phát triển các phẩm chất và năng lực theo mục tiêu, yêu cầu cần đạt của chương trình.

b- Phù hợp với kinh nghiệm, năng lực nhận thức, đặc điểm tâm sinh lý, mối quan tâm của học sinh từng lớp học, cấp học; giúp học sinh có hứng thú để đọc, viết, nói, nghe và có niềm vui trong học tập. Cần cân nhắc về dung lượng và độ phức tạp (nội dung, nghệ thuật, ngôn ngữ biểu đạt) của ngữ liệu.

c- Có giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật, nhất là có tính chuẩn mực và sáng tạo về ngôn ngữ nhằm góp phần nuôi dưỡng ở học sinh tình yêu đối với văn học và niềm vui đọc sách.

d- Chú trọng các văn bản phản ánh được thành tựu về tư tưởng, văn học, văn hóa dân tộc. Đó là những văn bản thể hiện tinh thần yêu nước, độc lập dân tộc, ý thức về chủ quyền quốc gia; tăng tỷ lệ các văn bản đậm tính nhân văn; giáo dục lòng nhân ái, khoan dung, tình yêu chân thiện mỹ, tình yêu thiên nhiên, tinh thần hội nhập quốc tế, hướng đến những giá trị phổ quát của nhân loại. (hết trích từ mục a)

Về tâm lý lứa tuổi, chúng tôi cho rằng văn bản được tuyển in cần chú ý đến các đặc điểm về nghệ thuật viết cho trẻ em. Một là: tính ngây thơ, ngộ nghĩnh, trong trẻo, giản dị; Hai là: có nhiều hành động, giọng điệu hài hước; Ba là: có nhiều hình ảnh, sắc màu, âm thanh, mùi vị; Bốn là: cần mới mẻ, kỳ lạ, biến hóa; Năm là: lưu ý chất truyện kể; Sáu là: lưu ý các mối quan hệ và đối thoại; Bảy là: văn cần đậm chất dân gian; Tám là: biện pháp đồng thoại (xuất phát từ nhân hóa) nên coi trọng nhưng tránh lạm dụng; Chín là: ngôn ngữ nên chọn lọc, có sáng tạo, làm sao để toàn văn bản toát lên được vẻ đẹp văn chương của tác phẩm. Không phải văn bản nào cũng phải có đủ các yếu tố nêu trên, có văn bản tích hợp nhiều yếu tố. Mức độ và sắc thái những yếu tố nêu trên cần thay đổi theo từng lớp học cụ thể từ thấp đến cao.

2. Trường hợp Trần Đăng Khoa

2.1. Tuyển chọn văn bản

Trong một thời gian dài cho đến năm học 2019-2020, SGK tiểu học có 8 bài thơ của nhà thơ “thần đồng” Trần Đăng Khoa. Đó là những bài thơ có tên sau: Ò…Ó…O (Tiếng Việt 1, tập 2); Tiếng võng kêu (Tiếng Việt 2, tập 1); Cây dừa (Tiếng Việt 2, tập 2); Khi mẹ vắng nhà (Tiếng Việt 3, tập 1); Mẹ ốm (Tiếng Việt 4, tập 1); Mưa (Tiếng Việt 4, tập 1); Trăng ơi… từ đâu đến? (Tiếng Việt 4, tập 2); Hạt gạo làng ta (Tiếng Việt 5, tập 1).

Tuyển in thơ sách giáo khoa tiểu học - Trường hợp thơ Trần Đăng Khoa - 2

Bài thơ "Hạt gạo làng ta" trong SGK Tiếng Việt 5, tập 1.

Trong SGK tiểu học có 3 tác giả được tuyển in nhiều bài. Trước tiên là Trần Đăng Khoa, sau đó là Tố Hữu 7 văn bản (đoạn trích), Định Hải 5 bài. Trong ba trường hợp này, chỉ có Trần Đăng Khoa là tác giả nhỏ tuổi, còn Định Hải, và Tố Hữu là hai người trưởng thành, riêng Tố Hữu chủ yếu viết về, viết cho người lớn, bởi vậy bài nào của ông cũng bị cắt rất nhiều để lấy đoạn phù hợp với trẻ em. Thơ Trần Đăng Khoa là thơ của trẻ em một thuở nhưng có sức sống lâu dài. Tám bài thơ nêu trên thuộc loại hay nhất được viết ở thuở ấu thơ của Trần Đăng Khoa, (tuy có vết xước nhỏ là trật vần lục bát ở bài “Cây dừa”). Ngoài ra, Trần Đăng Khoa còn có 5 thi phẩm đáng chú ý, có thể đặt ngang hàng với chùm sáng tác được tuyển in SGK, đó là trường ca “Đánh thần hạn” và 4 bài thơ: “Sao không về Vàng ơi”, “Đám ma bác Giun”, “Đi tàu hỏa”, “Hạ Long”. Như vậy, 13 tác phẩm nêu trên mãi mãi có giá trị. SGK đã chọn đến 8 bài, không thể in thêm do không thể vượt quá quy định về số lượng văn bản.

2.2. Biên tập văn bản

Nhiều tác giả gửi bài cho SGK rất e ngại sẽ bị cắt hoặc sửa. Tác giả không hài lòng khi văn bản in không đúng với bản gốc.

Theo chúng tôi, lý do cắt đoạn, câu chủ yếu là bản gốc quá dài, cần thu gọn để phù hợp quy cách in sách và chương trình giảng dạy (có chú thích “trích”). Trong chùm thơ của Trần Đăng Khoa chỉ có hai bài “Mưa” và “Tiếng võng kêu” bị cắt. Ở bài “Mưa” từ câu thứ 34 đến hết bài (33 câu) trở thành văn bản bài “Mưa” trong SGK. Ở bài “Tiếng võng kêu”, văn bản trên SGK không có bốn khổ thơ từ thứ hai đến thứ năm và 4 câu cuối ở khổ thứ sáu (Có gặp bóng mẹ/ Lom khom trên đồng/ Gặp chú pháo thủ/ Canh trời nắng trong).

Việc xử lý hai văn bản thơ nói trên được làm rất tốt. Hai văn bản này có đủ tinh thần, giọng điệu nghệ thuật của cả văn bản ban đầu. Ngoài ra, biên tập viên không thay đổi một chữ nào.  Riêng trường hợp thơ Tố Hữu, tất cả 7 bài thơ đều bị cắt. Chắc chắn là tác giả không thắc mắc. Thơ của ông đã quá nổi tiếng, đã đi vào lòng độc giả nhiều thế hệ. Đọc bài thơ, người ta luôn luôn trả lại văn bản ban đầu trong trí nhớ của mình. (Một số bài của các tác giả khác cũng bị cắt nhiều câu như “Chợ tết” (Đoàn Văn Cừ), “Ngưỡng cửa” (Vũ Quần Phương), “Truyện cổ nước mình” (Lâm Thị Mỹ Dạ,v.v) Về Trần Đăng Khoa, thơ thời thơ ấu của ông cũng đã được in đi in lại rất nhiều lần (mỗi lần nhiều bản) trong sách tuyển chọn. Học sinh dễ dàng xem lại được văn bản đầy đủ.  

Thay đổi câu chữ trong văn bản thơ là việc biên tập viên ngại nhất mà bất đắc dĩ phải làm. Nhiều trường hợp thay đổi câu chữ đã làm cho bài thơ hay lên nhưng cũng có trường hợp ngược lại. Tác giả khó tính sẽ không đồng tình. Đối với trường hợp thơ Trần Đăng Khoa thì lại không đơn giản một chiều. Trước kia, bé khoa có thói quen viết xong lại sửa. Sau này khi đến tuổi trưởng thành, nhà thơ lại sửa tiếp. Nhiều chỗ bị sửa lại do người ngoài nhà xuất bản hoặc do chính tác giả thực hiện. Thí dụ bài “Hạt gạo làng ta” được nhà thơ Xuân Diệu rút gọn ở phần cuối khiến bài thơ gọn chắc hơn. Nhà thơ Phạm Hổ cũng giúp em Khoa sửa vài chữ trong bài “Sao không về Vàng ơi” khi in ở báo Văn nghệ khiến bài thơ hay hơn. Nhiều độc giả là giáo viên, học sinh, đồng nghiệp của tác giả, nhà phê bình, từng kêu rằng anh Khoa sửa thơ của bé Khoa quá nhiều làm cho cái khôn ngoan, cái già dặn lộ ra và cái ngây thơ vụng dại mất đi.

Tuy nhiên, sửa đi sửa lại thơ mình là việc làm có ý thức sâu sắc từ những năm xưa, tiếp diễn cho đến bây giờ của Trần Đăng Khoa. Ông tâm sự: “…Chính thơ tôi, ngay từ thuở ấy, tôi cũng đã chữa đi chữa lại, viết đi viết lại. Ngay một chữ một câu, có khi là cả một bài, tôi cũng đã có đến mấy văn bản khác nhau. Giờ tôi chọn văn bản nào của tôi mà tôi thấy ưng ý hơn cả”. Nhà thơ đã trả lời một em học sinh tiểu học rằng: “Thơ chú năm nào cũng in lại một hoặc vài lần. Lần nào, khi các nhà xuất bản đặt vấn đề in lại, chú cũng cung cấp văn bản cho họ, sau khi đã đọc kiểm lại, đã rà soát lại từng chữ một, chỉ chỉnh sửa những chỗ nào non lép”. Một lần khác nhà thơ nói kỹ hơn: “Về tổng thể chú vẫn giữ nguyên văn bản ban đầu, chỉ chỉnh sửa những chữ nào còn non lép hoặc viết sai, chép nhầm, cũng có chữ do biên tập nhà xuất bản chữa lại, không đúng ý chú, đôi khi nhà in cũng in sai. Nghĩa là chỉ sửa trong vài ba trường hợp không thể cho qua, vì trách nhiệm rất cao đối với bạn đọc (…) Những tác phẩm ấy không phải là hiện vật lịch sử mà là thơ. Không phải chỉ thơ của một lứa tuổi, mà là thơ của cả một đời người ở một lứa tuổi”. (xem Hầu chuyện thượng đế và Tuyển thơ Trần Đăng Khoa, Nxb Văn học 2015 và 2018).

Một khi mà tác giả coi việc sửa thơ của mình được viết từ thuở ấu thơ là một ý thức sáng tạo nghệ thuật sâu sắc thì độc giả cũng không nên bàn đi bàn lại nữa. Thật ra, Trần Đăng Khoa đã trở thành nhà thơ, chuyên nghiệp ngay từ thời thơ ấu, bởi ngay từ thuở ấy Trần Đăng khoa đã chững chạc rồi. Sân nhà Trần Đăng Khoa hồi ấy còn là sân đất, nhưng sân trong thơ ngay tại thời điểm đó đã “lát gạch” thì bóc đi hoặc thêm một chút rêu, trồng lại mấy cây hoa cũng không sao.

*

Như đã nói, tuyển in thơ SGK phục vụ học sinh tiểu học là việc làm khó khăn bởi tính đặc thù cao của công việc. Cần tạo nên sự đồng thuận cao giữa nhà xuất bản và dư luận tiến bộ của xã hội, giữa nhà xuất bản - biên tập viên và tác giả, giữa thầy cô giáo và học sinh cùng các bậc cha anh,v.v.

Bên cạnh nhiều văn bản thơ hay, rất hay thì SGK từ năm 2020 trở về trước (khi chưa có nhiều bộ sách) có một số văn bản thơ quá bình thường, thậm chí đôi ba trường hợp non kém về nghệ thuật. Thơ văn SGK có bài hay nhiều, bài hay ít là điều bình thường, phải chấp nhận, nhưng dứt khoát không được non yếu và phải thường xuyên đi đôi với tính hữu ích về giáo dục đạo đức, bồi dưỡng tâm hồn và nhân cách cho học sinh.

Tuy nhiên, thơ văn dành cho trẻ em - học sinh có ích là rất cần thiết (tùy vào hoàn cảnh xã hội - lịch sử nhất định) nhưng nếu chỉ có ích về giáo dục đạo đức mà sáng tạo nghệ thuật quá hạn chế thì nên loại bỏ để tuyển in văn bản hay. Bởi xét cho cùng, đã hay là có ích theo một hướng nào đó. Những điều giảng giải về đạo đức công dân dễ viết hơn thơ, sẽ thuyết phục học sinh hơn nếu thông qua mẩu chuyện bằng văn xuôi hoặc văn bản chính luận. Văn bản ngoài văn chương vẫn được chấp nhận, phần lớn do “áp đặt” (đúng đắn, cần thiết) từ thầy cô phải dạy cho học trò phải học. Ngoài ý nghĩa đời sống, các em cũng được học tiếng Việt ở văn bản ấy; vấn đề giảng thế nào để thu hút sự chú ý của học sinh là trách nhiệm và tài năng của thầy, cô. Còn về thụ hưởng văn chương (nhất là thơ) lại phải theo một quy luật khác: Quy luật thẩm mỹ, nó buộc quy luật sáng tạo văn bản phải tương ứng./.

Phạm Đình Ân

Tin liên quan

Tin mới nhất