Để văn học nghệ thuật Việt Nam thực sự góp phần trực tiếp vào sự nghiệp 'Trồng người' trong thời kỳ mới

Trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhận thức của Đảng ta về văn học nghệ thuật và nhất là về vị trí vai trò của văn học nghệ thuật đối với xây dựng nền tảng tinh thần xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam đã được thể hiện tập trung trong Nghị quyết 05 của Bộ chính trị khóa VI, được phát triển toàn diện và sâu sắc trong Nghị quyết TW5 khóa VIII, Nghị quyết 23 của Bộ chính trị khóa X và Nghị quyết TW9-Khóa XI.

(Chinhphu.vn) - Trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhận thức của Đảng ta về văn học nghệ thuật và nhất là về vị trí vai trò của văn học nghệ thuật đối với xây dựng nền tảng tinh thần xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam đã được thể hiện tập trung trong Nghị quyết 05 của Bộ chính trị khóa VI, được phát triển toàn diện và sâu sắc trong Nghị quyết TW5 khóa VIII, Nghị quyết 23 của Bộ chính trị khóa X và Nghị quyết TW9-Khóa XI.

Đảng ta xác định: Văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt nhạy cảm và tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người, có tác dụng đặc biệt trong việc vun trồng, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm nhân cách, đạo đức, trí tuệ bản lĩnh cho các thế hệ con người.

Tại các nghị quyết này, Đảng ta đã xác định: Văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt nhạy cảm và tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người, có tác dụng đặc biệt trong việc vun trồng, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm nhân cách, đạo đức, trí tuệ bản lĩnh cho các thế hệ con người.

Khi khẳng định vị trí vai trò quan trọng này là để nhấn mạnh tính đặc thù, ưu thế đặc biệt của văn học nghệ thuật so với các lĩnh vực khác như gia đình, nhà trường, xã hội trong sự nghiệp trồng người. Từ sự nhận thức toàn diện, sâu sắc này cùng với kết quả đổi mới tư duy cách nghĩ cách làm văn nghệ, Đảng ta đã có Nghị quyết 23 của Bộ chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới – nghị quyết chuyên đề này là Đường lối, chiến lược phát triển lĩnh vực rất quan trọng và đặc biệt nhạy cảm và tinh tế của văn hóa trong thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hội nhập quốc tế.

Lao động nghệ thuật từng bước được cải thiện, tự do sáng tạo nghệ thuật

Nhìn lại gần 24 năm thực hiện nghị quyết chuyên đề này, chúng ta có quyền tự hào nhận thấy rằng sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, sự nghiệp phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc đã mở rộng không gian sáng tạo cho văn học nghệ thuật; cùng những tác động mạnh mẽ của tư tưởng đổi mới, điều kiện lao động nghệ thuật từng bước được cải thiện, tự do sáng tạo nghệ thuật và sự đa dạng phong phú về đề tài chủ đề, loại hình phương pháp sáng tác, phương thức biểu hiện được tôn trọng; tiềm năng sáng tạo của văn nghệ sĩ được khơi dậy và phát huy, “Văn học nghệ thuật vượt qua nhiều thách thức khó khăn, tiếp tục phát triển, nỗ lực phản ánh chân thực cuộc sống đấu tranh, lao động sáng tạo của nhân dân, bước đầu tạo dựng nên diện mạo mới của văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại, trong đó một mặt tiếp tục phát huy các giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hóa văn nghệ dân tộc là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn sâu sắc, giàu bản sắc dân tộc, mặt khác cố gắng bám sát hiện thực đời sống trong cuộc đấu tranh phong phú, phức tạp ngày hôm nay và nỗ lực vươn lên phát triển toàn diện ngày càng hiện đại đa dạng hóa về nội dung và phương tiện thể hiện… Nhiều anh chị em văn nghệ sĩ đã kiên trì tìm tòi, tự vươn lên chính mình âm thầm lao động, sáng tạo để khẳng định các giá trị mới của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế.”[1] Bên cạnh những thành tựu rất đáng trân trọng, chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào một số yếu kém, bất cập, hạn chế chủ yếu sau:

- Một biểu hiện rất đáng lo ngại và kéo dài đó là tình trạng số lượng tác phẩm ngày càng nhiều nhưng lại tỷ lệ nghịch với chất lượng và hiệu quả tích cực. Nhiều tác phẩm xa lánh những vấn đề lớn lao của đất nước, những vấn đề mới nảy sinh trong sự nghiệp đổi mới toàn diện, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, mà chạy theo các đề tài nhỏ nhặt tầm thường chiều theo thị yếu thấp kém của một bộ phận công chúng, hạ thấp, thậm chí vứt bỏ chức năng giáo dục, nhấn mạnh một chiều chức năng giải trí. Trong một số trường hợp có biểu hiện cực đoan, chỉ tập trung tô đậm mặt đen tối, tiêu cực của cuộc sống hiện tại, thậm chí xuyên tạc bóp méo lịch sử hoặc bị các thế lực thù địch lôi kéo sáng tác và truyền bá các tác phẩm độc hại đi ngược lợi ích của nhân dân và đất nước.

- Hoạt động lý luận phê bình còn nhiều bất cập hạn chế trong chức năng đồng hành, điều chỉnh và định hướng cho sáng tác cũng như giáo dục nâng cao năng lực thẩm mỹ cho công chúng. Một hạn chế bất cập còn kéo dài là chậm rút ngắn khoảng cách hưởng thụ văn hóa đối với khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Văn hóa, văn học nghệ thuật cũng phải chịu trách nhiệm đối với tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ Đảng viên và quần chúng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tham nhũng, lãng phí và tình trạng tiêu cực xã hội, tệ nạn xã hội, tội phạm xã hội, ô nhiễm môi trường sinh thái có chiều hướng gia tăng cả về tính chất và quy mô.

Cần phân tích sâu sắc hai nguyên nhân chủ quan, chủ yếu của tình trạng trên. Nguyên nhân hàng đầu là vấn đề nhận thức và trách nhiệm. Văn hóa, văn nghệ chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc, chưa được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tương xứng như chính trị, kinh tế, xã hội. Đặc biệt là vai trò của văn hóa, văn học nghệ thuật trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm và đúng mức; và do chưa coi trọng và thiếu hiểu biết về tính đặc thù của văn học nghệ thuật cho nên: Rất chậm trễ trong việc thể chế hóa các quan điểm, đường lối, định hướng của Đảng về văn học nghệ thuật, nhiều cấp ủy, chính quyền chưa đưa hoặc đưa một cách phiến diện nhiệm vụ phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật vào quy hoạch và kế hoạch phát triển của từng địa phương, từng ngành, nhất là chưa coi trọng xây dựng và thực hiện quy hoạch và kế hoạch phát triển dài hạn các lĩnh vực văn học nghệ thuật (văn học sân khấu, âm nhạc, mỹ thuật, kiến trúc, nhiếp ảnh, điện ảnh, văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số), nhiều hạn chế bất cập trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch xã hội hóa các hoạt động văn học nghệ thuật. Một yếu kém bất cập kéo dài là đầu tư cho văn hóa, văn học nghệ thuật còn thấp so với định mức, chưa tương xứng với yêu cầu mới, chưa hợp lý và kém hiệu quả. Còn nhiều hạn chế bất cập trong xây dựng và thực hiện chủ trương chính sách phát triển, bồi dưỡng phát triển và trọng dụng tài năng văn học nghệ thuật. Còn nhiều hạn chế, bất cập trong việc xây dựng tiêu chuẩn và cơ chế lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tham mưu lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật.

Nguyên nhân chủ quan tiếp theo là công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ còn nhiều hạn chế, bất cập: Chương trình, nội dung đào tạo còn lạc hậu và thiếu toàn diện, nhất là chưa chú trọng đúng mức tính đặc thù, chuyên biệt và yêu cầu đào tạo tài năng văn học nghệ thuật.

Đội ngũ văn nghệ sĩ còn nhiều khó khăn, hạn chế trong hoạt động đi thực tế để được sống trực tiếp, sống một thời gian cần thiết ở những mũi nhọn của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, sự nghiệp xây dựng phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc mới có thể tạo được cảm hứng sáng tạo và hình tượng nghệ thuật.

Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và phát triển toàn diện con người Việt Nam

Đại hội XIII của Đảng đã quyết định đường lối phát triển đất nước trong thời kỳ mới- Thời kỳ đổi mới toàn diện và đồng bộ đất nước theo định hướng XHCN, đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc tổ quốc, phấn đấu đến giữa thế kỳ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng XHCN. Một trong những quan diểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt trong thời kỳ mới này là: “ Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc. Phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam … Kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất ( Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương tại Đại hội XIII).

Giữ vị trí trung tâm và xuyên suốt trong các đường lối, chủ trương phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc tổ quốc là vấn đề xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và phát triển toàn diện con người Việt Nam. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp với các đặc tính cơ bản là yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Đảng ta tiếp tục khẳng định: Văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng và đặc biệt tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân thiện mỹ của con người, là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc tổ quốc. Do đó cần phải tập trung mọi nguồn lực để xây dựng và phát triển nền văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn học nghệ thuật Việt Nam làm tròn sứ mệnh và chức năng cao quý trong việc vun trồng tâm hồn, nhân cách, đạo đức, lẽ sống cao đẹp cho các thế hệ con người Việt Nam. Trong phương hướng nhiệm vụ phát triển sự nghiệp văn học nghệ thuật, Đảng ta đã xác định mục tiêu: Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, có tác dụng to lớn xây dựng con người.

Các tác phẩm văn học là hình ảnh chủ quan về thế giới khách quan. Đó là quá trình khách thể hóa những nhận thức chủ quan của văn nghệ sĩ. Gía trị của tác phẩm văn học nghệ thuật liên quan đến sự nhận thức về đời sống và sự miêu tả phản ảnh, thể hiện hiện thực sinh động cuộc sống của văn nghệ sĩ. Sự phản ảnh này không chỉ là sự phản ảnh thế giới khách quan mà còn sáng tạo ra thế giới khách quan. Giá trị của tác phẩm văn học nghệ thuật được đánh giá bằng chiều cao của lý tưởng xã hội, thẩm mỹ và chất lượng của hình tượng nghệ thuật và ngôn ngữ nghệ thuật mà người nghệ sĩ thể hiện, theo quy luật của tình cảm, quy luật của cái đẹp. Các giá trị của văn học nghệ thuật sẽ tác động có hiệu quả đến công chúng tiếp nhận theo hướng vừa đáp ứng khát vọng chân thiện mỹ vừa vun trồng bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách, đạo đức, trí tuệ, lẽ sống cho con người. Xin gợi mở một số tiêu chí chuẩn mực cơ bản của một tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.

Về giá trị tư tưởng của tác phẩm: Đó là giá trị khám phá, sáng tạo, phản ánh chân thực, sinh động cuộc sống, phản ánh chân thực có chiều sâu từ trong bản chất của nó, phản ánh chân thực, sinh động cuộc đấu tranh cách mạng và lao động sáng tạo của nhân dân, phản ánh rõ nét, sâu sắc chủ nghĩa yêu nước, tư tưởng nhân văn, dân chủ của dân tộc ta, chế độ ta. Tiếp cận và phản ánh được bản chất cuộc đấu tranh lên án cái ác, cái xấu, sự biến chất thoái hóa về nhân cách đạo đức lối sống của một bộ phận xã hội vì mục tiêu hoàn thiện nhân cách con người, lành mạnh hóa xã hội. Đưa ra được sự kiến giải, thông điệp có giá trị tư tưởng cao, phù hợp với lợi ích của nhân dân, đất nước.

Về giá trị nghệ thuật của tác phẩm đó là: Xây dựng được hình tượng nghệ thuật hấp dẫn có sức truyền cảm; có phong cách, cá tính sáng tạo độc đáo, có sự kết hợp hài hòa giữa nội dung và hình thức; sử dụng ngôn ngữ trong sáng, giản dị, đi vào lòng người.

Khi nhận định, thời gian qua văn học nghệ thuật có một phần trách nhiệm về tình trạng một bộ phận cán bộ Đảng viên và quần chúng suy thoái về tư tưởng chính trị đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tình trạng tiêu cực xã hội, tệ nạn xã hội, tội phạm xã hội gia tăng, cũng là nói đến trách nhiệm của văn học nghệ thuật 35 năm qua đã đưa ra xã hội quá nhiều tác phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng; quá nhiều tác phẩm tầm thường cả về giá trị tư tưởng và nghệ thuật với những. Biểu hiện chủ yếu là xa lánh những vấn đề lớn của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chạy theo các đề tài nhỏ nhặt, tầm thường, chiều theo thị yếu thấp kém của một bộ phận công chúng, buông bỏ chức năng giáo dục, đã có không ít tác phẩm truyền bá những lối sống vô văn hóa, phản văn hóa, một số tác phẩm truyền bá những tư tưởng độc hại, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, đất nước. Về mặt nghệ thuật, một số không ít tác phẩm nhân danh đổi mới, cách tân nghệ thuật với tiếp thu không chọn lọc một số khuynh hướng, trường phái lạc hậu, suy đồi, tạo nên những sản phẩm yếu kém về nghệ thuật. Biểu hiện nổi bật trong một bộ phận không nhỏ ca khúc trẻ, một số phim, kịch xã hội hóa, một số tiểu thuyết, thơ khi công bố đã gây ảnh hưởng xấu, tác động tiêu cực đến tư tưởng thẩm mỹ của công chúng, nhất là giới trẻ.

Nguyên nhân của yếu kém, hạn chế

 Khi phân tích nguyên nhân của những yếu kém, hạn chế bất cập của chủ thể lãnh đạo quản lý văn học nghệ thuật và chủ thể sáng tạo văn học nghệ thuật, đã có khá nhiều ý kiến cho rẳng:

- Lãnh đạo, quản lý các cấp thực hiện nghị quyết 23 của Bộ chính trị khóa X về tiếp tục phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới còn nhiều hạn chế, bất cập trong khâu giáo dục nhận thức và trách nhiệm chưa đúng tầm, đúng mức trong lãnh đạo phát triển lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa. Biểu hiện nổi bật là rất chậm trễ trong việc thể chế hóa Nghị quyết 23 – nghị quyết được coi như chiến lược của văn học nghệ thuật của Đảng trong thời kỳ mới; Trong khâu quy hoạch bồi dưỡng, bố trí lãnh đạo quản lý lĩnh vực này còn quá nhiều hạn chế bất cập, cho nên không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý và chuyên gia lĩnh vực rất quan trọng và đặc biệt tinh tế này nhưng lại hạn chế về năng lực và phương pháp lãnh đạo do thiếu tâm huyết và trách nhiệm dẫn đến bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập trong lãnh đạo quản lý các lĩnh vực sáng tác, thẩm định, phê bình, quảng bá, quần chúng tiếp nhận; Còn quá nhiều bất cập, kém hiệu quả trong lĩnh vực phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng tài năng văn học nghệ thuật.

- Sau 35 năm đổi mới văn học nghệ thuật, chúng ta mới có những văn nghệ sĩ có năng khiếu, có tài nhưng vẫn thiếu vắng tài năng lớn, thiên tài. Đáng chú ý, còn nhiều văn nghệ sĩ chưa có tư tưởng lớn (cả triết học và mỹ học), chưa thực sự đam mê, quyết liệt dấn thân vào đời sống, nhất là ở những mũi nhọn của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sống chết với tác phẩm của mình, nhân vật của mình. Thiếu bản lĩnh, tự bó mình trước những quan niệm mơ hồ về “vùng cấm”, “vùng nhạy cảm” và nhất là thiếu tài năng nghệ thuật thể hiện tri thức khách quan, chân lý cuộc sống. Hoạt động phê bình chưa đóng được vai trò đồng hành, thẩm định, định hướng, kích thích sự sáng tạo những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Mặt khác lý luận phê bình chưa làm tốt vai trò góp phần giáo dục thẩm mỹ, định hướng cho công chúng tiếp nhận, chưa quảng bá có hiệu quả cái mới, cái hay, cái đẹp của các tác phẩm văn nghệ cho đông đảo công chúng tiếp nhận.

Những yếu kém bất cập trong lãnh đạo, quản lý và những yếu kém bất cập trong chủ thể sáng tạo, trong lý luận phê bình và trong công chúng tiếp nhận là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng đáng buồn kéo dài trên đây.

Để có những tác phẩm văn học nghệ thuật đỉnh cao

Từ những điều trình bày trên, cho phép chúng ta thấu triệt luận điểm sau: Để văn học nghệ thuật thực sự góp phần vào sự nghiệp giáo dục, vun trồng tâm hồn, tình cảm, nhân cách đạo đức, tri thức, bản lĩnh, lẽ sống cao đẹp thì văn học nghệ thuật phải sáng tạo và quảng bá sâu rộng nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật đến đông đảo nhân dân.

Muốn sáng tạo ra và quảng bá sâu rộng có hiệu quả những tác phẩm văn nghệ đỉnh cao thì nền văn học nghệ thuật nước ta phải được phát triển mạnh mẽ và toàn diện. Vì chỉ trên cái nền của sự phát triển mạnh mẽ toàn diện mới thực sự tạo điều kiện, tiền đề cho sự xuất hiện những tài năng xuất chúng, những thiên tài văn học nghệ thuật và ra đời các tác phẩm có giá trị đỉnh cao về tư tưởng nghệ thuật.

Thực tiễn đời sống văn học nghệ thuật Việt Nam trong 35 năm qua cho chúng ta câu trả lời sáng tỏ: Cần tổng kết 25 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ chính trị khóa X để Bộ chính trị ban hành một nghị quyết mới về phát triển nền văn học nghệ thuật Việt Nam trong thời kỳ mới.

Trên cơ sở nghị quyết mới này và chiến lược phát triển văn hóa con người Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, xây dựng chiến lược phát triển mạnh mẽ và toàn diện nền văn học nghệ thuật Việt Nam trong thời kỳ mới.

Đáp ứng yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, thực hiện có hiệu quả nghị quyết – chiến lược phát triển một lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế, nhạy cảm của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân thiện mỹ của con người, là một trong những nguồn lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam, kiến nghị Ban Bí thư thành lập Ban chỉ đạo trung ương xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam trong thời kỳ mới do đồng chí Bí thư trung ương, Trưởng Ban tuyên giáo trung ương làm trưởng ban, đại diện của Chính phủ làm Phó trưởng ban, đồng chí ủy viên trung ương phó trưởng ban thường trực Ban tuyên giáo trung ương là ủy viên thường trực. Các thành viên tham gia Ban chỉ đạo: Thứ trưởng Bộ văn hóa thể thao du lịch, Thứ trưởng Bộ nội vụ, Thứ trưởng Bộ tài chính, Thứ trưởng Bộ kế hoạch đầu tư, Phó chủ nhiệm ủy ban văn hóa giáo dục Quốc hội, Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị, Thứ trưởng Bộ công an, Chủ tịch liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tích các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành, Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương. Trên cơ sở tiếp tục đổi mới tư duy, đổi mới cách tiếp cận, cách làm, Ban chỉ đạo trung ương tập trung chỉ đạo phối hợp các cơ quan ban ngành tổ chức thực hiện đồng bộ, tạo hiệu quả rõ rệt các quan điểm, chủ trương, giải pháp của nghị quyết nhằm phát triển mạnh mẽ, toàn diện văn học nghệ thuật Việt Nam. Ban chỉ đạo tập trung đột phá một số khâu sau:

- Trong 3 năm tới phải căn bản hoàn thành việc thể chế hóa quan điểm đường lối, chủ trương, định hướng phát triển nền văn học nghệ thuật Việt Nam thành luật, nghị định, cơ chế chính sách: Sớm ban hành luật về tự do sáng tạo trong văn học nghệ thuật, luật sở hữu trí tuệ, bảo vệ bản quyền các tác phẩm, tác giả văn học nghệ thuật. Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển các loại hình văn học nghệ thuật. Hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách xã  hội hóa các hoạt động văn học nghệ thuật; khuyến khích phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng trọng dụng các tài năng văn học nghệ thuật; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn cuộc sống ở những mũi nhọn, của sự nghiệp đổi mới công nghiệp hóa hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hệ thống cơ chế chính sách nhằm hoàn thiện thị trường văn hóa trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Hoàn thiện cơ chế chính sách để xây dựng và phát triển “Quỹ phát triển văn học nghệ thuật”.

- Đột phá vào khâu quy hoạch đào tạo bồi dưỡng để thực sự nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của Đảng và nhà nước đối với văn hóa văn học nghệ thuật: Đổi mới, hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc, đồng bộ việc đưa vào chương trình đào tạo cán bộ thuộc các trường Đảng nội dung văn học nghệ thuật. Đảm bảo từ nhiệm kỳ XIII, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, cán bộ trực tiếp chỉ đạo quản lý lĩnh vực này phải có nhận thức đúng về vị trí vai trò, đặc trưng của văn hóa, văn học nghệ thuật, có phương pháp lãnh đạo, quản lý lĩnh vực đặc thù này. Đảm bảo cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp phải đưa nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật vào quy hoạch, kế hoạch phát triển hài hòa với quy hoạch kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương, từng ngành.

- Đột phá xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa, coi trọng xây dựng phát triển công nghiệp các nghệ thuật biểu diễn như âm nhạc, múa, sân khấu, điện ảnh… gắn chặt với xây dựng và hoàn thiện thị trường văn hóa nghệ thuật.

[1] Bài phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng tại lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam. (Báo Điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, ngày 25/7/2018)

PGS.TS Đào Duy Quát

Nguyên Phó Trưởng ban thường trực

Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương

Nguồn baochinhphu.vn

Tin liên quan

Tin mới nhất

Người Trung Quốc ùn ùn về quê ăn Tết

Người Trung Quốc ùn ùn về quê ăn Tết

Trong bối cảnh Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần, người Trung Quốc chen chúc trên ô tô, tàu hỏa và máy bay để về quê ăn Tết, chính thức khởi động mùa Xuân Vận - cuộc di cư thường niên lớn nhất thế giới của loài người.

Honda City và các đối thủ: Thiết kế nào vừa lòng người Việt nhất?

Honda City và các đối thủ: Thiết kế nào vừa lòng người Việt nhất?

Phân khúc sedan hạng B tại Việt Nam luôn nóng bỏng với những cái tên như Honda City, Toyota Vios, Hyundai Accent, Mazda2 và Kia Soluto. Mỗi mẫu xe mang phong cách thiết kế riêng, từ sự sắc sảo, thể thao của City đến vẻ bền bỉ của Vios hay thời thượng của Accent. Vậy đâu là thiết kế chinh phục người Việt nhất?

Những SUV đáng chú ý sẽ ra mắt trong năm 2025

Những SUV đáng chú ý sẽ ra mắt trong năm 2025

Khi mà thị trường ô tô ngày càng phát triển, các thương hiệu lớn đang chuẩn bị cho ra mắt những mẫu xe mới với thiết kế và công nghệ tiên tiến nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.