Gắn biển công trình Khu lưu niệm Hội Văn nghệ Việt Nam thời kỳ 1947-1954

Ngày 24/2, UBND huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa tổ chức lễ gắn biển công trình Khu lưu niệm Hội Văn nghệ Việt Nam (thời kỳ 1947-1954) tại làng Quần Tín. Công trình thể hiện sự trân trọng và tôn vinh những giá trị mà các nhà cách mạng, các văn nghệ sĩ từng hoạt động ở đây đã cống hiến cho quê hương đất nước, đồng thời được kỳ vọng sẽ là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, là không gian giao lưu, sáng tác và truyền cảm hứng cho những thế hệ sau.

Tham dự buổi lễ có đồng chí Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch Quỹ hỗ trợ Phòng, chống thiên tai miền Trung; PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; NSND Trịnh Thúy Mùi, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam; đồng chí Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh; đại diện lãnh đạo huyện Triệu Sơn; đại diện lãnh đạo huyện, thị xã thuộc tỉnh Quảng Nam kết nghĩa với huyện Triệu Sơn; đại diện gia đình Thiếu tướng Nguyễn Sơn… cùng đông đảo người dân làng Quần Tín.

Gắn biển công trình Khu lưu niệm Hội Văn nghệ Việt Nam thời kỳ 1947-1954 - 1

Các đại biểu tham dự buổi lễ

Đầu năm 1947, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã có nhiều nhà chính trị, quân sự, văn hoá đã sơ tán vào hoạt động tại làng Quần Tín, huyện Thọ Xuân nay là xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa.

Thực hiện chủ trương đào tạo văn nghệ, các lớp văn hóa kháng chiến đầu tiên được mở ở đây, do nhà văn Đặng Thai Mai làm hiệu trưởng. Tham gia giảng dạy là các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ nổi tiếng như Đào Duy Anh, Nguyễn Tuân, Vũ Ngọc Phan, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Văn Tỵ, Hải Triều, Nguyễn Đỗ Cung, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Thế Lữ, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Lương Ngọc, Tôn Quang Phiệt, Phạm Việt Thường, Nguyễn Đình Lạp… Cùng với đó nhiều đồng chí như Trường Chinh, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Hồ Tùng Mậu… cũng từng tham gia giảng dạy, nói chuyện tại các lớp học. Các họa sĩ cũng lập xưởng họa, mở lớp dạy vẽ tại làng.

Nhiều con em của các nhà hoạt động cách mạng về sơ tán học tập tại đây sau này thành danh như đồng chí Phan Diễn - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; GS. TS Đình Quang; họa sĩ Vũ Giáng Hương - nguyên Chủ tịch Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam…

Làng Quần Tín là nơi ở và hoạt động của Hội Văn nghệ Việt Nam (tiền thân của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam) trong giai đoạn từ năm 1947 - 1954, là nơi đặt trụ sở chỉ huy của Tướng Nguyễn Sơn, của Sư đoàn 320, 308, cũng từng là nơi ở bí mật của gia đình Hoàng thân Xu-Pha-Nu-Vông, Chủ tịch Mặt trận Ít-xa-la Lào, Thủ tướng Chính phủ kháng chiến Lào.

Năm 2013, địa điểm Khu Lưu niệm Hội Văn nghệ Việt Nam (thời kỳ 1947-1954) tại làng Quần Tín đã được xếp hạng là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh.

Gắn biển công trình Khu lưu niệm Hội Văn nghệ Việt Nam thời kỳ 1947-1954 - 2

Gắn biển công trình Khu lưu niệm Hội Văn nghệ Việt Nam thời kỳ 1947-1954 - 3

Gắn biển công trình Khu lưu niệm Hội Văn nghệ Việt Nam thời kỳ 1947-1954 - 4

Các đại biểu tham quan công trình

Công trình phục hồi, tu bổ, bảo quản và phát huy giá trị Di tích lịch sử cách mạng Khu lưu niệm Hội Văn nghệ Việt Nam (thời kỳ 1947-1954) tại làng Quần Tín do UBND huyện Triệu Sơn quyết định đầu tư gồm các hạng mục chính: Khu vực bảo vệ giếng cổ, nhà bia lưu niệm, nhà lưu niệm và các công trình phụ trợ khác; tổng mức đầu tư gần 11,3 tỉ đồng từ ngân sách tỉnh, ngân sách huyện và các nguồn huy động hợp pháp khác. Công trình được khởi công tháng 7/2024 và dự kiến hoàn thành là trong tháng 4/2025. Đến nay nhà thầu đã thi công hoàn thành hạng mục giếng cổ và nhà bia. Hạng mục nhà lưu niệm hiện đang triển khai thi công, khối lượng ước đạt khoảng 70%.

Đồng chí Lê Văn Tuấn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy huyện Triệu Sơn khẳng định công trình không chỉ mang ý nghĩa lịch sử - văn hóa mà còn thể hiện sự trân trọng, tôn vinh những giá trị tinh thần mà các thế hệ đi trước đã cống hiến cho đất nước đồng thời thể hiện quyết tâm của huyện trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử.

Về thăm lại làng Quần Tín và dự lễ gắn biển di tích, nguyên Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn cho biết, ông theo gia đình cô chú Vũ Ngọc Phan về đây tản cư, sinh sống, lao động, học tập khi còn là thiếu niên bởi khi ấy mẹ lên Việt Bắc làm nhiệm vụ không thể mang theo con cái, cô chú nhà văn Vũ Ngọc Phan – Hằng Phương nhận nuôi và chăm sóc anh em ông như con cháu trong nhà. Thời gian đó đã bồi dưỡng tình yêu gia đình, bà con địa phương, các tri thức văn hoá văn nghệ và tình yêu đất nước… Thời gian đó giúp ông rất nhiều trong quá trình trưởng thành. “Rất mong làng Quần Tín cùng huyện, tỉnh phát huy truyền thống và vươn lên cùng đất nước. Cảm ơn bà con đã từng cưu mang, đùm học, dạy dỗ tôi để trưởng thành. Xin cảm ơn tất cả” - ông Phan Diễn xúc động.

Gắn biển công trình Khu lưu niệm Hội Văn nghệ Việt Nam thời kỳ 1947-1954 - 5

Gắn biển công trình Khu lưu niệm Hội Văn nghệ Việt Nam thời kỳ 1947-1954 - 6

Đồng chí Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực ban Bí thư, Chủ tịch quỹ hỗ trợ phòng, tránh thiên tai Miền Trung phát biểu và tặng ảnh cho huyện

PGS. TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhận định, việc xây dựng công trình có ý nghĩa quan trọng, tri ân các thế hệ nhà hoạt động cách mạng, văn nghệ sĩ tiền bối, nhắc nhớ các thế hệ sau nhớ đến truyền thống tốt đẹp của dân tộc đồng thời thể hiện sự quan tâm sâu sắc của chính quyền địa phương đối với văn hóa – văn nghệ.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam bày tỏ hi vọng sau khi công trình hoàn thiện và đưa vào sử dụng, người dân địa phương có được địa điểm - không gian sinh hoạt văn hóa văn nghệ, lưu giữ và quảng bá tư liệu, lịch sử của thời kỳ kháng chiến hào hùng của dân tộc, làm giàu thêm đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Gắn biển công trình Khu lưu niệm Hội Văn nghệ Việt Nam thời kỳ 1947-1954 - 7

Các đại biểu thực hiện nghi thức gắn biển công trình

Trong năm 2023, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ sáng tạo Văn học nghệ thuật Việt Nam, Thời báo Văn học nghệ thuật cũng đã xây dựng công trình Nhà bia Lưu niệm ở xã Yên Kỳ (huyện Hạ Hòa, Phú Thọ) nơi diễn ra Đại hội thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam từ 23-25/7/1948 và công trình Nhà bia lưu niệm tại xã Gia Điền (huyện Hạ Hòa, Phú Thọ) nơi đặt trụ sở đầu tiên của Hội Văn nghệ Việt Nam.

Bà Lê Thị Du (79 tuổi) người dân xóm 4 làng Quần Tín chia sẻ với phóng viên niềm tự hào khi được cha mẹ kể lại chuyện nhiều văn nghệ sĩ gạo cội từng ở nhờ các gia đình nơi đây và cả chuyện Thiếu tướng Nguyễn Sơn từng ở đây, từng nhiều lần tập trận ở khu vực này. Với bà, khi thế hệ của bà không còn nữa, công trình ý nghĩa này sẽ giúp các con cháu sau này biết đến một thời kỳ vẻ vang của làng.

Giếng cổ của làng đã có từ rất lâu đời. Từ nhỏ bà Du cũng như toàn bộ người dân trong làng thường xuyên kéo nước dưới giếng lên gánh về nhà để ăn uống, đầu tiên là dùng mo cau chế thành gầu múc nước, rồi đến thùng tôn cán gỗ… Sau này không còn dùng tới nước giếng làng nữa nhưng giếng cổ của làng vẫn là nơi vô cùng ý nghĩa, thân thương với những người thuộc thế hệ của bà. Đã từng có thời gian đáng tiếc khi giếng gần như bị lấp đi rồi lại được tôn tạo lại, cho đến nay nước vẫn xanh trong. Bà mong giếng cổ sau khi được tôn tạo lại nằm trong quần thể di tích sẽ còn tồn tại mãi.

Cùng ngày, UBND huyện Triệu Sơn đã tổ chức lễ gắn biển và tiếp nhận kinh phí hỗ trợ đầu tư xây dựng Công viên Tam Kỳ.

Gắn biển công trình Khu lưu niệm Hội Văn nghệ Việt Nam thời kỳ 1947-1954 - 8

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng, Bí thư Huyện ủy huyện Triệu Sơn Lê Văn Tuấn, Chủ tịch Hội VHNT Thanh Hóa Phạm Duy Phương, Tổng biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật Hoàng Dự trò chuyện tại Công viên Tam Kỳ.

Công trình do HĐND huyện Triệu Sơn quyết định chủ trương đầu tư trên diện tích khoảng 2,7ha, tổng mức đầu tư 19,5 tỷ đồng. Công trình gồm các hạng mục chính như: kỳ đài trung tâm quảng trường; đường giao thông; hệ thống cấp điện, chiếu sáng, cấp thoát nước, bãi đỗ xe; thiết bị thể dục, thể thao... nhân kỷ niệm 60 năm thành lập huyện.

Minh Quang

Tin liên quan

Tin mới nhất

Vở kịch nói “Điện Biên vẫy gọi” giành giải A Giải thưởng sân khấu năm 2024

Vở kịch nói “Điện Biên vẫy gọi” giành giải A Giải thưởng sân khấu năm 2024

Không chỉ phục vụ nhiệm vụ chính trị, vở kịch nói “Điện Biên vẫy gọi” do Nhà hát Kịch nói Quân đội thực hiện còn là một công trình nghệ thuật mang đến một góc nhìn riêng về Điện Biên, với những cảm xúc đẹp về lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam. Vở kịch vừa được vinh danh tại Lễ trao Giải thưởng sân khấu năm 2024 của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam ở hạng mục “Vở