Hội VHNT tỉnh Lâm Đồng: Đổi mới, nâng cao chất lượng sáng tác văn học, nghệ thuật trong tình hình mới
(Arttimes) - Với mục tiêu phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ (VNS) Lâm Đồng đông về số lượng, mạnh về chất lượng, có năng lực sáng tạo tác phẩm văn học, nghệ thuật (VHNT) chất lượng cao, đoàn kết gắn bó trong tổ chức Hội. Ban lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng đã đưa ra các giải pháp để đổi mới nâng cao chất lượng sáng tác VHNT trong tình hình mới
Năm năm gần đây, hoạt động VHNT ở Lâm Đồng diễn ra rất sôi nổi và khởi sắc. Riêng về lĩnh vực sáng tác, mỗi năm có hơn 3.000 tác phẩm (văn, thơ, nhạc, họa, nhiếp ảnh…) ra đời, trong đó có hàng trăm tác phẩm đoạt Giải thưởng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, số tác phẩm đỉnh cao tầm quốc gia, làm rung động lòng người, “đi cùng năm tháng” còn rất ít. Điều trăn trở lớn nhất là, làm gì và làm thế nào để “Đổi mới, nâng cao chất lượng sáng tác VHNT trong tình hình mới”, đang cần lời giải chính xác và thỏa đáng. Bài viết này, xin đưa ra 5 nhóm giải pháp, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Một là, đổi mới nâng cao hiệu quả các Trại sáng tác VHNT
Từ nguồn tài trợ, trung bình mỗi năm Hội tổ chức 7 Trại sáng tác trong và ngoài tỉnh, thu hút 140 hội viên, sáng tác khoảng 600 tác phẩm các loại. Chưa tính, hàng trăm lượt hội viên (HV) và nhóm VNS tự đi sáng tác trong nước và quốc tế, với hàng ngàn tác phẩm. Nhờ các đợt sáng tác này, nhiều VNS đã gặt hái một số giải thưởng trong tỉnh, trong nước và quốc tế. Đáng tự hào nhất, là các chuyên ngành Nhiếp ảnh, Âm nhạc, Mỹ thuật, Văn học, Văn nghệ dân gian… Đây, không chỉ là niềm tự hào của giới VNS Lâm Đồng, mà của cả nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Vũ điệu cồng chiêng Lâm Đồng. Ảnh Hà Hữu NếtĐể đạt và vượt thành tích đó, (Nhiệm kỳ 2017 - 2022) Ban Chấp hành (BCH) Hội, nhất là BTV, Thường trực Hội cần đổi mới, năng động hơn nữa việc mở các Trại sáng tác gắn với tiềm năng, thế mạnh từng huyện, thành, ngành, doanh nghiệp, Viện nghiên cứu, Trường học… trên địa bàn tỉnh. Khích lệ HV, tìm tòi sáng tạo để có tác phẩm hay hơn, độc đáo hơn, chất lượng hơn. Muốn vậy, khâu đầu tiên là lựa chọn HV có đủ đam mê, năng lực sáng tạo và sức khỏe. Tiếp đến, là khâu chọn đề tài, tổ chức thực hiện nội quy, nghiệm thu, tổng kết, khen thưởng, quảng bá tác phẩm sau bế mạc mỗi Trại.
Nên mở Trại cho từng chuyên ngành với không gian, thời gian, chỉ tiêu sáng tác phù hợp. Có thể khẳng định rằng, chất lượng tác phẩm là thước đo, là nền tảng của mọi hoạt động VHNT, tạo nên thương hiệu, uy tín của VNS và tổ chức Hội. Bên cạnh việc đầu tư đại trà, cần đầu tư trọng điểm cho các VNS tài năng. Lấy chất lượng tác phẩm làm mục tiêu, tiêu chí đầu tư (đây là khâu đột phá). Khuyến khích lực lượng sáng tác trẻ, sự tìm tòi, đổi mới, cách tân về nội dung và hình thức sáng tác. Thành quả mỗi Trại sáng tác, phải được tuyên truyền, quảng bá bằng nhiều hình thức, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa Việt Nam và Lâm Đồng ra thế giới.
Hai là, tổ chức tốt các Cuộc thi sáng tác VHNT
Đây là “sân chơi” bổ ích và lý thú của giới VNS. Thông qua, các Cuộc thi VHNT, giải thưởng càng cao, càng thu hút đông đảo VNS và nhân dân tham gia, là cơ hội để VNS thể hiện tài năng và khẳng định mình. Hàng chục năm qua, giới VNS Lâm Đồng (đặc biệt là Nhiếp ảnh) dự thi thường xuyên các Giải quốc gia và thế giới, thu về hàng trăm Huy chương (Vàng, Bạc, Đồng và Cup), đưa Lâm Đồng lên Top 10 tỉnh - thành mạnh nhất nước về nhiếp ảnh. Các chuyên ngành khác như Âm nhạc, Mỹ thuật, Văn học, Văn nghệ dân gian, Dân tộc thiểu số… chỉ một số ít VNS tự tin, dự thi Giải khu vực và quốc gia, số đoạt giải thưởng cao không nhiều. Điều đó nói lên, sân chơi quốc gia hơi quá tầm. Ngược lại, các Cuộc thi do Hội VHNT tỉnh, UBND tỉnh, thành phố Đà Lạt và tương đương tổ chức, thu hút đông đảo VNS tham gia. Đây là sân chơi vừa tầm, mang lại nhiều lợi ích cho cả “nhà” tổ chức và VNS.
Vấn đề mấu chốt là, cần đổi mới hơn nữa khâu tổ chức, chọn ban giám khảo, phương thức chấm và trao giải. Hàng năm, nên tổ chức Cuộc thi cấp Hội và duy trì Giải thưởng VHNT tỉnh Lâm Đồng 5 năm 1 lần. Từ kho tàng tác phẩm dự thi ấy, là nguồn tư liệu phong phú để Tạp chí Lang Bian và báo - đài khai thác, đăng tải, quảng bá hình ảnh đẹp về mảnh đất - con người Lâm Đồng, đang trên đà hội nhập và phát triển. Thật lợi đủ đường!
Chuyên ngành nhiếp ảnh gặt hái một số giải thưởng trong tỉnh, trong nước và quốc tế. Ảnh Hà Hữu NếtBa là, đẩy mạng hoạt động công bố, quảng bá tác phẩm VHNT
Đây là khâu khó và yếu nhất hiện nay của Hội và giới VNS Lâm Đồng. Thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, lí luận phê bình VHNT… sáng tác nhiều không có tiền in sách, nếu xếp hàng được tài trợ in sách, đa phần bán không ai mua, chủ yếu biếu tặng. Tranh, tượng, ảnh nghệ thuật, đĩa nhạc, đĩa phim… sản xuất phục vụ triển lãm, liên hoan… chủ yếu đưa về nhà lưu trữ, không có đầu ra. Việc đăng báo - tạp chí, phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng địa phương và Trung ương rất hạn chế, rất khó chen chân. Tháo gỡ vấn đề này, cần làm đồng bộ, kiên trì, “tự cứu lấy mình” với phương thức “xã hội hóa” cao độ. Nghĩa là, cần liên kết 3 nhà (nhà nước, nhà doanh nghiệp và VNS).
Hàng năm, Hội thường xuyên tổ chức tốt các Ngày (Thơ Việt Nam, Nhiếp ảnh Việt Nam, Âm nhạc Việt Nam, Mỹ thuật Việt Nam), các triển lãm Ảnh, Mỹ thuật cấp Hội… là dịp để giới VNS Lâm Đồng công bố, giao lưu với công chúng và du khách thập phương. Với Tạp chí Lang Bian và báo - đài địa phương, cần ưu tiên công bố tác phẩm của VNS Lâm Đồng. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, mạng xã hội... là phương tiện “ngon, bổ, rẻ” miễn phí, lan tỏa nhanh và rộng khắp.
Mỗi VNS, nên tận dụng, làm chủ công nghệ, đăng tải những tác phẩm chất lượng tốt nhất, để tôn vinh văn hóa Việt Nam ra thế giới và khẳng định “thương hiệu” VNS của mình. Không nên dễ dãi, đăng tác phẩm yếu kém về nội dung và nghệ thuật, hoặc bình luận nông cạn, cực đoan lên mạng xã hội. Bởi mạng xã hội, là hình ảnh, uy tín VNS với người thân, bạn bè và công chúng toàn thế giới.
Bốn là, tăng cường hội thảo, tập huấn, sinh hoạt chuyên môn, kết nạp hội viên trẻ
Thực tiễn 5 năm qua chứng minh rằng, nếu cấp Hội và cấp Chi hội tăng cường và làm tốt hội thảo, tập huấn chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn, thì chất lượng sáng tác và hoạt động VHNT khởi sắc, ngược lại thì xa sút, yếu kém. Thông qua sinh hoạt tập thể, ngoài việc cảm thông, thắt chặt tình đoàn kết, đông đảo hội viên được chia sẻ, nâng cao nhận thức về sáng tác, cảm thụ, phê bình tác phẩm VHNT.
Năm là, tiếp tục đổi mới Tạp chí Lang Bian
Là tạp chí sáng tác, nghiên cứu, phê bình VHNT của Hội VHNT Lâm Đồng, Hội đang xây dựng Đề án “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng Tạp chí Lang Bian giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”, vươn lên đạt loại khá trong các Tạp chí VHNT địa phương, xứng đáng với miền đất Lâm Đồng giàu tiềm năng, thế mạnh. Khâu đột phá là, đổi mới hoạt động Ban Biên tập theo hướng chuyên nghiệp, tinh gọn và hiệu quả cao. Tổ chức các Cuộc thi VHNT (cấp Hội) hoặc trao Giải thưởng tác phẩm xuất sắc đăng trên tạp chí hàng năm, là đòn bẩy khích lệ VNS và cộng tác viên nâng cao chất lượng sáng tác. Phấn đấu, từng bước tăng lượng phát hành và quảng cáo, phát hành đúng kỳ. Khẩn trương cải tiến, nâng cấp Website Lang Bian điện tử hấp dẫn, bổ ích, hiện đại… nhằm giới thiệu, quảng bá tác phẩm của VNS Lâm Đồng đến đông đảo bạn đọc trong nước và quốc tế!
HÀ HỮU NẾT (Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng) NoneBình luận