Kể chuyện về những tấm gương khơi nguồn đạo học

Trưng bày “Khơi nguồn đạo học” góp phần tri ân và tôn vinh công lao đóng góp của các bậc tiền nhân, các danh nhân đã đặt nền móng cho sự phát triển nền Quốc học, tạo nên lớp lớp trí thức trong xã hội Việt Nam thời quân chủ.

Chiều 5/2, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức khai mạc Trưng bày “Khơi nguồn Đạo học”.

Kể chuyện về những tấm gương khơi nguồn đạo học - 1

Các đại biểu, công chúng, du khách tham dự khai mạc Trưng bày “Khơi nguồn Đạo học”. Ảnh: Huyền Thương

Phát biểu khai mạc Trưng bày, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhấn mạnh: “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, thể hiện đạo lý biết ơn với những người đi trước đã gây dựng nên những thành quả để lại cho các thế hệ sau này”.

Kể chuyện về những tấm gương khơi nguồn đạo học - 2

Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khai mạc Trưng bày. Ảnh: Huyền Thương

Ngay từ buổi đầu lập nước, với việc dựng Văn Miếu vào năm 1070 dưới triều vua Lý Thánh Tông và lập trường Quốc Tử Giám vào năm 1076 dưới triều vua Lý Nhân Tông, các vị vua triều Lý đã thể hiện sự coi trọng hiền tài, bồi đắp nguyên khí để xây dựng quốc gia hùng mạnh.

Trải qua thời Trần, dù đất nước còn muôn vàn khó khăn nhưng giáo dục vẫn được chú trọng và có bước tiến mới, với sự xuất hiện của nhiều thế hệ thầy giáo, môn sinh mà tiêu biểu là thầy giáo Chu Văn An cùng các học trò của ông.

Sang thời Lê, đặc biệt dưới triều đại vua Lê Thánh Tông, văn hoá giáo dục Đại Việt có sự phát triển rực rỡ, lần đầu tiên trong lịch sử, khoa cử được tổ chức quy củ chặt chẽ, người đỗ Tiến sĩ được khắc tên trên bia đá đặt tại Quốc Tử Giám.

Kể chuyện về những tấm gương khơi nguồn đạo học - 3

Một góc không gian Trưng bày “Khơi nguồn đạo học”.

Chia sẻ về Trưng bày, ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: “Trưng bày được thực hiện bởi tập thể cán bộ nhân viên Trung tâm, có sự giúp đỡ chuyên môn từ các nhà khoa học Việt Nam, các chuyên gia đến từ Cộng hòa Pháp, chúng tôi cùng nhau kể câu chuyện về: Ba vị vua, một hoàng hậu, một nhà giáo và các Tiến sĩ, họ đều là những người đức độ, thông tuệ, cùng chia sẻ tầm nhìn về nhà trường, giáo dục – nhân tố cho phép hướng đến một xã hội yên bình, thịnh vượng và công bằng hơn”.      

Trưng bày “Khơi nguồn đạo học” sử dụng hơn 300 tài liệu hiện vật, chia thành 4 phần nội dung chính được giới thiệu theo dòng lịch sử, để tái hiện lại cuộc đời và những đóng góp của vua Lý Thánh Tông, vua Lý Nhân Tông, vua Lê Thánh Tông, thầy giáo Chu Văn An và những người có tầm ảnh hưởng như: Nguyên phi Ỷ Lan, danh nhân khoa bảng Lê Văn Thịnh, Thân Nhân Trung, Lương Thế Vinh và những danh nhân khoa bảng khác.

Kể chuyện về những tấm gương khơi nguồn đạo học - 4

Trưng bày sử dụng hơn 300 tài liệu, hiện vật. Ảnh: Huyền Thương

Kể chuyện về những tấm gương khơi nguồn đạo học - 5

Khu trưng bày về thầy giáo Chu Văn An. Ảnh: Huyền Thương

Nhà thiết kế Amélie đại diện cho đơn vị thiết kế Beau Design thực hiện dự án trưng bày “Khơi nguồn đạo học” chia sẻ: “Nội dung thiết kế của Trưng bày tập hợp tối đa các dữ liệu lịch sử và sắp xếp các không gian nhằm truyền tải được các giá trị của tri thức và ký ức. Với phong cách thể hiện mang tính đương đại, trang trọng và bền vững, phương án thiết kế của chúng tôi hướng tới tôn vinh chủ đề giáo dục thông qua các hiện vật và các giá trị kết nối cần truyền tải với nội dung gần gũi nhất với công chúng”.

Bà Amélie cho biết thêm, các gam màu được sử dụng trong không gian trưng bày này cũng gợi nhớ về các triều đại trong quá khứ. Các hiện vật như bàn học của nho sinh hay bàn trong thư phòng của các vị vua đều được thể hiện nhằm lan tỏa tinh thần của các danh nhân về nỗ lực phấn đấu, tinh thần học hỏi ở mọi tầng lớp trong bộ máy công quyền thời quân chủ. Bên cạnh đó, nội dung trưng bày cũng hướng tới thể hiện các danh nhân không phải dưới góc độ là những vị quân vương mà là những tấm gương mẫu mực.

Kể chuyện về những tấm gương khơi nguồn đạo học - 6

Ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tặng hoa các đơn vị phối hợp tổ chức Trưng bày. Ảnh: Huyền Thương

Trưng bày cũng kết nối nội dung với trưng bày “Quốc Tử Giám-Trường Quốc học đầu tiên” thành một chỉnh thể, giúp công chúng hiểu rõ hơn về lịch sử ra đời, phát triển của khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và kết quả của nền giáo dục khoa cử Việt Nam thời quân chủ.

Đồng thời, thông qua các tài liệu, hiện vật liên quan đến các danh nhân, trưng bày sẽ tái hiện thành một không gian di sản văn hóa danh nhân, để phục vụ tốt nhu cầu của khách tham quan tìm hiểu và có những cảm nhận sâu sắc về những đóng góp của họ - các bậc danh nhân khoa bảng đối với nền giáo dục, bồi dưỡng nhân tài và những bài học kinh nghiệm vẫn còn nguyên giá trị đối với đời sống xã hội hiện nay.

Kể chuyện về những tấm gương khơi nguồn đạo học - 7

Các đại biểu tham quan Trưng bày. Ảnh: Huyền Thương

Kể chuyện về những tấm gương khơi nguồn đạo học - 8

Trưng bày thu hút công chúng nhiều lứa tuổi đến tham quan, tìm hiểu. Ảnh: Huyền Thương

Thông qua các hình thức thể hiện có tính tương tác, các nội dung Trưng bày “Khơi nguồn đạo học” hướng tới thu hút khách tham quan, đặc biệt là giới trẻ.

Kể chuyện về những tấm gương khơi nguồn đạo học - 9

Tại Trưng bày, các giá trị của tri thức được truyền tải theo cách gần gũi nhất với công chúng. Ảnh: Huyền Thương

Đáng chú ý, “Khơi nguồn đạo học” sẽ trở thành không gian trưng bày cố định tại Hậu đường nhà Thái học, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất