Nhận diện việc thực hiện “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030”

Ngày 27/9/2023, tại Hà Nội, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Hội thảo khoa học “Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 - Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn”.

Tham gia Hội thảo có gần 100 đại biểu là lãnh đạo một số Cục, Vụ, cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo một số Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/ Sở Văn hóa và Thể thao một số tỉnh, thành; các chuyên gia, nhà nghiên cứu lý luận, nhà khoa học. Về phía Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam có NSNA Trần Thị Thu Đông, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tham dự.

Nhận diện việc thực hiện “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030” - 1

Toàn cảnh Hội thảo “Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 - Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn”. (Ảnh: Huyền Thương)

Thạc sĩ Hoàng Hà, quyền Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật; Nhà báo Ngô Thị Minh Nguyệt, Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật; Nhà báo Đặng Xuân Mã, Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật chủ trì Hội thảo.

Nhận diện việc thực hiện “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030” - 2

Các đồng chí chủ trì Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Thạc sĩ Hoàng Hà, quyền Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật cho biết, sau gần 2 năm triển khai, việc thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần xây dựng và phát triển bền vững đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược, cũng đã xuất hiện những hạn chế, bất cập, về nhận thức, nguồn lực, chính sách, đào tạo… Do đó, những vấn đề đặt ra của văn hóa và phát triển hiện nay đang đòi hỏi cần phải được phân tích, giải quyết thấu đáo trên cơ sở mối tương quan, biện chứng với phát triển kinh tế, xã hội.

Nhằm tập hợp ý kiến của các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu khoa học, những người thực hành văn hóa, về những vấn đề đặt ra từ thực tiễn của quá trình thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, từ đó đúc rút, và bổ sung cho công tác phát triển lý luận về văn hóa, cũng như đề xuất những giải pháp thiết thực góp phần hoàn thiện chính sách văn hóa, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức Hội thảo khoa học “Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 - Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn”.

Nhận diện việc thực hiện “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030” - 3

Thạc sĩ Hoàng Hà, quyền Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Hội thảo nhận được 35 tham luận với nội dung phong phú, có giá trị sâu sắc về lý luận và thực tiễn, tập trung vào 3 nội dung chính: Đánh giá thực trạng triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 ở Trung ương và địa phương (ưu điểm, hạn chế); Phân tích nguyên nhân của những thành tựu và hạn chế; vấn đề đặt ra từ thực tiễn; bài học kinh nghiệm rút ra trong thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trong thời gian qua; Đề xuất giải pháp phát huy nguồn lực xã hội, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, thực hiện thành công Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.

Nhận diện việc thực hiện “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030” - 4

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Nhiều ý kiến trao đổi sôi nổi, thiết thực từ thực tiễn phong phú, sinh động qua việc đánh giá, phân tích vai trò, đóng góp quan trọng của việc thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trong việc cụ thể hóa các Nghị quyết, Văn kiện của Đảng về văn hóa; góp phần xây dựng và phát triển bền vững đất nước đã được nêu lên trong Hội thảo.

Trong tham luận về những vấn đề đặt ra từ thực tiễn hoạt động của điện ảnh, TS. Ngô Phương Lan Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam đề cập đến vai trò định hướng của nhà nước trong xã hội hóa điện ảnh.

Nhận diện việc thực hiện “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030” - 5

TS. Ngô Phương Lan Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam tham luận.

Trước những bất cập và hệ lụy trong việc xã hội hóa các hoạt động điện ảnh, TS. Ngô Phương Lan cho rằng Nhà nước cần tỏ rõ vai trò định hướng của mình. Theo bà, mục đích của việc định hướng này nhằm phát triển hài hòa các dòng phim: phim phục vụ nhiệm vụ chính trị do Nhà nước đặt hàng, phim có giá trị nghệ thuật do Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh tài trợ (Quỹ do Chính phủ thành lập theo quy định của Luật Điện ảnh) và dòng phim giải trí thương mại từ nguồn xã hội hóa.

“Chỉ như vậy mới tạo được sự cân bằng giữa nhiệm vụ chính trị, nghệ thuật và giải trí, tạo diện mạo đa dạng cho điện ảnh Việt, xây dựng vững chắc nền công nghiệp điện ảnh”, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam nhấn mạnh.

Cũng như điện ảnh, nhiếp ảnh cũng là lĩnh vực rất cần vai trò định hướng, chú trọng đầu tư của nhà nước. NSNA Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cho biết, hiện người sáng tạo nhiếp ảnh tương đối phong phú nhưng nhiếp ảnh chỉ mới có nhà sáng tạo, về mặt đầu tư là rất kém, trong đó, nhà nước đầu tư rất ít, thể hiện bằng các công tác tập huấn, các cuộc thi mà chưa có sự chuyên sâu.

Nhận diện việc thực hiện “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030” - 6

NSNA Trần Thị Thu Đông, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phát biểu tham luận.

Vì vậy, theo NSNA Trần Thị Thu Đông, trong lĩnh vực nhiếp ảnh dù hàng năm có thêm rất nhiều tác phẩm ra đời thì việc để các tác phẩm đó biến thành sản phẩm lại rất nhỏ lẻ do thiếu các nhà đầu tư.

Để nhiếp ảnh phát triển hơn trong thời gian tới, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đề xuất đưa vào chiến lược phát triển văn hoá việc xây dựng một bảo tàng dành cho nhiếp ảnh.

“Chúng tôi mong muốn trong bảo tàng đó có một không gian sáng tạo và triển lãm các tác phẩm liên quan đến nhiếp ảnh và nó liên quan đến bảo tàng số. Để làm sao, tất cả những nguồn lực mà chúng ta có được trong lĩnh vực này có thể tích hợp vào và nó trở thành một sàn giao dịch để vừa quảng bá vừa biến những tác phẩm nhiếp ảnh này trở thành một sản phẩm văn hoá, từ đó có thể thu hút được ngoại tệ”, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cho biết.

Về việc Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hoá, theo TS. Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, sau gần bốn mươi năm Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới, công tác giao lưu, hợp tác, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, ngày càng được tiến hành chủ động, tích cực, phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, đa dạng về hình thức, phương thức, đối tác và có nhiều chuyển biến về chất lượng.

Về phương hướng, giải pháp cho công tác hội nhập quốc tế về văn hóa, trong thời gian tới, theo Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế cần khẩn trương xây dựng và triển khai Chương trình mục tiêu quốc về chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Chiến lược Phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trong đó đặt hội nhập quốc tế là một nhiệm vụ quan trọng, với các chương trình, đề án có ngân sách thực hiện, tạo cú huých, thúc đẩy, dẫn dắt các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo trong nước phát triển, tạo ra các thương hiệu sản phẩm cụ thể.

Bên cạnh đó cần đẩy mạnh tiến trình hội nhập nhằm tiếp thu các tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Cần đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao làm công tác hội nhập quốc tế, thực hiện Đề án cử cán bộ làm việc tại các tổ chức, hiệp hội, liên đoàn quốc tế; Đề án ứng cử các vị trí quan trọng tại các tổ chức, hiệp hội, liên đoàn quốc tế…

Nhận diện việc thực hiện “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030” - 7

Hội thảo là cơ sở để báo cáo, đề xuất về phương diện chính sách đối với các cơ quan hữu quan trong thực hiện Chiến lược những năm tiếp theo, góp phần vào sự phát triển bền vững đất nước.

Các tham luận tại Hội thảo “Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 - Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn” giúp các các nhà quản lý, nhà nghiên cứu khoa học, những người thực hành văn hóa nhận diện rõ hơn về thực trạng của việc thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 cũng như đề xuất các giải pháp để thực hiện Chiến lược đạt yêu cầu đề ra nhằm phát triển lý luận về văn hóa, đề xuất các giải pháp thiết thực trong việc hoàn thiện chính sách văn hóa.

Theo Ban Tổ chức, đây sẽ là cơ sở để báo cáo, đề xuất về phương diện chính sách đối với các cơ quan hữu quan trong thực hiện Chiến lược những năm tiếp theo, góp phần vào sự phát triển bền vững đất nước.

Nhằm tạo khung pháp lý cho phát triển văn hóa, ngày 12-11-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 tại Quyết định số 1909/QĐ-Ttg, với mục tiêu chung là:

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tác động to lớn với kinh tế, xã hội và con người của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng...;

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, các đối tượng chính sách và yếu thế, chú trọng phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số;

Hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa gắn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế;

Có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động nguồn lực để phát triển văn hóa, con người.

Chiến lược cũng đề ra 8 mục tiêu cụ thể; 11 nhiệm vụ và giải pháp lớn với các chương trình, đề án văn hóa nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả yêu cầu đề ra.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

4 sân bay

4 sân bay "khủng" nhất thế giới

Hàng không là phương tiện di chuyển tiện lợi và hiện đại bậc nhất nên các sân bay tại các quốc gia luôn được mở rộng với diện tích ngày càng lớn hơn cũng như hiện đại hơn rất nhiều.