Tháo gỡ những “nút thắt” để thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí

Ngày 14/6, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số”.

Dự Hội thảo có các vị lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, các cơ quan của Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính; các đại biểu, chuyên gia đến từ nhiều cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trực tiếp tới hoạt động báo chí truyền thông. Lãnh đạo của các cơ quan báo chí truyền thông trung ương và địa phương toàn quốc.

Tháo gỡ những “nút thắt” để thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí - 1

Toàn cảnh Hội thảo “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số”. Ảnh: Sơn Hải

Theo thống kê, cả nước hiện có 6 cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện, 127 báo, 670 tạp chí, 72 cơ quan phát thanh, truyền hình. Tuy khác nhau về loại hình nhưng phần lớn cơ quan báo chí đang sụt giảm về nguồn thu, nhất là các đài truyền hình và cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về tài chính.

Khó khăn này một phần do các cơ quan báo chí trong nước đang bị các nền tảng xã hội cạnh tranh về quảng cáo - truyền thông và cả người đọc, người xem. Các doanh nghiệp cắt giảm chi phí cho quảng cáo - truyền thông, nhất là những năm gần đây. Bên cạnh đó, nguồn lực và cơ chế của Nhà nước cho đặt hàng báo chí còn hạn chế và tình trạng vi phạm bản quyền chưa được giải quyết triệt để.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, doanh thu của các báo, tạp chí 9 tháng đầu năm 2023 đã giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2022; còn tổng nguồn thu năm 2023 của các Đài Phát thanh truyền hình giảm 23% so với năm 2022.

Tháo gỡ những “nút thắt” để thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí - 2

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu. Ảnh: Sơn Hải

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí đang phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu mạnh mẽ, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Google đã lấy đi khoảng 70% doanh thu quảng cáo của báo chí chính thống… Trong khi đó, hiện nay hàng năm chi thường xuyên cho báo chí là dưới 0,5% tổng chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước; chi cho đầu tư báo chí cũng thấp chỉ chiếm khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách Nhà nước.

Hiện tại, các cơ quan báo chí đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc trong các quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Đặc biệt là cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước và chính sách về thuế đối với các cơ quan báo chí cần tiếp tục hoàn thiện để thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí.

Cùng với đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 là một thách thức lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, việc bố trí kinh phí, đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí thực hiện tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu, truyền thông chính sách còn hạn chế.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông kỳ vọng các ý kiến của đại diện các cơ quan, các diễn giả, nhà khoa học, lãnh đạo các cơ quan báo chí tại hội thảo sẽ là những cái nhìn khách quan, đầy đủ các khía cạnh liên quan đến kinh tế báo chí truyền thông hiện nay.

Qua đó, đề xuất và kiến nghị với cơ quan chỉ đạo báo chí, cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí và cơ quan có thẩm quyền với những kiến giải nhằm tháo gỡ các “nút thắt” liên quan đến kinh tế báo chí truyền thông.

Tháo gỡ những “nút thắt” để thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí - 3

Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo các cơ quan báo chí truyền thông. Ảnh: Sơn Hải

Hội thảo “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số” được diễn ra với 3 phiên: Phiên toàn thể: Nhận diện bức tranh kinh tế báo chí báo chí Việt Nam; Phiên thảo luận chuyên đề: Đổi mới cơ chế quản lý để phát triển kinh tế báo chí truyền thông số; Phiên thảo luận chuyên đề: Bài toán kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam, những gợi mở và kết nối ý tưởng.

Các phiên thảo luận nhằm làm rõ những thành công, hạn chế, những vấn đề bất cập trong kinh tế báo chí tại Việt Nam. Những mô hình, ý tưởng, cơ chế phát triển kinh tế báo chí, đúc kết từ những bài học kinh nghiệm quốc tế và những bước tiến mới tại Việt Nam. Phân tích về những dự báo, vấn đề cần quan tâm chú trọng trong hoạt động kinh tế báo chí truyền thông trong bối cảnh phát triển kinh tế số trong thời gian tới. Sự đồng hành của hệ thống cơ sở đào tạo báo chí truyền thông trong lĩnh vực kinh tế báo chí nói riêng cũng như trong sự phát triển bền vững lâu dài của báo chí Việt Nam.

Hội thảo đã nhận được hơn 50 tham luận của các học giả hàng đầu về kinh tế và báo chí, truyền thông đến từ Việt Nam và nhiều nước trên thế giới như Đức, Áo, Trung Quốc, Thái Lan, Malaixia…, chuyên gia đến từ các tập đoàn Google, Viettel, VieOn, Le Bross… Các tham luận và ý kiến đã tiếp cận phong phú theo nhiều góc độ, nhiều chiều cạnh về vấn đề kinh tế báo chí truyền thông trong bối cảnh kinh tế số.

Tháo gỡ những “nút thắt” để thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí - 4

Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Sơn Hải

PGS.TS. Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, do sự khác biệt về môi trường chính trị - xã hội khiến chúng ta không thể “bê” nguyên xi các lý thuyết của thế giới để áp dụng vào việc điều hành, tổ chức, quản lý hoạt động kinh tế báo chí ở Việt Nam. Trong quá trình chuyển đổi số, bên cạnh việc hỗ trợ cho các cơ quan báo chí, Chính phủ cần nghiên cứu tổng thể về kinh tế báo chí trong bối cảnh truyền thông số, đồng thời, xây dựng các nền tảng số Việt Nam, để Việt Nam không bị lệ thuộc hoàn toàn vào các nền tảng số sẵn có của nước ngoài.

Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, các đơn vị báo chí-truyền thông cần tìm cách đa dạng hóa nguồn thu. Trong đó, cần hướng tới tìm kiếm doanh thu từ độc giả như một "nguồn thu an toàn" bên cạnh các nguồn thu khác từ quảng cáo, tổ chức sự kiện, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, làm truyền thông, thương mại điện tử,…

Tháo gỡ những “nút thắt” để thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí - 5

Nhà báo Lê Quốc Minh tham luận tại Hội thảo với chủ đề "Kinh tế báo chí, hành trình đi từ truyền thống tới kỷ nguyên số". Ảnh: Sơn Hải

PGS.TS Bùi Chí Trung, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông nhận định: “Việc phát triển kinh tế báo chí truyền thông không chỉ cần nhìn từ một vài trường hợp cụ thể, từ riêng một lĩnh vực hay loại hình riêng biệt mà cần được nhìn nhận ở quy mô tổng thể, chiến lược và toàn diện của hệ thống báo chí quốc gia, gắn với bối cảnh phát triển kinh tế số mạnh mẽ hiện nay. Từ đó có bước phát triển đột phá nhằm thực hiện tốt vai trò, chức năng báo chí cách mạng, của hệ thống truyền thông Việt Nam chuyên nghiệp và nhân văn”.

Tháo gỡ những “nút thắt” để thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí - 6

Ban Tổ chức Hội thảo tặng hoa chúc mừng Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6. Ảnh: Sơn Hải

Hội thảo “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số” đã cung cấp thêm những tư liệu hữu ích cho cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, cho các cơ quan báo chí và người làm báo cùng hệ thống đào tạo báo chí hiện nay. Góp phần giữ vững mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin, tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Xây dựng cơ quan báo chí văn hoá và văn hoá của người làm báo

Xây dựng cơ quan báo chí văn hoá và văn hoá của người làm báo

Báo chí là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò quan trọng trên mặt trận tư tưởng, văn hoá. Toàn bộ hoạt động của báo chí, truyền thông tác động trực tiếp đến sự nghiệp cách mạng trên các lĩnh vực của đất nước, là chủ thể phản ánh đời sống xã hội; khơi nguồn, phổ cập những điều tốt đẹp, đồng thời đấu tranh chống cái xấu. Trong hoạt động báo chí, yếu tố nhân văn là tiêu