Tuyên Quang: Nghệ thuật Sình ca - Bản sắc cổ xưa độc đáo bậc nhất của người Cao Lan
(Arttimes) - Tuyên Quang là tỉnh có đông người Cao Lan cư trú nhất cả nước với gần 70 nghìn người, chiếm khoảng 40% tộc người Cao Lan toàn quốc. Người Cao Lan mang nhiều nét văn hóa đặc sắc, nhân văn. Trong đó, hát Sình Ca là niềm tự hào bậc nhất, là linh hồn của người dân Cao Lan, xứng đáng là Di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Sình Ca - lối hát cổ xưa đặc sắc
Mùa xuân - mùa của cỏ cây đâm chồi nảy lộc, đơm hoa kết trái; mùa của vạn vật sinh sôi; mùa của đất trời thay màu tươi mới; mùa bén duyên của tình yêu đôi lứa...với người dân Cao Lan, mùa xuân là mùa của lễ hội, mùa vui nhất trong năm, mùa của làn điệu Sình Ca được dịp “phiêu du”, dập dìu lan tỏa đi khắp muôn nơi.
Sình ca “tỏ tình hẹn ước”, Nghệ nhân ND Sầm Văn Dừn, thôn Mãn Hóa, xã Đại Phú (Sơn Dương) đang truyền dạy cho các thành viên CLB Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan
Nghệ sỹ ưu tú Ma Văn Đức, nguyên Phó giám đốc Sở VHTT&DL Tuyên Quang, người dành mấy chục năm miệt mài nghiên cứu về văn hóa dân gian các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Cao Lan...cho biết: “Trong tiếng Cao Lan, Sình ca hay (Sịnh ca), (Sềnh ca) có nghĩa là “thần”, “chúa”. Sình ca cũng có nghĩa là “xướng” - hát lên. Hát Sình ca là một thể loại dân ca trữ tình, nét sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo, hấp dẫn, lâu đời của người Cao Lan. Sình ca là lối hát giao duyên giữa nam và nữ, hay tốp nam với tốp nữ; được hát trong nhiều hoàn cảnh khác nhau: hát trong đám cưới, ngày hội, hát khi Tết đến, Xuân về, hát trong lao động sản xuất, hát ru con của người mẹ,... Ngày xưa, các bài hát được ghi bằng chữ Hán cổ theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, khi phiên dịch ra tiếng Việt thường được chuyển thành thể lục bát cho có vần, có điệu”.
Sình ca chất chứa sâu đậm tình yêu quê hương đất nước, vạn vật cỏ cây, tình yêu đôi lứa. Sình ca còn thể hiện những khát vọng về cuộc sống an bình, hạnh phúc, cầu cho mưa thuận gió hòa. Nhiều hơn nữa, Sình ca còn mang giá trị nhân văn sâu sắc, phản ánh đầy đủ, chân thực cuộc sống sinh động hiện tại và một khoảng riêng về thế giới tâm linh huyền hoặc, đây được ví là linh hồn trường tồn của người Cao Lan.
Sình ca gắn liền với truyền thuyết về nàng Lưu Ba tài sắc vẹn toàn. Không lấy được người thương yêu, nàng ủ rũ mất đi tất cả tâm hồn trong trẻo, yêu đời,...Rồi một ngày, nàng rũ bỏ tất cả rời làng đi tìm tình yêu đích thực. Đi đến đâu nàng cũng hát, hát như chim được sổ lồng, ca từ cứ da diết, nồng nàn như dòng suối tuôn chảy. Người dân vừa nghe, vừa ghi chép lại thành vô số bài hát với nhiều thể loại khác nhau. Nhiều năm tìm kiếm người mình yêu, sức kiệt dần, nàng nhắm mắt, hòa vào núi rừng nơi tổ tiên đã chọn là chốn an ngự vĩnh hằng. Kho tàng Sình ca đồ sộ là minh chứng để người Cao Lan tôn Lưu Ba là bà chúa dân ca của riêng mình.
Theo tài liệu nghiên cứu của Sở VHTT&DL Tuyên Quang, thì Sình ca của người Cao Lan ở Tuyên Quang được chia thành 2 nhóm theo môi trường diễn xướng: Sình ca ban ngày và Sình ca ban đêm.
Sình ca ban ngày, thường được tổ chức trong lễ hội đầu xuân năm mới, trong đám cưới, trong lao động sản xuất,...Khi xuân về, người Cao Lan thường tổ chức lễ hội tại sân đình, nhà văn hóa. Sau phần tế lễ Thành Hoàng làng, mọi người lại cùng nhau hát múa Sình ca. Sình ca trong hội xuân gồm các bước: Vèo ca (hát gọi), Sạo ca (hát dạo đầu), Mầng ca (hát thề thốt). Ngày nay, Sình ca được sáng tác theo nhiều lời mới, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước...
Sình ca ban đêm, phong phú, đặc sắc hơn nhiều, thể hiện đầy đủ mọi cung bậc cảm xúc của con người. Thể loại này được viết bằng chữ Hán Nôm, gồm 12 tập, mỗi tập có chủ đề riêng và tương ứng với một đêm hát. Vì thế, khi diễn đủ, Sình ca ban đêm thường được kéo dài từ 11 đến 12 đêm, tùy quy mô tổ chức, nội dung và tính chuyên nghiệp của từng nhóm.
Ngoài những đêm hát bên bếp lửa nhà sàn, trai gái Cao Lan thỏa sức hát đối giao duyên ở nhiều nơi, như đình làng, ven sông suối, ruộng nương,... Đây là không gian diễn xướng phóng khoáng để các đôi trai gái tự do đặt lời, ứng khẩu đối đáp. Khi tình đã “say”, từng đôi có thể sáng tạo thêm các bài để chơi hát đố, trêu ghẹo, gọi là Sình ca ý “ngôn tình”. Chính vì vậy, Sình ca ngày càng được vun đắp phong phú, đặc sắc.
Trân quý, phát huy và gìn giữ linh hồn độc đáo của dân tộc
Nghệ nhân Sầm Anh Đạo - Chủ nhiệm CLB Giữ gìn và Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan (xã Đại Phú, Sơn Dương, Tuyên Quang), là thí sinh “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 4, cho biết: “tôi là thế hệ thứ ba trong gia đình họ Sầm, tiếp nối gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa người Cao Lan. Việc này không chỉ là niềm tự hào mà còn là trách nhiệm với tổ tiên và tộc người Cao Lan trên mảnh đất Tuyên Quang giàu truyền thống cách mạng”.
Nghệ nhân Sầm Anh Đạo, Chủ nhiệm CLB Giữ gìn bản sắc văn hóa Dân tộc Cao Lan. (xã Đại Phú, Sơn Dương, Tuyên Quang)
Nghệ nhân Nhân dân Sầm Văn Dừn (71 tuổi, thân sinh NS Sầm Anh Đạo), qua hơn 30 năm miệt mài sưu tầm, nghiên cứu và thực hiện các nghi lễ của dân tộc Cao Lan. Hiện nay, ông đang lưu giữ “cả kho” sách cổ và nhiều tập sách hát Sình ca, các nhạc cụ như: trống sành, kèn pí lè, chũm choẹ, sóc nhạc,…Không chỉ có vậy, Nghệ nhân Dừn đã truyền dạy hát Sình ca và múa cho 4 thế hệ diễn viên quần chúng với hàng trăm người, giúp đỡ nhiều sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp đại học và sau đại học về lĩnh vực văn hóa dân tộc Cao Lan. Ông trăn trở khi thấy thế hệ trẻ trong cộng đồng không còn biết chữ Hán - Nôm để hiểu được lời Sình ca cổ; tiếng dân tộc Cao Lan cũng ngày càng ít được sử dụng. Sình ca sẽ đứng trước nguy cơ thất truyền nếu không kịp thời gìn giữ, bảo tồn, lan tỏa.
Nghệ nhân Tiêu Thị Khai (68 tuổi, thôn Dộc Vầu, xã Vân Sơn, Sơn Dương), một trong những giọng Sình ca có tiếng của huyện Sơn Dương, cho biết: “Tôi tham gia hát Sình ca từ năm 11 tuổi, bố tôi làm thầy dạy chữ Nho nên dạy cho tôi nhiều bài hát lắm, khi ông mất, nhiều sách quý ông sưu tầm được cũng chia hết cho ai yêu thích”. Như cởi tấm lòng trước PV Thời báo VHNT, ca từ khúc “Giao duyên” bà cất lên như đang tìm về ký ức của tuổi thanh xuân phơi phới: “Gặp nhau ở quãng đường hương; Mời em ngồi xuống bên đường nghỉ chân; Chuyện đây anh mới hỏi thầm; Hay là em đã có ai trong nhà; Bước chân ra cửa cũng may; Trong nhà không hẹn ra đây gặp chàng; Dù ai cho bạc cho vàng; Chẳng bằng trông thấy mặt chàng hôm nay...”. Mộc mạc, da diết, sâu lắng, chính là “chất men” dễ ngấm làm đắm say lòng người khi thưởng lãm Sình ca.
Gìn giữ bằng trách nhiệm, đam mê, khát vọng
Tình yêu và niềm đam mê mãnh liệt của hai cha con Nghệ nhân Dừn và CLB đã gặt hái được nhiều thành công, khi hơn chục lần “rinh” về các giải thưởng cao quý: 2 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc, 1 giải A toàn quốc, 1 kỷ niệm chương của Bộ VHTT&DL, 4 Bằng khen của tỉnh, 8 Giấy khen và 12 giấy chứng nhận các tiết mục đạt giải xuất sắc,...Tất cả như đang tiếp thêm sức mạnh, nghị lực để các thế hệ họ Sầm tiếp tục nối bước ông cha truyền dạy, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Cao Lan cho các thế hệ mai sau.
CLB Sình ca Cao Lan, trường THCS Đại Phú, Sơn Dương, Tuyên Quang
Bà Âu Thị Mai, Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Sở VHTT&DL Tuyên Quang cho biết: “Trước thực trạng cấp bách, tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng “Làng văn hoá dân tộc Cao Lan” ở huyện Yên Sơn với sự tham gia của các Nghệ nhân nòng cốt: Ma Văn Đức (TP Tuyên Quang); Tiêu Xuân Học, Lâm Văn Cầu (xã Đội Bình, Yên Sơn); Hà Văn In (xã Thắng Quân, Yên Sơn),...Đây chính là tiền đề để lan tỏa mô hình ra nhiều địa phương khác, sớm đưa các làn điệu Sình ca đi vào cuộc sống một cách thiết thực, bền vững”.
Câu hát, điệu múa Sình ca từ lâu đã ngự trị trong trái tim biết bao con người, là món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào dân tộc Cao Lan. Nét văn hóa đặc sắc ấy, đã và đang góp thêm một phần quan trọng vào kho tàng văn hóa phi vật thể đồ sộ của đại gia đình 54 dân tộc Việt Nam. Đó là niềm tự hào để mỗi người dân Đất Việt nói chung luôn trân quý, gìn giữ và phát huy.
NoneBình luận