"Ngược xuôi bến khoái" - "Nếm" vị ngon món Việt trên trang sách

(Arttimes) - Đọc "Ngược xuôi bến khoái" thấy được cả một cuộc hành trình dày công đi, nếm và viết hết thảy những món ăn Việt của những vùng miền của Tạ Tri rồi từ đó viết lên trang mang đến những cảm xúc thật đẹp về ẩm thực.

"Ngược xuôi bến khoái" - "Nếm" vị ngon món Việt trên trang sách - 1 Ngược xuôi bến khoái của Tạ Tri

Ngược xuôi bến khoái là kết quả trong nhiều năm tác giả ngược xuôi trên đường tìm hiểu văn hóa ẩm thực. Cách gọi "tùy bút ẩm thực" gợi liên tưởng về một thể loại nhẹ nhàng trên các báo, kỳ thực để thực hiện các bài viết nghiêm túc cho mảng đề tài này, người viết phải bỏ ra không ít công phu.

Gần hai mươi năm theo nghiệp viết báo ở Thành phố Hồ Chí Minh, Tạ Tri đã chọn nẻo đường văn hóa - du lịch ẩm thực với niềm đam mê to lớn mà, theo lời chính anh thì “không kém phần khắc nghiệt.” Nhưng nhờ vậy, anh cho ra mắt tập tùy bút ẩm thực đầu tiên của mình.

Ngược xuôi bến khoái tập hợp tròm trèm 50 bài viết về những đặc sản hai miền Trung và Nam bộ. Điều thú vị là qua đó, tập tùy bút ẩm thực này đã hé lộ một phần tinh hoa của ẩm thực triều Nguyễn - vốn trước nay, ít có người tiếp cận xuyên suốt và chuyển tải lại với ngôn từ dễ hiểu. Đồng thời, còn đưa ra nhiều giải pháp chế biến khá đơn giản mà tinh diệu, giúp bữa cơm gia đình thêm mới lạ, ngon lành hơn. Uyển chuyển với bộ ba gia vị vừa quen vừa lạ: trà - tương - mắm, nhằm thổi bùng ngọn lửa huyền biến - khơi nguồn sáng tạo cho nhiều ông/ bà tiên bếp.

Và Tạ Tri chính là người chọn cho mình cách làm việc như vậy. Như viết về món chay, anh đến thủ phủ của đạo Cao Đài là Tây Ninh tìm gặp những nghệ nhân nấu chay thứ thiệt. Tìm hiểu món sò huyết danh bất hư truyền hay các loại cua, cá mú vẫn níu kéo thực khách trong Nam ngoài Bắc, anh lặn lội về đầm Ô Loan ở Phú Yên.

Hấp dẫn nhất là những trang tùy bút viết về các món ngon ở mỗi vùng miền. Đọc các trang viết về những món ăn từ nguyên liệu heo rừng được anh gọi tên "Hoài thương heo thượng" và thuật tả tỉ mỉ các cách chế biến của người dân tộc lẫn người Kinh ở vùng Tây Nguyên, cảm giác tác giả đã thuần thành với công việc bếp núc hơn cả chuyện... viết lách.

Độ nhạy của một người làm báo giúp Tạ Tri theo đuổi đề tài và phát hiện nhiều điểm độc đáo. Chẳng hạn như nơi nào ở Sài Gòn bán chè đặc sản Campuchia, bánh in Long Hựu có gì đặc biệt, thịt bò xóm Chăm ở An Giang với món "cơm bò" nghe lạ tai và gợi không ít tò mò, rồi ruốc Gò Công, chè mặn Huế, dược liệu Bảy Núi, các món mắm ở nhiều vùng miền...

Không chỉ đi, nếm và viết, tập sách cũng chính là tấm lòng của tác giả đối với nghịch cảnh trong đời sống người dân - chủ nhân của biết bao món mỹ thực. Lận đận giọt mắm xứ mình, Còng ngon vương bóng mẹ, Mắm muối nở hoa, Đong đầy ơn ruốc Gò Công... chính là tấc lòng tác giả ẩn đằng sau trang viết vậy.

Tử Văn (TH) None

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đờn ca tài tử, tiếng lòng người Nam Bộ

Đờn ca tài tử, tiếng lòng người Nam Bộ

LTS: Ngày 5 tháng 12 năm 2013, Tổ chức UNESCO công nhận đờn ca tài tử Nam Bộ Việt Nam là “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”. Đây là bộ môn nghệ thuật ca nhạc đầu tiên của Nam Bộ được vinh danh cấp quốc tế. Như vậy ở cả ba miền của đất nước ta loại hình nghệ thuật tiêu biểu của mỗi vùng đã trở thành tài sản chung của thế giới. Với miền Bắc là ca trù, miền trung là n

Montmartre - ngọn đồi thơ mộng của các nghệ sĩ

Montmartre - ngọn đồi thơ mộng của các nghệ sĩ

Không phải ngẫu nhiên mà người ta cho rằng nước Pháp quyến rũ hơn những quốc gia khác. Đặc biệt là Paris được mệnh danh là thành phố của kiến trúc, nghệ thuật, thủ đô hoa lệ, kinh đô của ánh sáng... Ai đó đã đến Paris chắc chắn phải ghé thăm, tìm hiểu về những công trình kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng đã từng được biết đến nhiều qua sách báo, truyền hình như: Tháp Eiffel, Nhà t