Annie Ernaux và quyền năng của tự thuật

Trở thành chủ nhân mới nhất của giải Nobel Văn chương 2022, Annie Ernaux là người phụ nữ Pháp đầu tiên và là nhà văn Pháp thứ 16 có vinh hạnh này. Chiến thắng của bà gây nhiều bất ngờ cho giới văn chương, khi bà không phải cái tên quá nổi tiếng trong thế giới nói tiếng Anh. Thế nhưng bằng “lòng dũng cảm và sự nhạy bén trong cách khám phá ra nguồn cơn, sự ghẻ lạnh và những hạn chế mù mờ của ký ức cá nhân”, Ernaux không chỉ viết văn cho bản thân mình, mà còn là cho cả một lớp người của thời đại bà cũng như thế hệ tiếp nối nhìn thấy chính mình trong các tác phẩm.

Sinh năm 1940 tại Lillebonne, lớn lên tại Yvetot, thuộc tỉnh Sein-Maritime, vùng Normandie, tây bắc nước Pháp; Ernaux trưởng thành trong một gia đình trung lưu có bố mẹ từng là công nhân, và rồi trở thành chủ nhân của một quán rượu kiêm tiệm tạp hóa những năm 50 của thế kỷ trước. Chính đặc điểm này đã ám ảnh bà, dẫn đến trong suốt văn nghiệp, bà luôn phản ánh một nỗi mặc cảm vì có xuất thân thấp hèn cũng như mong ước vượt lên giai cấp của bố mẹ mình. Điều này có thể tìm thấy trong 3 tác phẩm Nỗi nhục, Một chỗ trong đời Một người phụ nữ.

Annie Ernaux và quyền năng của tự thuật - 1

Ernaux và 3 tác phẩm: "Nỗi nhục", "Một chỗ trong đời" và "Một người phụ nữ".

Lớn lên, bà học Văn học hiện đại ở Đại học Rouen, và duy trì công tác giảng dạy cho đến sau này. Trong suốt sự nghiệp, Ernaux đã được trao tặng rất nhiều giải thưởng, trong đó có giải Renaudot danh giá vào năm 1984 cho tác phẩm viết về cái chết của thân phụ bà – Một chỗ trong đời; cũng như những giải thưởng khác, như giải về ngôn ngữ Pháp, giải François Mauriac (2008), giải Marguerite Yourcenar (2017)…

Trong từng tác phẩm, Ernaux luôn khắc họa lại sự kiện quan trọng trong cuộc đời mình. Bà từng nói rằng mình không cố gắng trần thuật, mà những quãng đời như một máy chiếu tự mình bộc phát. Sách bà viết ra thường không quá dày, với ngôn ngữ lạnh lùng, sắc sảo, không ẩn dụ, không nhân hóa, không so sánh. Suốt 6 thập niên hoạt động không ngừng, bà được đánh giá là một trong những nhà văn Pháp độc đáo, cá tính và thường gây nhiều tranh cãi. Nhưng song song đó, bà cũng đấu tranh cho sự tiến bộ cũng như nữ quyền thông qua các tác phẩm này.

Tại Việt Nam, trước khi nhận giải Nobel Văn chương thì Một chỗ trong đờiHồi ức thiếu nữ đã được giới thiệu như cuộc chạm ngõ bước vào thế giới văn chương của nữ nhà văn. Sau khi giải thưởng được trao, bộ 3 Nỗi nhục, Một người phụ nữCơn cuồng si cũng được ra mắt, góp phần làm dày dặn thêm trước tác của bà. Trong thời gian tới, Những năm tháng – tác phẩm được đánh giá là hoàn chỉnh cả về nội dung cũng như hình thức của thể loại hồi ức tập thể, sẽ sớm ra mắt.

Những điều vụn vặt

Văn chương Pháp những năm gần đây chứng kiến một sự trỗi dậy vô cùng mạnh mẽ của các tác phẩm tự truyện và bán tự truyện. Trong khi Patrick Modiano – chủ nhân của giải Nobel Văn chương 2014, khắc họa lại cuộc đời mình trong từng cuốn sách riêng lẻ (có phần tương đồng Annie Ernaux), thì những nhà văn trẻ khác, như Camille de Toledo hay Édouard Louis cũng đang gặt hái được nhiều thành công. Những cái tên trên trên cho thấy được sự quan trọng của những vấn đề mang tính cá nhân, thế nhưng lại có ý nghĩa phổ quát, dễ dàng đồng hóa với cuộc đời riêng của mỗi độc giả.

Annie Ernaux và quyền năng của tự thuật - 2

Nữ văn sĩ Pháp Annie Ernaux

Đối với văn chương của Ernaux, ta có thể thấy được sự “vụn vặt” từ trong cuộc sống được tái hiện lại trong các tác phẩm. Không chủ trương bao quát mọi thứ hay là vận dụng triết lý mang đến thông điệp, bà sử dụng những chất liệu ấy để làm “cột trụ” cho những câu chuyện mà mình sắp kể, vì vậy nó thật quen thuộc với bất cứ ai. Chẳng hạn trong Cơn cuồng si, ta có thể thấy Ernaux tường thuật một cách chân thật việc làm của mình, từ dọn dẹp nhà cửa, lựa chọn quần áo… cho đến một phân cảnh phim, nghe những bài hát… trong khi chờ đón vị nhân tình tới.

Trong tác phẩm đó bà cũng tự hỏi, liệu những người phụ nữ khác có mối liên hệ tương tự như mình đã từng cảm thấy? Và cũng có thể từ hoài nghi này, mà văn chương của bà đi ra từ những thực tế thật rõ ràng nhất và cá nhân nhất, thế nhưng lại phơi bày được những cơn bốc đồng và sự khó nói trong những vấn đề mà rất nhiều người có thể gặp phải. Điều này khiến bà gần với những tác giả khác như Elizabeth Strout, Anne Tyler, Alice Munro… làm nên khía cạnh văn chương nữ tính, quyến rũ, sâu sắc và không kém phần hấp dẫn.

Chính đặc điểm này rồi sẽ ngăn cách bà khỏi trường hợp của Modiano, một người có cách thực hành văn chương tương đối giống bà, khi khởi phát từ ký ức cá nhân và những sự kiện đau đớn của bản thân mình, nhưng nặng nề hơn về mặt lịch sử cũng như vươn tới một sự phổ quát của ký ức chung, trong khi Ernaux không có tham vọng về những điều này. Như bà chia sẻ, bản thân viết văn vì muốn được nói chứ không phải là biến mình thành “kẻ phơi bày”. Trong khi những cá thể này chỉ có một niềm ham muốn là được “bày ra” và được “nhìn thấy”, thì văn chương bà không hề chứa đựng điều nào trong đó, nên rất dễ thấy sự thật vượt trội trong từng tác phẩm.

Phức cảm giai cấp

Sở hữu điều ấy, nên có thể thấy trong những tác phẩm của Ernaux, thì sự phản kháng về mặt xã hội đối với thời đại cũng như xuất thân của bản thân bà thường xuyên xuất hiện. Chịu nhiều ảnh hưởng của nhà xã hội học người Pháp Pierre Bourdieu, Annie Ernaux cũng ngầm khẳng định mỗi lựa chọn trong cuộc đời mình không được quyết định chỉ bởi tự phát, mà nó còn chịu ảnh hưởng bởi môi trường sống, bối cảnh chính trị, tình hình xã hội… của từng thời kỳ.

Annie Ernaux và quyền năng của tự thuật - 3

Bà là đại diện thật sự chủ chốt cho làn sóng nữ quyền thứ ba.

Đối với Một người phụ nữ, Ernaux đi lại từ đầu trong mối quan hệ của mình với mẹ. Là con thứ hai sau một người chị qua đời vì bị viêm phổi, bà sống trong sự bảo bọc của vị thân sinh. Ký ức nơi cửa hàng tạp hóa và việc kiếm sống từ những người nghèo trong thời chiến tranh là thứ khiến bà ám ảnh hơn cả. Ở đó người bố trầm tư và người mẹ mạnh mẽ trong không gian nhỏ của nơi quán rượu kiêm cửa hàng tạp hóa đeo đuổi suốt cuộc đời bà, để từ cái phông nền ấy, một sự quay ngoắt khi bà sống trong giới tiểu tư sản không thôi mất đi mà lại ngày thêm chất chồng.

Bà từng nói rằng ham muốn sâu sắc nhất của mẹ mình là cho bà hết tất cả những gì mà mẹ không có. Từ đi bảo tàng, hàng đống chồng sách cho đến quá trình chứng kiến con gái lớn lên…. Từ vùng Normandie đến Valle và Yvetot, những quãng đường ấy đều khởi phát từ chính bản thân bà, để rồi khi đến được tuổi trưởng thành, khi đã bước chân vào giới tư sản với nhạc jazz, nhạc cổ điển… thì bà vẫn coi việc bước lên nấc thang danh vọng là cuộc “di cư” mà mình thực hiện. 

Bà cũng nói về tình thế lưỡng nan của phụ mẫu bà như sau: “Mẹ tôi bị phân đôi giữa lòng ngưỡng mộ mà nền giáo dục tốt, sự thanh lịch cùng văn hóa gợi hứng thú cho bà, niềm kiêu hãnh được thấy con gái mình thuộc về đó; và nỗi sợ bị khinh miệt, bên dưới vẻ ngoài của sự lịch thiệp cao nhã.” Và cũng vì thế mà trong diễn từ nhận giải Nobel, bà đã kể lại dòng mình ghi chép trong cuốn nhật ký 60 năm trước mà mình từng viết đó là “Tôi sẽ viết ra để mà trả thù cho giai tầng mình, j'écrirai pour venger ma race”. Nó như là lời lặp lại những tiếng gào thét của vị thi sĩ vĩ đại Rimbaud: “Tôi sẽ mãi mãi thuộc về chủng tộc thấp hèn.”

Trong cuốn Nỗi nhục bà thuật lại rằng cũng có đôi khi bà thấy bản thân như một kẻ thù đâm lén sau lưng bố mẹ. Bà thấy mình có khoảng cách, một khe nứt lớn nơi bà thuộc về và chốn bé mọn của vị thân sinh. Trưởng thành cũng đồng nghĩa với bà thấy nhục nhã với cách cư xử chỏng lỏn, chợ búa của chính mẹ mình ở nơi quán rượu. Đó cũng là nỗi mặc cảm khi chứng kiến mẹ kẹp chai rượu ở giữa hai chân để cố mở nó. Và đó cũng là ước muốn mình được tan biến trước cái áo ngủ giờ đang nhàu nhĩ khi bà mở cửa cho những người bạn giàu sang của con gái mình…

Không chỉ đọng lại ở những khác biệt về mặt giai cấp, mà trong Một chỗ trong đời, bà cũng nhớ lại cách mà cha bà đã bị đối xử một cách đê hèn trong chuyến đi chơi năm bà 12 tuổi. Đó là động lực vừa khuyến khích bà vượt lên giai tầng, nhưng cũng đồng thời làm mục ruỗng bà từ sâu bên trong, bởi lẽ thành công cũng có nghĩa là bỏ rơi lại họ ở một thế giới chỉ toàn nhơ nhớp. Thế nhưng phức cảm tưởng như rất khác biệt này cũng sẽ tồn tại một động cơ khác, cho một sự kiện bà không thể quên.

Ernaux từng chia sẻ rằng bà viết Cơn cuồng si vào năm 1991 - ba năm sau khi mẹ bà qua đời, mà không phải trước đó vì sự xấu hổ có lẽ đương nhiên ai cũng nhìn thấy. Bà viết mình muốn giấu kín cuộc vụng trộm ấy với con cái mình, cũng như trước kia bà luôn muốn giấu “các cuộc tán tỉnh cùng những phiêu lưu ái tình với bố mẹ mình, chắc hẳn là vì muốn tránh né những lời phán xét. Cũng vì bố mẹ và con cái là những người cuối cùng có thể chấp nhận dục tính của những người gần gũi họ nhất về mặt xác thịt, và mãi mãi là những người bị cấm ngặt nhất.”

Thế nhưng động cơ của những điều này sâu xa hơn thế, khi người phụ nữ bà gọi là mẹ cũng chính là “bước chuyển tiếp” của phép tắc tôn giáo trong trường nữ sinh mà bà theo học. Trong cuốn Hồi ức thiếu nữ viết về câu chuyện của người thiếu nữ năm 1958, người lần đầu tiên khám phá dục tính và muốn sống như những thiếu nữ của Françoise Sagan, nhưng kết quả thì thật sự chua chát bởi sự non nớt và thiếu tiếp xúc trong thế giới đàn ông. Sự kiện năm ấy đã biến Annie gần 18 tuổi trở thành huyền thoại với một vết nhơ không thể lẩn tránh, vì bị khinh miệt, xem thường, và bị coi như đĩ điếm, hoàn toàn ngu dốt.

Có lẽ chính ám ảnh này đã khiến Ernaux kể lại trải nghiệm không phải bằng nỗi hoài nhớ hay những ký ức đã từng tươi đẹp, mà là một sự tách bạch trong cấu trúc viết, giữa người-thiếu-nữ-mình-đã-từng-là với một-nhà-văn-trước-máy-đánh-chữ, nơi những cảm xúc đã mất hết đi, và thời gian chỉ còn là những lát cắt được giới hạn lại bởi những khoảnh khắc mang tính tạm bợ, ở đó không còn một nhân vật thật, mà chỉ còn là phản ảnh từ ngữ mang lại.

Sức mạnh của sự thật

Do đó thật sự khó xếp nghệ thuật của riêng Ernaux vào một mảng nào mang tính định danh. Nó vừa có tính tự truyện nhưng cũng đi kèm với phản tự truyện khi bà vào/ra những dòng thời gian một cách liên tục. Nó vừa có tính cá nhân nhưng cũng phản ánh ký ức của một lớp người, do đó nó cũng mang tính phổ quát. Nó không chỉ có hình thức văn xuôi, nó còn chứa đựng kiểu viết danh sách, liệt kê, điểm lại những mảng ký ức… khiến cho Ernaux tách rời mình ra khỏi phạm trù chung của một tác phẩm gọi là “hư cấu”. Bà cũng từng nói văn chương của mình “không phải tiểu sử, cũng không phải là một cuốn tiểu thuyết, mà có lẽ là cái gì đó ở giữa văn chương, xã hội học và lịch sử”.

Thoạt nghe có vẻ bà tương đối giống Milan Kundera – nhà văn người Pháp gốc Séc, người cũng khai thác cho đến tận cùng khía cạnh hư cấu bằng cách kết hợp với những tiểu luận ở nhiều đề tài, từ thời gian, di dân cho đến quyền lực, tôn giáo, chính trị… Thế nhưng Ernaux đặc trưng cho một cách viết thật nữ tính hơn và mềm mỏng hơn, nơi văn chương của bà chỉ có những suy ngẫm riêng mỗi về việc viết, với những cấu phần mà bà đã dùng để tạo nên hình dáng cho từng tác phẩm.

Bà từng viết trong cuốn Một người phụ nữ rằng “dự định của tôi có bản tính văn chương, bởi vì đây là chuyện đi tìm một sự thật về mẹ tôi, điểu chỉ có thể đạt đến thông qua từ ngữ. Nhưng tôi mong muốn ở lại được, theo một cách nào đó, phía bên dưới văn chương”. Do đó không hề bất ngờ khi bà cũng sẽ vào vai nhà xã hội học, nhà dân tộc học – người nhìn và khảo sát lại ấn tượng đã quên. Chẳng hạn ở Hồi ức thiếu nữ, bà cho ta thấy những năm 60 khi tướng Charles de Gaulle duy trì quyền lực ở Algeria hay các “cậu ấm cô chiêu” đến với bờ biển nghỉ mát của vùng Cote d'Azur như một dấu mốc cho việc trưởng thành. Còn với Cơn cuồng si, đó là Chiến tranh Vùng vịnh đã làm thay đổi cả những nhận thức, xé toang cấu trúc giữa quá khứ đơn và thì hiện tại tiếp diễn, cho bà thấy được đâu mới là thực…

Trong cuốn Nỗi nhục, bà cũng mở đầu tác phẩm bằng một câu văn không thể “sốc” hơn “Bố tôi định giết mẹ tôi vào đầu buổi chiều một Chủ nhật tháng Sáu”. Có thể thấy rằng sự kiện Ernaux thường chọn kể lại không được tuân theo tính chất cố định về mặt đạo đức. Ở Cơn cuồng si bà kể về mối tình với người đàn ông đã có gia đình. Ở Hồi ức thiếu nữ bà kể về quãng thời gian làm tình thời trẻ vô mục đích, hay ở Happening là ký ức phá thai… Tất cả những trải nghiệm này không phải thứ người bình thường hay một nhà văn có thể nói ra, nhưng bà bằng lòng “dũng cảm” – như từ dùng của Uỷ ban Nobel, đã mang đến những trải nghiệm tuy rất dễ gặp nhưng không phải ai cũng có khả năng bước qua ranh giới để đánh đổi nó.

Nhắc đến Ernaux, tác phẩm khiến bà tạo được dư luận một cách rõ nhất chính là Happening, kể về trải nghiệm phá thai của bản thân bà ở tuổi đôi mươi. Trong giai đoạn đó thì hành động này vẫn còn được coi là bất hợp pháp. Thế nhưng Ernaux đã rất dũng cảm để viết lại nó, để coi nó như một hành động mang tính tự chủ, là quyền của một công dân đứng trên đất Pháp . Nó được xuất bản sau khi những lề luật kia đã được dỡ bỏ, để sau gần 5 thập kỷ, nó sẽ trở lại dưới vụ “lặp lại lịch sử” Roe v. Wade của Quốc hội Mỹ chỉ trong năm trước, và được cho rằng là nguyên nhân chính khiến cho văn nghiệp của bản thân bà được xem xét lại, và chạm tay đến giải thưởng Nobel. Vì vậy Ernaux còn là tác giả thật sự dũng cảm để phơi bày ra hạn chế còn đó.

Bà cũng từng nói lòng “dũng cảm” sở dĩ tồn tại bởi các kỳ hạn phân tách thời điểm, khi chúng được viết và những sự kiện có thể xảy ra - như một tai nạn hay bà chết đi - một khi chúng được xuất bản và các độc giả tham gia trải nghiệm. Bà chia sẻ rằng “chính do kỳ hạn đó, mà bây giờ tôi có thể viết, cũng gần như việc hồi 16 tuổi tôi phơi mình dưới nắng rát cả một ngày liền, khi 20 tuổi thì làm tình không dùng biện pháp tránh thai.” Vì vậy văn chương Ernaux không chỉ là một câu chuyện được hư cấu hóa, mà lớn hơn cả đó còn là việc tôn trọng sự thật. Bà nói về tôn chỉ này của bản thân mình như “Tôi thấy rằng viết hẳn cũng phải hướng đến chỗ ấy, cái ấn tượng mà cảnh làm tình khơi lên, nỗi hoảng sợ đó cùng trạng thái ngây độn đó, lúc ấy đánh giá luân lý dừng lại.”

Annie Ernaux và quyền năng của tự thuật - 4

3 tác phẩm: "Nỗi nhục", "Một chỗ trong đời" và "Một người phụ nữ".

Thế nhưng không chỉ khía cạnh thời gian, ta thấy cấu trúc của riêng Ernaux cũng đáng khảo sát. Xen lẫn những sự vào/ra liên tục hai dòng thời gian quá khứ/hiện tại, ta cũng thấy cách mà bà liệt kê, miêu tả sự kiện… không chút mỉa mai cũng như giễu cợt. Bởi đó là cách mà bà kể lại sự việc cho người khác nữa hay cho chính mình sau khi trải qua, chứ không phải cảm nhận thật vào thời điểm đó. Trong các văn bản, bà cũng cố gắng thoát khỏi một sự dao động bằng cách tưởng tượng ra những nhân vật không phải là mình hay là đối tượng bản thân hướng đến, vì thế văn chương của bà thật sự trung tính, mang vẻ dửng dưng. Nó cũng tạo ra một tính chất khác cho sự hư cấu, để từ nơi đó Ernaux tạo ra một không gian riêng, một cá tính riêng, viết cho chính mình.

*

Trong diễn từ nhận giải Nobel, Ernaux viết rằng “Không còn ảo tưởng về việc ‘viết về một cái gì đó quan trọng’ ở tuổi đôi mươi; giờ đây vấn đề của tôi chính là đi sâu vào những điều không thể kể của ký ức cá nhân, và đưa ra phía ánh sáng cái cách mà giai tầng tôi đã từng sinh sống. Viết để hiểu những lý do đó, bên trong cũng như bên ngoài chính bản thân tôi, đã khiến tự tôi đoạn tuyệt khỏi nguồn gốc của mình.”

Vì vậy bằng những trải nghiệm thiên về cá nhân những tưởng là điều vụn vặt, Ernaux đã viết nên những áng văn thuật lại trải nghiệm của rất nhiều người, ở nhiều độ tuổi và nhiều chủng tộc. Nói theo cách khác, bà là đại diện thật sự chủ chốt cho làn sóng nữ quyền thứ ba. Bởi đó là những trải nghiệm mang tính riêng biệt không hề phổ quát, mà chịu tác động bởi nhiều yếu tố, từ sắc tộc, tầng lớp, địa lý, sự khuyết tật, tính dục, tôn giáo… và còn nhiều nữa.

Ernaux cũng góp phần mình vào trong làn sóng khuếch trương tiếng nói nhỏ bé nhưng có giá trị gắn kết cộng đồng, một kiểu văn chương phụ nữ về đời sống vi mô nhưng lại tạo được tiếng nói vĩ mô… Từ đó thành công buộc thế giới này phải suy ngẫm lại, không phải bằng những khuôn thước mang tính áp đặt, mà là một quyền năng “mềm” đi đến tận cùng bằng tính nữ đặc trưng, và cả những gì ẩn sâu trong đó. Một hạt cơ bản, một chân trụ nền, Ernaux như đại diện cho thế giới phụ nữ và lời kêu gọi đậm đặc tính nữ.

Đoàn Tuấn Anh

Tin liên quan

Tin mới nhất