Bà mẹ người Hà Nội

…Kể từ sau đám tang của ông Ba, bà Ba như sống một cuộc đời khác. Bà thấy dường như trách nhiệm của bà đối với việc chăm sóc, dạy dỗ các cháu nặng hơn lên.

Các con bà tám, chín đứa đều đã trưởng thành, đứa thì đi bộ đội, đứa đi dạy học hoặc làm công nhân viên nhà nước cả. Chiến tranh phá hoại, bom đạn đánh phá khắp nơi, chúng nó dồn tất con cái về vùng quê ngoại thành này cho bà trông nom. Cuộc chiến ngày càng ác liệt, các con bà chẳng mấy lúc về thăm được bà. Kháng chiến chống Pháp bà chỉ có ba bốn đứa con vào bộ đội, phải đi xa. Bây giờ chống Mỹ thì tính tất cả dâu rể trai gái bà có đến gần hai chục đứa thoát ly, ăn lương bộ đội hoặc ăn lương nhà nước, tháng tháng gửi chút tiền về cho bà đong gạo, đong mỳ chăm con cho chúng nó. Bà không phải làm lụng tăng gia để nuôi lũ cháu, nhưng chăm cho chúng ăn ngủ, học hành, dạy dỗ luân lý, biết lễ phép như con cái gia đình tử tế, đó cũng là điều vất vả. Bà phải rủ rỉ răn bảo những đứa lớn để làm gương cho đứa bé. Cứ thế. Sớm tối ra vào một bà già với một lũ trẻ nhỏ.

Bà mẹ người Hà Nội - 1

Bà và lũ cháu nhỏ sơ tán ở quê (Đôn Thư, Thanh Oai, Hà Nội)

Trước đây, vào những ngày rằm, mồng một hàng tháng, bà thường một mình ra chùa làng thăm sư cô. Đó là cô em họ của ông Ba có tục danh là Phạm Thị Liên, từ ngày nương cửa Phật lấy pháp danh là Đàm Liên. Chị em ngồi truyện trò rỉ rả chuyện đời, chuyện đạo, chuyện xóm làng. Bây giờ chẳng cứ là rằm hay mồng một mà cứ hôm nào thấy máy bay Mỹ ném bom đánh phá đâu đó phía đường số 1 hay vùng bắc, vùng nam Hà Nội, khi vừa lắng tiếng bom là bà lại ra chùa. Lũ trẻ dù đi học hay ngồi nhà học bài, cứ chờ bà về thể nào cũng có quà, khi thì vài trái cây trong vườn chùa, khi thì dăm chiếc kẹo bột, bỏng nếp, bỏng ngô... bà mua ở quán chợ Chiều. 

Một chiều tháng một ta, tức là vào giữa tháng 12 tây năm 1967, máy bay Mỹ quần đảo khá nhiều ở mạn phía nam Hà Nội. Trời lạnh. Bên ngoài chiếc áo dài bằng dạ Mông Tự màu hạt dẻ, bà Ba còn mặc thêm một chiếc áo cánh bông trần bằng nhung đen. Bà chít chiếc khăn đen, là khăn để chở ông, ra ngoài chiếc độn, rồi lại trùm thêm một chiếc khăn vuông cũng bằng nhung the đen ra ngoài cùng. Bà ra chùa, dặn các cháu ở nhà sửa soạn nấu cơm chiều. Lúc về gần đến đầu xóm, bà nhác thấy phía trước có hai người dắt xe đạp đi vào xóm nhà mình, người con trai cao lênh khênh mặc áo quần bộ đội, đội mũ tai bèo, đeo chiếc ba lô cóc to tướng, bên cạnh là cô gái hơi thấp hơn, người thanh mảnh mặc đồ âu sẫm mầu. Chợt bà giật mình: “Ai như thằng Chuân nhà mình? Cái cô đi bên cạnh hình như là cô Sóng, người yêu nó” Bà đi dấn lên thì cũng là lúc hai người rẽ vào nhà bà. Thôi, đúng rồi! Khi bà về đến cổng nhà, cậu Chuân nấp trong cổng ào ra ôm lấy mẹ. Vào nhà rồi cậu Chuân mới chậm rãi:

- Mẹ! Con về chào mẹ để đi B đây. Con tập vác gạch, đeo gạch leo núi, lội rừng… ở Hòa Bình xong rồi. Chúng con sẽ lên đường trước Tết…

Bà Ba lặng người đi, ngồi xuống choàng nhẹ tay lên lưng cô Sóng.

-  Thế con đi bao lâu, định lúc nào về để cưới vợ? - Bà hỏi con trai.

- Con đi B ngắn thôi. Chừng hơn một năm. Cuối sang năm con về, giải phóng miền Nam xong thì về. Mẹ cứ nuôi sẵn một con lợn đi, con về thì cưới, phải không Sóng?

Rồi Chuân giở ba lô lấy ra một tập ảnh. Cậu khoe mẹ: 

Con vừa quay xong bộ phim Rừng O Thắm. Đây là bộ phim truyện đầu tay của con, con được là quay phim chính. Còn đây là một số ảnh về bộ phim của con. Cả một số ảnh cũ hồi con quay phim Lửa Rừng, Nổi gió, và những ảnh hồi con học điện ảnh ở Liên Xô, cả ảnh chụp ở Xưởng phim trước lúc đi B. Con gửi mẹ giữ cho con, để ở Hà Nội sợ hỏng mất. Mẹ biết không, phim Rừng O Thắm là do đạo diễn Hải Ninh và con xây dựng kịch bản, lấy cốt truyện và ý tưởng từ truyện ngắn của anh Tranh nhà mình đăng trên báo Văn Nghệ hồi năm sáu nhăm đấy. Cùng với những bài ký sự mà anh ấy ghi chép khi đi đảm bảo giao thông ở Khu 4 được đăng trên các báo, mẹ ạ. Phim làm xong rồi, chưa chiếu ra rạp đâu, con cũng chỉ được xem bản nháp thôi…

Bà mẹ người Hà Nội - 2

Ảnh "thằng Chuân" con trai bà Ba cùng đồng đội ở chiến trường Quảng Đà, 1968.

Chuân liến thoắng cốt để bà Ba không hỏi thêm về việc cậu sắp đi B. Nhưng bà Ba vẫn còn băn khoăn:

- Thế con đi B làm gì, con có phải bộ đội đánh nhau đâu mà đi? Anh Từ ở Xưởng phim không xin giữ con lại được à?

- Mẹ ơi, đất nước còn giặc, ai cũng phải đi đánh giặc, mẹ ạ. Bộ đội có việc của bộ đội, con làm quay phim cũng có việc của con. Mẹ cứ yên tâm, con đi rồi con sẽ về với mẹ. Mẹ ở nhà chăm em Sóng giúp con nhé!

Thế rồi cậu trai út ở nhà với mẹ đêm hôm đó, sáng sau hai đứa ra Hà Nội sớm. Chúng nó ôm lấy mẹ rồi đi. Bà Ba đứng trên bậc thềm ở sảnh, không tiễn con ra cổng. B ngắn là gì? Quảng Nam ở đâu? Đà Nẵng ở đâu? Chúng nó nói cứ như là chỉ cần đi là tới vậy. Đường xa, giặc giã, trăm mối hiểm nguy... Đành rằng trai thời loạn! Người đi rồi còn người ở nhà?

Năm 1968, mới gần giữa năm mà đã thấy cái đói hiện ra trước mắt. Cả miền Bắc dồn sức người sức của cho miền Nam. Làng nào cũng vắng ngắt bóng đàn ông. Giờ, cả con gái đến tuổi thành niên cũng lên đường vào tuyến lửa đi Thanh niên xung phong. Làng xóm vãn cả người. Đâu đâu cũng thấy khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Đồng ruộng thì xơ xác, đường xá, cầu cống bị băm nát, cửa biển, cửa sông bị bom mìn, ngư lôi phong tỏa. Bao nhiêu ngô khoai sắn nhảy hết vào nồi thay gạo. Có lẽ cái năm Mậu Thân này sẽ để lại trong lịch sử nước mình những dấu ấn không dễ phai mờ. 

Bà Ba ngồi yên lặng trong căn nhà ở một vùng quê ngoại thành còn khá yên tĩnh. Nhưng những mối lo cho đàn con tản mát khắp nơi cứ vò xé tâm can bà. Kháng chiến chống Pháp đã vò xé mười thì nay chống Mỹ tăng gấp trăm lần. Trông lũ trẻ thiếu đói nheo nhóc trong làng, lại nhìn lũ con cháu nhà mình còn được chút khoai sắn ăn độn, bà càng nẫu ruột nẫu gan. Chợ búa thì lèo tèo, chỉ những rau là rau. Đã sang đến tháng Mười. Bình thường thì tháng này bắt đầu no đây, có bếp đã phảng phất mùi cơm mới. Nhưng năm nay thì không. Thóc lúa đi ra mặt trận hết rồi, còn đâu mà cơm mới? Bà lần giở gói tiền phụ cấp đi B của cậu Chuân mà bà giữ làm tiền dành để nó về thì cưới vợ. Mà không tiết kiệm thì có cái gì ngoài chợ đâu mà tiêu tiền? Cũng đã được một trăm đồng, thì nghĩa là nó đã đi xa được mười tháng. Đã sang đến giữa thu. Tưởng như nó sắp về?

Mà chúng nó về thật! 

Không phải chỉ có lũ con lớn của bà, mà còn có cả những đứa bạn của thằng Chuân nữa. Cả con Sóng nữa. Lại chính là con Sóng, vừa về đến cổng là nó đã gào lên: “Mẹ ơi! Mẹ ơi, anh Chuân chết rồi, anh Chuân chết trong B rồi, mẹ ơi! Các anh các chị ấy giấu mẹ đấy. Anh ấy chết từ đêm hôm Rằm tháng Tám rồi, mẹ ơi!”. Rồi cứ thế cô Sóng khóc ầm lên, khóc thảm thiết, khóc rũ rượi, làm cho các anh chị con lớn của bà Ba cũng không cầm được nước mắt. Lũ cháu thì chạy lại nép vào bà, vào mẹ chúng, mếu máo khóc rồi nức nở gọi: “Chú Chuân ơi!”.

Bà Ba ngồi bất động ở chiếc giường giữa nhà. Bà lặng câm không khóc và cũng không nói được gì. Mắt bà nhìn đâu đâu vào cõi xa xăm. Lát sau, khi tiếng khóc, tiếng sụt sùi lắng xuống, bà Ba mới rành rọt: “Nó chưa chết. Ai bảo nó chết? Mới hôm qua mẹ còn nhận tiền đi B tháng này của nó đây. Lúc đi nó bảo cuối năm nó về cưới vợ. Mẹ đang chờ đây. Con Sóng đây, đang chờ nó. Nó chết làm sao được?”.

Bà mẹ người Hà Nội - 3

Nhà quay phim Vũ Phạm Chuân ở chiến trường Quảng Đà 1968, trước lúc hy sinh.

Không gian chìm xuống. Tiếng nấc tức tưởi, tiếng khóc thút thít đôi lúc nổi lên rồi lại lắng xuống. Lát sau lũ trẻ đã dần tản đi. Gian phòng im ắng lại. 

Bà Ba ngồi như pho tượng, cặp mắt vô hồn nhìn ra phía cổng. Bà nghĩ: “Ừ nhỉ, sao hôm nó đi, mình lại không tiễn nó ra cổng? Mình nghĩ là mình không tiễn thì nó sẽ về. Giá biết thế, mình tiễn nó có hơn không? Thế là mình đuổi nó đi ư? Chuân ơi, sao con lại bỏ mẹ mà đi?”. Giọng bà nghẹn ngào: “…Mà chết thật rồi ư con? Thật, thật! Thì đây, chúng nó đem về đây một cái túi, gọi là “kỷ vật của liệt sĩ”, thảm thương quá”.

Bà Ba rưng rưng cùng với cô Sóng lần giở túi ra. Nào có gì đâu: một bộ quần áo bộ đội đã cũ, nhưng giặt sạch sẽ, một chiếc đồng hồ đeo tay hiệu Poljot của Liên Xô và một cuốn sổ như sổ lịch. Mắt nhoè đi, bà Ba và cô Sóng thử giở cuốn sổ. Đập vào mắt bà là những dòng chữ quen thuộc của Chuân. Là nhật ký chặng đường vào, là những ngày vượt dốc Trường Sơn, nằm rừng, ăn đói mặc rét. Là những lần giáp mặt với giặc, là những lần leo lên tận đỉnh Hải Vân để quay phim thành phố Đà Nẵng. Là những lần rời căn cứ vào trong vùng giặc chiếm để tìm gạo, tìm thuốc cho anh em…  Sóng cứ run run mà giở từng trang, còn bà Ba ngồi lặng tưởng tượng theo từng bước chân của cậu con trai yêu quý…

Cả hai người phụ nữ lặng đi, như đang dõi theo hình bóng người con trai từ một nơi xa xăm nào đó.

Cái đói năm 1968, nỗi buồn của những gia đình miền Bắc có con hy sinh trong suốt năm Mậu Thân ấy trên toàn chiến trường miền Nam kéo vắt sang mùa xuân năm 1969. Rồi kéo sang đến tận mùa thu năm ấy, khi tin dữ Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. 

Tưởng như đất nước Việt Nam mình gục ngã hẳn.

(Trích Truyện ký Dòng sông cuộc đời – hay là Hồi ức về Mẹ, NXB Hội Nhà văn, tháng 4-2024)

Truyện kí của Vũ Phạm Chánh

Mùa hoa xoan (tản văn)
Mùa hoa xoan (tản văn)

Tháng giêng trời âm u lay phay mưa bụi, là mùa hoa xoan bung nở. Cánh hoa tim tím mỏng manh, nở từng chùm xinh xinh. Cơn gió nhẹ...

Tin liên quan

Tin mới nhất