Bức chân dung hoàn chỉnh về vị tướng trận mạc Hà Vi Tùng
Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập quân đội, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã có những ấn phẩm đặc biệt, trong đó có tập sách “Cha tôi Thiếu tướng Hà Vi Tùng” dày 300 trang, bìa đẹp và in trang trọng, là những hồi ức của người con thân yêu, tái hiện cuộc đời của cha mình - Tướng Hà Vi Tùng qua những trang viết rất xúc động.
Đại tá Hà Hoài Nam (bút danh Nam Hà) - một người con tiếp bước cha trọn cuộc đời gắn bó với quân đội. Tác giả tập sách tâm sự: “Một ngày đầu xuân, đại gia đình con cháu Thiếu tướng Hà Vi Tùng quây quần bên căn nhà nhỏ ở TP Nha Trang. Trong không khí gần gũi thân mật, tôi chia sẻ suy nghĩ của mình về việc sẽ viết một cuốn sách tái hiện, phục dựng về cuộc đời của cha tôi - Hà Vi Tùng. Ý tưởng ấy không chỉ được gia đình, mà cả đồng đội cha Tùng nhiệt thành ủng hộ…”.
Phải ghi nhận rằng, đây là một tập sách dạt dào những cảm xúc, những tư liệu đáng quý, như một bản hợp xướng về quê hương - đất nước, những bước chân hành quân cùng những chiến công, những chiến dịch của tướng Hà Vi Tùng và đồng đội.
Từ buổi đầu tuổi 20 theo lời kêu gọi "Sơn hà nguy biến" lên tàu cùng hàng nghìn thanh niên miền Bắc thực hiện cuộc Nam tiến vào chiến đấu ở chiến trường Nam Trung Bộ trong những ngày đầu bảo vệ nền độc lập non trẻ của dân tộc, đồng chí Hà Vi Tùng trải qua hai cuộc kháng chiến trên các cương vị, từ người lính đến một sĩ quan chỉ huy cao cấp của quân đội, từ cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đến những nghĩa vụ quốc tế cao cả và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc năm 1979 trên cương vị Tham mưu trưởng Quân khu I. Điều hết sức trân trọng tác giả là ngoài tái hiện rất đâm nét về cha mình, một vị tướng văn võ song toàn, tác giả cũng kể về những đồng đội của cha (Nguyễn Thế Lâm, Lư Giang, Võ Bẩm, Trần Chí Hiền, Nguyễn Mô, Hồ Xuân Anh…) rất đậm đà và ân tình. Đặc biệt về tiểu đoàn Lá Mít (D365- E803) mà đồng chí Hà Vi Tùng là tiểu đoàn trưởng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, được ví như tiểu đoàn 307 của mặt trận miền Trung Trung Bộ…
Bìa tác phẩm “Cha tôi Thiếu tướng Hà Vi Tùng”.
Đây là những người lính và thế hệ như lời của Ðại tướng Nguyễn Quyết - nguyên Bí thư Trung ương Ðảng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam “Cách mạng Tháng Tám đem lại cuộc đổi đời lịch sử cho dân tộc Việt Nam, đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và những thế hệ người Việt Nam mới. Trong đó có một thế hệ đón nhận cách mạng ở lứa tuổi 20, với sức trẻ và nhiệt huyết của tuổi thanh niên, đã tham gia khởi nghĩa và xây dựng chính quyền nhân dân non trẻ, đã gia nhập đội quân với "thuốc súng kém, chân đi không" để "đem thân liều cho nước" trong những ngày đầu chống thực dân Pháp và sau đó trải qua những năm tháng ác liệt trên chiến trường chống Mỹ, cứu nước, có mặt ở chiến trường các nước bạn Lào, Cam-pu-chia làm nhiệm vụ quốc tế. Trong cuộc trường chinh oanh liệt ấy, nhiều người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống và cũng qua cuộc tôi luyện ấy, có những người đã trưởng thành, trở thành những cán bộ cao cấp, thành tướng lĩnh của quân đội nhân dân Việt Nam. Ðồng chí Hà Vi Tùng là một người thuộc thế hệ đặc biệt ấy. Suốt cuộc đời quân ngũ, làm việc gì, trên cương vị nào, đồng chí cũng dũng cảm, kiên quyết, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; đánh giặc giỏi, xây dựng đơn vị, huấn luyện bộ đội giỏi, được đồng đội tin yêu, kẻ địch nể sợ".
Đọc “Cha tôi Thiếu tướng Hà Vi Tùng”, cảm nghĩ của bạn đọc là thấy toát lên mỗi hàng chữ, một trang viết, mỗi ký ức nổi bật hình ảnh của một người lính suốt cuộc đời hiến dâng cho Tổ quốc, một bức tranh chân thực về vị tướng trận mạc Hà Vi Tùng. Vị tướng ấy trọn cuộc đời gắn bó với quân đội, đâu là chiến trường nóng bỏng thì đấy là nơi ông hiện diện. Bác Hồ, Quân uỷ tin tưởng ông, giao ông ở những mặt trận nóng bỏng, ác liệt nhất. Từ 101 ngày đêm chiến đấu ở Nha Trang buổi đầu đánh Pháp, những trận đánh ác liệt trên các chiến trường Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, từ những trận địa nóng bỏng đôi bờ Hiền Lương ngày đất nước chia cắt sau năm 1954, cho đến những chiến dịch lần đầu đánh và thắng Mỹ vang dội Plây-me, Ia Ðrăng... khi quân đội ta giáp mặt quân đội Mỹ trên chiến trường ở cấp sư đoàn tại mặt trận Tây Nguyên.
Tác giả Nam Hà cũng dành nhiều trang viết kể về người lính trong quân đội lê dương của thực dân Pháp xâm lược là Kostas Sarantidis đã chạy sang hàng ngũ Việt Minh và tham gia vào cuộc kháng chiến của Nhân dân ta. Mối quan hệ của chỉ huy Hà Vi Tùng với Kostas Sarantidis giàu ý nghĩa, như lời ông tâm sự về chỉ huy Hà Vi Tùng "Ðối với tôi, anh như người anh lớn trong gia đình... Và từ ấy, tôi đã chiến đấu dưới sự chỉ huy và giúp đỡ của anh". Sau này, Kostas Sarantidis (Nguyễn Văn Lập) đã được Nhà nước ta phong tặng danh hiệu anh hùng.
Cũng trong sách, là những kỷ niệm của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương với tướng Hà Vi Tùng đầy xúc động, như lời Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương: “Tôi có cơ duyên quen biết và làm việc cùng đồng chí Hà Vi Tùng trong ba giai đoạn: Liên khu 5, Sư đoàn 1 (Mặt trận Tây Nguyên), Sư đoàn 31 (Mặt trận Cánh đồng Chum - Thượng Lào). Lần nào gặp mặt nhau cũng ấn tượng và thân thiết lắm. Tôi vẫn nhớ đồng chí Tùng có tính cách gần gũi, vui vẻ, dễ gần, dù nhiều khi anh cũng nóng tính nhưng đã “bỏ qua cho rồi” là không nhắc lại nữa nên anh em cấp dưới nể phục lắm. Anh em đơn vị còn kháo nhau: “Cấp dưới nói mà cấp trên nghe được chỉ có ông Hà Vi Tùng”.
Tôi còn nhớ hồi Liên khu V mở chiến dịch Bắc Tây Nguyên để chia lửa cùng Điện Biên Phủ, khi chiếm được Kon Tum, đồng chí Võ Nguyên Giáp điện hỏi: “Có thật đã đến Kon Tum chưa?”. Đồng chí Nguyễn Chánh - Tư lệnh kiêm chính uỷ Liên khu V trả lời: “Chúng tôi đang ngồi tại sở chỉ huy của địch”. Đồng chí Hà Vi Tùng nói vọng vào: “Chúng tôi đang ngồi uống sâm panh của Pháp để ăn mừng đây”… khiến đồng chí Võ Nguyên Giáp và mọi người cùng cười vui vẻ với cách xác nhận chiến thắng đặc biệt của Hà Vi Tùng tại Kon Tum”.
Đặc biệt trong tập sách, tác giả Nam Hà đã kể lại mối tình rất cao đẹp của ba mẹ anh, tướng Hà Vi Tùng với cô giáo Nguyễn Thị Năm quê hương Đức Phổ, Quảng Ngãi nơi đơn vị ông Tùng chiến đấu. Mối tình thuỷ chung ấy đi suốt cuộc đời ông bà, bà đã theo ông đi suốt cuộc, những chân trời góc biển với một trái tim vàng. Khi bà tuổi cao sức yếu ra đi, ông đau đớn thốt lên: “Lòng tôi thương nhớ bà khôn nguôi, dù bà không được sống cùng tôi những ngày cuối đời, nhưng tôi không quên câu bà nói “Ai chết sau người đó sẽ khổ lắm”. Câu nói của bà bây giờ tôi mới thấm thía, nó vận vào tôi tôi phải chịu đựng, sống mà không có bà, càng thương nhớ bà… Bà sẽ là tổ mẫu của chi thứ nhất họ Hà miền Nam này, hình ảnh của bà sẽ sống cùng trong lòng tôi, cho đến khi tôi theo bà…”. Thật xúc động và thiêng liêng thay!
Với những người lính chúng tôi, khi gập lại cuốn sách “Cha tôi thiếu tướng Hà Vi Tùng”, điều đọng lại không chỉ là hình ảnh một vị tướng chiến công lẫy lừng, những chiến công, những dặm dài chiến dịch của một vị tướng suốt cuộc đời trận mạc, đánh giặc giỏi, lập nhiều chiến công, mà còn là hình ảnh một con người dung dị, ân tình, nhân ái, hết mực yêu thương quê hương, làng mạc, đồng đội, vợ con, thể hiện qua những dặn dò của ông dặn lại con cháu: "Ðề phòng bố ra đi đột ngột, bố dặn các con: Phải giữ gìn truyền thống gia đình ta. Vợ chồng, anh em, con cái phải yêu thương nhau, nhường nhịn nhau; sống giản dị, thẳng thắn trong sạch, không đua đòi; yêu nước, yêu lý tưởng chủ nghĩa xã hội; quý trọng các chú, các bác là bạn chiến đấu của bố...".
Ôi, tấm lòng của một người lính Bộ đội Cụ Hồ, một vị tướng quả cảm và nhân văn, tình nghĩa xiết bao! Ông rất xứng đáng với danh hiệu anh hùng nếu như tới đây được Nhà nước trao tặng. Tôi tự hào từng là một người lính của ông khi ông là sư đoàn trưởng sư đoàn 320B…
![Không chỉ là chuyện đời một thầy giáo](https://cdn.arttimes.vn/upload/4-2024/images/2024-11-15/1731641734-thumbnail-width750height563.jpg)
Đọc "Mạ tui" – Tưởng nhớ một người thầy - một nhà văn… không nổi tiếng…
Bình luận