Chuyện một nhà báo “tay ngang”

Từ một kỹ sư cầu đường, Vũ Phạm Chánh “tay ngang” thành phóng viên chiến trường của tờ báo ngành, sống chết cùng nghề ở những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt nhất nhưng sau đó lại chuyển ngành về làm kỹ sư. Tưởng chừng vậy là thôi, nhưng tình yêu nghề báo âm ỉ vẫn đưa ông quay lại làm báo, đến nay đã được 60 năm. Báo chí như mối duyên lành sẽ theo ông suốt cả cuộc đời trải dài qua hai thế kỷ.

Từ kỹ sư thành nhà báo

Trước khi chạm ngõ báo chí, Vũ Phạm Chánh sinh năm 1936 là một kỹ sư cầu đường. Ông từng có 9 năm (1955-1964) làm kỹ sư, dạy học trường trung cấp kĩ thuật đào tạo ra các sinh viên làm cầu đường, sau đó chuyển về làm ở ngành đường sắt. Gắn mình với thước kẻ, eke nhưng tình yêu văn chương vẫn luôn song hành. Trong thời gian đó, ông dành thời gian dụng công viết lách, chủ yếu là ký, tùy bút, được đăng trên một số tờ báo, trong đó có báo Văn nghệ từ những năm 1958.

Chuyện một nhà báo “tay ngang” - 1

Kỹ sư, nhà báo Vũ Phạm Chánh

Năm 1964, chuẩn bị có Chiến tranh phá hoại, Báo Giao thông vận tải cần những người biết viết báo mà lại có chuyên môn kĩ thuật, ông được giới thiệu vào tòa soạn, chuyển sang làm báo ngành, Báo Giao thông vận tải – Tiếng nói của ngành giao thông vận tải (sau này là Báo Giao thông). 

Sau khi về tòa soạn, các phóng viên được cho đi học một lớp báo chí cấp tốc cho các phóng viên chiến trường để cử vào các vùng chiến sự. Lớp học vào buổi tối trong thời gian gần 3 tháng.

Bài báo đầu tiên viết dưới danh nghĩa phóng viên của ông đăng trên báo Giao thông có tên Tàu thủy Cụ Hồ ngược sông Đà, dạng tùy bút, là vào tháng 12 năm 1964. Nhắc đến đây ông hào hứng: “Cuối năm 2022, nhân kỉ niệm 60 năm thành lập Báo Giao thông có một bài viết về tôi, có nhắc đến bài viết này”. Bài viết này cũng là một tư liệu được các thế hệ sau của Báo Giao thông nhiều lần nhắc tới.

Trò chuyện với ông về những thuận lợi, khó khăn khi “tay ngang” từ kỹ sư sang làm báo, ông trầm ngâm: “Báo Giao thông vận tải khi mới thành lập, phóng viên được triệu tập từ các đơn vị cầu đường, vận tải, nhà máy… trong ngành. Phần lớn anh chị em là những cán bộ kỹ thuật có chút “máu me” văn chương, viết lách. Có chăng, từ cái “máu” văn chương viết lách ấy, với năng khiếu của những chàng trai tuổi đời còn rất trẻ, đã có những thành công trước lúc về làm báo, lại vừa am hiểu kỹ thuật, cùng chung một mục tiêu kết hợp với lòng ham muốn “làm báo, xây dựng tờ báo ngành cho xứng với tầm vóc của ngành” đã làm nên thành công của tờ báo ngay từ những số đầu khi thành lập”.

Dọc ngang phóng viên chiến trường

Học xong, Vũ Phạm Chánh được giao làm phóng viên thường trú phụ trách Khu 4 (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh) suốt mấy năm từ 1964-1968, chiến tranh ác liệt, nhất là năm Mậu Thân 1968. Vùng “cán xoong” Khu 4 thành chảo lửa, máy bay giặc đánh phá suốt ngày đêm.

Vậy là bắt đầu hành trình “một mình một xe đạp” dọc ngang Khu IV, ăn ngủ nhờ các cơ quan giao thông và liên tục viết bài, những bài báo viết tay – độc bản, mang ra bưu điện gửi về tòa soạn. Khi ấy tòa soạn vài tháng họp các tổ thường trú một lần, thế là phải đạp xe đạp từ Quảng Bình ra đến Hà Nội. Ban đêm thì không thấy đường để đi, ban ngày không được đi trên đường quốc lộ, vì máy bay ném bom rà soát suốt ngày, phải tránh. Qua sông lúc ấy chưa có cầu vì chiến tranh phá hoại hết, phải chờ phà mà phà chỉ chạy vào ban đêm, nếu có thì đi nhờ còn không thì phải đi nhờ đò của người dân. Cứ lang thang 5 ngày như thế mới ra được đến Thanh Hóa, đến Thanh Hóa thì dễ hơn, ném bom cũng ít hơn. Sau khi họp xong thì lại vào lại chiến trường. Vô cùng hiểm nguy và gian khổ. Nguy cơ bị thương hoặc hy sinh luôn thường trực. Cuộc sống của phóng viên chiến trường khu 4, cũng như của các đơn vị giao thông và nhân dân trong vùng khá thiếu thốn, thiếu ăn thiếu ngủ, chịu đựng điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Ngoài ra còn phải chịu áp lực rất lớn về mặt tinh thần. Không chỉ vì công việc mà còn do phải chứng kiến những cảnh tượng bi thương, mất mát thảm khốc, của dân, của chiến sĩ giao thông và thanh niên xung phong…

Ông xúc động kể: “Có lần, khi tôi vừa viết xong một bài về đơn vị làm đường ở trên biên giới, viết tay, độc bản, sau đó mang ra trạm bưu điện gửi. Vừa gửi bài báo ấy, ra khỏi trạm thì báo động máy bay đến. Máy bay ném một loạt bom vào, bưu điện tan tành, tất cả giấy tờ, thư từ, tài liệu… cháy hết, và cô gái nhân viên bưu điện cũng chết vì loạt bom ấy.

Đến sau 1969, Vũ Phạm Chánh được phân công lên miền núi phía Bắc rồi ra vùng biển Quảng Ninh – Hải Phòng. “Tôi được đi khắp nơi miền núi viết về đồng bào vùng cao làm đường giao thông. Sau đó tôi còn được đi cùng mấy đơn vị rà phá bom mìn, chống thủy lôi, giải tỏa cảng Hải Phòng và luồng tầu vào Vịnh Hạ Long... 

Khi Bộ Giao thông vận tải thành lập đoàn điện ảnh giao thông, đích thân ông Bộ trưởng sang báo, lấy mấy anh em ở báo về  đoàn Điện ảnh, tôi là một trong số ấy”.

Khi về đoàn điện ảnh, Vũ Phạm Chánh được cử đi học trường điện ảnh quân đội, cùng một lớp đào tạo phóng viên chiến trường. Lớp được sơ tán học ở xã Tuy Lai, Mỹ Đức, Hà Đông trong 6 tháng. Học từ các khâu quay phim, chụp ảnh, dựng phim, in tráng ảnh, in tráng phim, viết một đề cương kịch bản phim tài liệu. Khi ấy Vũ Phạm Chánh đã có thể một mình cầm máy quay đi tác nghiệp. Rồi ông lại quay lại Khu IV, lại ở trong chiến trường, đường mòn Hồ Chí Minh, đường 20 Quyết Thắng, ông đã cùng các bạn trong tổ thu thập đảm bảo giao thông thời chiến. 

“Có thể hình dung lớp phóng viên thời chống Mỹ như thế này: họ đúng là tai mắt của ngành ở mọi ngóc ngách hoạt động muôn hình muôn vẻ trong một mặt trận thiên la địa võng. Tờ báo đã trở thành vật “không thể thiếu được” trên bàn lãnh đạo Bộ mỗi sáng thứ bẩy, trên bàn các cơ quan tham mưu của bộ và trên những đoàn xe, đoàn tầu, thuyền hay trên khắp các công trường đảm bảo giao thông”.

Nhà báo Vũ Phạm Chánh khẳng định, làm phóng viên chiến trường của Báo Giao thông trong thời gian chiến tranh ác liệt 1965-1972, là một cơ hội tốt để sống với thực tiễn của các "chiến sĩ" đảm bảo giao thông, ở dọc đường chiến trận, cũng như các trọng điểm cầu, phà: từ các kỹ sư cầu đường, công nhân sửa chữa cầu đường, lái xe, lái tầu hỏa, lái thuyền, phá thủy lôi..., lại được sống với thanh niên xung phong trên các trọng điểm, với các chiến sĩ công binh phối hợp và với cả ngàn vạn nhân dân ven các con đường... Sống với họ và tự nhiên ghi được các hình tượng này vào ký ức, sống động, để tái hiện lại trong các bài ký sự chân dung, ký sự báo chí của mình.

Cũng ở "chiến trường" nơi cái sống và cái chết đan xen vào nhau, mới thấy quý những khoảnh khắc bình lặng không tiếng bom đạn. Đó cũng là lúc mà con người cảm thấy yêu thương nhau hơn, yêu cuộc sống hơn, để có thêm nghị lực mà sẵn sàng đối mặt với những hiểm nguy sắp đến ở trận bom sau.

Nhưng cũng ở chiến trường, còn có thể "nhận ra, phát hiện" những "mặt trái" trong cuộc chiến, cả những cái hèn hạ, xấu xa ở một vài con người trong cùng đơn vị, đồng đội. Những cái đó, đối với phóng viên chiến trường chỉ làm cho họ thêm yêu quý, ngưỡng mộ các "tấm gương quên mình" trong lớp lớp chiến sĩ giao thông, thanh niên xung phong... mà họ đã viết lên mặt báo.

Một điểm được nữa của phóng viên chiến trường theo nhà báo Vũ Phạm Chánh là họ được sống với những nhân vật, có thể sau này sẽ là những "mẫu" trong các văn bản (truyện ngắn, tiểu thuyết...) của họ nếu họ có cơ duyên với văn chương. Thực tế sau này, từ Báo Giao thông, có nhiều phóng viên đã trở thành nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp.

Năm 1973, hòa bình lập lại ở miền Bắc sau hiệp định Paris, chiến tranh tạm kết thúc nhưng đất nước vẫn chưa thống nhất, ông quay về làm kĩ sư cầu đường. Vậy là quay trở lại nghề với bút chì, eke, làm thiết kế cầu đường, rồi đi sửa chữa cầu đường, bởi sau chiến tranh cầu đường hỏng hết không còn gì. Ông làm cầu đường cho đến lúc về hưu. 

Tình yêu với nghề báo bắt đầu từ tình yêu với văn chương

Với Vũ Phạm Chánh, tình yêu với nghề báo bắt đầu từ tình yêu với sách vở, văn chương. Sinh ra trong gia đình quan lại, truyền thống khoa bảng, từ lúc còn nhỏ đến những năm học tiểu học, trung học trong kháng chiến chống Pháp. Ông đã luôn say mê với các loại sách báo, văn chương, say mê cả sách Việt và sách dịch, nhưng khi ấy ông chưa bao giờ nghĩ đến tự mình viết văn, viết báo.

Khi lớn hơn lên một chút, sau cả một quá trình học hỏi, quan sát và những va đập với cuộc sống, ông nghĩ, mình có thể viết được không thua kém gì nhiều những cái mình đã đọc. Thế là ông tập viết. Từ những bài văn ngắn gửi Đài Phát thanh, Báo Văn nghệ, Báo Đường sắt... những năm 1957,1958, và sau này là Báo Giao thông.

Tình yêu với nghiệp báo cứ tăng dần, cho đến khi có điều kiện về làm phóng viên chuyên nghiệp ở Báo Giao thông.

Chẳng phải bởi tình yêu sâu nặng với báo chí cách mạng mà sau này khi rời báo về lại làm kỹ thuật, kỹ sư cầu đường, ông vẫn chăm viết. Khi nghỉ hưu ở Bộ Giao thông Vận tải, được cử làm tạp chí chuyên ngành (Tạp chí Cầu Đường) lại về đó công tác hơn 10 năm nữa. Một tờ tạp chí tự chủ “tay không bắt giặc” chịu đủ khó khăn trong thời đại công nghệ. Với sức lao động phi thường, cho đến nay, ở tuổi ngót nghét 90, ông vẫn là một cộng tác viên thân thiết với một số báo, tạp chí và viết văn. Năm 2015, tập ký Mặt đường cháy bỏng của ông đạt Giải Nhì cuộc vận động sáng tác về văn học nghệ thuật do Bộ Giao thông vận tải và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, ông vừa xuất bản truyện ký Dòng sông cuộc đời (hay là Hồi ức về mẹ). Sắp tới, Vũ Phạm Chánh dự kiến sẽ tiếp tục ra mắt bạn đọc tập truyện ký dày dặn.

Nguyễn Chi

Tin liên quan

Tin mới nhất

Tiếp tục nêu cao tinh thần, vai trò và trách nhiệm của văn nghệ sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa

Tiếp tục nêu cao tinh thần, vai trò và trách nhiệm của văn nghệ sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa

Với những kết quả đạt được trong năm qua, văn học nghệ thuật tiếp tục góp phần quan trọng vào nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hoá, xây dựng con người, đấu tranh với những biểu hiện sai trái, tạo bầu không khí lành mạnh trong xã hội, tạo niềm tin vào tiền đồ của đất nước, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ trong nhân dân.

Nguyễn Tư Nghiêm – dòng chảy, mạch nối bất tận

Nguyễn Tư Nghiêm – dòng chảy, mạch nối bất tận

Sinh năm 1922 tại Nam Đàn, Nghệ An - mất năm 2016 tại Hà Nội… Cách duy nhất thầm thì để hiểu ông, thích tranh ông… nhận ra giá trị vượt thời gian - vượt tiến - cách tân - chốt vị thế định danh bậc thầy - những ý tưởng không chỉ chuẩn mực mà còn gây ảnh hưởng thống trị - thán phục - tạo động lực lan tỏa rộng - góp phần đa dạng hóa phương ngữ thị giác “ngôi nhà lớn” khó gi