Con lềnh đềnh (truyện ngắn)

Trên biển sóng đánh càng mạnh hơn, Hoan thấy một vật đen lao về phía mình, anh quờ tay vơ vội lấy vật đó, không ngờ nó là con lềnh đềnh cũng đang bị sóng đánh trôi. Anh ôm chặt lấy con chim trời, tì cằm vào lưng nó, cố ngoi lên khỏi mặt sóng để thở...

Hoan ngồi bên thềm nhà lau khẩu súng săn hai nòng bóng loáng, rồi chĩa súng lên trời ngắm thử. Vừa lúc ấy, đàn ngỗng trời từ phương Bắc bay về tránh cái rét khắc nghiệt vùng Bắc bán cầu. Anh thợ săn reo lên:

- Lềnh đềnh về nhiều lắm!

Anh gọi với xuống bếp bảo vợ anh thổi thêm ống gạo, nắm đôi ba nắm cơm để anh và con Misa ăn đến bữa trưa mai mới về. Bé Thoa vịn tay lên vai bố, nũng nịu hỏi:

- Bố ơi, tại sao con ngỗng trời bố lại gọi là con lềnh đềnh?

Hoan thơm vào má con bé một cái rồi đáp:

- Ở vùng biển quê mình vẫn gọi con ngỗng trời là con lềnh đềnh, nó bơi giỏi lắm. Những người đi biển bị gió bão cuốn trôi trên sóng, họ thường phải bám lấy con ngỗng trời làm phao bơi. Vì thế người ta gọi ngỗng trời là con lềnh đềnh.

Hoan lấy chiếc lưỡi cày cũ bằng gang, anh chặt ra từng mảnh nhỏ, sau đó chọn những mảnh bằng hạt ngô có cạnh sắc để nhồi vào trong vỏ đạn súng săn, làm đạn ghém bắn ngỗng trời, ở vùng làng chài Bạch Long này, Hoan nổi tiếng là tay xạ thủ bậc đàn anh. Có một lần ra đảo Cồn Mờ, đám thanh niên trồng sú vẹt thấy đàn ngỗng trời bay qua, một cô thách Hoan bắn trúng con bay hàng thứ ba. Hoan giương súng bóp cò, một tiếng nổ vang trên mặt đảo. Con thứ ba rơi xuống trên mặt đảo. Những con còn lại lượn một vòng, kêu lên những tiếng thảm thiết. Hoan chờ cho đàn lềnh đềnh chụm lại, anh liền nổ phát thứ hai, những con lềnh đềnh rơi lả tả trên mặt đảo. Hoan phanh ngực áo ngạo nghễ cười:

- Tôi không cần các cô thưởng cho tôi, mà tôi thưởng một nửa số chim bắn được cho các cô nếm vị ngon của đảo.

Mỗi lần đi bắn chim ở trên đảo Hoan đem ngỗng trời về cho vợ bán ở chợ Bể. Khách du lịch, cán bộ công tác vãng lai ghé vào chợ, mỗi người mua đôi ba con lềnh đềnh về làm quà. Các khách sạn và nhà hàng trên tỉnh, trên huyện thường về làng chài Bạch Long mua hết số lềnh đềnh bán ở chợ Bể để chế biến món đặc sản xôi nếp hấp thịt lềnh đềnh. Sau này họ tìm đến nhà Hoan ở xóm chài ven biển, đặt tiền trước, cất gọn cả mẻ lềnh đềnh.

Nói đến món đặc sản vùng biển, những ai đã một lần ăn dễ mấy khi quên. Người ta giết thịt lềnh đềnh, rồi lọc thịt ở hai lườn dưới cánh và thịt đùi, thịt ức của chim, sau đó băm hạt lựu rồi xào hành mỡ. Khi chõ xôi gần chín, người ta đổ thịt lềnh đềnh vào chõ và đun tiếp cho xôi chín. Lúc mở nắp chõ xôi, hương thơm của gạo nếp bắc quyện với mùi thơm của thịt lềnh đềnh, cả xóm ai cũng thấy ngon. Thịt lềnh đềnh nhiều nạc, ăn giòn, đậm đà, đánh đổ các món thịt thăn của lợn và cả trên tài thịt chó và thịt vịt.

Con lềnh đềnh (truyện ngắn) - 1

Minh họa Ngô Xuân Khôi

Hoan cặm cụi nhồi đạn súng săn, sau đó cài từng viên đạn vào thắt lưng da. Công việc cuối cùng mà anh không quên đó là đem theo chồng bẫy lềnh đềnh. Anh kiếm sống bằng nghề bắn chim trời đã quen, nổi tiếng khắp vùng gần xa. Bắn chim và bẫy chim thì người vùng biển này ai cũng tôn sùng anh lên tầm cỡ anh cả thợ săn. Con Misa quấn quýt quanh chủ nhà, nó sủa mấy tiếng báo tin có khách lạ. Bé Thoa từ ngoài ngõ chạy vào, hỏi bố:

- Bố ơi, có ông nào mặc áo vest, cổ thắt tấm vải xanh đỏ giống như mái chèo của bố, ông ấy đang đi vào nhà ta.

Hoan đứng bật dậy, xách súng và dây đạn chạy vụt vào buồng. Khách vào đến sân và bước thẳng vào gian giữa hắng giọng:

- Anh Hoan có nhà không nhỉ?

Bé Thoa lén chạy vào cửa buồng gọi to:

- Bố ơi, bảo họ bố đi vắng hay bảo bố ở nhà?

Hoan lúng túng bước ra, lấy tay dụi mắt như vừa tỉnh một cơn ngủ say, anh thân mật nói:

- A! Xin chào anh Tư. Hôm nay phó chủ tịch xã có việc gì đến thăm nhà tôm nhà tép đấy?

Tư cười:

- Tôi với anh cùng chung sư đoàn bộ binh với nhau, làm gì có rồng, có tôm tép. Hôm nay tôi đến nhắc anh lần cuối cùng trên huyện yêu cầu xã ta ngừng hẳn việc săn bắn chim ở đảo Cồn Mờ. Anh biết đấy, huyện ta đã tham gia công ước RamSar, bảo vệ sân chim quý hiếm trên đảo Cồn Mờ. Huyện đã nhắc nhiều lần mà xã mình vẫn vi phạm. Hôm nay tôi đến nhắc anh lần cuối bỏ hẳn nghề săn chim đi. Anh nên trở lại nghề chài lưới, tôi nghĩ là anh chị vẫn sống tốt.

Hoan ngửa cổ gượng cười:

- Xin anh cứ vô tư, vụ đông này ngỗng trời bay về nhiều lắm, mà tôi vẫn đang bó gối ngồi đây, chứng tỏ tôi có vi phạm gì đâu.

Tư nắm tay Hoan mỉm cười:

- Thế thì tốt quá, anh làm tôi nhẹ mình đấy.

Sau bữa cơm sáng, Hoan bắt tay vào việc chuẩn bị chuyến ra đảo chim hoang dã. Tất cả những phương tiện nghề nghiệp mang theo súng săn, bẫy chim, anh đã xếp gọn dưới thuyền. Liên, vợ Hoan đem xuống thuyền cho chồng túi cơm nắm, gói thịt lợn rang, hai chai nước ngọt, bật lửa ga và cái điếu cày. Hoan vừa bước chân lên thuyền, con Misa nhảy tót lên mũi thuyền, nó khịt khịt như đánh hơi thấy mùi tanh của cá biển và mùi hôi của đàn chim lềnh đềnh. Anh giương buồm, hướng thẳng về phía đảo mà cưỡi sóng lao tới.

Mùa đông, mây xám nham nhở như tấm lưới cũ rách nát căng ngang đầu. Gió bấc thổi mạnh, sóng biển tung bọt trắng xóa từng đợt, từng đợt. Sóng nối đuôi nhau như con rồng trắng, liên tiếp xô vào bãi cát ven đảo. Có lẽ người xưa dựa vào hình ảnh những con rồng trắng ấy mà đặt tên cho làng chài này là làng Bạch Long. Thuyền ghếch mũi vào phía Bắc đảo, từ đây đã nghe thấy tiếng chim trời họp đàn kêu váng tai và mùi hôi của chim phả vào mũi khó chịu.

Sau khi neo thuyền vào một cây vẹt to nhất, Hoan ôm chồng bẫy chim đi về phía Nam đảo, con Misa chạy tung tăng theo sau, nó hí hửng chờ đợi những giây phút được ngoạm cổ con chim biển, đem về cho chủ. Công việc đặt bẫy chim ở phía Nam đảo vừa xong thì trời đã xế chiều. Hoan quay trở lại phía Bắc đảo, chờ đàn lềnh đềnh bay về họp đàn. Anh bật lửa rít liền một lúc ba điếu thuốc lào cho tỉnh táo và ngửa cổ nhìn bốn phương đợi những “quý khách” lềnh đềnh.

Trời đã chạng vạng tối mà chưa thấy một đàn lềnh đềnh nào bay về. Hoan thầm nghĩ: "Có lẽ thời tiết thay đổi bọn này không bay về nữa". Sau đó, Hoan dẫn con Misa về phía Nam đảo, anh hy vọng ở đấy sẽ có những con lềnh đềnh đang bị mắc bẫy. Dù ít dù nhiều cũng kiếm được dăm chục con để thanh toán hợp đồng với khách sạn Hoa Vàng ở trên tỉnh, họ sẽ về cất hàng vào sáng mai.

Khi đến bãi lầy phía Nam đảo, ở đấy cũng có mươi con lềnh đềnh đang kiếm ăn trên đầm. Sau một hồi chờ khá lâu, đêm trên đảo trời đen kịt, mây xám ùn ùn và xơ xác như đống lưới bị xé nát. Sóng biển ngày càng đổ mạnh hơn. Tiếng sóng rầm rầm nghe váng tai, nước dâng cao trên mặt đảo. Hoan bật lên tiếng kêu: "Nguy rồi! Thảo nào bọn lềnh đềnh không bay về nữa". Anh xách súng và dẫn con Misa bỏ lại bãi bẫy chim trên đảo, chạy vội về phía neo thuyền để quay về làng chài, nhưng một đợt sóng dựng cao lừng lững rồi đổ sập xuống tạo thành một vực sóng đen ngòm đáng sợ. Anh gọi to:

- Misa đâu rồi?

Tiếng con Misa kêu lên phía xa rồi yếu dần. Nó đã bị sóng cuốn đi từ lúc nào. Lại một đợt sóng nữa dựng cao như một tòa nhà lớn, đen ngòm từ ngoài biển đổ về phía đảo. Hoan hốt hoảng kêu lên: "Sóng thần!".

Anh thợ săn ôm chặt lấy bụi vẹt để chống lại sóng dữ, Hoan tuột tay khỏi bụi vẹt, bị sóng lôi giật ra xa. Miệng anh mặn chát nước biển, mắt nổi hoa, không biết mình đang ở nơi nào. Từng đợt sóng nâng anh lên, đập anh xuống rồi lôi Hoan ra ngoài khơi. Trên biển sóng đánh càng mạnh hơn, Hoan thấy một vật đen lao về phía mình, anh quờ tay vơ vội lấy vật đó, không ngờ nó là con lềnh đềnh cũng đang bị sóng đánh trôi. Anh ôm chặt lấy con chim trời, tì cằm vào lưng nó, cố ngoi lên khỏi mặt sóng để thở.

Vào lúc mờ sáng hôm sau, biển đã êm dần, Hoan thấy con lềnh đềnh trong vòng tay của mình, nó vẫn nghển cổ, đạp chân bơi trên sóng, nhưng tiếc rằng nó không bơi xa được vì đôi chân của nó bị vướng dây cạm bẫy của Hoan. Miệng anh mặn chát nước biển, anh thợ săn chỉ còn cách bám chặt lấy con ngỗng trời đề đợi vận may sẽ có thuyền đến cứu.

Biển trở lại êm ả, có một chiếc thuyền của dân chài đi tìm những nạn nhân bị sóng cuốn đi. Họ vớt Hoan lên thuyền. Hoan nhận ra người đã vớt mình là anh Tư. Hoan cố sức leo được lên thuyền, nằm vật trên sạp thở dốc:

- Anh Tư đấy à? Anh làm ơn vớt con lềnh đềnh cho tôi.

Giữa biển sâu Tư nhảy xuống, nhoai mình trên sóng giơ sải tay nắm lấy con lềnh đềnh đang trôi nổi.

Thuyền quay mũi về làng chài. Hoan ôm con lềnh đềnh vào lòng, anh nhìn nó với một vẻ xót xa. Con chim trời to kềnh càng vươn cổ dài, mắt tinh nhanh. Dáng hình nó không khác gì con ngỗng nuôi trong nhà, nhưng thân nó to hơn nhiều. Tư gỡ vội sợi dây ni lông quấn ở chân con ngỗng trời rồi quay về phía Hoan và hỏi:

- Dây này là bẫy chim của anh có phải không?

Mặt Hoan tái nhợt, mắt đỏ ngầu. Anh nhìn con lềnh đềnh mà lòng trộn trạo, một cảm xúc ập đến làm anh ân hận vì dàn bẫy chim của mình bao năm qua mà biết bao con ngỗng trời đã bị giết hại. Thuyền ghé vào đất làng chài. Anh Tư vòng tay trái ôm con ngỗng trời, còn tay phải anh xốc nách đỡ cho Hoan lên bờ trở về nhà.

Chị Liên vừa thuốc thang cho chồng phục hồi sức khỏe, vừa trông nom con lềnh đềnh buộc ở ngoài cầu ao. Ngày ngày chị thả vó trong ao, cất những con cá chép non để bón cho lềnh đềnh ăn. Ban đêm, chị đem nó vào trong nhà. Đến bữa hàng ngày chị nắm những nắm cơm nhỏ bón cho lềnh đềnh ăn. Ít ngày sau Hoan đã phục hồi sức khỏe. Ngày ngày bé Thoa trò chuyện với lềnh đềnh, lấy tay xoa cánh, vuốt cổ con chim trời và khen:

- Mày giỏi quá, bão to như thế mà mày cứu được bố tao thoát chết. Bố mẹ tao quý mày lắm,...

Một ngày cuối năm, Chị Liên làm một mâm cúng đơn sơ, chỉ có một bát ô tô đầy nước trong và thả một con cá sống vào trong bát để thắp nén nhang cúng trời đất, ơn làng xã và ơn con lềnh đềnh đã cứu chồng chị thoát nạn. Lễ cúng kết thúc nhanh chóng, Hoan ôm con lềnh đềnh xuống thuyền, anh đem tất cả gói thuốc súng, gói đạn và khẩu súng mang xuống thuyền.

Vợ Hoan sửng sốt hỏi:

- Lại còn bắn chim nữa cơ à?

Hoan xua tay:

- Không bao giờ anh muốn nhìn những thứ này nữa.

Sáng sớm hôm ấy, trời yên bể lặng, chim từ phương Bắc bay về đảo, có đủ loài ngỗng trời, chim mỏ thìa, sếu đầu đỏ và các loài chim khác bay lượn hót vang trời. Riêng sếu đầu đỏ người phương Bắc xa xôi họ có truyện đồn rằng nếu những ai đã một lần nhìn thấy sếu đầu đỏ bay qua thì người đó sẽ trọn đời sinh sống được may mắn, thành đạt, nhiều công việc tốt đẹp. Trên mặt đảo, chim họp chợ trời, ăn mồi rào rào.

Thuyền của Hoan ghé vào đảo, anh ôm con lềnh đềnh, nhẹ tay thả xuống mặt biển và khẽ nói với giọng thương nhớ:

- Mùa rét năm sau, mày nhớ bay về đây ăn no tôm cá đảo Cồn Mờ nhé.

Hoan từ từ buông tay ra, con lềnh đềnh ngơ ngác nhìn đảo, sau đó nó kêu lên một tiếng nhẹ nhàng rồi vỗ cánh, nâng mình lên và lượn một vòng quanh đảo như lưu luyến. Hoan lặng người, nhìn theo vị ân nhân nhà trời giang rộng đôi cánh bay lượn, họp đàn.

Anh xuống thuyền ôm khẩu súng, túi đạn và thuốc súng định ném xuống biển, nhưng rồi anh nhớ ra một điều gì, anh vội ngừng lại và đặt những thứ trên tay xuống sạp thuyền. Lúc này, Hoan chợt nhớ ra một lần trước khi bão về, anh Tư đến nhà Hoan căn dặn Hoan khi nào giao nộp vũ khí cho xã, Hoan phải ký vào biên bản tự nguyện giao nộp vũ khí và từ bỏ săn bắn và bẫy chim hoang dã.

Lúc này anh nhớ ra là sáng thứ hai đầu tuần, ngày này là ngày ủy ban bắt đầu mở cửa làm việc,... Hoan vội vã xuống thuyền nhổ neo, quay mũi thuyền hướng về đất liền, cánh buồm ưỡn ngực, no gió, ngạo nghễ cưỡi sóng. Hoan hứng khởi cầm mái chèo, đứng choãi chân và bấm ngón chân bám vào sạp thuyền. Toàn thân anh vươn theo nhịp tay chèo thoăn thoắt, uyển chuyển như một vũ điệu đặc sắc trong nghề đi biển và sông nước. Sức mạnh của tay chèo trợ lực thêm sức mạnh của cánh buồm no gió, con thuyền lướt nhanh về phía làng chài.

Hải trình từ đảo chim về làng chài không xa là bao, thuyền của Hoan ghé mũi vào bến cảng. Sáng sớm, những con tàu đánh cá của xã viên đi khơi dài ngày trở về đang áp mạn vào bến, bốc những mẻ cá đại dương tươi lành. Khách hàng gần xa nhao nhao cất mẻ cá đầu ngày để đem bán các chợ xa. Những nhà hàng hai bên phố cảng bung cửa, đón khách ra vào. Các quán nhạc karaoke bật đèn màu lấp lánh và nổi nhạc sập sình, nhún nhảy, đu đưa. Toàn cảnh không gian phố biển ồn ào, phức hợp những âm thanh hắt lên nền trời ban mai. Các đôi vợ chồng ngỗng, sếu, hạc,... đã no mồi từ ngoài đảo chim, chúng bay lượn trên nền trời phố cảng và cất những tiếng hót xa lạ từ phương Bắc đem về phố cảng. Toàn cảnh Cồn Mờ hòa trộn những âm thanh tự nhiên, tạo thành bản giao hưởng sinh động chỉ có Cồn Mờ mới có được.

Hoan gác mái chèo, neo thuyền, sau đó ôm các túi đồ nghề săn bắn và bẫy chim, sải bước trên đường phố biển ẩm ướt, mặn mòi và bốc mùi tôm cá tươi lành. Vài khách quen biết Hoan, họ vẫy tay gọi to hỏi mua chim biển. Hoan xua tay, mỉm cười thân thiện:

- Bỏ rồi... Tôi đã bỏ nghề ấy rồi!

                                                                                                         

Truyện ngắn Lưu Tuấn Hùng

Nữ thần mùa thu (truyện ngắn)
Nữ thần mùa thu (truyện ngắn)

Vào một ngày lạnh giá cuối năm, Đức Phổ cắn ngón tay viết một bức thư bằng máu gửi lên thủ trưởng đơn vị cũ của...

Tin liên quan

Tin mới nhất