Đại ngàn Tây Nguyên trong tiểu thuyết của nhà văn Đặng Bá Canh

“Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”. Trong tiểu thuyết “Gió rừng thăm thẳm” của nhà văn Đặng Bá Canh, rừng không chỉ là bối cảnh của tác phẩm xuyên suốt trục thời gian - không gian tồn tại của con người, nơi các nhân vật có cái ăn cái ở; rừng còn là bản thân cuộc sống, là văn hóa, là tình yêu và bao ưu tư, trăn trở, lo lắng, xót xa của người viết.

Tây Nguyên và nhà văn Đặng Bá Canh

Tây Nguyên - vùng cao nguyên đất đỏ, nơi của đại ngàn rừng xanh núi thẳm quanh năm bạt ngàn gió và nắng; nơi con người sống cùng rừng, gắn bó với rừng, hòa vào rừng; nơi có cao nguyên M’Nông là bối cảnh chính của tiểu thuyết Gió rừng thăm thẳm. 

Nhà văn Đặng Bá Canh hiện là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đăk Nông, hội viên Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Anh đã có 20 năm sống, làm việc và viết tại Đăk Nông. Có thể nói, Đặng Bá Canh đã gắn bó máu thịt với nơi đây. Rừng Tây Nguyên vừa là vùng thẩm mỹ quen thuộc của ba tập truyện ngắn và một tập tiểu thuyết, vừa là sở trường của tác giả.

Tiểu thuyết Gió rừng thăm thẳm là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Đặng Bá Canh. Ở tác phẩm này, người đọc có thể thấy được những mặt mạnh của một cây bút đầy nội lực về vùng văn hóa Tây Nguyên.

Đại ngàn Tây Nguyên trong tiểu thuyết của nhà văn Đặng Bá Canh - 1

Tiểu thuyết "Gió rừng thăm thẳm" là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Đặng Bá Canh.

Một đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, màu mỡ phì nhiêu và tươi đẹp

Tên tác phẩm là Gió rừng thăm thẳm nhưng tiểu thuyết này không chỉ viết về “gió rừng”, bởi phía sau nó là cả đại ngàn Tây Nguyên, là con người Tây Nguyên trong “văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên”. Đó là những vấn đề chính đặt ra trong tác phẩm. 

Rừng Tây Nguyên trước hết có “gió”. Đã có nhiều chỗ tác giả miêu tả về gió trên cao nguyên. Có lúc gió dữ dội, hung hãn như ở đèo Gió: “Những con dốc uốn lượn, hoang vắng trong gió chiều. Gió rin rít táp vào mặt người đi đường… Gió tràn qua rừng ngàn về bị con đèo này chặn lại nên gió ở đây hay gầm rú, thét gào. Gió cuộn thổi thông thốc, cuốn phăng bất cứ vật cản nào trên đường. Nhiều người đi xe máy đã bị gió bốc lên ném ào xuống vực chết tức tưởi”. Nhưng có lúc gió lại hiền hòa, đó là ở đoạn cuối tác phẩm khi mọi biến cố qua đi: “Nắng dần rải ánh vàng lên khắp đại ngàn gió tràn thăm thẳm”. “Gió” đã góp phần làm nên cái hùng vĩ đến rợn ngợp của đại ngàn Tây Nguyên.

Theo chân các nhân vật, ta còn thấy một Tây Nguyên thật hùng vĩ và bí ẩn với địa hình địa chất độc đáo, với cảnh sắc tươi đẹp và một hệ động, thực vật phong phú.

Cái làm nên đại ngàn Tây Nguyên là những “con dốc uốn lượn”, là “đại ngàn cổ thụ”- lá phổi xanh cho môi trường sống của hàng triệu con người. Ở đây có “những hàng thông to xù xì, rụng những tán lá trải thành một lớp thảm mục lót lối đi mềm  mượt”; có những tàng cây râm mát, những trảng rộng mênh mông với những bông cỏ bông lau như những vầng mây trắng. Rồi những mặt hồ chạy dài, những con thác bọt tung trắng xóa, những con suối đầy cá… Đặc biệt, trên đỉnh trời Nâm Bla có những cây du sam khổng lồ phải đến sáu, bẩy người ôm vươn mình lên như chọc thủng cả bầu trời cao rộng, không phải chỉ vài ba chục cây mà cả một quần thể. 

Mùa mưa ở Tây Nguyên, vạn vật như được hồi sinh, bắt đầu từ cỏ: “Chỉ sau mấy hôm lắc rắc vài trận mưa, cỏ tranh, cỏ đuôi chồn và cả cỏ xuyến chi mọc nhanh đến chóng mặt. Mưa đến, cỏ ngút ngàn trải thành tấm thảm xanh, tận đỉnh đồi ngun ngút gió…”. Những đoạn văn tả cỏ của người viết thật đẹp, chan chứa chất thơ.

Những thảm cỏ xanh mướt ấy đã để cho nhân vật Ma Rút “thanh thản gối đầu lên nhìn trời”, còn nữ nhân vật Nhàn - một người chịu bao khổ đau của số phận “ngồi xuống thảm cỏ, xõa tay, buông người nằm xuống, ngước nhìn trời…”. Thật là “Thiên - Địa - Nhân hợp nhất”, con người tồn tại chan hòa cùng trời đất trong vũ trụ thật bình yên. Thiên nhiên đã rửa sạch tâm hồn những nhân vật trong tiểu thuyết của Đặng Bá Canh.

Nhưng ở vùng đất cao nguyên điệp trùng thăm thẳm gió này rừng không hoàn toàn chỉ là vật chất, là tài nguyên, là hệ sinh thái; rừng còn là tâm linh, là cội nguồn văn hóa ở nơi đây. Đó là những khu rừng thiêng của bon làng ở tận rừng sâu “nơi đó có những gốc dầu gió, cà te hay nghiến phải hàng chục đứa con nít trong làng ôm mới xuể. Những vạt rừng cổ thụ rủ bóng xuống cái nghĩa địa bon làng ru giấc ngàn thu yên tĩnh cho người đã khuất”.

Rừng Tây Nguyên không chỉ là đại ngàn cổ thụ mà còn là muông thú, là cả thế giới của động vật hoang dã: có những con sóc chuyền cành thoăn thoắt mút trái cây tít trên ngọn cao, những con gà le te cất tiếng gáy trong bụi mây gai giăng tua tủa, những bầy sẻ rừng gọi nhau xây tổ líu ríu, những con chích chòe lửa và lũ cu gáy thi nhau hót, rồi bầy cú  “cù rúc… cù rúc…” lúc xa lúc gần. Náo nức nhất là mùa giao hoan của thú rừng. Đó là mùa trăng, mùa động dục của lũ thú - cái mùa mọi loài thú vật sinh sôi nảy nở.

Rừng Tây Nguyên với vẻ đẹp kì vĩ và giàu có ấy đã được miêu tả bằng tất cả sự hiểu biết, trải nghiệm phong phú và tâm hồn tình cảm của người viết

Một đại ngàn Tây Nguyên dưới bàn tay “khai thác” của con người

Nhưng đại ngàn Tây Nguyên đã và đang biến mất.

Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị đóng cửa rừng. Cửa rừng đã đóng chặt, dọc tuyến vành đai có đến bốn trạm gác của kiểm lâm và tám chốt tuần tra của lực lượng bảo vệ rừng phòng hộ, vậy mà rừng vẫn bị khai thác gỗ và làm rẫy. Những dân di cư tự do lấn chiếm rừng rào rào, thi nhau đốt rừng:“những thân cây to cả người ôm, lửa liếm dọc thân cháy xém, khói ngùn ngụt thốc lên trời xanh”, “những ngọn lửa đỏ bầm tựa máu loang ra cả đám rừng, rồi dát lên quầng mây một màu vàng tê tái”, “từng vạt cây bằng bắp chân bị phạt ngang gốc chất đống chờ mồi lửa, chỉ còn hoe hoắt mấy bụi sim , bụi mua lè tè…”. Hậu quả là “rừng bị gọt trọc lóc và đất rừng mau bạc màu, chỉ còn những rừng nghèo, rừng kiệt”.

Lâm tặc phá rừng còn khủng khiếp hơn, không còn cái gì trong rừng mà bọn lâm tặc không dám làm. Giờ đây rừng phòng hộ cũng trở nên tan hoang. Lâm tặc ngang nhiên mở đường, chặt gỗ ào ào không thương tiếc. Tiếng cưa xăng rền vang, tiếng cây gãy đổ ầm ào trong gió; tiếng công nông, xe máy và cả tiếng gọi nhau, tất cả như một đại công trường khai thác gỗ. Máu rừng vẫn chảy ào ạt, những khu rừng nguyên sinh bị phá tan hoang. Ở trang 220 tác giả còn miêu tả quần thể du sam trên đỉnh Đăk Nting trong nhóm có nguy cơ bị đe dọa tiệt chủng được bảo vệ chặt chẽ, thế mà còn bị triệt hạ “loang lổ những vệt nhựa du sam ứa tràn ra trên thảm lá mục đỏ quành quạch. Những ngọn du sam ngổn ngang khắp mọi ngóc ngách rừng, từng lóng gỗ khoảng một người ôm nằm chỏng chơ bên suối”. Rồi những khu rừng thiêng có nguy cơ bị phá tan tành do giao cho những doanh nghiệp sắp phá sản quản lý, “khi đó không biết vong hồn bao lớp người có được Yàng che chở hay không?”

Khai thác, tàn phá rừng đến mức độ hủy diệt là tội ác không thể biện minh, là bắt đầu thảm họa. Rừng Tây Nguyên đang biến mất đồng nghĩa với cộng đồng đang mất đi cái nền rộng lớn, bền chặt, thẳm sâu nhất. Đặng Bá Canh đã miêu tả một cách ấn tượng, buốt nhói nhất những điều đó với nỗi đau có thể cảm nhận được bằng thân thể.

Con người đằng sau bức tranh đại ngàn Tây Nguyên

Ở tiểu thuyết Gió rừng thăm thẳm có bao nhiêu nhân vật là bấy nhiêu cuộc đời và số phận khác nhau, với những con đường công danh sự nghiệp, với những góc khuất nhiều bi kịch. Sống giữa rừng, trong mối quan hệ ứng xử với rừng mỗi người có một cách khác nhau.

Những kẻ phá rừng. “Đó là những kẻ bằng quyền lực và tiền bạc, sự tham lam lưu manh và lọc lõi đã trục lợi, bẻ cong các chủ trương chính sách khi thực thi, để ra sức vơ vét , làm giàu và tiến thân từ của cải rừng, biến những cánh rừng nguyên sinh trở nên hoang tàn, tan nát. Tất cả chỉ để thỏa mãn lòng tham vô độ”. 

Tiêu biểu cho loại người đó là  quan tham Hoàng Văn Bá và thuộc hạ của ông ta. Từ mấy mươi năm làm lãnh đạo xã, qua kiểm lâm, rồi đứng đầu huyện làm bí thư huyện ủy “lão luôn sẵn kế hoạch và mưu lược. Chính cái mưu lược khôn ngoan lọc lõi cộng với những may mắn đã đưa lão lên những nấc thang quyền lực ở cái huyện biên giới này”. Cũng như những quan tham khác, lão dùng mọi thủ đoạn để kiếm chác trong đó có “ăn đất”. Báo chí đã phanh phui chuyện “đất rừng gần hai chục héc ta biến thành đất nhà” của nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND huyện.

Rồi lực lượng kiểm lâm, tuần tra bảo vệ rừng, không ít người trong số họ đã vì tiền mà dung túng, làm ngơ, thậm chí tiếp tay đồng lõa với lâm tặc.

Rồi những kẻ như Trương Râu, từ giám đốc xưởng cưa đến trùm gỗ lậu, trùm của trùm lâm tặc, đại gia gỗ xứ cao nguyên, coi “rừng chỉ là tiền”, “tiền bạc là đấy, giàu sang là đấy chứ đâu”. Tiền làm họ “háo hức đến mê say”. Của cải của Trương Râu “ăn đến ba đời vẫn chưa hết”, thế mà vẫn chưa chịu “rửa tay gác khiếm”, dẫu anh ta biết rằng sẽ phải trả giá vì “của rừng rưng rưng nước mắt ai mà ăn được mãi”. Thuộc hạ, đồ đệ của Trương Râu sau này đứng trước tòa cũng toàn là những kẻ có tội “khai thác gỗ và lâm sản trái phép”.

Đáng buồn hơn cả là những người dân di cư tự do. Vì mưu sinh, họ “lùi lũi như bầy thú kiếm ăn trong rừng”. Họ đã đốt rừng làm nương rẫy; phá rừng đến đâu là chọc lỗ trỉa hạt, dựng lán làm nhà đến đó. Chính họ là thủ phạm của những khu rừng phòng hộ ngoài bìa là rừng trong là rẫy, những khu rừng bị gọt trọc lóc; họ đã “quấy nhiễu, làm náo động và gây chết chóc cho những cánh rừng già”.

Khi viết về những nhân vật phá rừng, ngòi bút của Đặng Bá Canh không giấu nổi sự căm giận và cả nỗi buồn thấm thía.

Nhưng, cũng ở nơi miền cao nguyên này vẫn còn có những con người với khát vọng và nhân cách của mình, họ đã và đang dám nói lên tiếng nói của lương tri, trách nhiệm để khẩn thiết bảo vệ rừng, bảo vệ những gì thuộc về hệ sinh thái. Đó là những người trong Ban quản lý rừng cộng đồng. Họ sinh ra từ rừng, hiểu rừng, yêu rừng, ăn ngủ cùng rừng, coi rừng “là một phần máu thịt” của mình, là “cái mạch nguồn tổ tiên ông cha”. Họ luôn có ý thức hành động bảo vệ rừng và đã có những quy chế bảo vệ rừng. Tiêu biểu cho những người giữ rừng ấy là ông già Ma Rút người dân tộc M’Nông.

Bảo vệ rừng còn là những người của giới truyền thông mà tiêu biểu là nhà báo Cao Tâm. Bằng những bài báo của mình, người phóng viên thường trú của tờ Công Luận ấy đã dám nói lên tiếng nói của lương tri, trách nhiệm của người cầm bút, dẫu anh cũng phải đối mặt với những cám dỗ đời thường, những éo le của số phận. 

Những người bảo vệ rừng ấy đã đang và sẽ lấy lại màu xanh cho rừng. Những trang viết về họ thực sự tươi sáng ấm áp, gieo niềm tin và hy vọng cho độc giả.

Khi viết những dòng cuối cùng này, tôi chợt nhớ đến câu nói của nhà văn Séc vĩ đại - Franz Kafka (1883-1924): “Bản chất của sự sinh tồn là nỗi bất an”. Một nỗi  bất an và tiếc thương tràn ngập trong lòng khi phải chấp nhận một thực trạng chung là hiện nay rừng Tây Nguyên đang mất dần. Những khu rừng thường không còn dáng vẻ thâm u của nó. Rừng đang bị khai thác và xâm hại không theo quy luật khai thác và bảo vệ, nó mang tính phá hoại, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống và sự sinh tồn của cộng đồng. 

Phải chăng từ cuốn tiểu thuyết tâm huyết của mình, thông điệp của nhà văn Đặng Bá Canh gửi đến độc giả là: Hãy bảo vệ rừng, hãy chung sống hài hòa với rừng, hãy khôi phục lại đất rừng, khôi phục lại những cánh rừng đã mất; bởi nếu không cộng đồng Tây Nguyên sẽ vĩnh viễn mất đi cái không gian sống, không gian văn hóa làng - rừng của mình.   

Nguyễn Thị Lan

Tin liên quan

Tin mới nhất