Hoa anh đào nở muộn
Anh Minh bạn học với tôi từ hồi cấp II ở Hà Nội, đến nay cả hai đều đã nghỉ hưu, tuy vậy anh em vẫn đi lại chơi bời như thời đánh đinh đánh đáo. Con gái Minh tên là Hân, học xong đại học tiếng Nhật là cháu lấy chồng luôn, chồng là một kỹ sư người Nhật sang làm cho một công ty dâu tằm tơ ở Việt Nam. Anh chồng hết hai nhiệm kỳ 8 năm, liền cuốn hết gia đình vợ và 2 con về nước. Minh thở dài bảo tôi: “Thế là trơ thần cụ ra hai ông bà già!”. Từ đấy nhiều độ hoa đào đi qua, khi thì mùa hè, lúc lại mùa đông, vợ chồng bạn tôi thay nhau sang Nhật giúp đỡ con cháu, và cũng là để tự giúp mình trong những cơn sầu muộn trống vắng, Minh tâm sự thế.
Dịp mùng 2 tháng 9 năm ngoái, Minh đến chơi nhà tôi cho biết: “Tết này tôi phải sang gác đền bên ấy, phụ giúp cho bà xã trông nom lũ nhỏ, bởi sau Tết hai vợ chồng nó đều phải đi công tác xa. Chúng tôi muốn mời hai ông bà cùng đi một chuyến. Ông thì được du lịch Nhật chụp ảnh mệt nghỉ, còn tôi thì có bạn đỡ buồn, hai bà ấy có dịp đi vãn cảnh chùa xứ Phù Tang. Như thế là cả bốn chúng ta ai cũng đều có lợi!”.
Tôi như mở cờ trong bụng. Đi Nhật! Trong những lúc thăng hoa bốc đồng tưởng tượng về một điều ước nào đấy, có bao giờ tôi dám nghĩ tới điều này? Chỉ riêng chi phí đi lại và ăn ở tại cái xứ được mệnh danh là đắt nhất thế giới này, nghĩ đến đã thấy đoản hơi ngạt thở!
Đoán ra tâm trạng tôi, Minh diễn giải: “Lần này đi ông bà không phải lo gì hết, chỉ chiếc va ly quần áo là xong. Vé máy bay giá rẻ đi về con tôi tầm trên mạng rất giỏi, sẽ miễn phí cả hai. Ăn uống bọn già chúng mình đâu thành vấn đề, có sushi ăn sushi, có sake uống sake, cái đó bà xã tôi lo hơi bị giỏi. Đi lại bên ấy đã có xe nhà, chẳng mất đi đâu xu nào!”.
Hoa anh đào nở muộn. Ảnh Nguyễn Đắc Như
Tôi đưa ra những điều phân vân này nọ, Minh đều giải thích đâu vào đấy. Có vẻ như thấy tôi chưa thông lắm, anh liền nổi khùng: “Ông đừng tưởng là tôi có ý định trả ơn về những ân oán thuở hàn vi đâu nhé. Chẳng qua là giờ đây tôi có tiền, tôi khá giả nên muốn mua vui một chút. Giải thích thế được chưa nào!?”. Biết và hiểu lòng thành của bạn đã được chứng thực qua mấy chục năm, tôi gật đầu nhận lời…
11 giờ trưa hôm đó, máy bay hạ cánh xuống sân bay quốc tế Narita ngoại ô Tokyo. Một chiếc xe con đón sẵn ngoài cửa, lái xe chính là Takaraki, con rể của Minh. “Con chào bố, cháu chào hai bác, bố và các bác đi đường khỏe mạnh không ạ?”. Tám năm làm việc ở Việt Nam, vợ lại là người Việt nên Taka nói tiếng Việt khá sõi.
Từ sân bay về nhà đường dài trên trăm cây số. Đường một chiều thẳng băng, gặp sông vượt cầu, gặp núi cao chui hầm, gặp núi thấp đường xẻ ta luy ốp đá, qua khu dân cư có hàng rào tấm nhựa cách âm cao như bức trường thành. Tiếng ồn còn nhốt được thì làm sao có chuyện người đi bộ lọt lưới chạy ngang đường! Hơn một giờ xe chạy, kim đồng hồ chỉ thấy nhún nhẩy quanh con số 100, chưa một lần thấy xe phải dừng lại trước một ngã tư, bởi các tuyến đường ngang đều vượt trên đầu hoặc chui ngầm dưới đất.
Ngồi trong xe ấm nhưng tôi vẫn cảm thấy cái lạnh bên ngoài. Bầu trời một màu xám đục, không gian mở ra như một bức tranh thủy mặc khổ lớn. Mặt đường đoạn khô đoạn ướt, từng đám tuyết mỏng, những rặng cây trơ cành trụi lá cứ vun vút lướt qua.
“Hoa anh đào đấy bác ạ!” - Takaraki giới thiệu rồi giải thích, hoa anh đào Nhật với hoa đào Việt là cùng một giống, nhưng sinh trưởng trên vùng đất khô cằn lạnh giá nên anh đào Nhật bao giờ cũng nở muộn hơn đào Việt đến hai tháng. Một nỗi tiếc nuối lướt qua, như thế là mình không được thấy cảnh hoa anh đào nở mất rồi!
Hoa anh đào nở muộn xứ Phù Tang. Ảnh: Nguyễn Đắc Như
Đến một nút giao thông vòng xoắn nhiều tầng, thấy xa xa phía trước là một thành phố lớn mờ mờ trải dài với những tòa nhà chọc trời nhấp nhô và một cái tháp cao vút. Taka lại giới thiệu đó là Tokyo Sky Tree, tháp truyền hình cao 634 mét của thủ đô, cao thứ nhì thế giới khi ấy. Xe không đi về phía đó mà tách về hướng khác để trở về nhà.
Vợ chồng Takaraki đều làm việc ở Tokyo nhưng lại sống trong một khu dân cư, đúng hơn là một cái làng cách Tokyo 60km xung quanh là đồng ruộng mênh mông, mà vào mùa này chỉ thấy một màu đất nâu thẫm và từng đám tuyết trắng phủ dầy. Từ đường quốc lộ, một con đường nhựa cỡ hai xe tránh nhau dẫn vào làng. Hai bên vệ đường nối tiếp là các căn hộ gia đình. Đường xá, nhà cửa ngay ngắn sạch đẹp như có ai vừa quét dọn xong.
Xe chạy chậm dần rồi rẽ vào một cái cổng có mái, hai cánh gỗ thấp ngang vai đã mở sẵn, xe dừng lại trên một khoảng sân rộng. Chị Vân - vợ Minh chạy ra đón. Minh hỏi con gái và các cháu thì Vân cho biết con đi làm tối mới về, hai cháu đi học cũng phải chiều muộn. Tôi hỏi hôm nay mồng hai Tết cũng phải đi làm? Vân bảo Tết âm lịch bên này bỏ lâu rồi, những ngày này mọi công việc làm ăn sinh hoạt học hành tất tật vẫn như ngày thường.
Sau này tìm hiểu tôi còn biết thêm, ở Nhật bây giờ Tết âm lịch cổ truyền chỉ còn tồn tại trong ký ức, mọi nghi lễ đón xuân, nghỉ Tết, bắn pháo hoa, hội hè, ăn uống, chơi bời, thăm viếng đều đã chuyển hết sang Noel và tết dương lịch 1/1 không khác gì châu Âu. Không hoa anh đào, nay lại không Tết nguyên đán! Những cảm xúc phơi phới ban đầu về chuyến Đông du đã rơi rụng trong tôi phần nào.
Đường cao tốc trên cao nhiều tầng trải dài khắp nước Nhật. Ảnh: Nguyễn Đắc Như
Ngồi uống trà được một lúc thì Taka xin phép đi làm. Trước khi đi cháu còn thống nhất lại với bố vợ lịch trình đưa vợ chồng tôi đi thăm Tokyo và những vùng lân cận trong những ngày tiếp theo.
Cả ngày hôm sau, Taka dẫn chúng tôi lang thang trong nội thành, đi được khối nơi. Tokyo nghe nói to lớn lắm nhưng tôi cũng không dám nhận xét về điều định lượng ấy, bởi như anh thầy bói mới chỉ sờ được mẩu đuôi sao dám hoạt ngôn tả về hình dáng con voi này. Taka bảo Tokyo nội thành bây giờ là 20 triệu dân, gấp ba lần Sài Gòn, và gấp bốn Hà Nội. Chỉ ngần ấy thôi cũng đủ hình dung nó lớn biết nhường nào.
Chúng tôi tới thăm khu thương mại vui chơi giải trí và mua sắm lớn nhất thủ đô mang tên Khu phố Ginza với những tòa nhà cao vút lộng lẫy kính chớp và không biết cơ man nào những biển quảng cáo tấm lớn rợp trời. Các thương hiệu lừng danh thế giới của Nhật Bản: Sony, Hitachi, Nipon, Honda, Toyota, Canon… ngạo nghễ vươn lên bên cạnh các thương hiệu quốc tế hàng đầu Rolex, Mercedes, Samsung, Intel, Siemen… Có cảm tưởng nơi đây đã là nơi hẹn gặp, là đấu trường thể hiện sức mạnh của các ông lớn bốn phương trong thời thế giới phẳng, mà Tokyo đồng thuận được chọn là nhà cái của những trận tỉ thí vô tiền khoáng hậu thì phải?
Từ khu trung tâm thương mại tạt sang khu tâm linh hội tụ muôn đời đất đế đô, đó là đền thờ Asakussa Kannon nghìn năm tuổi được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ tứ thiết với những cái trống treo khổng lồ đường kính tới già hai mét. Người dân Nhật Bản và khách du lịch thập phương quanh năm tới đây cầu nguyện điều lành, uống nước nguồn dẫn từ những con suối ngầm trên núi và đắm mình trong những làn khói trầm hương ngạt ngào lan tỏa để nhận về mình những điều thanh tịnh.
Trang phục Kimono và Samurai ngày Lễ
Đến tham quan thưởng ngoạn khu rừng tùng bao bọc cung điện hoàng gia với tròn một nghìn cây tùng, mỗi cây mỗi thế độc nhất vô nhị không trùng lặp, chúng tôi lại rẽ tới khu chợ bán hàng lưu niệm mà mỗi cửa hàng xinh xinh như nhà búp bê là một kiểu kiến trúc, một dáng hình khác biệt, để rồi chúng hợp quần với nhau trở thành một khu phố cổ sinh động và duyên dáng có một không hai…
Nhận xét đầu tiên của tôi là Tokyo chẳng khác nào một bức bích họa sắc màu tương phản, cổ thì cực kỳ cổ điển, cực kỳ xưa cũ, mà tân kỳ thì vô cùng hiện đại, vô cùng hoành tráng. Cổ kim, cũ mới xen kẽ hài hòa cùng tồn tại, cùng tôn nhau lên, thật khéo!
Bất cứ nơi nào ở Tokyo, và sau này là nhiều thành phố lớn nhỏ khác đã qua, tôi đều thấy một cảnh tương tự, ở đâu cũng cứ là nườm nượp người đi kẻ lại, đi nhanh, cắm cúi như đi làm. Nhưng trong cái động thái nườm nượp và cắm cúi đó lại thấy toát ra một phong thái trật tự, trầm tĩnh, không ồn ào; một phản xạ nhường nhịn, tự điều chỉnh từ mọi hướng. Tất thảy những cái đó tựa như đều đã được cài đặt sẵn trong mỗi một con người để trở thành một cốt cách chung vậy.
Đường phố và những nơi công cộng ở đây trong mắt tôi những ngày này sao giống như một cuộc triển lãm về nhân trắc học, mà trong đó lớp người Nhật già thường có dáng hình thấp bé, thậm chí rất thấp bé là đằng khác. Thực tế đó có lẽ phù hợp với cách gọi “Nhật lùn” một thuở các cụ nhà mình quen dùng trước đây. Nhưng bên cạnh đó thì lớp người trung niên, đặc biệt là lớp trẻ hôm nay, đa phần lại có dáng dấp thật cao lớn đẹp đẽ, cao lớn như những người mẫu, như những vận động viên thể dục thể thao vậy.
Giải thích về hiện tượng có thể gọi là lạ lùng này, Taka cho biết đó lầ kết quả của một cuộc vận động lâu dài và tốn kém nhằm cải tạo hình thể vóc dáng giống nòi, mà Nhà nước và Nhân dân Nhật Bản đã dầy công thực hiện liên tục từ hàng mấy chục năm nay, trong đó hầu như những chương trình tập luyện thể chất, bổ sung chất dinh dưỡng một cách bài bản cho thanh thiếu niên học đường… đều được ngân sách quốc gia tài trợ liên tục và đều đặn với những khối tiền khổng lồ.
Người đông đúc như thế nhưng trong những nhà hàng, những cửa hàng hạng trung trở xuống, lại thấy tỷ lệ người già làm việc rất đông. Bán hàng tạp hóa, bưng bê món ăn, dọn bàn, rửa bát, lau nhà, dọn vệ sinh… đa phần là người già. Rồi quét dọn đường phố và những nơi công cộng để cho bất cứ nơi nào ta qua cũng cứ thấy sạch như li như lau không một cọng rác, không một mẩu giấy, được thế cũng lại đa phần là nhờ người già. Thậm chí ở các ngã tư đường phố, tín hiệu giao thông đã rất hoàn hảo, nhưng vẫn có những ông già sắc phục cảnh vệ màu đen đứng hướng dẫn và nhắc nhở khách du lịch bộ hành…
Thế thì người trẻ ở đâu và làm gì? Trong một lần ngồi uống trà với hai bố con Minh, tôi đã nêu ra điều thắc mắc đó. Vốn là một thầy giáo dạy sử cấp trung học vốn kiến thức xã hội rất chi là phong phú, Minh đã giải thích rằng, dân số nước Nhật hiện khoảng 140 triệu người, trong đó phân nửa là người già, số còn lại một phần là trẻ em và người trẻ tuổi, số người đang độ tuổi lao động chỉ khoảng bốn chục triệu. Thế mà đất nước này hàng năm tạo ra một núi của cải lớn hàng thứ hai thế giới liên tục nửa thế kỷ, và chỉ chịu nhường vị trí này mấy năm nay cho anh hàng xóm Trung Hoa có số dân đông gấp mười lần. Nhưng xét về mức thu nhập đầu người thì Nhật Bản vẫn nằm trong nhóm nước cao nhất thế giới, và cao gấp mười lần anh hàng xóm kia.
Điều gì đã làm nên sự thay đổi thần kỳ đó khi cách đây hơn 70 năm, nước Nhật bước ra khỏi cuộc thế chiến với tư cách của nước bại trận, tài sản và cơ sở vật chất đất nước có thể gọi là đã lùi về số âm, đồng thời còn gánh trên vai những món nợ khổng lồ và những luật lệ hà khắc do những nước thắng trận áp đặt?
Nghe câu hỏi lần này của tôi, Taka hạ giọng trầm buồn kể rằng, nước Nhật xưa cũng là một nước phong kiến lạc hậu và bị cát cứ bởi các dòng họ lớn. Đến thời Nhật Hoàng Minh Trị cách đây hai thế kỷ, với tư tưởng duy tân theo phương Tây, Nhật Bản đã vươn lên trở thành quốc gia hùng mạnh nhất châu Á. Với sức mạnh công nghiệp tiên tiến hàng đầu thế giới, bước sang thế kỷ XX, giới cầm quyền quân phiệt Nhật nuôi tham vọng vươn lên thống trị cả châu Á. Họ đã liên minh với nước Đức và nước Ý, tạo nên một trục phát xít quân phiệt phát động cuộc đại chiến lần thứ hai của thế giới hiện đại. Kết quả thì đã rõ, Đức, Ý, Nhật đại bại, riêng Nhật lĩnh hai quả bom nguyên tử của Mỹ…
Giọng Taka nhỏ dần rồi im lặng như không thể tiếp tục. Không khí nặng nề bao trùm cuộc trò chuyện. Với tư cách là ông bố vợ, lại sẵn vốn kiến thức, bạn tôi đã ý nhị tìm lời hóa giải nỗi buồn của chàng con rể. Với một giọng đầy hào sảng, anh nói rằng, nỗi cay đắng bại trận không làm mất đi khí phách võ sĩ đạo Samurai của người Nhật. Nước Nhật đứng lên từ đống hoang tàn đổ nát cùng với hàng triệu người lính thất trận trở về.
Những đứa trẻ, chủ nhân của nước Nhật thời hậu chiến ngày đầu tiên cắp sách tới trường được dạy bài học khai tâm rằng đất nước ta nghèo, tài nguyên đất đai cằn cỗi, lại là nước bại trận trong chiến tranh, sự phục hưng của mảnh đất này chỉ có thể trông chờ vào dòng máu thượng võ quả cảm và tự hào truyền thống của từng người chúng ta!
Hai mươi năm sau chiến tranh, một lớp người trẻ tuổi thời hậu chiến đã hình thành, họ được học tập và giáo dục bởi một tinh thần tự cường phục hưng và bản lĩnh võ sĩ đạo, dám nuốt hận để liên minh với chính kẻ thù từng ném bom nguyên tử xuống đất nước mình. Lực lượng lao động trẻ khỏe, những nam thanh nữ tú Nhật Bản, từ đấy đã được thu hút hết vào những khu vực sản xuất, dịch vụ trọng yếu, những lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ có hàm lượng tri thức cao, tạo nên những giá trị gia tăng cao nhất cho xã hội.
Takaraki kính cẩn nâng hai tay bạn tôi lên ngang ngực rồi cúi rạp xuống như muốn tỏ lòng biết ơn về sự cảm thông và chia sẻ của ông bố vợ.
Người Nhật! đó là ý niệm mới mẻ bất chợt xuất hiện và lớn dần trong tôi khiến tôi mau chóng quên đi những lỗi hẹn tiếc nuối về hoa anh đào và Tết nguyên đán. Những suy nghĩ về một cộng đồng nhân chủng đặc biệt, kết tinh đầy đủ những nét tinh hoa truyền thống và tiên tiến thời đại, đã và đang đưa đất nước này vùn vụt tiến lên phía trước, suy nghĩ ấy cứ ngấm dần vào tôi sau mỗi chặng đường. Ý nghĩ ấy có vẻ như đã được đẩy lên đến độ cao trào trong cái lần chúng tôi chuyển từ ô tô lên tầu siêu tốc Shinkansen (Bullet train) từ Kyoto đáp tới Osaka.
Con tầu thép hình viên đạn lao đi với vận tốc trung bình 300km/giờ mà ta vẫn cảm thấy trong người cứ nhẹ nhàng êm ái như đang ngồi nghỉ trong một phòng khách hạng sang. Mọi người ai ngồi chỗ nấy, người đọc sách, người gõ máy tính. Không một tiếng động, không một sự rung rinh. Cốc nước để trên bàn không chút gợn sóng. Và màn hình tốc độ gắn trên vách, con số 300 cứ lướt qua lướt lại như một điệp khúc.
Con tầu đưa chúng tôi lướt trên tầm cao những khu công nghiệp nối tiếp chạy dài hàng chục cây số ven biển vùng Kansai, vùng công nghiệp tập trung lớn nhất xứ mặt trời. Cơ man nào là những cột ống khói nhà máy nhấp nhô lướt qua khung cửa sổ trong ánh sáng chói lòa của một ngày nắng đẹp, và ven hai bên đường những rặng cây anh đào trơ cành trụi lá cũng loang loáng lướt qua…
Anh đào nở muộn! Có phải vì cây đã ngày đêm miệt mài gạn lọc tích cóp nhựa sống từ đất cằn tuyết lạnh mà hoa thắm chịu cảnh chậm nở trên cành? Và cũng giống như loại quốc hoa thiêng liêng ấy mà người Nhật, có phải vì ước vọng canh tân phục hưng đất nước hùng cường thôi thúc, mà toàn dân xứ này muôn người như một thấy cần phải lựa chọn cho mình một lối sống hiện đại tối giản phương Tây, lược bỏ nhiều nghi thức rườm rà trong sinh hoạt và giao tiếp, sẵn sàng xóa đi ngày Tết nguyên đán cổ truyền gộp chung với ngày tết Tây mồng 1 đầu năm dương lịch?
Những điều vẩn vơ tôi tự nghĩ ra nẩy sinh từ những gì mắt thấy tai nghe mục sở thị qua những nẻo đường lạnh giá xứ Phù Tang, chúng cứ bảng lảng, bảng lảng như thế, chẳng khác nào những bông tuyết lửng lơ nhẹ buông trắng đất trắng trời ngoài kia.

Con người ta có nhiều nơi để đến, nhưng chỉ có một chốn duy nhất để quay về, nơi ấy chính là quê hương.
Bình luận