Huy Cận với tâm nguyện làm bục nhảy đưa sự sống lên cao kỳ 1

(Arttimes) - Đọc thơ, ta đi tìm cái đặc sản tâm hồn của thi nhân. Tâm hồn Huy Cận thuần khiết phương Đông, thấm đẫm văn hóa Việt. Tâm hồn ấy, văn hóa ấy đan dệt nên biết bao thổn thức, rợn ngợp, bàng hoàng, tê tái trong lòng người.

Kể về nền thơ đương đại Việt Nam, người ta không quên nhắc đến Huy Cận. Nhắc đến Huy Cận người ta không quên nhớ đến Lửa thiêng. Nhớ đến Lửa thiêng ai cũng bảo đó là thế giới của nỗi buồn. Với nỗi buồn ấy Huy Cận đã góp phần đưa Thơ mới lên đỉnh cao và kết thúc trên cái đỉnh cao đó. Từ Hoài Thanh cho đến hôm nay, nhận định đó được coi như “chúng khẩu đồng từ”. Và chính Huy Cận đã xác nhận:

Chàng Huy Cận khi xưa hay buồn lắm Gió trăng ơi! Nay còn nhớ người chăng Hơn một lần chàng đã gửi cho trăng Nỗi hưu quạnh của hồn buồn không cớ.                                             (Mai sau)

Nói không cớ là một cách nói cho phù hợp với bối cảnh văn học công khai lúc bấy giờ. Thật ra thì có rất nhiều cớ, mà cái cớ lớn nhất phủ chụp lên toàn cảnh đất nước, xã hội ta lúc bấy giờ là cánh cửa sắt của thực dân Pháp đã đóng sập xuống sau vài năm thắng thế của Mặt trận Bình dân.

Chiến tranh thứ hai bùng nổ. Phát xít Nhật sau khi tấn công Trung Quốc đang ngấp nghé tìm đường tràn xuống Đông Dương. Đảng rút lui vào hoạt động bí mật trước sự lùng sục, khủng bố gắt gao và đàn áp dã man trên quy mô lớn của bọn xâm lược và bè lũ tay sai. Trong không khí ngột ngạt đó, người ta tìm đến Lửa thiêng. Vì vậy nỗi buồn của Lửa thiêng là nỗi buồn mang tính đại diện. Đại diện cho một thế hệ, một tầng lớp, một thực trạng. Và chính Huy Cận cũng cho ta biết nguồn gốc của nỗi buồn đó: lòng chàng vẫn tủi nắng sầu mưa/ cùng đất nước và nỗi buồn sông núi (Mai sau). Bởi, ở vào cái thực trạng như vừa nói ở trên, thì không ai là người có thể vui được - Không ai, trừ những kẻ cố tình quay lưng lại với dân tộc. Nhưng dù nỗi buồn có được chia sẻ đến đâu cũng chưa đủ làm nên giá trị đích thực của Lửa thiêng, một hiện tượng thơ ca có tiếng vang lớn vào năm 1940. Hẳn còn có một cái gì đó. Cái gì đó, chính là Hồn Việt. Hồn dân tộc trong Lửa thiêng rạo rực, đằm thắm, tha thiết bao nhiều ở trong điệu cảm, trong cảnh vật, trong ngôn ngữ.

Huy Cận với tâm nguyện làm bục nhảy đưa sự sống lên cao kỳ 1 - 1 Nhà thơ Huy Cận với những nỗi buồn da diết 

Huy Cận xuất thân Tây học, được đào tạo rất cơ bản để trở thành một trí thức Tây, một ông quan Tây nếu ông muốn. Ở trong khung cảnh đó, ông bị làn sóng Âu hóa tác động mạnh nhất. Và cái nguy cơ bị đánh bật khỏi cội nguồn văn hóa xô đẩy từng ngày. Nhưng Huy Cận vẫn sau trước nặng lòng với cố quận, đến mức chỉ cần ông nhắc đến một tiếng gà, một ngọn khói, một bến đò là lập tức gợi lên biết bao xao động trong lòng bạn đọc về quê hương, đất nước. Chúng ta gọi Huy Cận là nhà thơ lớn là ở cái công nuôi dưỡng và truyền lại cho chúng ta chất Việt sâu thẳm đó. Lửa trở nên thiêng là vì vậy. Đó là ngọn lửa của lòng yêu nước.

- Sóng vỗ tràng giang buồn điệp điệp Con thuyền xuôi mái nước song song Thuyền về nước lại sâu trăm ngả Củi một cành khô lạc mấy dòng                                          (Tràng giang) - Người xa, buồn lại gần  Tai nặng lời giao thân Ngã ba tà áo lặn... Dặm trường thương cố nhân.                                        (Tiễn đưa) - Sắc trời trôi dạt dưới khe Chim đi, lá rụng, cành nghe lạnh lùng Sầu thu lên vút song song Với cây hiu quạnh với lòng quạnh hiu                                      (Thu rừng) 

Đọc thơ, ta đi tìm cái đặc sản tâm hồn của thi nhân. Tâm hồn Huy Cận thuần khiết phương Đông, thấm đẫm văn hóa Việt. Tâm hồn ấy, văn hóa ấy đan dệt nên biết bao thổn thức, rợn ngợp, bàng hoàng, tê tái trong lòng người. Nhà thơ không phải vẽ lên một bức tranh mà treo hồn ông lên đó. Nhà thơ không phải làm một bản nhạc, ông đang tấu lên mọi cung bậc của nỗi niềm. Rồi câu, rồi chữ, với tưởng tượng tất cả tinh luyện thành một nỗi buồn cổ kính, vảng vất, thắt buộc ta không rời. Ta bỗng lạc vào một thế giới Huy Cận lúc  nào không biết. Ta thành người đồng điệu với ông. Rồi có thể ta theo Huy Cận thành một người khác, nhưng những gì mà ông đã gieo vào hồn ta thì luôn được cất dấu trong sâu thẳm đời người. Sự thần tình trong thơ Huy Cận là như thế. Mặc dù nỗi buồn đã trở thành kết luận thành văn cho một nhận định, nhưng cách nay gần 20 năm, trong một bài viết trên báo Văn nghệ, Hoàng Ngọc Hiến muốn tiếp cận Lửa thiêng theo một cách nhìn khác. Ông bảo Lửa thiêng có vẻ đẹp âm tính. Vẻ đẹp âm tính là gì? Tiếc rằng ông mới đưa ra nhận định độc đáo rất Hoàng Ngọc Hiến như vậy mà chưa kịp giải thích thêm. Tuy vậy nhận xét đó cứ đeo bám tôi mãi, buộc phải ngồi lại đọc kỹ Lửa thiêng trong suốt những ngày qua.

Trong ngữ cảnh của bài viết của Hoàng Ngọc Hiến, nếu mọi sắc độ của niềm vui, của bừng khởi, của khí chất mạnh mẽ, của niềm hân hoan trong hành động được gọi là dương tính thì tất cả những gì ngược lại đều được xem là âm tính. Và theo luật âm dương, trong dương có âm, trong âm có dương, thì trong Lửa thiêng không chỉ có nỗi buồn mà còn có nhiều thứ khác. Tất cả những thứ khác đó tạo thành cái mầm của dương tính rồi sẽ trở thành chủ thể trong thơ Huy Cận sau này. Huy Cận ý thức được nỗi buồn, và ông đã sớm nhận ra không để ngập lụt trong nỗi buồn mãi. Ông huy động tài năng để tạo ra nỗi buồn rồi lại đem sự tỉnh táo để vượt qua cái nỗi buồn ấy. Mâu thuẫn chăng? Vâng, thật là mâu thuẫn. Chính mâu thuẫn ấy là động lực giúp thơ Huy Cận đổi thay. Nếu ta không hiểu điều này thì để oan cho Huy Cận quá. Hãy nghe một tiếng gọi khẩn thiết muốn rũ bỏ muốn đi cùng cảm động biết bao: 

 Chiều ơi!  Hãy xuống thảm ta với Thiên hạ lìa xa, đời trống không                                   (Tâm sự)

Trong bài thơ Vỗ về, ta bắt gặp một quyết tâm tự thức tỉnh, tự vượt thoát, đầy nghị lực:

Tỉnh dậy lòng ơi, ê chề hãy tỉnh Gà gáy mai, đem sức lại cho đời Quen chua cay hãy tỉnh lại lòng đi Chớ ảo não, chán chường, không phải lẽ.

Không ai nhìn rõ Huy Cận hơn Huy Cận. Cho nên nhận ra mình là tự phát hiện ra khả năng tự điều chỉnh. Trong đoạn thơ trên, ta nhận ra sự thành thực của nhà thơ và tiếng nói sắc sảo, thuyết phục của một nhà phê bình. Ở một bài thơ khác, bài Xuân, thì tinh thần gia nhập trở nên vồ vập, thiết tha, náo nức biết bao.

- Ồ những người ta đi đón xuân Cho tôi theo với, kéo tôi gần Rộn ràng bước nhịp hương vương gót Nhựa mạnh tuôn trào tưởng dính chân                                                        (Xuân) 

Và một sự quả quyết:

- Tôi sẽ giang tay đón rước

Đờ Đón giúp cho tôi, tay ngắn chơi vơi                                                       (Lời dịu) 

Hữu Thỉnh  None

Tin liên quan

Tin mới nhất

Triển lãm Sách chào mừng Ngày Giải phóng Thủ đô giới thiệu hơn 500 tư liệu quý hiếm

Triển lãm Sách chào mừng Ngày Giải phóng Thủ đô giới thiệu hơn 500 tư liệu quý hiếm

Chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10//2024), Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Triển lãm Sách Chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.