Khát vọng trường tồn
So với sự trường tồn của thiên nhiên và vũ trụ thì sự tồn tại của cuộc sống mỗi con người trên thế gian thật là ngắn ngủi. Dân gian thường nói: "Cuộc đời như bóng câu qua cửa sổ". Mà cuộc sống thì dẫu khổ cực đến đâu cũng vẫn đáng sống. Vì vậy, mong muốn kéo dài cuộc sống, khát vọng trường tồn luôn đeo đẳng cuộc đời mỗi con người và là ước mơ của cộng đồng người hàng thiên niên kỷ.
Ảnh minh họa
Khát vọng cuộc sống
Đi tìm thuốc trường sinh là khát vọng kéo dài cuộc sống vật chất. Ở phương Đông thì sự nối dõi của các dòng tộc cũng là thể hiện mơ ước trường tồn. Lại có quan niệm nâng cao chất lượng cuộc sống cũng là làm tăng độ dài cuộc sống. Có người cho rằng sống được thỏa chí thì là cuộc đời được nhân lên nhiều lần: "Đời dài ngắn khó đo mà/ Thảnh thơi một phút cũng là trăm năm"... Nhưng nổi bật hơn cả là quan niệm phải có danh, có tiếng, có nỗi niềm gửi tới mai sau. Danh nhân Nguyễn Công Trứ đã viết: "Làm trai đứng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông". Quan điểm: lập công, lập đức và lập ngôn của phương Đông cổ chính là quan niệm phổ biến về khát vọng trường tồn. Tôi chỉ xin nói về khát vọng ấy thể hiện trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.
Giai thoại về một ông quan huyện muốn lưu dấu ấn của mình đến mai sau, năm trước đến chơi một danh lam thắng cảnh đã đục mấy câu "thơ con cóc" của mình lên núi đá. Năm sau, thấy những vần "thơ" ấy là vô vọng, ông lại cho tạc hình hai bàn chân của chính mình, nghĩ là bóng mình sẽ trường tồn cùng với đá. Thi sĩ Tản Đà đến đây, thấy trò lố này, ông đã làm mấy câu thơ giễu cợt: "Năm trước lên đây đục mấy vần/ Năm nay lại đến đục hai chân/ Khen cho đá cũng bền gan thật/ Đã để cho ông đục mấy lần". Thời hiện đại, những người muốn "đục" tên của mình lên núi đá, lên năm tháng càng nhiều hơn. Mà không biết rằng, phải bằng tài năng và tâm đức thì tên mình mới có thể lưu lại. Và việc lưu danh là do người đời, chứ không phải do mình gắng tạo, gắng "đục" mà được.
Như nhà thơ Tú Xương là "quan ăn lương vợ", chẳng có tiền đâu mà thuê người đục tên vào núi đá, chẳng nhờ ai viết bài ngợi ca, và cũng chẳng nghĩ đến việc lưu danh trường tồn làm gì. Nhưng bằng tài thơ đích thực, bằng cái tâm cao đẹp, ông căm ghét sự lố lăng của xã hội "nửa Tây nửa ta" đầu thế kỷ XX mà vẽ nên những bức tranh chân thực của đất nước, thể hiện tình yêu thương người vợ đảm đang vất vả "Quanh năm buôn bán ở mom sông/ Nuôi đủ năm con với một chồng", thể hiện tình cảm bâng khuâng luyến tiếc với đất nước bị mất qua bài thơ Sông lấp... mà ông đã được người đời nhớ mãi. Ông đã trường tồn cùng non sông đất nước.
Hay như nhà văn Nguyễn Đình Thi - tác giả của hai nhạc phẩm Diệt phát xít và Người Hà Nội, kịch Nguyễn Trãi ở Đông Quan, tiểu thuyết Vỡ bờ, tập thơ Sóng reo... Không ai là không thấy khát vọng nghệ thuật, khát vọng trường tồn của ông. Nhưng một lần nói chuyện văn chương, ông có kể tên các nhà thơ, nhà văn lớn của thế giới: M.Goócki, Maiacốpxki và bùi ngùi nói: "Tôi chỉ giống được các ông ấy mỗi chữ "i"... "i, i, Nguyễn Đình Thi mà thôi".
Nhưng cũng có người kiêu hãnh nói về sự trường tồn của mình, đó là Lý Bạch (Trung Quốc) trước núi Kính Đình, A.Puskin (Nga): "Ta tự dựng cho ta đài kỷ niệm". Nhưng để có thể nói như vậy phải là những thiên tài. Còn thường thì các tài năng cũng có nỗi lo lắng về sự sống của mình cùng năm tháng, như tác giả Truyện Kiều, như thi sĩ Gửi hương cho gió...
Có lẽ thi sĩ Chế Lan Viên đã khái quát rất đúng: "Đã thơm rồi đâu chịu vô danh". Muốn trường tồn thì phải "thơm" đã. "Thơm" - đó là kết tinh của trí tuệ, đạo đức và tài năng. Cứ lấy tiêu chí này soi vào lịch sử dân tộc, cổ kim Đông Tây đều thấy đúng cả. Thế mà, tôi thấy rất nhiều người muốn trường tồn mà cứ làm ngược lại. Những sự "nghịch" xưa nay thường chỉ thắng ở trước mắt, mà sẽ "thua" ở lâu dài. Bởi quy luật của xã hội loài người cũng giống như quy luật của thiên nhiên, đó là quy luật khách quan. Mà muốn cho hoa thơm trái ngọt thì phải lo sâu rễ bền gốc, chứ đừng có ảo tưởng chạy theo những nghịch kế, sự khôn khéo, ngụy tạo đâu đâu.
Riêng tôi luôn tự răn mình: "Đừng hão huyền ảo tưởng về tác phẩm của mình, bởi hơn 99% tác phẩm của chúng ta với thời gian sẽ bay theo gió. Làm sao để có được 1% số sáng tác của mình không bị mục rữa cùng năm tháng luôn là khát vọng, là sự trăn trở và quyết tâm của biết bao nhà văn chân tài qua các thời đại. Còn tôi luôn cho đấy là sự vô vọng của mình.
Được sinh ra làm người đã quý lắm rồi. Được sinh ra làm nhà văn thì thật sung sướng. Tôi suốt đời phấn đấu để xứng đáng với danh hiệu ấy mà vẫn sợ là không được" (Nhà văn Công an - Tác giả và tác phẩm, NXB Công an Nhân dân, 2005).
Khát vọng nghệ thuật
Không hiểu vì sao mỗi khi nghĩ đến khát vọng nghệ thuật của các văn nghệ sĩ, tôi lại nhớ đến bức tượng "Mùa xuân vĩnh viễn" của Rôđanh? Nghệ thuật cũng giống như cuộc sống, như tình yêu chăng, khi mà đạt đến độ đích thực, đã "đắc đạo" thì sẽ có sức sống đến vô cùng, trở thành "mùa xuân vĩnh viễn"! Vì vậy, tuy ngây thơ nhưng ai đó đã nói: "Nghệ thuật xuất phát từ những định luật của vô cùng, chỉ có mình nó không công nhận cái chết". Câu này có thể đúng nếu nghệ thuật nói ở đây là nghệ thuật ở đỉnh cao, là vàng mười, là kim cương của nghệ thuật.
Thực ra thì ai sáng tạo nghệ thuật cũng đều có khát vọng cả. Nhưng những tác phẩm ít giá trị thì khát vọng nghệ thuật cũng bị mờ, bị chìm không nổi rõ. Tất cả những tác phẩm văn chương nghệ thuật lớn đều thấy rõ khát vọng nghệ thuật của tác giả. Nguyễn Du khi viết Truyện Kiều là viết bằng khát vọng sống, khát vọng yêu, khát vọng nghệ thuật. Cứ đọc những câu Kiều mà xem, dù chỉ là những câu tả cảnh cũng sẽ thấy thấm đẫm khát vọng ấy: "Cỏ non xanh rợn chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa", "Dưới trăng, quyên đã gọi hè/ Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông", "Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng"…
Nguyễn Du khi viết Truyện Kiều là viết bằng khát vọng sống, khát vọng yêu, khát vọng nghệ thuật.
Tất cả đều rõ cả, cảnh ra cảnh, tình ra tình, thấm đẫm. Nguyễn Khuyến khi tả mùa thu cũng thế! Nên mỗi khi mùa thu về, hay nghĩ về mùa thu, người ta lại nghĩ đến Nguyễn Khuyến: "Trời thu xanh ngắt mấy từng cao", "Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt", "Nước biếc trông như từng khói phủ"…
Xuân Diệu cũng là người biết trộn lẫn khát vọng tình yêu và khát vọng nghệ thuật: "Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!", "Em ngồi ríu rít ở sau xe/ Em nói lòng anh mải lắng nghe", "Thơ ơi, quặng thải bao lần/ Biết bao giờ mới ra vần kim cương?". Hay khi Xuân Diệu viết giới thiệu về Ba thi hào dân tộc là ông thể hiện khát vọng nghệ thuật của mình qua suy nghĩ về tiền nhân.
Tôi nghe dân ca quan họ hay ca khúc Xa khơi của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, tôi cũng thấy khát vọng cuộc sống, khát vọng tình yêu và khát vọng nghệ thuật hòa quyện vào nhau. Với dân ca quan họ, tôi đã ghi lại cảm xúc qua những dòng thơ: "Như là mây ngừng trôi/ Gió thì dường đứng lại.../ Vương vương những nụ cười/ Áo hồng bay thấp thoáng/ Nắng trải vàng lai láng/ Lời hẹn hò thiết tha.../ Năm tháng cứ đi qua/ Tình người còn đọng lại/ Như biển cồn vỗ mãi/ Giữa đất trời ngàn năm"…
Còn khúc hát Xa khơi, thì không chỉ "Nắng tỏa chiều nay/ Chiều tỏa nắng đôi bờ, anh ơi… Con chuồn còn bay nơi nơi, con giang chiều gọi bạn đường khơi"… mà như thấy thổn thức cả biển trời, thổn thức cả lòng người một khát vọng sống, khát vọng tình yêu, khát vọng nghệ thuật đích thực.
Đọc sáng tác của một số cây bút trẻ trong những năm gần đây, tôi có cảm nhận thấy các tác giả trẻ thể hiện khát vọng nổi tiếng rõ hơn là khát vọng nghệ thuật. Tất nhiên, khát vọng nổi tiếng cũng là một khát vọng chính đáng. Những tác phẩm thể hiện khát vọng nổi tiếng thì thường ồn ào, nhưng còn nông về tư tưởng và chưa chín về nghệ thuật. Khát vọng nghệ thuật đòi hỏi cao hơn, đó là sự sâu lắng của tư tưởng, sự đằm thắm của tình cảm, sự tự nhiên của nghệ thuật. Điều này thể hiện, vì sao những sáng tác của các tác giả trẻ trong những năm qua nhanh chóng bị lãng quên. Chỉ có khát vọng nghệ thuật chân chính mới dẫn đến sự nổi tiếng đích thực.
Sau ba chục năm đất nước mở cửa hội nhập, thực hiện nền kinh tế thị trường, cũng đã đến lúc phải cảnh tỉnh các văn nghệ sĩ về cạm bẫy, về những tác động tiêu cực đối với nghệ thuật. Có lẽ kinh nghiệm của ông cha chúng ta là đúng, khi lấy "dĩ bất biến ứng vạn biến". Nghệ thuật mọi thời với những tiêu chí, thước đo giá trị không bao giờ thay đổi. Chỉ có phương thức thực hiện là có thể thay đổi thôi. Không gì có thể thay thế được giá trị thực của tác phẩm nghệ thuật. Chưa bao giờ tỉ lệ tác phẩm văn học nghệ thuật có thể neo đậu với thời gian lại thấy hiếm hoi đến thế, thì lấy đâu ra tác phẩm đỉnh cao. Phải là những tài năng lớn. Ở một mức độ nào đó, cơ chế kinh tế thị trường là kẻ thù của những văn nghệ sĩ đích thực. Phải tỉnh táo để đứng vững và sáng tạo là một thách thức lớn đối với những tài năng. Hãy cảnh giác hỡi các nhà văn, nhà thơ, các nghệ sĩ!
Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh (1890-1969) không chỉ là một lãnh tụ vĩ đại của phong trào cách mạng Việt Nam mà còn là một...
Bình luận