Khi “Tiếng lòng” chạm sóng văn chương
Việt Nam đất nước yêu quý của chúng ta có bờ biển hơn ba ngàn cây số. Để gìn giữ chủ quyền đất nước và lãnh hải, biết bao thế hệ người Việt đã không tiếc mồ hôi, xương máu và cả tính mạng của mình. Xưa nay, thơ viết về biển đảo quê hương không phải hiếm bởi trước sóng nước mênh mông, thi nhân tìm cho mình những rung động chân thực nhất để có được áng thơ giàu cảm xúc. Nhưng người tập hợp, chọn ra được và bình liên tiếp đến mấy chục bài thơ hay về biển, tập hợp thành tuyển tập thì không nhiều. Nguyễn Thị Thiện với cuốn sách “Tiếng lòng nơi đầu sóng” (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2023) chính là trường hợp hiếm có như vậy. Cũng xin nói thêm, đây là tác phẩm bình thơ theo chủ đề thứ chín của chị.
Tập “Tiếng lòng nơi đầu sóng” với 31 bài thơ của 30 tác giả viết về chủ đề biển đảo kèm theo lời bình gồm 188 trang khổ 14,5 x 20,5cm. Một quy mô vừa đủ để người đọc có thể chạm vào cũng bậc cảm xúc vừa rộng lớn, mênh mông vừa dạt dào, sâu lắng của lời bình và những bài thơ được tuyển chọn.
Bìa tập thơ “Tiếng lòng nơi đầu sóng”
Trước hết, nói về mạch cảm xúc của “Tiếng lòng nơi đầu sóng”. Vẫn biết, cảm quan chọn lọc của tác giả là những tác phẩm viết về biển, đảo quê hương. Nhưng khi lựa chọn 31 bài thơ với 31 trạng huống, cảm xúc khác biệt, liệu có khó khăn cho tác giả Nguyễn Thị Thiện? Và khi cầm cuốn sách trên tay, câu hỏi ấy đã có lời giải đáp. Tác giả đã bắt được chính xác mạch cảm xúc để chọn ra được từ rất nhiều nguồn khác nhau những tác phẩm thơ hay trong tuyển tập của mình. Dòng cảm xúc chủ lưu ấy được gọi tên từ tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa và tình cảm gia đình.
Thông qua ẩn dụ về biển, đảo quê hương, người đọc có thể thấy được những tình cảm chung thiêng liêng và lớn lao hòa lẫn với tình cảm riêng tư, mộc mạc nhưng rất nhân bản của con người. Sự tinh tế trong cách chọn lựa các tác phẩm đã giúp “Tiếng lòng nơi đầu sóng” vừa nói được những điều lớn lao vừa đồng điệu với những xúc cảm riêng tư. Ở đó, người đọc như thấy mình được đồng hành với khúc tráng ca và bản tình ca về biển, đảo.
Nhắc đến khúc tráng ca biển đảo là nói đến những áng thơ về biển có nội dung hào hùng, tráng lệ ngợi ca Tổ quốc rạng ngời chiến công và tình yêu tha thiết với biển đảo quê hương. Điều này, người viết đã chọn được những áng thơ hay nhất thời trung đại và thơ ca hiện đại. Đó là những kiệt tác của Trương Hán Siêu, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm được nối tiếp qua thế hệ hôm nay của Nguyễn Sĩ Đại, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Ngọc Phú, Nguyễn Phan Quế Mai… Khúc tráng ca ấy được viết lên từ cảm xúc thiêng liêng mang tiếng nói hào sảng và tự hào về truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc, được bồi đắp qua các thế hệ, thấm máu đào của lớp lớp cha ông xưa và các cán bộ, chiến sĩ hôm nay nguyện cống hiến, hy sinh vì Tổ quốc.
Được biết, Nguyễn Thị Thiện có nhiều người thân là bộ đội, nên chị dành nhiều tình cảm đặc biệt với người lính trong cuộc đời và cả trong văn thơ. Hơn ai hết, chị là người thấu hiểu những mất mát, hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ nền độc lập chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng. Tiếng vọng Tổ quốc là lời hiệu triệu những người con đất Việt lên đường. Các anh là kết tinh của những giá trị đẹp đẽ nhất: “Các anh là mảnh vỡ của trăng - phập phồng mang cá/ Là muối phù sa mặn gỗ thớ thuyền/ Là ánh ngọc trai ngậm quanh hạt cát/ Vân nổi, vân chìm không xước nổi lung linh” (Tổ quốc tôi ba nghìn cây số biển - Nguyễn Ngọc Phú). Các anh đi về phía xa khơi, ấp ôm dáng hình đất nước, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn, vì độc lập chủ quyền của dân tộc: “Bao xương máu đắp hình hài Tổ quốc/ Ấp cờ đỏ lên tim mắt bỗng lệ nhoà” (Thao thức Trường Sa - Nguyễn Thế Kỷ). Khúc tráng ca về những người lính như mạch nguồn xuyên suốt toàn bộ cuốn sách, sợi chỉ đỏ của cảm xúc mà tác giả dựng xây chiếm được nhiều yêu mến của bạn đọc.
Bên cạnh đó, bản tình ca về biển lại là nguồn cảm xúc lắng đọng, dịu êm, dạt dào trong từng câu chữ. Biển dường như là cái cớ để các nhà thơ bước vào những hoàn cảnh khác nhau của cảm xúc con người. Đó là tình cảm rộng lớn “Lòng thuyền nhiều khát vọng/ Và tình biển bao la” trong thơ Thuyền và biển của Xuân Quỳnh, hay cảm giác ấm áp, gần gũi “Biển tuyệt vời lộng gió giữa trời đêm/ Thuyền áp mái tựa đầu tin cậy ngủ” trong thơ Biển đêm của Nguyễn Thị Hồng Ngát. Và có thể là cảm quan nam tính “Anh như núi đứng suốt đời ngóng biển/ Một tình yêu vươn chạm tới đỉnh trời” trong Biển, núi, em và sóng của Đỗ Trung Quân… Nhiều nhiều những cảm xúc khác nữa được tác giả Nguyễn Thị Thiện chọn lọc, bình giảng, phân tích, lý giải chu đáo bằng lối viết dung dị, dễ hiểu nhưng không kém phần tinh tế, gửi đến độc giả vẻ đẹp đa dạng phong phú của thơ ca.
Dấu gạch nối về cảm xúc cho người đọc thấy được những hình dung ban đầu về “Tiếng lòng nơi đầu sóng”. Đó là tiếng lòng yêu quê hương đất nước vang vọng được bồi đắp qua các thế hệ dân tộc Việt, dìu dắt hồn người vững vàng trước bão giông, thử thách. Có lẽ, chính nhịp đập gần gũi ấy đã tạo nên sức hút hồn hậu, tự nhiên cho cuốn sách của tác giả Nguyễn Thị Thiện. Cánh cửa cảm xúc của “Tiếng lòng nơi đầu sóng” mở ra cũng là lúc người đọc có thể tự do bước vào những câu chuyện riêng tư nơi tác phẩm.
Với thế mạnh trong tư duy của người bình giảng văn chương, tác giả Nguyễn Thị Thiện đã có cách tiếp cận các tác phẩm một cách logic, mạch lạc. Điều đó được thể hiện qua việc tác giả lựa chọn cách tiếp cận tác phẩm thông qua phân tích ngôn ngữ, các thủ pháp nghệ thuật để làm nổi bật những giá trị hình tượng và cảm xúc thơ. M. Gorki đã từng viết: “Yếu tố đầu tiên của văn học là ngôn ngữ”. Ngôn ngữ cho ta thấy hết thảy những điều quý giá của một tác phẩm văn học, đặc biệt là tác phẩm thuộc thể loại trữ tình như thơ ca. Vậy nên, Nguyễn Thị Thiện đã có cách tiếp cận đúng đắn qua việc “neo” những cảm nhận của mình qua ngôn ngữ thơ.
Tác giả Nguyễn Thị Thiện
Trong lời bình tác phẩm Quê hương của Tế Hanh, Nguyễn Thị Thiện viết: “Ở đây, người viết đã khéo sử dụng liên tiếp những động từ, tính từ mạnh: hăng, phăng, vượt và nhất là lối so sánh giàu giá trị thẩm mỹ về sự vận động mau lẹ: Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã. Thuyền đang lướt nhanh trên các ngọn sóng ra khơi dường như cũng căng tràn sức trẻ. Hình ảnh thơ toát lên vẻ đẹp hào hùng, dũng mãnh và ẩn trong đó cả niềm tự hào của tác giả về công việc của dân làng”.
Hay trong đoạn bình cảm nhận tác phẩm Thao thức Trường Sa của Nguyễn Thế Kỷ, tác giả đã phát hiện: “Đến thăm đảo, mọi người xúc động trước sự đón tiếp nồng nhiệt qua những vòng tay siết chặt: “Ôm lính đảo yêu tin bao gương mặt/ Tuổi đôi mươi lồng lộng biển trời/ Mắt trong vắt chưa một lần hò hẹn/ Đêm mơ còn nũng nịu gọi “Mẹ ơi!”. Chỉ mấy câu thơ với sự xuất hiện liên tiếp các từ láy cùng lối đảo ngữ, hình ảnh người lính đảo hiện lên lồng lộng giữa biển trời được khắc họa chân thực và đáng yêu”.
Những khám phá mới mẻ về ngôn ngữ, thủ pháp nghệ thuật là chỉ dẫn đáng tin cậy cho ta tiếp cận nội dung của mỗi tác phẩm văn chương. Tất nhiên, với vai trò là người dẫn dắt bạn đọc, tác giả đã có con mắt tinh tường với những phát hiện riêng có khi chính tác giả bài thơ cũng không ngờ tới. Thơ ca vốn là cuộc dạo chơi của cảm xúc. Trong những phút thả trôi của tâm hồn, nhà thơ đôi khi không thể chủ đích được những ngôn ngữ mình tái tạo ra mang tính đa nghĩa như vậy. Và nhà bình thơ Nguyễn Thị Thiện chính là người có công lao phát hiện trọn vẹn, đầy đủ hơn cho các tác giả. Đó là điều thú vị của văn chương, nơi việc tiếp nhận vừa là để đồng sáng tạo cùng tác giả.
Với những giá trị riêng, “Tiếng lòng nơi đầu sóng” của tác giả Nguyễn Thị Thiện không chỉ mang đến cho độc giả nhiều cung bậc cảm xúc về tình yêu, khát vọng cống hiến với Tổ quốc mà còn thể hiện tình cảm yêu quý, tri ân đối với các bậc tiên hiền và những người lính Cụ Hồ, đặc biệt là với cán bộ - chiến sĩ hải quân và lực lượng cảnh sát biển. Ngoài ra, với các bạn yêu văn chương và đội ngũ giáo viên, sinh viên, học sinh, cuốn sách là nguồn tư liệu tham khảo chuyên môn rất hữu ích, là nguồn năng lượng tích cực bồi đắp thêm tình yêu đất nước và tình yêu biển, đảo quê hương./.
Bình luận