Lãng du cùng truyện ngắn Ma Văn Kháng
1
Xin mở đầu bài viết này bằng ba con số: 200, 100 và 35. Sao thế, một bình luận Văn chương mà khởi đầu bằng những con số, cứ như khởi đầu một công trình Toán học? Biết là sẽ có sự ngạc nhiên này, nhưng tôi vẫn dẫn ra ba số đó, không thể khác được. Bởi đây là ba cột mốc quan trọng không dễ đạt tới đối với một cây bút truyện ngắn, mà ông đều đã có được, cùng với nhiều giải thưởng truyện ngắn danh giá ông được trao, thêm vào đó là những tiểu thuyết sáng giá ông liên tiếp gửi đến bạn đọc (sẽ bàn vào dịp khác), đã xác lập tên tuổi ông-Nhà văn Ma Văn Kháng nổi tiếng suốt nửa thế kỷ qua trên Văn đàn Văn học Việt Nam.
Nhà văn Ma Văn Kháng.
Trước hết là con số 200.
Quý III năm 2000, tôi - với trách nhiệm Trưởng ban Văn học Công nhân kiêm Trưởng ban tuyển chọn và biên tập tác phẩm của 19 nhà văn và 32 nhà thơ để xuất bản Hợp tuyển Thơ-Văn mang tên “Quan sơn muôn dặm”, một ấn phẩm nhiều ý nghĩa tặng các nhà văn, nhà thơ và khách mời về dự Đại hội đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam, khóa 10, sẽ tổ chức vào cuối năm đó.
Tôi nhớ, một hôm, chọn xong hai truyện ngắn của nhà văn Ma Văn Kháng, khi liếc qua mấy dòng tự thuật về con đường văn chương của ông, tôi thấy kinh ngạc trước một con số ông ghi. Nhưng công việc tuyển chọn và biên tập 36 truyện ngắn và 155 bài thơ cho “Hợp tuyển cần kíp” đã bứt tôi khổi con số ông ghi. Rồi “Quan sơn muôn dặm” hoàn thành với 744 trang in khổ 16x24cm giấy tốt, bìa đẹp, in tác phẩm tiêu biểu của 51 cây bút chọn lọc thuộc dòng Văn học công nhân hiện vẫn đang cầm bút trên khắp đất nước, đại diện cho ba thế hệ cầm bút suốt 70 năm qua viết về Công nghiệp và Công nhân - lao động, kể từ khi dòng Văn học này ra đời sau khi tiểu thuyết “Vùng mỏ” của nhà văn Võ Huy Tâm được Hội Văn nghệ Việt Nam trao Giải Nhất năm 1951.
Đầu năm 2023, một hôm tôi bỗng nhớ đến con số ghi trong mục “Tự thuật” nhà văn Ma Văn Kháng gửi đến tôi cùng với ba truyện ngắn vào quý 3 năm 2000. Đó là con số 200 truyện ngắn ông đã viết, đã in. Để tránh một sự nhầm lẫn, tôi vội bấm điện thoại hỏi lại ông và ông điềm đạm xác nhận lại con số ấy.
Thú thật là, nghe ông nói, cảm giác kinh ngạc lại đến trong tâm trí tôi. Và tôi lại nhớ cảm giác khi đọc truyện ngắn “Xa phủ” của ông mấy chục năm trước, cái truyện sau đấy ông được trao Giải Nhì, đồng giải với truyện “Người cầm súng” của nhà văn Lê Lựu vào năm 1968. Như vậy, đến năm 2008 ông làm “Truyện ngắn chọn lọc” cho NXB Hội Nhà văn và buông bút không viết truyện ngắn nữa, tính ra tròn 40 năm ông đã viết và in được 200 truyện ngắn cả thảy. Không biết mọi người nghĩ sao về con số này, còn với tôi, ngay quý III năm 2000 khi lần đầu đọc con số “tự thuật” của ông, tôi đã có cảm giác kinh ngạc. Đây là con số biểu hiện một vóc dáng sáng tạo đến khó tin của một cây bút.
Nhân tiện xin nói thêm, theo trí nhớ của tôi, Văn học Việt Nam dài cả thế kỷ qua, chỉ có một cây bút đạt (và vượt) tầm mức sáng tạo ấy-đó là nhà văn bậc thầy dòng Văn học hiện thực phê phán Nguyễn Công Hoan. Cụ đã viết và in 300 truyện ngắn. Điều thú vị là người cung cấp cho tôi số liệu này để hạ mình xuống thứ hai, chính là ông-nhà văn ta đang bàn đến.
Bây giờ xin nói về con số 100 liên quan đến ông.
Chuyện là, năm 2017, Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Nhà sách Đinh Tỵ, đã đề nghị ông tuyển chọn để họ xuất bản cho ông một Tuyển tập truyện ngắn. Ông toàn quyền tự tuyển chọn, số lượng truyện là 100, Nhà xuất bản và Nhà sách sẽ in thành bộ Tuyển tập ba quyển chững chạc, bề thế gửi bạn đọc. Giữa thời buổi xuất bản sách Văn học khó khăn, rất nhiều nhà văn, nhà thơ phải tự bỏ tiền in tác phẩm của mình chỉ để tặng bạn bè và cho có đầu sách, ông được mời đưa tác phẩm cho người ta in và phát hành, lại có nhuận bút đàng hoàng, mừng quá còn gì. Nhưng, khách xuất bản về rồi, ông ngồi bần thần một mình. Yêu cầu của khách, làm cho được, đâu có dễ. Đã in được 200 truyện ngắn, giờ chỉ chọn lấy 100 truyện cho người ta in, bỏ truyện nào bây giờ?
Tâm trí ông chợt bừng sáng một tiêu chí để tuyển chọn truyện ngắn cho bộ Tuyển. Phải rồi, chỉ chọn những truyện đứng được với thời gian, loại bỏ những truyện viết theo định hướng, theo một yêu cầu, những truyện để mình là thành viên của dàn đồng ca hát mãi về một vẻ đẹp không có thực-một xã hội tốt đẹp đến mức “không có bi kịch” như lời khẳng định mang tính chỉ giáo của một vị làm công tác Tư tưởng-Văn hóa.
Xác định được tiêu chí tuyển chọn, việc chọn truyện của ông trở nên dễ dàng hơn. Dễ hiểu vì sao bộ truyện 100 truyện ngắn không có truyện “Xa phủ” và cả tập truyện đầu tay mang tên truyện ngắn này, cho dù “Xa phủ” được giải cao và đưa tên tuổi ông lên Văn đàn. Ông cũng gạt bỏ luôn tập truyện ngắn thứ 2 mang tên” Bài ca trăng sáng” có công đưa ông gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam. Ông đọc kỹ, chọn lọc các tập truyện ngắn đã xuất bản, từ tập “Ngày đẹp trời” do Nhà xuất bản Lao Động in năm 1986 và các tập truyện xuất bản tiếp theo, cuối cùng có được số lượng truyện theo yêu cầu của khách hàng và, tuyển tập “100 truyện ngắn Ma Văn Kháng” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn liên kết cùng Nhà sách Đinh Tỵ xuất bản năm 2017 đến tay bạn đọc, xác lập cột mốc thứ hai đáng nhớ trong sự nghiệp viết Truyện ngắn của Nhà văn Ma Văn Kháng.
Và đây là cột mốc thứ ba ông đã đạt tới: Nhà nước đặt hàng để ông đưa in tập truyện mang tên “Truyện ngắn Ma Văn Kháng”, với số lượng truyện đã được ấn định: chỉ 35 truyện ngắn, không hơn không kém! Vậy là thêm một lần nhà văn Ma Văn Kháng buộc phải tự mình sàng lọc, lựa chọn một cách khắt khe để tìm ra 35 đứa con tinh thần tiêu biểu trong số 200 đứa con ông đã vất vả hoài thai và sinh ra chúng.
Ngẫm nghĩ khá lâu, cuối cùng ông tìm được tiêu chí để chọn 35 truyện ngắn cho Nhà nước xuất bản tập truyện “Truyện ngắn Ma Văn Kháng”. Tiêu chí đó là: chọn những truyện giàu chất Nhân văn, những biểu hiện rõ phong cách, hồn cốt truyện ngắn Ma Văn Kháng! Như vậy, có hai nội dung tiêu chí: một là, truyện phải giàu chất Nhân văn, và hai là, truyện phải mang phong cách, hồn cốt của riêng ông, không lẫn với một tác giả nào trong làng Văn.
Một số tác phẩm của Nhà văn Ma Văn Kháng.
Truyện ngắn Ma Văn Kháng chia hai mảng rõ rệt. Mảng truyện ông viết về con người và vùng cao giáp biên của tỉnh Lào Cai mà ông đã gắn bó hơn 20 năm. Ở mảng truyện này, nhắm mắt lại ông thấy hiện lên ngay trong tâm tưởng các truyện “Vệ sĩ của quan châu”, truyện “Giàng Tả-Kẻ lang thang”, truyện “Người thợ bạc ở phố cũ”. Rồi truyện “Seo Ly-Kẻ khuấy động tình trường”, truyện “Hoa gạo đỏ”, cả truyện “Miền an lạc vĩnh hằng” nữa…
Mảng truyện thứ hai ông viết từ sau ngày chuyển về làm việc tại Nhà xuất bản Lao Động ở Hà Nội. Mảng này số lượng truyện nhiều hơn, vấn đề của truyện giàu ý nghĩa Nhân văn hơn, đời hơn, không có cái lạ, cái riêng biệt, độc đáo của mảng truyện thứ nhất. Như “Trăng soi sân nhỏ”, “Trung du chiều mưa buồn”. Như “Heo may gió lộng”, “Ngẫu sự”, “Bồ nông ở biển”, “Trái chín mùa thu”. Và như “Những người đàn bà”, “Anh thợ chữa khóa”, “Nợ đời”, hay “Một chiều giông gió”, “Bệnh nhân tâm thần”… Đó là những truyện có thể góp mặt trong số 35 truyện Nhà nước đặt hàng.
Cẩn thận, ông đọc lại những truyện vừa nhớ đến, và mừng thấy trí nhớ của mình rất chuẩn. Nhờ thế, việc đọc chọn 35 truyện theo đặt hàng của Nhà nước không mất quá nhiều thời gian như ông tưởng.
2.
Vậy là truyện ngắn Ma Văn Kháng đã đạt đến ba cột mốc quan trọng để khẳng định vị thế trên Văn đàn. Nếu cột mốc thứ nhất tỏ rõ sức vóc sáng tạo đến khó tin của một cây bút, thì cột mốc thứ hai và thứ ba khẳng định bản lĩnh của sự tự thanh lọc, trong đó, cột mốc thứ hai chọn lấy những truyện đứng được với thời gian, còn cột mốc thứ ba nhằm tuyển lựa số truyện tiêu biểu cho phong cách, hồn cốt truyện ngắn Ma Văn Kháng. Và thực tế đón nhận tác phẩm của bạn nghề và bạn đọc suốt 40 năm qua, cùng với những khẳng định về giá trị tác phẩm và vị thế nhà văn qua việc trao hai giải thưởng danh giá là Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh cho Ma Văn Kháng đã là sự xác nhận thành công của ông ở thể loại Truyện ngắn. Thế nên phần viết này chỉ nhằm tìm ra căn nguyên làm nên thành công ấy của nhà văn Ma Văn Kháng.
Truyện ngắn Ma Văn Kháng đã đạt đến ba cột mốc quan trọng để khẳng định vị thế trên Văn đàn.
Theo tôi, có ba căn nguyên sau đây:
Căn nguyên thứ nhất: Tài phát hiện, nắm bắt Tình huống truyện trong đời sống xã hội, để từ đó triển khai, viết thành truyện ngắn theo ý đồ chủ quan của tác giả.
Cần phải nói điều này: Tài phát hiện và nắm bắt Tình huống truyện là thứ tài năng thiên bẩm, trời cho, không phải do phấn đấu, rèn luyện mà có. Nó giống như phẩm chất Thi sĩ của các Nhà thơ đích thực-Nhà thơ Chính danh.
Nhà văn Ma Văn Kháng được trời phú cho thứ tài năng đặc biệt này, nhờ thế, ông phát hiện, nắm bắt các tình huống truyện trong đời sống diễn ra quanh mình hàng ngày rất nhanh. Tất nhiên, từ phát hiện tình huống đến viết ra thành truyện còn là một quá trình không dễ dàng. Văn hào Ban Zắc từng nói đại ý: Đi từ nhà đến xưởng in sẽ gặp bao nhiêu chuyện có thể viết, nhưng viết được thành truyện đâu có đơn giản. Và vì không đơn giản, không phải ai cũng viết được nên xã hội mới ít Nhà văn! May thay, Ma Văn Kháng không chỉ có tài phát hiện, nắm bắt các tình huống truyện mà ông còn có tài viết truyện, nên Văn đàn Việt Nam đương đại mới có một Nhà văn viết và in được 200 truyện ngắn, như ông đã thống kê trong tự thuật.
Căn nguyên thứ hai: Vốn chữ nghĩa giàu có.
Là người đọc và nghiên cứu nhiều về Nhà văn Ma Văn Kháng, Giáo sư-Nhà văn Phong Lê từng nhận xét: “Nếu muốn tìm đến sự phong phú của ngôn ngữ-áp cận được vào thì hiện tại, tôi nghĩ cần đọc Ma Văn Kháng. Và trước đó-Tô Hoài. Đó là hai trong số ít người có được cả một kho chữ thật rủng rỉnh để tiêu dùng. Và do có cả một cái kho nên anh là người không ưa dùng những chữ mòn, và ít khi làm mòn chữ. Dẫu đã quen hoặc lạ, chữ nghĩa khi đã qua tay Ma Văn Kháng là cứ ánh chói lên cái nội lực bên trong của nó”.
Còn tôi, từ nhiều năm trước, tôi đã gọi “nhà văn Ma Văn Kháng là nhà triệu phú về chữ nghĩa”. Phải là người giàu có chữ nghĩa, lại thích dùng chữ nghĩa nên truyện của Ma Văn Kháng mới có được nhiều chữ mới lạ gửi cho người đọc như thế. Xin được bàn kỹ hơn, cụ thể hơn về điều này.
Đặc trưng của Văn học là sử dụng ngôn ngữ để biểu đạt ý tưởng, vậy nên người viết văn mà giàu có vốn ngôn ngữ và giỏi sử dụng ngôn ngữ là hai yếu tố quan trọng góp phần làm nên một cây bút lớn.
Nhà văn Ma Văn Kháng hội đủ hai yếu tố đó.
Giàu ngôn ngữ cộng với năng khiếu kể chuyện, dựng truyện nên Ma Văn Kháng có cách thức dẫn truyện sinh động, hấp dẫn. Hai trăm truyện ông đã viết là hai trăm cách dẫn truyện khác nhau, không có sự trùng lặp. Tuy độ hấp dẫn có khác nhau, nhưng nhìn chung là đều đọc được, ngay cả những truyện có cốt truyện đơn giản, chỉ tóm gọn vài câu là hết truyện. Vì vậy mà nhà văn Mai Thanh phải thốt lên: “Đúng là phù thủy Ma Văn Kháng, chỉ có ông mới viết được những truyện này”!
Cũng vì giàu ngôn ngữ nên Ma Văn Kháng miêu tả-tả người, tả cảnh, tả tình, hầu hết đều gây ấn tượng cho người đọc. PGS.TS Lã Nguyên có nhận xét chuẩn xác về đặc tính này của ngòi bút miêu tả mang thương hiệu Ma Văn Kháng: “Các nhà văn thường miêu tả ngoại hình để nói chuyện tính cách. Ma Văn Kháng thường miêu tả tướng hình để thể hiện tính người, tình người. Bởi vì cái tính thường lộ ra ở cái tướng, nhất là ở những kẻ ác tính, ác tâm.”
Ma Văn Kháng không chỉ giỏi dùng ngôn ngữ trong miêu tả. Ông còn có biệt tài sử dụng ngôn ngữ trong những đoạn viết bứt thoát ra khỏi mạch truyện chính. Có thể gọi đó là những đoạn văn “Phiêu”, nói theo ngôn từ của ngành nghệ thuật biểu diễn các ca khúc. Tôi gọi đó là những “lãng du văn chương” của nghệ thuật viết truyện mang thương hiệu Ma Văn Kháng. Đấy là những đoạn văn dài ngắn khác nhau, có khi chỉ một hai câu, lại có lúc là cả đoạn viết dài nhiều chữ nghĩa. Có điều, dù dài hay ngắn thì những đoạn văn “Phiêu” hay “lãng du văn chương” ấy đều mang lại cho người đọc những ý tưởng mới, thú vị bên ý tưởng của mạch truyện chính. Có lúc là một suy tưởng mang tính cảnh báo: “Mới đây với đấy thôi mà rượu sâm banh cùng đã thành mề đay. Cái đáng biết lại không biết. Cái không nên quên lại quên. Lịch sử thế là lại mất đi cái hồn nhiên của nó” (Giàng Tả-Kẻ lang thang).
Truyện “Seo Ly, kẻ khuấy động tình trường” kể chuyện một cô gái Mèo đẹp: “Là trăng trên trời. Là chim quyên trong các loài long vũ. Là măng tre trong các loại rau ăn. Là quả Vải trong các thứ trái cây. Là mùa xuân của thiên nhiên. Là đàn bà hơn tất cả đàn bà…” Ấy nhưng chính cô gái lạ lùng ấy “hóa ra nàng đã đánh đổ ba bí thư huyện ủy, bốn trưởng phòng cấp huyện và mười chủ tịch, bí thư xã, họ liền quyết định điều một ông thường vụ tỉnh già vào để “trị” nàng. Nhưng… kết quả là lại một đêm nhộn nhạo phố huyện. Lần này đi “diễu phố” một cách man rợ là cả ông bí thư già và nàng. Cả hai đều trần truồng…”.
Kinh hãi chưa, truyện tưởng chỉ kể về cô gái Mèo đẹp, đa tình, đã thành một báo động đỏ về sự suy đồi đạo đức của cả hệ thống cán bộ từ xã lên huyện, rồi lên đến cả lãnh đạo tỉnh. Truyện có chủ đề kép thật ghê gớm!
Còn có thể dẫn ra nhiều ví dụ về cái sự “lãng du” này của ngòi bút Ma Văn Kháng. Không chỉ báo động mang ý nghĩa xã hội thôi đâu. Có lúc ông “phiêu” rất hay về một ngành nghệ thuật: “Nghệ thuật thật sự là sản phẩm tinh thần đạt đến trình độ cao, và hội họa là bộ môn nghệ thuật có thể biểu hiện toàn bộ phần bên trong, phần đời sống tâm hồn của con người một cách thật đầy đủ bằng vẻ ngoài hữu hình của con người”. (Bức tranh người đàn bà chơi vĩ cầm). Lại có lúc, qua “lãng du” ông phát ra một Tuyên ngôn nghề nghiệp, cụ thể là cái nghiệp Văn chương mà ông theo đuổi: “Văn chương là chuyện đời thông qua việc đào bới bản thể mình ở chiều sâu tâm hồn, chứ đâu phải là đi hót lấy cái váng bọt nổi trên mặt của ngoại vật” (Trăng soi sân nhỏ).
Thế đấy, những đoạn “phiêu”, đoạn “lãng du” trong các truyện của Ma Văn Kháng. Chính nó góp phần quan trọng làm nên đặc sắc trong các truyện ngắn của ông, làm nên cá tính riêng biệt của cây bút Ma Văn Kháng trên văn đàn Văn học Việt Nam đương đại. Ông cũng học các tiền nhân. Như học cụ Nguyễn Du (Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung), cụ Nguyễn Công Trứ (Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo…). Rồi cụ Vich to Huy Gô say sưa viết về cống ngầm Pari trong tiểu thuyết “Những người khốn khổ”, và nhiều bậc anh tài khác nữa. Có sao đâu, học người để viết được những cái của riêng mình, mang nhãn mác Ma Văn Kháng không lẫn với ai khác, là quá đẹp, là thành công rồi. Tôi chỉ ngạc nhiên là một số người, trong đó có cả những nhà nghiên cứu lý luận Văn học, lại không thích, thậm chí ỉ eo rằng đấy là những đoạn văn viết lạc đề của Ma Văn Kháng (!)
Giờ là căn nguyên cuối cùng - Căn nguyên thứ ba làm nên thành công của truyện ngắn Ma Văn Kháng. Đó là kiến văn của ông- một vốn Tri thức dày dặn, phong phú cổ-kim-đông-tây của nhân loại, ông đã học, đọc, tích cóp được, để khi viết truyện, động đến vấn đề gì, ngành nghề gì, ông có thể hoa bút thoải mái tham góp, bình luận mà không sợ hớ, không sợ sai. Dày tri thức, lại giàu ngôn từ, chữ nghĩa, kể cả hệ thống chữ nghĩa mang tính chuyên môn đặc thù của các ngành, nghề, nên Ma Tiên sinh không chỉ viết đúng mà còn thường viết hay, để lại ấn tượng trong tâm trí người đọc. Có thể kể nhiều dẫn chứng về vấn đề này, nhưng thôi, xin các bạn đọc truyện của ông để tự chọn ra các ví dụ, như thế thú vị hơn và sẽ giữ được ấn tượng lâu bền hơn.
Nhà văn Ma Văn Kháng - Cây bút Truyện ngắn sum suê hoa trái
3.
Nhưng, đọc truyện của Ma Văn Kháng, không phải không có những điều cần bàn lại với tác giả. Ông giàu có chữ nghĩa, giỏi dùng chữ nghĩa. Đúng thế, có điều, nhiều khi người đọc có cảm giác ông sính dùng chữ nghĩa quá, không để tâm tự hỏi: người đọc có hiểu ý nghĩa từ này không? Vậy nên đã có ý kiến cho rằng Ma Văn Kháng mắc bệnh khoe chữ. Ví dụ ông viết “cái quan hệ đàn ông đàn bà vô thường, mê muội và huyền ẩn”. Mê muội thì dễ hiểu, “vô thường” đã bắt đầu khó hiểu với nhiều người rồi, nhưng đến chữ “huyền ẩn” thì tôi phải tra cả Từ điển chính tả tiếng Việt. Từ điển Hán-Việt và Bảng tra chữ Nôm mà cũng không có lời giải. Lại nữa, cũng trong truyện “Ngẫu sự” này, ông viết “một giọng nói tẩm hương tình, vang bổng trong trời thu…” Và, chính ngay cả từ “ngẫu sự” được dùng làm tên truyện. Rồi những từ “kỳ hoa dị thảo”, “hiếu dục”, tội “ổi tiết”. Cả cụm từ “tạo vật ố hoàn danh” trong truyện “Một mối tình si” nữa.
“Một chiều giông gió” là truyện ngắn hay của Ma Văn Kháng, đã được tuyện chọn đưa vào sách Giáo khoa Văn bậc học phổ thông. Nhưng lắm “chữ nghĩa” quá. Những “thực tại phồn tạp”, “sau cái sơ ngộ là một giây ngưng thần hòa tan bản thể…”, “chài chài trong công việc nặng nhọc”, “nỗi hoan lạc thần bí”, “cảnh tượng diễm ảo”. Vân vân…
Thêm ý này nữa nói nhỏ với nhà văn: các bản in truyện của ông để sót lỗi chính tả hơi nhiều. Lỗi này chắc không phải do ông viết sai, mà do biên tập, do bộ phận chế bản. “Thứ bảy” mà in thành “thứ bẩy”, “dãi bày” thành “dãi bầy”, “gãy gọn” thành “gẫy gọn”, “nhàu nhĩ” thành “nhầu nhĩ”… Nhắc những lỗi này, tôi lại nhớ nhà thơ Xuân Diệu từng khoe xuống tận nhà in để sửa Morat thơ ông. Nhưng thơ ít chữ, chứ truyện của Ma Văn Kháng nhiều chữ lắm…
Tuy nhiên, những “vết xước” ấy không ảnh hưởng nhiều đến vẻ đẹp của truyện ngắn Ma Văn Kháng, một vẻ đẹp không chỉ đến từ con số lớn lao 200 truyện ông đã viết, đã in, mà từ tính tư tưởng sâu sắc, từ nghệ thuật kể chuyện, dựng truyện, từ sự giàu có ngôn ngữ trong các truyện của ông mang đến cho người đọc. Trước khi cầm bút viết bài này, tôi đã nhẩn nha đọc lại ngót 800 trang in khổ 14,5x20,5 của tuyển chọn “Truyện ngắn Ma Văn Kháng”, một trong chùm tác phẩm được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh. Thì tôi vẫn đinh ninh cái cảm giác từ nhiều năm trước, khi đọc truyện ngắn của ông. Rằng: Nhà văn Ma Văn Kháng quả thật là Cây bút Truyện ngắn sum suê hoa trái!
Chiều 23/4, tại Phố sách Hà Nội, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức giới thiệu cuốn sách "Nếu chúng...
Bình luận