Ký ức lương thiện

Đọc Chuyện làng ven sông, tiểu thuyết của Nguyễn Thị Bình, Nxb Văn học, 2015

“Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” (Hồ Chí Minh).

Làng kháng chiến ven sông Đáy như một chứng nhân lịch sử

Đọc tiểu thuyết Chuyện làng ven sông của nhà văn Nguyễn Thị Bình, tôi chợt nhớ đến những câu thơ: “Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng?/Tất cả trả lời: Sinh bên một dòng sông/ Chẳng phải sông Đà, sông Mã, sông Hồng đôi bờ cát mênh mông/ Thì cũng sông Trà, sông Hương, sông Cửu Long uốn chín đầu rồng/ Chẳng phải rộng xa một tầm cò vỗ cánh/ Cũng xinh xinh vài sải chèo quẫy mạnh/ Quê hương Việt Nam mườn mượt những cánh đồng/ Mỗi con người gắn bó một dòng sông” (Bế Kiến Quốc - Những dòng sông).

Chuyện làng ven sông gồm 14 chương chính và 1 chương kết (như là vĩ thanh), kể lại những biến thiên lịch sử, trên phạn vi toàn quốc, đã ứng nghiệm vào một không gian cụ thể (làng Vạn Phúc, Hà Đông, vùng phên giậu của Hà Nội đã hiển hiện trong nhạc phẩm để đời Hà Tây quê lụa của nhạc sỹ Nhật Lai), trong một không gian - thời gian lịch sử vĩ mô (1945-1975): từ thời điểm Hồ Chủ tịch bí mật về ở và làm việc, lãnh đạo cách mạng, xây dựng chính quyền cách mạng non trẻ, phải vượt qua nhiều bão tố thác ghềnh; diễn tiến tiếp theo suốt chiều dài hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Về hình thức, Chuyện làng ven sông là một cuốn tiểu thuyết lịch sử - tư liệu (các nhân vật lịch sử: Lãnh tụ Hồ Chí Minh, kỹ sư chế tạo vũ khí tài ba Trần Đại Nghĩa,... cùng các tài liệu lưu trữ Lịch sử Đảng của địa phương và toàn quốc). Nhưng đọc hết tác phẩm thì thấy nó thực thi được nhiệm vụ của thể loại tiểu thuyết - kể một câu chuyện có đầu có đuôi, có cao trào, có nhiều tình huống điển hình, nghẹt thở trong cuộc đấu trí, đấu lực giữa hai lực lượng cách mạng và phản cách mạng, chính nghĩa và phi nghĩa.

Trong Lời tựa (in đầu sách), tác giả chia sẻ: “Đây là câu chuyện có thật mà cha mẹ tôi là những nhân vật chính cùng toàn thể cán bộ nhân dân các làng ven sông Nhuệ trong thời kỳ chống Pháp và đế quốc Mỹ, nhất là con đường vận chuyển vũ khí đến các chiến dịch: Việt Bắc thu đông năm 1947, chiến dịch Biên giới năm 1950, chiến dịch Hòa Bình,... chiến dịch Điện Biên Phủ và cuối cùng là chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng mùa xuân 1975 thống nhất đất nước”.

Ký ức lương thiện - 1

Tiểu thuyết Chuyện làng ven sông

Tác giả bài báo nhỏ này còn lưu giữ kỷ niệm của năm đầu (1969-1970) học khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, đã cùng bạn bè sinh viên trọ trong nhà dân ở ba làng La Khê, La Cả, La Nội (đều là suối nguồn nổi tiếng cả nước “Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng/Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông”); đã chiều chiều, sáng sáng du ngoạn hai bên bờ sông Nhuệ trù phú. Vì thế nên khi đọc Chuyện làng ven sông của Nguyễn Thị Bình có được cái cảm giác quen thuộc về cảnh và người, qua cách kể chuyện chân phương, lấy chuyện đời, chuyện người có tên tuổi, lai lịch làm căn cốt, “bấu chặt” lấy sự thật đời sống để viết.

Như để chứng ghi cách viết trung thành với sự thật, ở cuối tác phẩm, tác giả trình hiện một văn bản: “Giấy xác nhận” của Ủy ban nhân dân phường Vạn Phúc (ngày 23/7/2015) về “Chương II: Lịch sử cách mạng Vạn Phúc thời kỳ chống Pháp “Làng lụa Vạn Phúc - nơi Bác Hồ viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Tác giả Nguyễn Thị Bình. Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội. Sinh năm 1956. Đã được các nhân chứng lịch sử tại phường Vạn Phúc đóng góp tại bản thảo”. Làng Vạn Phúc, qua sự tái hiện bằng ngôn ngữ nghệ thuật, tương thích một đơn vị (không gian) văn hóa. Tất nhiên. Hơn thế còn như là chứng tích lịch sử về một “không gian bảo tàng truyền thống cách mạng”, sống mãi trong thời gian, trong ký ức nhiều thế hệ người dân của làng, ở đó quả thực có “người người lớp lớp” tham gia cuộc đấu tranh cách mạng trong trường kỳ kháng chiến mười ngàn ngày (1945-1975).

Nhà văn Hữu Đạt (nguyên giảng viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, quê ở Phú Cường, Ba Vì, Hà Tây - nay thuộc Tp. Hà Nội) đã viết trường ca Cuộc chiến mười ngàn ngày (Nxb Công an nhân dân, 2015), cũng đã lấy cảm hứng từ một làng quê cụ thể để mở rộng không gian - thời gian nghệ thuật của tác phẩm. Sự gặp gỡ, giao thoa trong sáng tác văn học thường khi như là ngẫu nhiên, nhưng xét đến cùng là tất nhiên.

Nhân vật tiểu thuyết

Tuy nhiên, văn học là lĩnh vực của trí tưởng tượng, hư cấu và sáng tạo. Phẩm chất này của tác giả, tôi nghĩ, phát huy tối đa ở phần xây dựng nhân vật - thông qua những số phận con người cụ thể, vì “Văn học là nhân học” (M. Gorki). Có hai cặp nhân vật chính, những con người bình thường đã góp công sức vô tư theo tinh thần tận hiến “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp chung: Kê và Tân, Lành và Tâm, như hai cặp bài trùng đi xuyên tác phẩm (dẫu xuất hiện trước sau).

Ngoài ra, cặp nhân vật sư Mỵ và ông Tụng, cũng rất sinh động, nói được cái phong phú và phức tạp của đời sống tuy diễn tiến trong máu lửa nhưng vẫn không kém phần chất thơ, trữ tình bay vút lên thông qua những quan hệ tình cảm tế nhị, muôn màu sắc, ánh phản đời sống tâm hồn con người Việt Nam, đúng như câu thơ của Huy Cận: “Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa/ Trong và thật sáng hai bờ suy tưởng”.

Sư Mỵ tuy đã ở tuổi bốn mươi nhưng vẻ đẹp vẫn còn mặn mà, ông Tụng là cán bộ Đảng cơ sở nằm vùng, được sư Mỵ đào hầm bí mật che giấu; nhưng vì nghĩa lớn, ông Tụng đã nén lòng mình để ra đi với tâm thế: “Người ra đi đầu không ngoảnh lại/Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy” (Nguyễn Đình Thi - Đất nước). Viết như thế, tác giả đã làm “mềm hóa” những sự kiện chiến tranh đầy máu và nước mắt mà dân làng Vạn Phúc nói riêng, nhân dân cả nước nói chung đã trải qua trong những ngày khói lửa chiến tranh ác liệt.

Nhận xét như thế không có nghĩa là chúng tôi ưu ái tác giả nữ, nên rất có thể “thiên vị”. Quả thật các nhân vật nữ trong tiểu thuyết Chuyện làng ven sông từ Tân, Lành, sư Mỵ đến các bà mẹ Việt Nam anh hùng vĩ đại (trong ý nghĩa chung nhất của từ này, như mế Sìn, bà mẹ Vỳ đều phảng phất hình ảnh Mẹ Tơm hay Bà má Hậu Giang trong thơ Tố Hữu) của những đứa con con trai, con gái đã không quản gian khổ, hy sinh cống hiến cả phần đời thanh xuân đẹp nhất cho sự nghiệp chung vì độc lập tự do của giang sơn đất nước.

Kết thúc tiểu thuyết Chuyện làng ven sông, hai nhân vật chính Tâm và Khê gặp lại nhau sau ngày chiến thắng - giải phóng miền Nam 30/4/1975, trào dâng không khí của ngày hội Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng (ca khúc hùng tráng của nhạc sỹ Phạm Tuyên). Giờ đây mái tóc cả hai đã phong sương nhưng tâm hồn của họ vẫn còn rất trẻ trung như mùa xuân đất trời: “Tâm trào nước mắt, không bước nổi về nhà. Vừa lúc đó ông Kê, người bạn chiến đấu rất thân thiết của Tâm đã đứng ngay bên cạnh. Hai người lính già nắm lấy vai nhau không nói một lời nào. Kê quay người  kéo Tâm đi về phía nhà Tâm. (...). Tâm gật đầu, giọt nước mắt đục nhờ rơi xuống ngực áo. Hai người lính cựu chiến binh bước đi chậm rãi giữa ánh đèn sáng rực cờ hoa băng zôn khẩu hiệu rợp đường. Một chương trình ca múa nhạc được dàn dựng ngay bên đường phố. Tiếng hát những bài ca tiền chiến của những ngày đầu kháng chiến vang lên rộn rã, khiến trái tim của họ cũng bất thần vang lên khúc hát quân hành”. Đúng như hình ảnh đã được khắc tạc vào lịch sử: “Người lính già đầu bạc/Kể mãi chuyện Nguyên Phong”. Đây là một kết thúc có hậu theo truyền thống tâm lý - tình cảm của người Việt Nam, không hề khiên cưỡng như ai đó nghĩ. Bởi chiến thắng mùa Xuân 1975 là một tất yếu lịch sử. Đã tất yếu thì đồng nghĩa với có hậu - niềm vui chiến thắng, đoàn tụ. Đúng như câu thơ của Tố Hữu: “Việt Nam ơi máu và hoa ấy/ Có đủ mai sau thắm những ngày” ( Việt Nam máu và hoa).

Vĩ thanh

“Chiến tranh là siêu đề tài, người lính là siêu nhân vật”, cách diễn đạt của nhà văn Chu Lai nhận được sự đồng cảm của văn giới và độc giả. Nhà văn Khuất Quang Thụy thì nhấn mạnh bằng hình tượng văn học “Chiến tranh dường như chưa kết thúc” với thế hệ nhà văn chống Mỹ - một thế hệ “Không có sách chúng tôi làm ra sách/ Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình” (Hữu Thỉnh - Đường tới thành phố).

Sự trở lại của đề tài truyền thống (lịch sử, chiến tranh cách mạng) trên văn đàn gần đây cho thấy động thái tinh thần “ôn cố tri tân” là một nhu cầu tinh thần cấp bách. Bởi vì, hơn lúc nào hết chúng ta đang cần sự hỗ trợ đắc lực của những bài học kinh nghiệm về văn hóa - đạo đức - nhân cách trong quá khứ để hành xử đúng đắn trong hiện tại và tương lai.

Chỉ tính trong năm 2022, đã xuất hiện những tiểu thuyết thành công về đề tài chiến tranh cách mạng, trong số đó trội bật như Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt của Đoàn Tuấn, Vùng biên không yên tĩnh của Thương Hà, Trăng lên của Thế Đức, Hương của Nguyễn Thụy Kha, được độc giả đón nhận nồng nhiệt. Tiểu thuyết Chuyện làng ven sông của Nguyễn Thị Bình, tuy nhiên còn khiêm tốn hơn, xét trong tâm thức của người viết, cũng như sự tiếp nhận của độc giả. Nhưng với giới nghiên cứu/ lý luận/ phê bình văn học thì, xét theo lập trường khách quan, nó đã bước đầu được đón nhận theo tinh thần xưa “có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ”.

Bùi Việt Thắng

Tin liên quan

Tin mới nhất