Lặng lẽ Cao Ngọc Thắng

Ấn tượng đọc “Miền ký ức”, bình luận và chân dung của Cao Ngọc Thắng, Nxb Hội Nhà văn, 2023

Trong vòng 14 năm (2009-2023), nhà văn Cao Ngọc Thắng xuất bản 17 tác phẩm (6 tập thơ, 5 tập văn, 1 tập ký báo chí, 2 tập chuyên luận; 3 tập bình luận – chân dung). Đó là những con số biết nói về sức lao động nghệ thuật cần cù, nhẫn nại có hiệu quả cao của một ngòi bút đa tài, ngòi bút có duyên thầm trên nhiều lĩnh vực. Quan trọng hơn viết như một cách thế tồn tại. Không thể không viết. Miền ký ức là tác phẩm thứ 17 của Cao Ngọc Thắng. 

Lặng lẽ Cao Ngọc Thắng - 1

Bìa cuốn sách "Miền ký ức"

Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân

Phải nói ngay, 41 bài viết được đưa vào sách đều đã được sàng lọc và thử thách khi đăng báo chí trước đó. Tuy nhiên, tôi hình dung, mỗi bài đăng riêng rẽ trên báo chí khác nào một chàng thanh niên mới lớn, tràn trề sức xuân, đang rất tự do bay nhảy, nay đứng vào sách thì y như chàng tân binh trong quân ngũ – cố kết, nghiêm ngắn, có sức mạnh của một tập hợp, một đội ngũ tề chỉnh. Có được ấn tượng tốt như thế với người đọc là vì sự tuyển chọn và tập hợp của tác giả rất cẩn trọng và kỳ khu.

Nổi lên trên gần 400 trang sách là các mảng màu chính: Về các nhà thơ cổ điển (Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Hồ Chí Minh). Ở mảng màu này, lối viết của tác giả là thành kính và chiêm bái, khẳng định các giá trị cổ điển có ý nghĩa kết tinh và lan tỏa; thấp thoáng ý tưởng về tính hiện đại của nghệ thuật ngôn từ đặng có thể tìm thấy rất nhiều trong các giá trị truyền thống.

Mảng màu thứ hai là các bài viết về các trí thức, văn nghệ sỹ lừng danh như Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, nhà nghiên cứu văn hóa Phan Ngọc, nhạc sỹ - thi sỹ Văn Cao, nhà giáo – dịch giả Hoàng Thiếu Sơn. Tác giả nghiêng về viết về phẩm cách của những chân tài, trong mỗi phẩm cách thì căn cơ văn hóa nổi lên hàng đầu có tính quyết định sự thành công của mỗi cá nhân, có thể trở thành những tấm gương lớn về đạo đức và tài năng đáng noi theo.

Mảng màu thứ ba, theo tôi gây nên sự quan tâm với độc giả, là những bài viết tinh tế về các nhà văn hiện đại và đương đại trên văn đàn Việt Nam từ Huy Cận, Nguyễn Xuân Sanh, Sơn Tùng, Nguyễn Khoa Điềm, Việt Phương, Hoàng Phủ Ngọc Tường,... đến Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Trần Nhuận Minh, Lê Thành Nghị, Trần Quốc Thực, Trần Hòa Bình, Trần Quốc Huấn,... Lối viết của Cao Ngọc Thắng trong phần này là nỗ lực sống với văn chương cùng thời, nỗ lực làm tri âm tri kỷ của các văn nhân.

Mảng màu thứ tư là về “miền hội họa”. Tôi biết Cao Ngọc Thắng còn có “chân” trong Hội Điện ảnh Hà Nội. Nhưng anh lại viết nhiều và sâu về hội họa. Tôi không đủ sức để đánh giá bạn văn khi anh phóng bút viết về các họa sỹ đương thời như Linh Chi, Trần Lưu Hậu, Ngọc Linh, Tô Ngọc Thành, Ngô Hải Yến. Nhưng tôi cứ vân vi về cái gọi là sở trường hay sở đoản của bạn văn Cao Ngọc Thắng khi chạm đến những toan, những màu, những đường nét sẽ thế nào đây?! Nhưng rồi cuối cùng thấy anh rất tự tin, tự tại, tự nhiên nên tôi cũng yên lòng và an tâm theo chỉ dẫn của nguyên tắc tôn trọng cái khác biệt như một ứng xử văn hóa tối cao.

Lặng lẽ Cao Ngọc Thắng - 2

Tác giả Cao Ngọc Thắng

Chạm vào miền ký ức

Tôi quyết định chọn ra hai bài hay nhất trong tập để nói về con đường tiếp cận cái đẹp của nghệ thuật trong cách bình văn của Cao Ngọc Thắng: Tiếng kèn của người lính (về tập truyện ngắn Người lính kèn về làng của nhà văn Trần Quốc Huấn) và Điệp khúc cỏ (về thơ của thi sĩ Lê Thành Nghị). Lối viết của Cao Ngọc Thắng là chạm vào (hay tìm về) miền ký ức của đối tượng được viết.

Với nhà văn Trần Quốc Huấn, Cao Ngọc Thắng dùng  phép “thi thoại” để kiến trúc bài viết. Mãi đến năm 2016 tôi mới quen biết Cao Ngọc Thắng. Và anh không biết rằng những điều anh viết về Trần Quốc Huấn thì tôi rõ như trong lòng bàn tay. Là bởi, từ năm 1969 đến 1971, tôi học cùng lớp với nhà văn tương lai Trần Quốc Huấn, ở cùng nhà trọ trong làng có nghề truyền thống dệt lụa nổi tiếng - La Khê, Hà Đông. Bên cạnh bạn, tôi và ai đó dễ trở nên mờ nhạt vì có một Trần Quốc Huấn tài hoa, lãng tử nổi bật. Đủ cả cầm kỳ thi họa. Con đường học hành của Trần Quốc Huấn bị chiến tranh làm ngắt quãng. Có mấy năm anh tham gia quân ngũ trong lực lượng Công an vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng). Hết chiến tranh lại trở về trường học tiếp và nhận bằng cử nhân văn chương tại một địa chỉ văn hóa danh tiếng - khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Đọc bài viết của Cao Ngọc Thắng về nhà văn Trần Quốc Huấn, có thể ai đó nghĩ người viết rất thuộc đối tượng viết. Có thể như thế và cũng có thể không như thế. Nhưng từ đâu Cao Ngọc Thắng có được những nhận xét tinh tế và gan ruột về đối tượng viết mà cơ duyên chỉ có thể là biết nhiều chuyện hậu trường, ngoài văn chương, tức là chuyện đời. Lúc đầu chính tôi cũng bất ngờ nhưng sau phát hiện ra nguyên do Cao Ngọc Thắng chơi và thần tượng nhà thơ - nhà giáo Trần Trung, anh trai Trần Quốc Huấn.

Viết thế này là chạm vào miền ký ức của văn và người “Đọc truyện ngắn của Trần Quốc Huấn tôi hình dung ông ngồi tư lự, dáng ông cúi đầu trên trang viết đăm chiêu, nhọc nhằn, xoay xở, ánh mắt xa buồn, mông lung. Những con chữ ông tung ra tãi bày dày đặc trên từng trang sách như nói rằng: đằng sau chúng, bên dưới chúng còn ẩn vô khối điều phải đọc. Đọc Trần Quốc Huấn không thể  vội được. Văn của ông có vẻ giản dị đấy, nhưng không hề giản đơn. Nó thầm thì chứ không gào thét, thâm trầm nhưng không nặng nề, buồn nhưng không là buồn thấm thía, lặn xuống rồi lại trồi lên, loang ra thành những vòng tròn giao thoa trên mặt nước”. Và tôi giật mình khi Cao Ngọc Thắng khẳng định văn chương và con người của Trần Quốc Huấn “quá nhạy cảm”. Đã quá nhạy cảm thì theo logic sẽ dễ tổn thương chăng?! Rất có thể như thế và đã là như thế trong hiện thực, hiện sinh. Ai tin thì tin không tin thì thôi! (theo cách diễn đạt của thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo).

Cách bình văn cũng như bình thơ của Cao Ngọc Thắng là bấu chặt lấy tác phẩm và con chữ vì “chữ bầu lên nhà văn”. Nhưng dường như ở anh còn có cái khả năng “thông linh”. Nghĩa là đôi khi sức hiểu đối tượng viết còn thông qua con đường của tâm linh. Nói thế có quá là đao to búa lớn? Nhất quyết là không. Bởi vì hơn ai hết tôi rất hiểu nhà thơ Lê Thành Nghị, anh là đồng môn, đồng nghiệp, đồng hương Hà Tĩnh thân thiết. Nhưng có lẽ tôi mới chỉ kính quý, kính trọng anh mà chưa có cái năng lực “thông linh” của Cao Ngọc Thắng, dẫu anh và Lê Thành Nghị bề ngoài có vẻ như “xa xôi” hơn so với quan hệ giữa tôi và thi sĩ miền gió Lào cát trắng.

Viết thế này là thấu cảm, thấu hiểu, thấu thị, thấu suốt đối tượng “Mật độ “cỏ” trong thơ Lê Thành Nghị quả thật rất dày. Ở bất kỳ vị trí quan sát nào, tâm trạng người thơ đều có góc nhìn phóng chiếu, quy nạp về với cỏ, cảm nhận tầm vóc của loài thân thảo thấp bé “nhoài” sát mặt đất, mà sức sống luôn báo hiệu những đổi thay có tính bản lề trong thiên nhiên, kích thích nhạy cảm của con người. Có một lời thề âm ỉ dọc cuộc đời, từ “thuở nằm chơi trên cỏ” cho tới  “giờ sắp nằm dưới cỏ” mà không sao/ không thể thực hiện được việc “đánh cắp của  thượng đế một ngôi sao” để tặng người con gái”. Viết như thế là lên đồng ngòi bút bình thơ của một người thơ cũng đã từng lên đồng câu chữ. Viết như thế là đồng sáng tạo. Việc bình văn thơ của các văn nhân đương thời như Lê Thành Nghị, Cao Ngọc Thắng nhiều lần viết về tố chất “nhạy cảm” của thi sĩ như là một biểu hiện của tài năng và tâm linh “Ông giấu cái tài hoa ấy trong những câu thơ trầm tĩnh, nhưng xao động ở nhịp khoan thai, ở độ rung của sự nhạy cảm”.

Tôi chợt nhớ đến thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo, người viết nhiều và hay về cỏ. Nhưng ấn tượng nhất vẫn là Triết lý cỏ: “Có lúc cồn cào đói khát tôi đã ăn đọt cỏ/ngỡ mùa xuân da thị tươi non/ có lúc cuồng si tôi đã ôm em lăn vào cỏ/ ngỡ thiên nhiên mãi mãi tuổi dậy thì/ có lúc tôi mơ thấy tôi chết vùi trong cỏ/ xanh miên man lời ru ngàn năm/cỏ ơi cỏ ơi cỏ ơi/ sao ở đâu lúc nào ta cũng gặp ngươi/ cỏ ơi cỏ ơi cỏ ơi/ ngươi là cỏ nghĩa là ngươi tồn tại”. Cũng không thể nói ai lãng mạn, ai hiện sinh hơn ai, Lê Thành Nghị hay Nguyễn Trọng Tạo?!

Vĩ thanh

Tôi muốn nói đến “giọng” phê bình của Cao Ngọc Thắng cả trong ba cuốn sách xuất bản gần đây của anh: Lý lẽ của trái tim (2020), Khoảnh khắc của cái đẹp (2022), Miền ký ức (2023). Về thể loại tác giả đều ghi cả ba là “ Bình luận và chân dung”. Nếu theo tử vi thì Cao Ngọc Thắng cầm tinh con Rắn (Quý Tỵ) nên là người lặng lẽ, nói ít làm nhiều, nhẫn nhịn nhưng không nhu nhược, mềm mỏng nhưng không yếu đuối, nhanh nhẹn nhưng không vội vã. Nếu nói “văn là người” thì trong trường hợp này rất sát hợp với Cao Ngọc Thắng. Mỗi trường hợp/ sự kiện văn chương hay rộng ra là nghệ thuật được trình hiện trên báo chí hay trong sách vở đều được tác giả ngẫm ngợi, suy xét thấu đáo, kỹ càng trước khi xuất bản. Đặc biệt anh giữ được sự cân bằng giữa lý trí và tình cảm khi viết, tránh rơi vào cực đoan. Nhưng không rơi vào trung dung. Trái lại có chủ kiến. Chủ kiến nhưng không bảo thủ, lập dị nên tạo được sự an nhiên của tâm cảm, tâm thế khi viết và tiết chế được câu chữ không rơi vào luận chiến, hay thậm chí “hỗn chiến”. Sống và viết đều có chừng mực là nét trội trong cá tính, tính cách và phẩm cách Cao Ngọc Thắng.

Bùi Tùng Ảnh

Tin liên quan

Tin mới nhất

Chuyện làng văn nghệ: Tôi viết thơ tặng “Phố Phái”

Chuyện làng văn nghệ: Tôi viết thơ tặng “Phố Phái”

Trong hành trình sáng tạo ngót nửa thế kỷ đến khi “khuất núi”, Họa sĩ Bùi Xuân Phái đã gắn đời mình vào với hội họa, trong đó có hàng trăm tranh phố cổ Hà Nội làm nên “phố Phái” nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Năm 1996, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật… Một giải thưởng Văn học Nghệ thuật mang tên Bùi Xuân Phái cũng được hình

Sống sót sau 8 ngày mắc kẹt giữa sông: Con người sống được bao lâu khi không ăn uống?

Sống sót sau 8 ngày mắc kẹt giữa sông: Con người sống được bao lâu khi không ăn uống?

Câu chuyện về anh Phan Minh Thắng, người được giải cứu sau 8 ngày mắc kẹt giữa nước lũ ở Gia Lai, đã khiến nhiều người ngỡ ngàng về khả năng sống sót thần kì của con người. Thế giới cũng có những trường hợp sống sót trong tình cảnh tương tự, thậm chí với thời gian lên đến 1-2 tháng. Từ các trường hợp đó, chuyên gia chỉ ra 2 yếu tố quan trọng giúp giành giật sự sống trong tình