Một chuyến xuất ngoại cùng nhà thơ Bằng Việt (Một hình dung nhà văn tuổi Tỵ)

Có những chuyện bây giờ mới kể theo tinh thần ôn cố tri tân.

“Ăn cơm mới nói chuyện cũ”

Hội Nhà văn Việt Nam vừa ký kết với Viện Văn học Pakistan một Biên bản ghi nhớ quan hệ song phương hai tổ chức văn học của hai quốc gia cùng châu lục. Tại buổi lễ ký kết, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trong lời phát biểu đã nhấn mạnh “Văn học là bộ hồ sơ quan trọng nhất và tin cậy nhất về những vẻ đẹp lương tri và khát vọng chân chính của một dân tộc”. Chợt nhớ một kỷ niệm đong đầy ký ức về chuyến đi Pakistan cùng nhà thơ Bằng Việt dự Hội thảo “Hội nghị nhà văn Quốc tế” do Hội nhà văn Á - Phi - Mỹ Latinh tổ chức tại Islamabad (Thủ đô Cộng hòa Hồi giáo Pakistan) với chủ đề “Điểm gặp thẩm mỹ giữa quá khứ và hiện tại”.

Đoàn nhà văn Việt Nam gồm nhà thơ Bằng Việt (Trưởng đoàn) và nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng (thành viên) lên đường dự hội thảo quốc tế (chuyến công du từ 20 đến 26/11/2019 trong một tâm thế vui vẻ tràn trề nhưng đong đầy ăm ắp hồi hộp, đón đợi những bất ngờ, không chỉ vì vấn đề chuyên môn, mà vì lần đầu có một đoàn nhà văn Việt Nam đặt chân đến lãnh thổ một quốc gia Cộng hòa Hồi giáo.

Một chuyến xuất ngoại cùng nhà thơ Bằng Việt (Một hình dung nhà văn tuổi Tỵ) - 1

Nhà thơ Bằng Việt và nhà văn Bùi Việt Thắng (thứ 2 và 3 từ trái qua) cũng đồng nghiệp trong hội thảo quốc tế tại Islamabad (Pakistan, 11-2019).

Phải nói đây thực sự là một miền đất, một không gian sinh tồn và văn hóa đầy những bí ẩn, khêu gợi trí tò mò của du khách và cũng biết trước rất khác nhau về văn hóa (khi văn hóa được quan niệm là cách ứng xử, cách sống cùng nhau).

Trước ngày khởi hành, Đại sứ quán nước bạn đã tổ chức cuộc gặp gỡ với đoàn nhà văn Việt Nam (với sự trợ lực của nhà văn Kiều Bích Hậu công tác ở Ban Đối ngoại của Hội Nhà văn Việt Nam, rất thông thạo tiếng Anh). Lịch trình chuyến đi đặc biệt thú vị này và những câu chuyện mắt thấy tai nghe trên đất nước Cộng hòa Hồi giáo Pakistan, khúc xạ chủ yếu ở không gian - thời gian thủ đô Islamabad, tôi đã viết trong bài báo Ấn tượng Islamabad (Những sắc màu Pakistan) đăng trên báo Phụ nữ Thủ đô số Tết Canh Tý (2020).

Đi một ngày đàng học một sàng khôn

Sự biết và hiểu của tôi về nhà thơ Bằng Việt từ đầu cũng chỉ dựa vào sách Nhà văn Việt Nam hiện đại (qua 5 lần xuất bản). Những thông tin hành chính toát yếu về một nhà thơ tài danh thế hệ chống Mỹ: Quê quán Hà Tây quê lụa. Tuổi Tân Tỵ (sinh 1941). Từng học Luật ở Liên Xô trước đây. Nhưng một “cú nhảy thẳng đứng ngoạn mục” đã biến Bằng Việt từ một luật gia tương lai thành thi sĩ suốt 60 năm qua. Thi sĩ cũng đã từng dính dáng đến quan lộ, quan chức, nghị trường đâu đó ít nhiều. Nhưng tuyệt nhiên không để lại dấu ấn quan trọng hay sâu sắc với người khác bằng dấu ấn thi ca.

Trước chuyến đi công tác đến Pakistan, quan hệ giữa tôi với nhà thơ Bằng Việt, phải nói ngay không thân nhưng không sơ. Tâm cảm của tôi với người anh đồng nghiệp văn chương ở mức “kính nhi viễn chi”. Cái thời sinh viên ngây ngô, cánh lính mới (năm thứ nhất) Đại học Tổng hợp khoa văn chúng tôi hay ngâm nga những câu thơ hay đến thảng thốt của Bằng Việt, kiểu như “Ta đã lớn. Và Pauxtốpxki đã chết!” hoặc “Nhưng không phải thế đâu, không phải thế đâu, cuộc đời không phải thế!”. Đại loại như thế và lấy làm tâm đắc.

Trong hội nghị, nhà thơ Bằng Việt trình bày tham luận Những giá trị nhân văn bền vững trong quá trình đổi mới văn học của mình bằng tiếng Anh khá suôn sẻ. Năng khiếu ngoại ngữ của nhà thơ Bằng Việt rõ là vượt trội so với các nhà văn cùng thế hệ 4X. Nói thế là có bằng cớ khi sang Pakistan dự Hội thảo, gặp các nhà văn châu Phi nói tiếng Pháp, ông cũng giao tiếp một cách tự tin. Tiếng Nga thì hẳn ông thành thục vì được học cẩn thận và công phu từ hồi sinh viên trai trẻ ở Liên bang Xô Viết - nơi tiếng Nga được gọi là “Tiếng của Lênin”.

Một chi tiết khiến tôi nhớ lâu chính là hôm ông Phó Đại sứ Sứ quán Pakistan tiếp đoàn nhà văn Việt Nam trước lúc lên đường, khi biết ông ấy trước đây từng du học ở Liên Xô, nhà thơ Bằng Việt không bỏ lỡ cơ hội dù thời gian ngắn ngủi chia sẻ những kỷ niệm về xứ sở của mùa thu vàng và tuyết trắng đặc sắc, về con người Nga ham đọc sách, tính tình đôn hậu, nhân ái và rộng lượng.

Nhưng đã là nhà thơ thì phải giỏi tiếng mẹ đẻ. Ở đây là tiếng Việt. Đọc thơ Bằng Việt qua các thi phẩm Hương cây - Bếp lửa (in chung với Lưu Quang Vũ), Những gương mặt, những khoảng trời; Đất sau mưa; Khoảng cách giữa lời; Cát sáng; Phía nửa mặt trăng chìm; Ném câu thơ vào gió; Thơ Bằng Việt (Tuyển 40 năm); Thơ Bằng Việt (Tuyển 60 năm)... độc giả và giới phê bình.nhận ra lao động chữ nghĩa thơ của thi sĩ rất công phu bởi “chữ bầu lên nhà thơ”. Chữ thơ Bằng Việt vừa lấp lánh trí tuệ vừa nồng ấm tình cảm, kiểu như Tình yêu và báo động, Bếp lửa (những thi phẩm được đánh giá đặc trưng ngôn ngữ thơ Bằng Việt).

Qua chữ thơ chúng ta nhận ra phong cách thơ Bằng Việt, nếu có thể nói, được viết gọn trong những chữ sau “đốt cháy trái tim đến thành trí tuệ, đốt cháy trí tuệ đến thành trái tim”. Nói đến nhà thơ Bằng Việt là nói đến một dịch giả thơ có uy tín và thành tựu. Thi sĩ đã dày công dịch thơ của các nhà thơ nổi danh thế giới thời cổ điển đến hiện đại từ Pushkin, Lermôntôp đến Éptusenkô, Yannis Ritsos, Pablo Neruda và nhiều tác giả khác in trong Tuyển thơ trữ tình thế giới thế kỷ 20,... Nhà thơ Bằng Việt đã vinh dự nhận Giải Nhất Văn học nghệ thuật Hà Nội, năm 1967; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, năm 2002; Giải thưởng văn học ASEAN, năm 2003; Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, năm 2001.

“Một người bạn bằng vạn quan tiền”

Trong chuyến công du/công tác một tuần lễ đến Pakistan, tôi phải thừa nhận mình may mắn được đồng hành cùng nhà thơ Bằng Việt khi vào ra sân bay, làm thủ tục xuất nhập cảnh và xử lý các tình huống ngoài kịch bản. Thi sỹ rõ là người từng trải, có một kho kinh nghiệm phong phú của những chuyến đi ra ngoài biên giới kể từ hồi còn là sinh viên Luật ở Liên Xô trước đây. Sau này ở những cương vị công tác nhỏ to khác nhau ông cũng từng xách vali đi nhiều nước trên thế giới thuộc các châu lục khác nhau. “Đi một ngày đàng học một sàng khôn như cổ nhân chỉ giáo thật là chí lý. Tôi cũng có may mắn được du học ở Liên Xô hai năm trong vai thực tập sinh tại Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcơva mang tên Lômônôxốp thời Xô Viết thoái trào. Sau này cũng tự túc đi du lịch được vài ba nước châu Á, hẳn kinh nghiệm cọ xát tiếp xúc còn non và mỏng. Nên khi nhận giấy mời đi Pakistan dự Hội thảo Quốc tế cùng nhà thơ Bằng Việt tôi yên tâm hoàn toàn. Nghĩ mình có thể dựa dẫm nhiều. Mà thực tế đúng thế thật.

Mới gần đây gặp thi sỹ ở một sự kiện văn hóa, văn học nghệ thuật tại thủ đô Hà Nội, tôi ngạc nhiên về sự dẻo dai sức lực và sự minh mẫn của trí tuệ của một “ông lão” ngoài tám mươi tuổi. Nếu có ai mời thi sĩ thưởng thức bia hơi Hà Nội thì ông vẫn sẵn sàng nâng cốc không theo cách chiếu lệ. Trái lại đầy hứng thú và say mê văn hóa ẩm thực đất kinh kỳ, bền bỉ chia sẻ và sẵn sàng tung hứng cùng văn hữu dù thân hay sơ không phải theo cách giao đãi thường thấy mà thực sự hết mình. Những lúc ấy tôi chợt nhận ra chất đàn ông của thi sĩ. Sống hết mình, làm thơ (và dịch thơ hết mình). Ấy là Bằng Việt.

Người ta nói, theo tử vi, tuổi Tân Tỵ (1941) ăn vào can “Tân” nên “Tân biến vi toan”. Nhưng theo cảm nhận của riêng tôi, thì nhà thơ Bằng Việt không có cái vẻ của một người hay “toan” (lo toan, tính toan). Trái lại số phận dường như sắp đặt, mặc định, khắc chế. Cứ như thể mọi chuyện khó dễ, vui buồn, được mất, thành bại đến với ông cứ tự nhiên nhi nhiên theo tinh thần/ triết lý “thuận thiên” (hợp lẽ tự nhiên). Nên thi sĩ trẻ lâu (hay là già chậm như cách cánh trẻ hay tếu táo nói) so với tuổi (Xuân Ất Tỵ 2025 này ông  tròn vành vạnh 85 tuổi ta/ tuổi mụ).

Miếng trầu là đầu câu chuyện. Bây giờ ít ai mời trầu nhau. Vậy nên nhân dịp năm mới, xin được hầu chuyện các thượng đế vài ba mẩu chuyện vui vui về một nhà văn tuổi Tân Tỵ - thi sỹ Bằng Việt, Công dân ưu tú Thủ đô năm 2013, tác giả bài thơ Bếp lửa được đưa vào SGK Ngữ văn 8, bộ Kết nối tri thức và SGK Ngữ văn 9, bộ Chân trời sáng tạo.

“Càng gần nhà thơ Bằng Việt, tôi càng mến phục bởi tính cách lịch lãm, bặt thiệp, tinh tế và linh hoạt của một con người trước hết tử tế, thông tuệ và đáng tin cậy. Thi nhân làm thơ như một sự tự nguyện, sự thôi thúc của nội tâm, không thể không viết. Và sống cũng tự nguyện theo tiếng gọi của trái tim, theo hẳn lý lẽ của trái tim. Hiếm thay!

Bùi Việt Thắng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Ông Donald Trump khơi mào cuộc chiến thuế quan mới: Điều gì đang chờ đợi kinh tế Mỹ và thế giới?

Ông Donald Trump khơi mào cuộc chiến thuế quan mới: Điều gì đang chờ đợi kinh tế Mỹ và thế giới?

Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị khởi động một loạt chính sách thuế quan mới, áp mức thuế cao đối với hàng nhập khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc. Quyết định này có thể làm thay đổi đáng kể cán cân thương mại toàn cầu, thử thách nền kinh tế Mỹ và gây ra những phản ứng mạnh mẽ từ các đối tác thương mại.