Mục tiêu kép của xây dựng hệ giá trị văn học nghệ thuật Việt Nam

Xây dựng hệ giá trị văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam được các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ đánh giá là điều cần thiết để thực hiện hai mục tiêu: Định hướng để nghệ sĩ sáng tạo thêm nhiều tác phẩm chất lượng; là cơ sở để phê phán, đấu tranh với những khuynh hướng sáng tạo lệch lạc, phản nhân văn, phi nhân tính, giật gân, câu khách.

Đi tìm giá trị riêng cho văn học nghệ thuật

Hệ giá trị hiểu ngắn gọn là các chuẩn mực thể hiện niềm tin, mục tiêu... trong đời sống con người. Hệ giá trị có thể tìm thấy trong khẩu hiệu của một quốc gia (nước Pháp là “Tự do, bình đẳng, bác ái”) cho đến slogan của một công ty.

Ở nước ta, lĩnh vực VHNT chưa có một hệ giá trị riêng, mà thường được áp dụng từ các hệ giá trị văn hóa. Sớm nhất là hệ giá trị “dân tộc, khoa học, đại chúng” được nêu trong Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943; tiếp theo, Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII năm 1998 tiếp tục chủ trương xây dựng nền văn hóa “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thành đề tài cấp Nhà nước “Hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” và đang kiến nghị đưa vào thực tiễn. Phương án ưu tiên của hệ giá trị văn hóa Việt Nam là "Dân tộc, dân chủ, nhân văn và pháp quyền"; hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam là "Yêu nước, sáng tạo, trách nhiệm, kỷ cương".

GS, TS Hồ Sỹ Quý (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho rằng: “Xây dựng hệ giá trị ở bất cứ lĩnh vực nào cũng là một việc khó, riêng với VHNT càng khó hơn vì đây là lĩnh vực đặc biệt tinh tế, khó nắm bắt. Tôi cho rằng, trong việc xây dựng hệ giá trị VHNT, một mặt cần bao gồm những giá trị phản ánh được lý tưởng, niềm tin, kỳ vọng và nguyên tắc hoạt động; mặt khác tạo hành lang cởi mở cho sự phản ánh các giá trị đích thực của xã hội và của đời sống văn nghệ hiện nay-các giá trị ngầm định, đang âm thầm và mãnh liệt chảy trong đời sống xã hội”.

Mục tiêu kép của xây dựng hệ giá trị văn học nghệ thuật Việt Nam - 1
Các nhà văn tham quan, học tập tại Bảo tàng Văn học Việt Nam.

Một trong những khó khăn đặt ra để xây dựng hệ giá trị VHNT hiện nay là có nhiều quan điểm khác nhau đan xen, chưa thể xác định rõ giá trị. Chẳng hạn, với các tác phẩm VHNT ăn khách như những bộ phim: “Hai Phượng”, “Em chưa 18”, “Tiệc trăng máu”... thì đánh giá giá trị tác phẩm như thế nào? Hiển nhiên là nếu tác phẩm vô giá trị thì không thể thu hút người dân đến xem để bộ phim thu về hàng trăm tỷ đồng. Nhưng việc phim bán nhiều vé có phải là tiêu chí quan trọng để đánh giá giá trị tác phẩm không? Các yếu tố về nghệ thuật, nhân văn... sẽ được xem xét đầu tiên để đánh giá giá trị tác phẩm hay chỉ là yếu tố phụ trong thời buổi đẩy mạnh công nghiệp văn hóa? Rõ ràng, VHNT cần có những hệ giá trị riêng, mang tính cụ thể, có tính chất định hướng, dẫn đường trong giai đoạn mới.

Cốt lõi là nâng tầm chất lượng tác phẩm

Công chúng vẫn đang chờ đợi những tác phẩm đỉnh cao xứng tầm với lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam; vượt ra ngoài biên giới quốc gia, có tầm nhân loại, trở thành niềm tự hào của đất nước; trong đời sống VHNT lại xuất hiện không ít tác phẩm lệch chuẩn, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, thiên về thương mại hóa... Có thể kể đến những tác phẩm văn học ngôn tình, các bài hát có lời ca dung tục, những bộ phim có nhiều hình ảnh bạo lực, tình dục quá đà... Không dễ để phê phán những hiện tượng tiêu cực này bởi một số văn nghệ sĩ cho rằng họ có quyền tự do sáng tác, miễn là không vi phạm pháp luật, không cần "gạn đục khơi trong" mà đời sống như thế nào cứ phản ánh y nguyên, thế mới là bám sát đời sống. Đó là chưa kể một bộ phận công chúng thích mới lạ, cổ xúy cái mới thiếu kiến thức và chính kiến.

Trong tương lai, khi ra đời một hệ giá trị VHNT đồng nghĩa có một công cụ để điều chỉnh, làm cơ sở để phê phán những sáng tạo phản nhân văn, không có lợi cho xây dựng văn hóa hiện nay. Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Nhật Minh kiến nghị: “Để tránh tình trạng thiếu chuẩn mực, hỗn loạn trong đánh giá các hoạt động nghệ thuật, cần xác lập hệ giá trị cụ thể. Cần đẩy mạnh hoạt động lý luận phê bình VHNT, coi đó là lĩnh vực mũi nhọn, đấu tranh trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Đồng thời nên đưa giáo dục mỹ học vào các cấp học của chương trình phổ thông và đại học bên cạnh các môn văn hóa khác”.

Mấu chốt để nâng cao vị thế VHNT trong đời sống vẫn phải quy về chất lượng tác phẩm. Trong đó, vai trò của chủ thể sáng tạo là đội ngũ văn nghệ sĩ vẫn là quan trọng nhất. Một số ý kiến cho rằng, xây dựng hệ giá trị VHNT cần nêu cao trách nhiệm sáng tạo của văn nghệ sĩ. Văn nghệ sĩ trước hết là công dân, không thể nào nhân danh cái tôi sáng tạo cá nhân gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng. Đồng thời, bên cạnh xây dựng hệ giá trị, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách để hỗ trợ, quan tâm văn nghệ sĩ sáng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật chất lượng.

Theo QĐND

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đờn ca tài tử, tiếng lòng người Nam Bộ

Đờn ca tài tử, tiếng lòng người Nam Bộ

LTS: Ngày 5 tháng 12 năm 2013, Tổ chức UNESCO công nhận đờn ca tài tử Nam Bộ Việt Nam là “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”. Đây là bộ môn nghệ thuật ca nhạc đầu tiên của Nam Bộ được vinh danh cấp quốc tế. Như vậy ở cả ba miền của đất nước ta loại hình nghệ thuật tiêu biểu của mỗi vùng đã trở thành tài sản chung của thế giới. Với miền Bắc là ca trù, miền trung là n

Montmartre - ngọn đồi thơ mộng của các nghệ sĩ

Montmartre - ngọn đồi thơ mộng của các nghệ sĩ

Không phải ngẫu nhiên mà người ta cho rằng nước Pháp quyến rũ hơn những quốc gia khác. Đặc biệt là Paris được mệnh danh là thành phố của kiến trúc, nghệ thuật, thủ đô hoa lệ, kinh đô của ánh sáng... Ai đó đã đến Paris chắc chắn phải ghé thăm, tìm hiểu về những công trình kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng đã từng được biết đến nhiều qua sách báo, truyền hình như: Tháp Eiffel, Nhà t