Năng lượng thơ của một hồn thơ nơi “Miền hoa phượng” đỏ

Có lẽ đã gần ba chục năm, tôi gặp và kết thân với nhà báo, luật gia Nguyễn Văn Mạnh. Ở nhiều cuộc hội ngộ mà chuyến đi không dễ quên với nhiều kỷ niệm. Ngày ấy, Nguyễn Văn Mạnh mới ngoài ba mươi, đang trẻ, đẹp, thông minh và hóm. Người trai đất Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) này đang say mê với sự nghiệp báo chí. Say mê với những trang viết giàu lượng thông tin, giàu khả năng phát hiện, khám phá. Giàu có những vấn đề được gợi mở, giàu thông điệp, được xã hội, công chúng quan tâm. Tôi nhớ trong những cuộc trò chuyện, thi thoảng Nguyễn Văn Mạnh thường hứng lên, đá đưa đọc đôi ba câu thơ anh viết. Lúc ấy, với thơ, tôi coi anh như một "kiểu ngoại tình".

Nhưng đã đi qua đời lính, qua hàng chục năm cầm bút, làm một nhà báo, tôi biết, Nguyễn Văn Mạnh trong lặng thầm, anh đang cất dấu một tâm hồn thi sĩ. Cất giấu một ngọn gió, một hạt phù sa trong dòng chảy thi ca. Nhưng đấy là những gì trong lặng lẽ, trong cái chỉ riêng mình anh biết. Để rồi, sau này, sau thời gian dài, xa anh, tôi bỗng ngỡ ngàng khi gặp tên anh rải rác đó đây, dưới những bài thơ. Trong đôi ba cột báo xuất bản, trong một vài tập sách. Thì ra, “thơ Nguyễn Văn Mạnh... đã hiện diện, đăng đàn trên diễn đàn thơ ca rộng lớn.

Năng lượng thơ của một hồn thơ nơi “Miền hoa phượng” đỏ - 1

Lễ ra mắt tập thơ "Miền hoa phượng" của Nhà báo, Luật gia Nguyễn Văn Mạnh

Điều khẳng định đầu tiên, Nguyễn Văn Mạnh được ông trời phú cho một tâm hồn thi sĩ. Tâm hồn dễ vang động, ngân rung. Tâm hồn là những gì, khi cái bên ngoài “Vạn vật là nó. Nó đang là thế này, là thế kia...”. Nhưng khi bước vào hồn anh, bước vào thơ anh, tất cả đã biến ảo, tất cả đã hóa thành “Nó không còn là Nó. Mà nó đã khác nó. Đã hóa thành cái như - thế - nào rồi”.

Ví như “Trăng lên mắc ngọn cành tre” hay: “Trên những mảnh vai gầy/ Chùm sao bạc nở dần trong sương khói...” hay: "Lòng thảng thốt nghe mơ hồ hơi nắng hạ/ Hồn hoa/ đã hóa mây bông...” và:  “Sương như lưới giăng mùng tình tứ/  Ta/ hóa con nai/ vướng sợi tơ trời ...”.

Là thế. Người làm thơ đi giữa ba dòng thiên – địa – nhân. Thơ là độc thoại mà người viết tìm được từ những gì đối thoại. Là điều hệ trọng đệ nhất, là cái ảo, cái “hoài nghi” từ hiện thực sương khói “ngoài – ta,” mà chỉ có ta, mới phát hiện. Chỉ ta mới thấy được. Chỉ có ta, qua thần cú, thần tự mới gọi về một thế giới “động.” Thế giới thứ hai của thế giới khách thể quanh mình. Nếu không, với thơ, gió chỉ là gió. Mây chỉ là mây như nó. Buồn vui chỉ là buồn vui như chính nó thế kia. Thì thơ đâu còn là thơ, của nghệ thuật tuyệt vời, thần diệu.... 

Tôi thường đọc thơ của các nhà thơ khi họ đã hình thành những tập sách trong tập hợp, chọn lựa. Tôi đọc và không nhằm vào việc khen hay chê. Không nhằm xem họ viết về cái gì mà, điều tôi quan tâm nhiều hơn là: Tác giả này có “gương mặt” hay không? Thơ họ là gì? Thơ mở từ nguồn nào? Thơ đi từ sức cháy nào? Thơ với những diện mạo, sắc thái riêng gì...

Năng lượng thơ của một hồn thơ nơi “Miền hoa phượng” đỏ - 2

Tập thơ Miền hoa phượng”

Đọc “Miền hoa phượng” của Nguyễn Văn Mạnh, trong cái bộn bề cảm xúc, bộn bề thi liệu, điều dễ thấy ở tập thơ là khả năng ôm trùm ngoại giới. Thơ đi từ cái rộng, những mong, người viết sẽ tìm được cái rộng nào đó hơn thế ở phía sau cái “gặp”, cái “thấy”, cái “nhìn”.

“Miền hoa phượng” không có những bài thơ với kết cấu lạ, ở cách tách nẩy, cách lập tứ, cách chớp bắt những "khoảnh khắc" thơ "vụt sáng".

Với lối mô tả, tái tạo, vận hành, thơ gọi nhau, gối nhau, dồn đẩy nhau... trên dòng trôi tìm kiếm. Nguyễn Văn Mạnh thường trông chờ ở phút nước rút. Phút bến bờ khép lại. Phút tất cả ngôn thi, hình thi được dồn lên tiếng vọng cuối cùng, đặng, làm nên "cái đế" cho bài thơ trụ vững. Đấy là "điểm sáng, là "tứ thơ", là điều nhà thơ muốn gửi gắm.

Và như thế. Sau bài thơ “Ký ức Trường Sơn” điều người viết thêm những "lần mở mắt" ở cái ngộ, cái biết thế này: "Những gương mặt Nga đầy thánh thiện/ Đã cùng tôi xẻ dọc Trường Sơn". Hoặc, đứng trước “Tiếng quê” thì: "Lật tìm những tên xóm, tên người, tên dất cũ/  Nhận được một mảnh hồn / - Xa xứ - Chẳng xa quê"... Hoặc, điều sâu sắc qua suy tư, trước những “Ánh mắt trẻ thơ trên cát vạn chài”. Ở đây, câu tự vấn khép lại là khoảng sáng thức dậy trong tự thức: "Những ánh mắt trong veo soi vào tôi/ Mà tôi thì quá nhỏ/ Khi lòng dâng bão - tố trùng trùng ....".

Trên dòng trôi của lối tự sự, trực tả. Trên nền đi là bám vào cái “rộng”. Đánh thức và lật tìm cái “rộng”. Ở “Miền hoa phượng”, Nguyễn văn Mạnh thường đằm mình vào thế giới hiện thực. Anh ít khi tách mình ra khỏi đại giác. Ít khi tự vùi mình vào chính mình, để chỉ nghe tiếng riêng mình, nơi sâu thẳm hồn mình, trong tiếng lòng “Độc thoại”.

Đôi bài như: “Vàng và cát”, “Đánh mất”, “Hồn quê”... thì nét trội vượt của thi pháp thơ Nguyễn Văn Mạnh vẫn không phải là: Tất cả ngoại giới được thắp sáng, được gọi về, được hiện lên từ nội tâm sâu khuất. Mà, cái “ngẫm”, cái “suy” với cái “tình” ta có được đều phát lộ, đều lấp lánh từ “cảnh”, từ sự với cái “tình” trước bao nhiêu liên tưởng, cảm rung. Với thơ, trong cái “cảm”, cái “nghĩ”, tôi vẫn ngưỡng vọng và đề cao sức rung, sức cảm mãnh liệt của tâm hồn thi nhân. Bởi, cái “cảm” dễ "động hơn", cái “cảm” dễ loang thấm hơn, dễ tạo nên sức chảy dài vô tận trong vệt loang chính nó. Còn cái “nghĩ” dễ “tĩnh”, dễ cứng khô.

Có số ít người viết bây giờ, họ chỉ đề cao một thứ "hình thức." Mà cái hình thức lại chỉ là một thứ "giọng điệu". Giọng điệu của thơ nói, thơ kể, thơ trần tình, thơ thuyết giải. Thơ mà người viết “nhảy bổ” vào thơ mà gào, mà thét. Thơ không hình ảnh, hình tượng khái quát, cô đặc, điển hình, thơ không ám ảnh sẽ chỉ trơ ra bộ xương khô xác. Thơ không da thịt, vía hồn. Thơ không làm nên bùa mê, quyến rũ, găm sâu nơi góc hồn người đọc...

Vâng. Quá trình cách tân, đổi mới, thơ phải khác, phải mới, phải thoát ra khỏi nó, phải thời thượng, phải gì gì nữa... Nhưng thiết nghĩ, điều hệ trọng muôn đời của thơ đích thực, thơ hữu ích, là thơ phải tới được cái bến bờ là thơ phải hay. Thơ có cái hay ở mỗi khía cạnh của nó, thơ lại có cái tuyệt vời hơn ở cái hay của sự toàn bích, toàn bài. Từ cảm xúc. Nghĩ suy, vần điệu, ngôn ngữ, kết cấu, thi ảnh, thi liệu... Rồi, cái bao trùm lớn nữa là yếu tố: "Tâm thi". Một giọng điệu thơ, mới chỉ là một khía cạnh nhỏ trong tổng thể các yếu tố đòi hỏi của thơ trong giây phút thăng hoa, phát sáng trong lao động, sáng tạo trên mỗi trang viết của nhà văn.

Đọc “Miền hoa phượng” của Nguyễn Văn Mạnh, bạn đọc yêu cái chất trữ tình, thi sĩ của thơ anh. Yêu cái bức tranh bộn bề với nhiều dáng vẻ của cuộc đời thường nhật. Yêu cái vía hồn người viết, dễ thấy được, nắm cầm được, cảm thấm được cái mê đắm, đượm nồng, cái “tình” của người cầm bút. Yêu những câu thơ vững. Những câu thơ đã vươn tới, đã trụ về bến bờ của cái hay, cái đẹp khi hình ảnh đời sống bước vào hình ảnh thi ca, nó đã có được một sức đẩy, sức cất cánh, sức bay bổng rất xa từ hiện thực đến những gì là biến ảo, là hoài nghi của hiện thực ngắm nhìn.

Xin chúc mừng Nguyễn Văn Mạnh với những thành công có được ở “Miền hoa phượng”. Ở chặng đường đầu, trong lao động sáng tạo nghệ thuật thi ca. Ở Bến bờ này, tiếp bước cho anh lại tiếp tục nối dài tới bến - bờ - dài - xa phía trước mà anh đang hẹn đợi.

(Đọc “Miền hoa phượng” của Nguyễn Văn Mạnh - NXB Văn học, 2022)

Kim Chuông

Tin liên quan

Tin mới nhất